HTX đi lên từ Hội quán
Từ khi có cây cầu Cao Lãnh bắc qua sông Tiền nối liền các huyện Châu Thành, Lai Vung, Lấp Vò, Sa Đéc sang TP Cao Lãnh (Đồng Tháp), đã giúp nông dân ở vựa xoài xã Tịnh Thới (TP Cao Lãnh) làm ăn gặp rất nhiều thuận lợi. Xoài Tịnh Thới đã được xuất khẩu sang nhiều thị trường khó tính trên thế giới với số lượng lớn.
HTX Dịch vụ nông nghiệp Tịnh Thới (HTX Tịnh Thới) cách TP Cao Lãnh chưa đầy 2,5km. Sau cú điện thoại hẹn nhau, Giám đốc HTX, anh Võ Tấn Bảo tuy rất bận rộn những ngày cuối năm do phải đi thu gom xoài nhiều nơi nhưng vẫn nhiệt tình, niềm nở tiếp chúng tôi. Trụ sở HTX có mái tôn màu xanh khá hiện đại vừa xây xong. Có lẽ, trụ sở HTX này là trụ sở làm việc, có nhà xưởng khá hiện đại bật nhất trong số các HTX ở tỉnh Đồng Tháp mà chúng tôi từng đến.
Vị giám đốc HTX cười hiền, nói: “Trụ sở HTX mới và hiện đại có được như ngày hôm nay không phải dễ, mà chúng tôi phải trải qua một quá trình dài, làm đủ các thủ tục đi tới lui mới được có kinh phí hỗ trợ từ nhà nước để xây dựng. HTX Tịnh Thới được nhà nước cấp đất 2.900m2, phần đất xây dựng trụ sở hơn 1.000m2 và được hỗ trợ khoảng 90% kinh phí xây dựng, số tiền còn lại HTX tự bỏ ra, hoàn thành trụ sở phải tốn hơn 2,2 tỷ đồng”.
Để có HTX Tịnh Thới hoạt động bài bản và mang lại hiệu quả như ngày hôm nay là nhờ sự phấn đấu, học hỏi không biết mệt mỏi của Ban lãnh đạo HTX cùng với các xã viên. Anh Bảo kể, trước đây được sự hỗ trợ từ ngành chức năng, chính quyền địa phương cho thành lập đầu tiên 2 hội quán, đó là Đồng Tâm Hội quán và Thịnh Hưng Hội quán với mục đích tập hợp các nông dân tại địa phương ngồi lại với nhau vào một ngày giữa tháng thường kỳ để sinh hoạt, trao đổi về kiến thức, kỹ thuật mới về cách chăm sóc trồng xoài và tìm đầu ra cho sản phẩm.
Hội quán thành lập, thu hút ban đầu 30 - 40 nông dân, rồi tăng dần lên 70 - 80 nông dân và thời điểm nông dân tham gia cao nhất là 106, chính vì vậy dần dần các thành viên trong Hội quán có ý tưởng hình thành HTX Tịnh Thới, và HTX đã ra đời vào năm 2018 với 156 thành viên (trong đó thành viên Hội quán 95%), với vốn góp ban đầu trên 624 triệu đồng.
Năm 2018, khi HTX mới thành lập, đa phần nông dân ở đây đều lớn tuổi, chưa qua đào tạo về Luật HTX, thời điểm đó anh Bảo đang giữ chức Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Tịnh Thới và có bằng đại học. Người trẻ có năng lực, cộng thêm tâm quyết với nông nghiệp nên các lão nông trong Hội quán bầu Bảo lên làm Giám đốc HTX, lúc đó anh mới 35 tuổi.
Tuy giữ 2 chức vụ song song nhưng anh Bảo vẫn luôn cháy bỏng trong lòng và hãnh diện vì là người con của vùng lúa, vùng xoài quê hương Tịnh Thới nên anh quyết tâm làm hết mình làm "đầu tàu" để HTX phát triển theo con đường làm ăn liên kết bền vững và thành công trong lĩnh vực trồng xoài như ngày hôm nay.
