| Hotline: 0983.970.780

Nâng cao kỹ năng sản xuất nông nghiệp nhờ đào tạo nghề

Thứ Năm 12/10/2023 , 17:55 (GMT+7)

Thông qua các lớp đào tạo nghề, rất nhiều hộ dân vùng khó khăn của huyện Kông Chro (tỉnh Gia Lai) đã phát huy kỹ năng trong sản xuất nông nghiệp một cách hiệu quả.

Các học viên được đào tạo kỹ năng phòng bệnh trên đàn bò. Ảnh: Tuấn Anh.

Các học viên được đào tạo kỹ năng phòng bệnh trên đàn bò. Ảnh: Tuấn Anh.

Thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững, thời gian qua UBND huyện Kông Chro thường xuyên mở các lớp đào tạo nghề trong lĩnh vực nông nghiệp và phi nông nghiệp cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Cụ thể, huyện Kông Chro đã ký hợp đồng với Trường Cao đẳng Gia Lai mở 12 lớp với 359 học viên tại các tại xã Yang Trung, Ya Ma, Kông Yang và Đak Kơ Ning về kỹ năng chăm sóc một số loại cây trồng như bắp, khoai lang, mì, lúa nước và phòng bệnh trên đàn trâu, bò.

Thông qua các lớp đào tạo nghề, rất nhiều hộ dân trên địa bàn đã được trang bị những kiến thức bổ ích để áp dụng vào sản xuất nông nghiệp hiệu quả hơn.

Ghi nhận tại xã xã Kông Yang (huyện Kông Chro), từ đầu năm đến nay, có khoảng 90 lao động là người đồng bào dân tộc thiểu số được đào tạo kỹ năng trồng, chăm sóc cây khoai lang, khoai mì, bắp.

Chị Đinh Thị Khuynh áp dụng thành công cách chăm sóc khoai mì trên vườn của gia đình. Ảnh: Tuấn Anh.

Chị Đinh Thị Khuynh áp dụng thành công cách chăm sóc khoai mì trên vườn của gia đình. Ảnh: Tuấn Anh.

Chị Đinh Thị Khuynh (thôn 2, xã Kông Yang) cho biết, gia đình có khoảng 2 sào khoai mì và 3 sào trồng bắp. Trước đây, quy trình chăm sóc cây trồng chủ yếu học hỏi người dân trong vùng nên không hiểu nhiều kỹ thuật. Chẳng hạn, đối với cây khoai mì, gia đình chỉ biết xuống giống mà không biết khoảng cách giữa các cây bao nhiêu thì hợp lý.

Sau khi tham gia lớp học, chị Khuynh đã rút ra được bài học kinh nghiệm khi trồng khoai mì với khoảng cách giữa các cây là 80cm. Bên cạnh đó, gia đình chị cũng biết cách bón phân lót và sự dụng thuốc một cách hợp lý.

Dẫn chúng tôi dạo quanh vườn khoai mì, chị Khuynh vui mừng cho biết: “Sau khi áp dụng những kiến thức đã được học, cây khoai mì của gia đình đã sinh trưởng, phát triển rất tốt, mới chỉ 2 tháng mà cây đã cao hơn 1m, lá xanh mơn mởn. Ngày trước khi chưa biết cách bón phân, cây phát triển kém hơn nhiều”.

Chị Khuynh cũng cho biết, với kinh nghiệm đã được học, trong thời gian tới, chị sẽ truyền đạt lại cho những người chưa có điều kiện được học, qua đó giúp bà con nâng cao kỹ năng trong sản xuất nông nghiệp, tăng thu nhập.

Ông Nguyễn Thanh Bình, Phó Chủ tịch UBND xã Kông Yang cho biết, thông qua các lớp đạo tạo nghề, chất lượng lao động nông thôn ngày càng tăng, đáp ứng ngày càng hiệu quả trong quá trình sản xuất nông nghiệp. Trên thực tế, nhiều người dân đã áp dụng thành công vào quá trình sản xuất nông nghiệp, nâng cao nguồn thu nhập đáng kể.

