| Hotline: 0983.970.780

'Đánh thức' các Vườn Quốc gia

Đừng để doanh nghiệp đến khen rồi bỏ đi

Thứ Sáu 19/05/2023 , 17:57 (GMT+7)

Vũ Quang đẹp như cổ tích, nhiều khách du lịch đã thốt lên như thế. Song, cơ chế trói buộc khiến nơi này không thể phát triển mạnh về du lịch sinh thái.

Một trong những đoạn suối ở Vườn Quốc gia Vũ Quang. Nơi này có nhiều con suối như thế với cảnh quan cuốn hút. Ảnh: Văn Việt.

Một trong những đoạn suối ở Vườn Quốc gia Vũ Quang. Nơi này có nhiều con suối như thế với cảnh quan cuốn hút. Ảnh: Văn Việt.

"Nỏ ai dám mần"

“Nhà đầu tư bỏ tiền bạc vào nhưng không có cơ chế gì, không chừng còn phạm luật. Luật Lâm nghiệp quy định rồi, không tách rời vấn đề trách nhiệm của chủ rừng và chủ doanh nghiệp. Cũng có doanh nghiệp lớn như Tập đoàn TH vào, nhưng họ cũng chỉ khen đẹp, khen có tiềm năng vô hạn, nhưng rồi họ cũng đi”, ông Nguyễn Danh Kỳ, Giám đốc Vườn Quốc gia Vũ Quang mở đầu câu chuyện.

Lãnh đạo vườn thở dài bảo, tiềm năng du lịch sinh thái, du lịch trải nghiệm, ai đến Vũ Quang cũng thấy, nhưng bảo đầu tư thì “nỏ ai dám mần”.

Nếu doanh nghiệp nước ngoài, thì càng phức tạp, phải có sự cho phép từ UBND tỉnh, Sở Ngoại vụ, và nhiều cơ quan khác. Trong khi đó, xu thế của các vườn quốc gia trên thế giới là trở thành “công viên khổng lồ”, mở cửa cho du khách, lấy nguồn thu đó để bảo vệ rừng tốt hơn.

Không phải ngẫu nhiên, tại Hội nghị Vườn Di sản ASEAN (AHP) lần thứ 6 diễn ra tại nước Cộng hòa Dân chủ nhân dân Lào (tháng 10/2019), Vườn Quốc gia Vũ Quang chính thức được công nhận là “Vườn Di sản ASEAN” (Khu AHP) cùng với 3 đại diện khác của Việt Nam.

Cách thành phố Hà Tĩnh 60km về phía tây bắc, nằm trên địa bàn hành chính của 3 huyện miền núi là Hương Sơn, Hương Khê và Vũ Quang là vùng đầu nguồn quan trọng bậc nhất của tỉnh Hà Tĩnh. Nói không ngoa, Vườn Quốc gia Vũ Quang hiện lên như một “bức tranh thủy mặc” hùng vĩ  giữa thiên nhiên đất trời với vô số cảnh quan thiên nhiên đặc sắc và khu hệ động, thực vật hoang dã còn giữ nguyên sự hoang sơ chưa có sự tác động của con người.

Nơi đây còn gắn liền với cuộc khởi nghĩa Cần Vương chống Pháp của nghĩa quân Phan Đình Phùng sớm nhất và lớn nhất tại Việt Nam vào cuối thế kỷ thứ XIX. Dấu tích oanh liệt vẫn còn đó với thành lũy và miếu thờ của nhà yêu nước và nghĩa quân. Toàn bộ những di tích văn hóa, lịch sử này nằm trọn trong diện tích của Vườn Quốc gia Vũ Quang.

Nhân dân trong vùng và du khách thập phương thường tới đây tưởng nhớ tri ân các bậc tiền nhân. Đó là một trong những tiềm năng, lợi thế rất lớn cho Vườn Quốc gia Vũ Quang khai thác tiềm năng lợi thế; thu hút các nguồn lực, xây dựng kết cấu hạ tầng phát triển du lịch sinh thái gắn với du lịch văn hóa tâm linh trên địa bàn.

Tiềm năng là thế, song mọi thứ vẫn chỉ dừng ở đó. Trói buộc về cơ chế, khiến Vườn Quốc gia Vũ Quang chưa thể phát huy thế mạnh vốn có, để từ đó lấy kinh phí đầu tư ngược lại cho Vườn, cho đội ngũ cán bộ đang ngày đêm canh giữ rừng.

Ngoài các loài thú quý hiếm, ở Vườn Quốc gia Vũ Quang không thiếu những loài thực vật quý, cùng cảnh quan thiên nhiên gần như chưa bị con người tác động. Ảnh: Hoàng Anh.

Ngoài các loài thú quý hiếm, ở Vườn Quốc gia Vũ Quang không thiếu những loài thực vật quý, cùng cảnh quan thiên nhiên gần như chưa bị con người tác động. Ảnh: Hoàng Anh.

Đa dạng sinh học

Vườn Quốc gia Vũ Quang mênh mông rộng lớn, không chỉ dừng ở thị trấn Vũ Quang, mà còn trải dài trên 3 huyện Hương Khê, Vũ Quang, và Hương Sơn với hơn 50% diện tích rừng tự nhiên có trữ lượng lớn nằm ở khu vực biên giới, địa hình vô cùng hiểm trở. Hồ Ngàn Trươi – Cẩm Trang có diện tích hơn 4.000 ha nằm giữa khu rừng đặc dụng, phòng hộ, với hơn 350 km đường viền, len lỏi nhiều khe suối.

Ông Kỳ cho biết, Vườn Quốc gia Vũ Quang được xác định là vùng sinh thái có mức độ ưu tiên toàn cầu, có vai trò cực kỳ quan trọng trong việc bảo tồn đa dạng sinh học cho cả khu vực trung Trường Sơn Việt Nam.

“Đến với Vườn quốc gia Vũ Quang mọi người sẽ biết đến một trong những trung tâm đa dạng sinh học bậc nhất của Việt Nam, trong đó có nhiều loài động, thực vật nguy cấp quý hiếm cần được ưu tiên bảo tồn”.

Việc phát hiện ra loài sao la, được mệnh danh là “Kỳ lân châu Á” và loài mang lớn vào giữa những năm thập niên 90 đã khiến cho cả thế giới khoa học biết đến giá trị vô song của vùng đất này.

Các nghiên cứu cho thấy tại đây có sự góp mặt của 1.828 loài thực vật, trong đó đáng chú ý với 133 loài là các loài nguy cấp, có nguy cơ tuyệt chủng cao cần ưu tiên bảo tồn. Về khu hệ động vật có sự góp mặt của 94 loài thú, 315 loài chim, 89 loài lưỡng cư bò sát, 88 loài cá xương, 316 loài bướm … trong đó có nhiều nguy cấp.

Đây là môi trường lý tưởng cho việc học tập, chia sẻ kinh nghiệm và nghiên cứu khoa học cho các nhà nghiên cứu và tổ chức khi đến khu vực cũng như du lịch trải nghiệm khám phá thiên nhiên hoang dã.

Cán bộ Vườn Quốc gia Vũ Quang cùng lực lượng biên phòng phối hợp tuần tra bảo vệ rừng. Ảnh: Văn Việt.

Cán bộ Vườn Quốc gia Vũ Quang cùng lực lượng biên phòng phối hợp tuần tra bảo vệ rừng. Ảnh: Văn Việt.

Nỗ lực không mệt mỏi

Trong lúc chờ cơ chế, những bước chân không mệt mỏi của hơn 120 cán bộ, công nhân viên và người lao động Vườn Quốc gia Vũ Quang đã ghi dấu hầu hết trên tất cả những cung đường của cánh rừng đặc biệt này.

Mặc gió mưa, giông bão, mặc nắng cháy đốt da, mặc hiểm nguy rình rập… lực lượng này luôn tâm huyết, quyết tâm thực hiện nhiệm vụ để cho rừng mãi thêm xanh.

Theo ông Kỳ, với tinh thần vượt khó và tình yêu thiên nhiên; cán bộ, viên chức lao động ở đây vẫn luôn lạc quan cố gắng vươn lên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Nhiều năm liền, nơi đây đã không để xảy ra cháy rừng, nạn khai thác lâm sản và săn bắt động vật rừng đã hạn chế đến mức thấp nhất, độ tăng trưởng của rừng không ngừng tăng lên.

“Cũng thấy mệt, thấy khổ, thấy khó chứ. Người chứ đâu phải máy mà không biết mệt. Nhưng Vũ Quang lạ lắm, sống ở đây rồi như bị sức hút không dứt ra được”, ông Thái Cảnh Toàn, Phó giám đốc Vườn Quốc gia Vũ Quang tâm sự.