"Bắt tay" với nhiều doanh nghiệp lớn
Toàn xã Tịnh Thới hiện có diện tích đất nông nghiệp 1.144ha, trong đó diện tích trồng xoài chiếm gần 1.100ha, được xem là vùng xoài lớn thứ 2 về diện tích trong tỉnh. Sản lượng xoài cung ứng cho thị trường hàng năm trên 10.000 tấn, trong đó xoài Cát Chu chiếm 90% diện tích, xoài Đài Loan chiếm 5% và xoài cát Hòa Lộc chiếm 5%.
Sau khi thành lập, HTX Tịnh Thới đã phối hợp với Viện Cây ăn quả miền Nam triển khai sản xuất 42ha xoài đủ điều kiện xuất khẩu (tiêu chuẩn VietGAP) sang các thị trường như Mỹ, Nga, Hà Lan, Malaysia, Hàn Quốc, Trung Quốc... Ngoài ra, HTX phối hợp với Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp TP Cao Lãnh thực hiện mô hình xoài rải vụ hàng trăm ha, liên kết với nhiều công ty sản xuất - kinh doanh phân bón, thuốc BVTV hữu cơ để cung cấp cho thành viên trả chậm trong 4 tháng không tính lãi. HTX còn liên kết với Trường Đại học Cần Thơ thực hiện mô hình sản xuất xoài theo hướng bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu gắn với hợp đồng tiêu thụ với diện tích gần 150ha.
Qua việc phối hợp với các viện, trường, công ty để xây dựng các mô hình sản xuất xoài an toàn, chất lượng cao, đã thu hút nhiều doanh nghiệp đến bao tiêu sản phẩm thường xuyên. Cụ thể, HTX ký hợp đồng tiêu thụ xoài loại 2 với Công ty TNHH Gò Đàng; hợp đồng với Công ty TNHH Cát Tường thu mua xoài loại 1 (bao vàng) với sản lượng 2 tấn/tuần; hợp đồng với HTX Công nghệ cao Mặt Trời Mọc huyện Củ Chi (TP.HCM) liên kết tiêu thụ xoài cho nông dân 11 tấn; ký liên kết tiêu thụ với Công ty Kim Nhung 138ha, Công ty TNHH Long Uyên 100ha; hợp đồng cung cấp xoài các loại cho chuỗi siêu thị Big C...
Để tiếp tục hỗ trợ các thành viên liên kết sản xuất và tiêu thụ, thời gian tới, HTX sẽ phối hợp với UBND xã xây dựng thêm nhà sơ chế đóng gói và trụ sở HTX để thuận tiện trong việc liên kết tiêu thụ. Đồng thời xúc tiến quảng bá hình ảnh HTX và sản phẩm của HTX thông qua website của đơn vị.
HTX cũng đang triển khai trồng xoài theo hướng hữu cơ, phối hợp với ngành chức năng thực hiện cấp mã vùng trồng xoài với diện tích 174ha và chuẩn bị cấp mã số cơ sở đóng gói để tạo điều kiện thuận lợi trong tiêu thụ. Tiếp tục thỏa thuận ký hợp đồng liên kết tiêu thụ xoài với nhiều doanh nghiệp trên địa bàn. Bên cạnh đó, tập trung nghiên cứu thị trường, áp dụng công nghệ số để tạo ra các sản phẩm chế biến sâu từ trái xoài.
Không "bỏ trứng vào một giỏ" trong tiêu thụ
Mới đây, 3 tấn xoài Cát Chu Cao Lãnh do HTX Tịnh Thới sản xuất và kết hợp cùng một doanh nghiệp trong tỉnh đã xuất sang thị trường châu Âu với giá xoài xuất khẩu là 11 - 13 EUR/kg.