Các học viên được thực hành cách tiêm phòng trên đàn vật nuôi. Ảnh: Tuấn Anh.

Các học viên được thực hành cách tiêm phòng trên đàn vật nuôi. Ảnh: Tuấn Anh.

Tại xã Ya Ma (huyện Kông Chro), nhiều hộ dân lại được đào tạo về cách thức nuôi và phòng chống bệnh trên đàn trâu, bò.

Gia đình chị Đinh Thị Chư (thôn Tnùng Măng, xã Ya Ma) nuôi 6 con bò, trước đây chủ yếu được thả rông ngoài đồng, không quan tâm đến việc chăm sóc nên hay bị bệnh. Thời gian qua, chị được chính quyền vận động đi học lớp về kỹ năng phòng chống bệnh cho con bò. Tại đây, thầy giáo đã dạy cho kỹ năng nhận biết bò bị bệnh, cũng như phân biệt các loại thuốc điều trị và thực hành tiêm. Ngoài ra, chị còn được học cách ủ rơm cho bò ăn thay vì suốt ngày thả rông ngoài đồng.

“Mới đây, có con bò của người dân trong làng bị bệnh viêm da nổi cục, với kiến thức được học, mình cùng các học viên khác đã điều trị thành công, con bò hiện đã khỏe mạnh”, chị Chư chia sẻ.

Ông Đỗ Hà Quang, Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Kông Chro cho biết, huyện vừa mới mở khai giảng thêm 16 lớp đào tạo nghề nông nghiệp với hơn 400 học viên. Thông qua các lớp đào tạo, cái được lớn nhất là bà con đã được học từ thực tế cách chăm sóc cây trồng, vật nuôi ngay tại chân ruộng và trên những đàn bò.

Hiện tại, nhiều hộ dân đã biết cách tìm giống lúa chất lượng, chọn thời điểm bón phân thích hợp, qua đó cho năng suất cao hơn. Đối với đàn vật nuôi, người dân biết tận dụng nguồi thức ăn tại chỗ cũng như cách phòng bệnh hiệu quả hơn.

“Trong thời gian tới, ngoài các lớp đào tạo về sản xuất nông nghiệp, huyện sẽ định hướng đào tạo nghề trong lĩnh vực phi nông nghiệp, qua đó giúp người dân có thể áp dụng vào cuộc sống một cách hiệu quả”, ông Quang chia sẻ.

Ông Đinh Văn Súy, Phó Chủ tịch UBND huyện Kông Chro cho biết, thời gian qua, huyện liên tục chỉ đạo các xã, thị trấn tăng cường tuyên truyền nhằm phát huy hiệu quả công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn nói chung và đào tạo nghề cho lao động là người dân tộc thiểu số nói riêng. Qua đó, góp phần nâng cao nhận thức đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm là một trong những nhiệm vụ trọng tâm gắn với chiến lược phát triển kinh tế xã hội, giảm nghèo bền vững.

“Thông qua các lớp đào tạo, người dân trên địa bàn huyện sẽ được trang bị kiến thức, kỹ năng mềm trong sản xuất nông nghiệp, qua đó đẩy mạnh phát triển các sản phẩm chủ lực, sản phẩm OCOP của địa phương”, ông Súy chia sẻ.

Xem thêm
Bàn cách tận dụng hết dư địa cho tinh dầu quế

HÀ NỘI Thiếu hụt nhân lực có kỹ năng và chuyên môn, quy trình sản xuất chưa hoàn thiện và chưa có phương pháp tiếp cận thị trường toàn cầu là khó khăn chung của ngành quế.

Năm 2024, Bình Điền đặt mục tiêu sản xuất, tiêu thụ 568.000 tấn phân bón

TP. HCM Trong năm 2024, Công ty Cổ phần Phân bón Bình Điền đặt ra nhiều mục tiêu và nhiệm vụ, trong đó sản lượng và tiêu thụ đạt trên 568.000 tấn phân bón các loại.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm