| Hotline: 0983.970.780

Đức Thần Kiêm trị thủy bộ toàn năng

Chủ Nhật 10/06/2012 , 10:12 (GMT+7)

Những câu chuyện thực hư về đền Trầm Một, xã Nam Thượng, huyện Nam Đàn, Nghệ An nhiều vô kể và càng làm cho ngôi đền thêm kỳ bí.

Vừa qua, tình cờ gặp Mại ở đền Trầm Một. Mại là một lái xe cự phách, từng suýt được phong anh hùng vì thành tích lái 100.000 km an toàn trên đường Trường Sơn. Quê Mại cũng bên dòng sông Lam, xã Nam Tân, bên dưới đền Trầm Một một quãng. Sau chiến tranh, Mại trở thành quan chức giao thông ở Bình Dương và nghỉ hưu nhưng thỉnh thoảng về quê vẫn ghé lễ đền như một thói quen.

>> Huyền bí núi Văn núi Võ
>> Giếng thiêng làng cổ
>> Rừng lim 800 năm của 12 dòng họ
>> Thần hộ mệnh làng Tiền
>> Cây dã hương và vận làng Dương Phạm

Đền Trầm Một ở xã Nam Thượng, huyện Nam Đàn, Nghệ An. Năm 2005, tai nạn bất ngờ đổ ụp xuống nhà ông HD ở làng Khả Lãm xã Nam Thượng, đứa con trai vào Sài Gòn làm ăn bỗng bị tai nạn giao thông thảm khốc. Cùng dịp đấy, một đứa khác đang yên lành ở quê bỗng phát ngây phát dại, chạy chữa mãi không được. Đến khi biết chuyện, người nhà bày biện lễ cúng xin thần Trầm Một tha cho và hoàn trả tiền mà 2 đứa đã lỡ cạy hòm công đức thì đứa phát bệnh tâm thần mới dần tỉnh lại.

Trước đó, năm 1986, ông Thảo cũng ở xã Nam Thượng, chạy bè từ Thanh Chương về bị nước lũ quấn vào vòng xoáy trước cửa đền, một đầu ghếch lên mỏm đá không làm sao ra được. Ông Thảo lên đền khấn vái xin thần cứu giúp. Hương chưa cháy hết thì bè gỗ của ông tự nhiên thoát ra được. Ông Thảo thấy ngon ăn quá thì cười: Con xin miễn tạ nhé, thần có giúp gì cho con đâu, đấy là nước tự đẩy ra đấy chứ. Không hiểu sao, chỉ giây lát sau, cứ tưởng bè gỗ ra được lạch chính thong dong về xuôi thì bất ngờ quay mũi trở lại vào vòng xoáy và bị nhấn chìm ngay lập tức. Ông Thảo may sao lại không bị cuốn theo bè.

Những câu chuyện thực hư như trên về đền Trầm Một nhiều vô kể và càng làm cho ngôi đền thêm kỳ bí. Ông Nguyễn Thúc Pháo, Chủ tịch UBND xã Nam Thượng cho biết: Không biết sự thể như thế nào nhưng dân chúng thì “rét” lắm, bởi “nhân chứng vật chứng đều là người thực việc thực còn đấy”.

Kể cũng lạ, những năm sau cải cách ruộng đất, tất cả các đình, chùa, miếu mạo ở xã Nam Thượng đều “hợp tự”, bị xóa sổ riêng ngôi đền bé tý, như tổ tò vò, thâm u bám vào vách đá bên dòng sông Lam thì không ai dám đụng. 


Đền Trầm Một

Năm 1968, chiến tranh phá hoại của Mỹ đang ác liệt, đoạn sông Lam chảy qua Khả Lãm trở thành một bến phà dã chiến nên không những thường xuyện bị bắn phá dữ dội mà còn bị phong tỏa bởi rất nhiều thủy lôi, bom từ trường. Để phá bom, chiều chiều bộ đội ta hay dùng chiếc ca nô chạy hết tốc lực để kích nổ bom. Những chiếc ca nô đấy được đưa về thượng lưu cất giấu trước khi trời sáng. Một lần, vào mùa lụt, giữa trưa, chiếc ca nô bị lở đất trôi về xuôi kéo theo chiếc mỏ neo. Khi ngang qua đền, chiếc mỏ neo vướng vào ghềnh đá và bị xoáy nước nuốt chìm. Quân khu 4 điều công binh về để trục vớt chiếc ca nô lên nhưng hễ thợ lặn nhảy xuống thì bị xoáy nước đẩy nhào lên, không tài nào xuống được mặc dù họ đã đeo hơn 40 kg chì vào chân nhái. Một giờ, hai giờ rồi nửa ngày trôi qua… chiếc ca nô vẫn nằm đâu đó giữa vùng nước xoáy. Cuối cùng vị tiểu đoàn trưởng cũng phải nghe dân thắp hương xin thần. Chỉ sau mấy phút, hai thợ lặn đã móc được 2 dây cáp vào chiếc ca nô ở độ sâu 37 mét.

