| Hotline: 0983.970.780

Đường lậu gây thất thu 1.700 tỷ đồng tiền thuế

Thứ Ba 18/01/2022 , 22:17 (GMT+7)

Đường nhập lậu vẫn tiếp tục vào Việt Nam với khối lượng lớn trong năm 2021 và đã gây thất thu thuế 1.700 tỷ đồng chỉ trong 10 tháng đầu năm ngoái.

Đường nhập lậu bị cơ quan chức năng phát hiện ở Tây Ninh. Ảnh: QLTT Tây Ninh.

Đường nhập lậu bị cơ quan chức năng phát hiện ở Tây Ninh. Ảnh: QLTT Tây Ninh.

Theo ông Nguyễn Văn Lộc, Tổng thư ký Hiệp hội Mía đường Việt Nam (VSSA), trong tháng 12/2021 các hoạt động gian lận thương mại đường bùng phát mạnh về cuối tháng.

Các địa phương ghi nhận hoạt động gian lận thương mại đường nhập lậu gia tăng gồm có tỉnh Tây Ninh, tỉnh Long An (khu vực Bình Hiệp), tỉnh Bình Phước, tỉnh Kiên Giang và tỉnh Quảng Trị (tuyến Đường 9 Lao Bảo).

Đặc biệt tại khu vực Lao Bảo (tỉnh Quảng Trị), có tuyến sông Sê Pôn ngắn, hẹp chỉ cần vài phút là có thể đẩy thuyền hàng từ bên Lào sang bờ bên này và đưa đi tập kết tại các kho bãi.

Các đối tượng buôn lậu ít vận chuyển hàng nhỏ lẻ mà vận chuyển hàng với số lượng lớn và dùng nhiều thủ đoạn để qua mặt lực lượng chức năng. Các đầu nậu chỉ cần nhập chính ngạch khối lượng nhỏ lấy hồ sơ hợp pháp hóa cho đường lưu thông.

Dấu hiệu rõ ràng của hành vi này là đường Thái Lan xuất hiện tràn ngập với giá rẻ (đây là điều không thể được đối với đường Thái Lan nhập chính ngạch có đóng thuế chống phá giá và chống trợ cấp lên đến 47,64%).

Một dấu hiệu khác của hành vi gian lận thương mại đường nhập lậu là sự xuất hiện của các cơ sở sang chiết đóng gói với các nhãn hàng mới phân phối trực tiếp đến người dùng qua các cửa hàng lẻ và bán trực tuyến không đòi hỏi hóa đơn.

Trước tình hình đó, các cơ quan chức năng đã triển khai nhiều hoạt động để ngăn chặn hoạt động gian lận thương mại vào dịp Tết Nhâm Dần 2022. Tuy nhiên, hoạt động gian lận thương mại đường nhập lậu bùng phát cuối tháng 12 năm ngoái đến nay cho thấy công tác đấu tranh chống gian lận thương mại đương nhập lậu vẫn còn nhiều kẽ hở, và đang bị các đối tương kinh doanh phi pháp lợi dụng.

So sánh số liệu đường nhập khẩu chính ngạch từ Thái Lan vào Campuchia và Lào với số liệu đường nhập khẩu chính ngạch từ Campuchia và Lào vào Việt Nam, sẽ thấy rõ hơn tình trạng đường nhập lậu.

Cụ thể, số liệu xuất khẩu đường của Thái Lan do Văn phòng Ủy ban Mía đường Thái Lan (OCSB) công bố cho thấy, đường xuất khẩu từ Thái Lan đến Campuchia và Lào trong 11 tháng đầu năm 2021 đều tăng về lượng và giá trị so với cùng kỳ, bất chấp tình hình dịch bệnh Covid-19 đang xảy ra tại hai quốc gia này. Cụ thể, trong 11 tháng đầu năm 2021, đường Thái Lan nhập khẩu vào Campuchia là 355.724 tấn, trị giá hơn 168 triệu USD; đường Thái Lan nhập khẩu vào Lào đạt 67.487 tấn, trị giá 31,5 triệu USD.

Trong khi đó, theo số liệu của Tổng cục Hải quan Việt Nam, trong 11 tháng đầu năm 2021 Việt Nam chỉ nhập khẩu chính ngạch 106.999 tấn đường từ Campuchia và 77.068 tấn đường từ Lào, nhỏ hơn nhiều so với khối lượng đường hai quốc gia này đã nhập khẩu từ Thái Lan.

VSSA cho rằng, cả hai nước Campuchia và Lào đều không nhập khẩu đường Thái Lan cho nhu cầu tiêu dùng trong nước. Vì vậy, những dữ liệu trên cho thấy, có dấu hiệu rõ ràng về việc lượng đường nhập khẩu từ Thái Lan vào hai quốc gia này chính là nguồn gốc của các hoạt động gian lận thương mại đường nhập lậu đang diễn biến tại khu vực các tỉnh biên giới giữa Việt Nam với Campuchia và Lào.

VSSA ước tính các hoạt động gian lận thương mại đường nhập lậu đang thu lợi bất chính đồng thời đang làm thất thu thuế chống phá giá chống trợ cấp với giá trị lớn. Tính toán sơ bộ về đường nhập lậu trong 10 tháng đầu năm 2021 từ hai quốc gia Campuchia và Lào, cho thấy, khối lượng nhập lậu đường có xuất xứ Thái Lan khoảng 350.000 tấn với giá xuất khẩu bình quân 471 USD/tấn. Như vậy, Nhà nước Việt Nam đã thất thu thuế (47,64%) giá trị, tức vào khoảng 78.500.000 USD, tương đương 1.700 tỷ đồng.

Xem thêm
Phú Lương lần đầu tổ chức Ngày hội hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau THCS

Sáng 21/4, huyện Phú Lương (Thái Nguyên) tổ chức Ngày hội Tư vấn hướng nghiệp và phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS năm 2024.

STP hỗ trợ ngư dân trả góp lồng nuôi thủy sản HDPE không cần thế chấp

Nhằm giúp ngư dân chuyển đổi mô hình nuôi trồng thủy sản HDPE, STP Group đưa ra 3 chương trình hỗ trợ thuận lợi để bà con tiếp cận công nghệ nuôi biển mới.

Những gương mặt 'vàng' trong danh sách trả nợ trái phiếu doanh nghiệp bất động sản

Năm 2024, hơn 90 doanh nghiệp bất động sản có trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn với tổng nợ vay gần 100.000 tỷ đồng. Trong đó, nhiều 'ông lớn' có nợ tới hàng nghìn tỷ.