Bên khu vườn rợp bóng cây trong trụ sở Vườn, ông Toàn bảo thời bây giờ khác xưa rất nhiều. Đó là nỗ lực, là mồ hôi, nước mắt và cả máu của nhiều thế hệ cán bộ, nhân viên Vườn. Xưa kia, Vũ Quang chưa có trường cấp 3, một số ít học sinh khi lên lớp 10 là phải trọ học dưới huyện Đức Thọ, số còn lại bỏ học đi rừng. Nay thì Vũ Quang đã có trường PTTH, học sinh không phải xa nhà, hoặc còng lưng đạp xe hàng chục km dưới cái nóng thiêu đốt. Hàng năm, từ tháng 5 tới tháng 9, do ảnh hưởng của gió Tây Nam, ở Vũ Quang có lúc nhiệt độ lên tới hơn 40 độ C.

“Thú rừng là bạn, không phải thức ăn”, học sinh Vũ Quang từ cấp 1 đã thuộc nằm lòng câu đó. Chính học sinh các cấp, đã tác động ngược đến các phụ huynh, để họ từ bỏ thói quen nhậu thịt thú rừng, săn bắt, buôn bán. Đó là hiệu quả từ mô hình câu lạc bộ Xanh, mỗi tuần 2-3 tiết học do cán bộ Vườn đứng lớp, giáo dục cho học sinh về vẻ đẹp đa dạng sinh học ở Vườn. Từng câu lạc bộ ở mỗi trường, mỗi cấp, có cái tên khá ngộ nghĩnh: Các câu lạc bộ Sao la, Sơn Dương, Em yêu Vườn Quốc gia...

Trong lúc ông Toàn kể chuyện, đâu đó vang lên tiếng hát: “Dòng sông Lam chảy từ dòng La. Ngàn Phố, Ngàn Sâu như dòng sữa mẹ”. Lãnh đạo vườn cười cười, bảo năm ngoái tới nay, ca khúc “Hà Tĩnh quê ơi” của “A Páo” Ngô Sỹ Ngọc trở thành mốt ở Hà Tĩnh. Bằng chứng là ở Vũ Quang, hầu như tới đâu cũng nghe có nhà bật nhạc hoặc hát bài này.

“Sông La là khởi nguồn của sông Lam. Tinh túy nằm ở thượng nguồn chứ không phải dưới ấy”, có người Hà Tĩnh nói thế, vẻ mặt thích chí. Ông Toàn bảo đó là đùa thôi, chứ hai dòng sông có nguồn khác nhau. Mặt khác, chắc cũng tự thấy vô lý, nên sau này “A Páo” Ngô Sỹ Ngọc phát hành lại MV khác, trong đó hát: Dòng sông La chảy vào dòng Lam.

Câu chuyện lan man tới giọng người Hà Tĩnh. Ông Toàn khua tay một vòng, bảo cả dọc Vũ Quang, Hương Sơn, Hương Khê, giọng nói “cộc, mạnh mẽ” chứ không “khéo léo, uyển chuyển” như bên kia cầu Bến Thủy.

“Khó thì ai cũng biết, cũng thấy là khó đó. Nhưng giữ rừng là nhiệm vụ không một giây phút nào được lơi là. Cứ làm cho tốt việc được giao đã. Chuyện phát triển du lịch sinh thái, tôi tin rằng nó sẽ đến thôi. Vườn Quốc gia Vũ Quang tự thân nó đã đẹp, đã say đắm lòng người rồi”, ông Toàn nói.

Xem thêm
Tây Ninh phấn đấu là nơi đáng sống và động lực tăng trưởng vùng

TÂY NINH Với thiên thời, địa lợi, nhân hòa, 'nóc nhà Đông Nam bộ' đặt mục tiêu trở thành nơi đáng sống và động lực tăng trưởng cho vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Cho vay theo chuỗi giá trị, kênh 'bơm vốn' giảm rủi ro trong sản xuất nông nghiệp

Hội thảo 'Thực trạng cho vay theo chuỗi giá trị tại Việt Nam và một số nước Đông Nam Á' thảo luận về các kinh nghiệm tín dụng nông nghiệp hiện nay.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Khoanh vùng thiếu nước để ngừng sản xuất nông nghiệp

Công ty Thủy lợi Khánh Hòa khuyến cáo người dân không tự ý sản xuất đối với diện tích đã khoanh vùng tạm dừng sản xuất, nhằm tránh thiệt hại do không có nước tưới.