Không ai biết đền được xây từ thời nào, họ tên thật của vị thần được thờ là gì, công trạng ra sao nhưng với người dân Nam Thượng thì rất linh thiêng và gần gũi. Xã Nam Thượng có 2 làng, Chi Cơ và Khả Lãm được ngăn cách bởi con sông Lam và con đường độc đạo duy nhất nối 2 làng là qua bến đò, nơi có vị thần Trầm Một trấn giữ. Bến đò cũng là nơi bắt đầu của ngõ vào đền. Ngõ chênh vênh men theo vách núi nơi có hàng lộc vừng cả mấy trăm năm tuổi, trước cửa đền có gốc mít to không biết tự đời nào. Những trưa hè, khách đợi đò được cây che bóng, được hơi nước sông Lam ve vuốt rồi chẳng mấy chốc giấc ngủ đã ập đến, chủ đò cứ phải lên đánh thức. Sông Lam vào mùa kiệt thì trong xanh, hiền hòa, nhưng vào mùa lũ thì ầm ào, nước thượng nguồn từ Lào, miền tây Nghệ An ở độ cao mấy trăm mét đua nhau chảy về xuôi như tên bắn. Khi đi qua ranh giới Thanh Chương và Nam Đàn, sông lại bị núi Đụn bắt uốn cong rối bất thình lình thúc vào ghềnh đá nhô ra sông ngay đến Trầm Một làm thành một vòng nước xoáy mà miệng xoáy lớn hơn cả mấy chiếc nong đại, nước cứ thi nhau đổ vào đấy ồ ồ như thể một lực siêu nhiên rót nước vào phễu. Ông Doãn, một cán bộ xã nghỉ hưu từng làm thủ đền nói dưới đấy có một hang ngầm lớn xuyên qua núi Đụn đổ ra trước cửa đền vua Mai Hắc Đế.

Cái hang ngầm thần bí kia chưa được ai xác nhận nhưng điều chắc chắn là vòng xoáy đã nuốt chửng không biết bao nhiêu bè, gỗ nứa. Chìm thì nhiều nhưng cấm bao giờ thấy nổi. Chẳng nhẽ hang thần tiêu hóa được. Có điều lạ là hang chỉ nuốt thuyền bè mà chưa bao giờ nuốt người. Năm 1978, lụt to ngập cả đền, một mảng nứa từ Thanh Chương lao về, trên mảng có một người kêu cứu đến não lòng nhưng nước xiết quá không một chiếc thuyền nào dám ra ứng cứu. Mảng bị đẩy vào vòng xoáy và bị nuốt ngay trong chớp mắt, nhưng người trên mảng lại lập cập bơi vào được, ôm chặt lấy gốc mít trước cửa đền.

Những năm thập kỷ 60 thế kỷ trước, cả xã Nam Thượng chỉ có duy nhất ngôi trường cấp 1. Mấy chục học sinh cấp 1 ở Khả Lãm ngày ngày sang học ở Chi Cơ và mấy chục học sinh cấp 2 ở Chi Cơ phải xuống học ở thị trấn Sa Nam, tất cả đều qua bến đò Trầm Một bằng một chiếc thuyền chèo tay do HTX tổ chức và trả công bằng điểm. Bất cứ cha mẹ nào ở Nam Thượng cũng dặn con “đò đầy chớ qua” nhưng đều bị bọn trẻ để ngoài tai vì thời gian cho một chuyến đò nước lụt ít nhất cũng phải nửa tiếng. Chiếc thuyền xô ra khỏi bến chòng chành một chùm sung người, len lén níu các cành cây lộc vừng men đến miệng xoáy. Cả mấy chục cái miệng học trò bỗng câm bặt. Cả mấy chục lỗ mũi ngưng thở.

Người đứng mũi cầm sào gồng người lên như một vận động viên nhảy sào. Hai, ba, chiếc sào bập vào mỏm đá xô mạnh cùng lúc với người cầm chèo lái “bát” đến cong oặt mái chèo, chiếc thuyền đột ngột chúi nhụi lao qua trên miệng phễu, nghiêng nghiêng như các chiếc xe máy chạy trong thùng quay thường thấy ở các rạp xiếc. Nước xô vào mạn, tràn qua be thuyền ào ào, Đã quen nên không có người nào nhấp nhỏm, mà dính vào thuyền như đóng đinh, tay nằm chặt be thuyền. Rồi. Không ai bảo ai, tất cả đều đồng thanh hô lên, thở phào, chiếc thuyền bị dòng nước bắn sang bờ bên kia trong tiếng cười nói của mấy chục con người.