Lô xoài 3 tấn dù không lớn, nhưng đó là lô hàng đầu tiên của năm 2022. Đặc biệt, qua lần liên kết xuất khẩu này, HTX tiếp tục mở rộng, đa dạng thị trường tiêu thụ, tránh phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc. Đây cũng là định hướng của HTX ngay từ khi thành lập.
Đồng Tháp đang có khoảng 14.000ha xoài, sản lượng trên 130.000 tấn/năm. Trong đó, riêng HTX Tịnh Thới có trên 1.100ha xoài với hơn 10 chủ vựa xoài, bình quân mỗi tháng xuất bán khoảng 600 tấn xoài. Điều đặc biệt nơi đây là xoài được trồng theo hình thức rải vụ nên cho trái quanh năm.
Để xuất khẩu được xoài sang châu Âu, HTX Tịnh Thới đã phải thay đổi mô hình sản xuất từ đơn lẻ sang ứng dụng khoa học công nghệ và liên kết với doanh nghiệp để sản xuất theo chuỗi. HTX cũng xúc tiến tìm kiếm, đa dạng thị trường tiêu thụ. Nỗ lực của HTX đến nay đã có những kết quả cụ thể. Khi cửa khẩu xuất sang Trung Quốc bị ùn tắc, năm 2021, HTX đã thực hiện liên kết để xuất khẩu xoài sang Mỹ, Malaysia và gần đây là sang thị trường châu Âu.
Lão nông Trần Văn Hỗ ở ấp Tân Thạnh Châu, xã Tịnh Thới năm nay 65 tuổi, nhưng vẫn canh tác gần 1ha xoài giống Cát Chu theo hướng hữu cơ, chuẩn bị thu hoạch. Ông nói chắc nịch: "Bây giờ nông dân trồng xoài không có liên kết với doanh nghiệp hay vào HTX làm ăn khó có lời lắm. Trước đây 1ha xoài của gia đình tôi trồng theo cách cũ năng suất tối đa chỉ 5 - 6 tấn, muốn bán cũng khó vì lúc đó chưa biết trồng xoài rải vụ mà đa phần cho xoài ra bông, trái tự nhiên theo mùa, khi chín bán xoài rất khó do bị đụng hàng vì nhà nhà ai cũng có xoài bán nên giá rẻ bèo".
Từ khi ông Hỗ vào sinh hoạt trong Hội quán và đồng thời xin vào tham gia HTX Tịnh Thới, mấy năm gần đây, việc canh tác xoài của ông năng suất tăng lên gấp đôi, đầu ra thuận lợi, lợi nhuận thu về hàng năm 400 - 500 triệu đồng.
Ông Lê Quang Cường, Phó Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Đồng Tháp tự hào rằng ở ĐBSCL, chưa có tỉnh nào làm được như Đồng Tháp với số Hội quán lên đến 116, gồm hơn 6.192 hội viên. Đến nay, đã có 30 HTX được thành lập từ 31 Hội quán (có 1 HTX được thành lập từ 2 Hội quán đó chính là HTX Tịnh Thới).
Hội quán ra đời với mục đích không có gì to lớn mà chủ yếu giúp nông dân tự nguyện đến với nhau lúc rảnh rỗi khi xong việc ruộng vườn để chia sẻ những điều tâm quyết đã làm được, cái chưa làm được và học hỏi nhau những khoa học kỹ thuật mới trong sản xuất nông nghiệp.
Đây cũng là nơi sinh hoạt đầy ý nghĩa, không có sự cạnh tranh, không có sự triệt tiêu mà cùng chung tay xây dựng để làm ăn vươn lên hiệu quả. Về truyền tải thông tin chính sách, khi thông qua các Hội quán sẽ nhanh hơn và thuận lợi để triển khai. Từ nền tảng đó, rất thuận lợi để xây dựng, phát triển thành lập lên HTX vì đây là con đường tuyên quyết, duy nhất để nông dân biết liên kết và phát triển trong sản xuất nông nghiệp theo hướng bền vững.