Nguy hiểm là thế, sợ hãi là thế nhưng từ xửa xưa đến nay đã hàng ức vạn chuyến đò nhưng chưa có chuyến đò nào bị lật, bị chìm, chưa có một ai từ trẻ đến già bị chết đuối ở bến đò này mặc cho người chèo đò chỉ là nghiệp dư, do HTX cắt cử năm này người này, năm kia người khác. Ông Hoan, người Chi Cơ bị hoại tử cụt mất nửa bàn chân cũng có thời gian đảm nhận trọng trách này, cho biết: “Lúc đầu cũng sợ, nhưng tôi không đi làm ruộng được nên cũng đánh liều, nhưng lạ lắm, cứ mỗi khi thuyền qua xoáy thì như có ai đó nâng thuyền lên và đẩy đi, dần rồi cũng quen”. Ông Cu Vịnh, xóm 6, những năm đầu thập kỷ 60 còn là dân vạn chài, có 2 đúa con trai là Bằng và Sương bị thiểu năng trí tuệ, một đêm chèo thuyền qua xoáy để thả lưới, bất ngờ quai chèo đứt, Sương rớt ngay vào vòng xoáy. Không kịp suy nghĩ ông nhảy theo ôm được con rồi bám theo cây lộc vừng lên được… Rồi người ở mạn ngược chết trôi không tìm thấy xác cũng cầu xin nơi cửa đền...

Không hiểu vì nhiệm vụ hay vì công trạng giúp dân mà thần Trầm Một được phong là Đức Thần Kiêm trị thủy bộ. Trước đây khi giao thông chưa phát triển, vận tải bằng đường sông còn phổ biến thì không phải chỉ người dân Nam Thượng mà bất cứ ai làm nghề đò dọc, chạy bè ở miệt xuôi Hưng Nguyên, Nam Đàn, miệt ngược Thanh Chương, Anh Sơn đều biết đến uy danh của thần, mỗi khi qua lại khúc sông này đều neo thuyền bè lên lễ đền mong được thần che chở. Các tài xế “vang bóng một thời” như ông Cường, ông Tộ ở Chi Cơ, ông Mại ở Nam Tân… đều cảm thấy tự tin hơn trước vô lăng nếu trước mỗi chuyến đi có thẻ hương và lời xin suông. Đã bao năm, ngay cả thời “xóa tàn tích văn hóa phong kiến” hương khói ở đền chưa bao giờ dứt. Cứ rằm tháng Giêng người lễ đền đông như trẩy hội.

Trong hàng trăm khách thập phương, ngoài Mại ra, tôi còn nhận ra nhiều gương mặt quen, họ hoặc là những người làm nghề tài xế, hoặc là chuẩn bị cho một chuyến đi. Khách viếng đền đông dần từng năm, tỷ lệ thuận với tai nạn giao thông nhưng nhiều nhất, vui nhất vẫn là các bà, các chị trong xã Nam Thượng. Họ đến với đền như một thói quen được thừa kế, để được tựa vào một niềm tin như bà Thược và tổ tiên mấy chục, mấy trăm năm về trước.

Xem thêm
Sống lại ký ức hào hùng trên tuyến đường 1C huyền thoại

KIÊN GIANG Tuyến đường 1C nối đường Hồ Chí Minh trên bộ nhằm vận chuyển hàng hóa, vũ khí, thuốc cứu thương, nhu yếu phẩm và đưa rước cán bộ chi viện cho chiến trường miền Nam.

Syngenta tập huấn kỹ thuật, sử dụng drone an toàn, hiệu quả tại ĐBSCL

Vĩnh Long Ngày 26/4, tại Vĩnh Long, Công ty TNHH Syngenta Việt Nam tổ chức tập huấn cho 230 người điều khiển máy bay phun thuốc BVTV, cách sử dụng an toàn và hiệu quả tại ĐBSCL.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Bưu điện Việt Nam sẵn sàng 18.000 tỷ đồng chi trả lương hưu tháng 5

Bưu điện Việt Nam chuẩn bị nguồn lực sẵn sàng phục vụ chi trả lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội (BHXH) tháng 5/2024 cho hơn 3,3 triệu người sau kỳ nghỉ lễ 30/4.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm