| Hotline: 0983.970.780

EU sẽ không tịch thu tài sản đang bị đóng băng của Nga

Thứ Tư 24/01/2024 , 17:06 (GMT+7)

Theo hãng tin Reuters, Liên minh châu Âu (EU) sẽ đối mặt rủi ro lớn hơn nếu tịch thu tài sản đang bị đóng băng của Nga, do vậy khối này chưa vội hành động.

Theo hãng tin Reuters, EU không có khả năng tịch thu các khoản tiền của Ngân hàng Trung ương Nga hiện bị đóng băng do các lệnh trừng phạt liên quan đến xung đột Ukraine. Các quan chức cấp cao của khối này tiết lộ rằng các thành viên chưa đồng thuận về động thái mạo hiểm này.

Hồi năm 2022, Mỹ và các đồng minh đã phong tỏa khoảng 300 tỷ USD tài sản nhà nước của Nga, viện dẫn lý do xung đột Ukraine. Kiev đã nhiều lần kêu gọi phương Tây tịch thu số tiền này và giao lại cho Ukraine. Đặc biệt, tần suất yêu cầu còn dày đặc hơn trong những tháng gần đây khi viện trợ tài chính và quân sự từ Washington và Brussels dần cạn kiệt.

"Việc tịch thu tài sản của Nga sẽ không xảy ra. Các quốc gia thành viên EU không đạt được thỏa thuận nào về vấn đề này", một quan chức cấp cao của EU biết rõ các cuộc đàm phán cho hay.

Việc tịch thu tài sản như đề xuất trên chưa từng xảy ra. Nó có thể khiến các nhà đầu tư từ khắp nơi trên thế giới lo ngại tiền của họ sẽ không an toàn ở EU.

"Chúng ta cần phải hết sức thận trọng với đề xuất đó. Tôi nghĩ quan trọng là những gì được đưa ra bàn đàm phán phải hợp lý về mặt pháp lý và chúng ta nên tránh bất kỳ tác động nào đến sự ổn định tài chính", Bộ trưởng Tài chính Bỉ Vincent van Peteghem trả lời báo giới hôm 23/1.

Trong khi đó, Ngoại trưởng Luxembourg Xavier Bettel cũng bày tỏ quan điểm thận trọng về việc tịch thu tài sản của Nga. "Hãy tưởng tượng nếu chúng ta quyết định cấp hàng tỷ USD cho Ukraine. Và trong 6 tháng, chúng ta có quyết định của tòa án nói rằng chúng ta không được phép đưa số tiền đó cho họ. Khi đó chúng ta phải trả tiền cho ai", Bộ trưởng Bettel nói.

Một mối lo ngại khác đối với EU khi đàm phán tịch thu tài sản của Nga là hầu hết tài sản hiện đang bị đóng băng của Nga, trị giá khoảng 200 tỷ USD, đều nằm ở cơ quan thanh toán bù trừ Euroclear có trụ sở tại Bỉ.

"EU lúc đó sẽ không thể cứu Euroclear. Euroclear quản lý hàng nghìn tỷ USD và nếu nó phá sản, tổn thất sẽ lớn hơn nhiều so với ngân sách của EU. Chúng ta phải cân bằng giữa rủi ro và lợi ích", một quan chức cấp cao EU lý giải.

Nga đã nhiều lần cảnh báo Mỹ và các đồng minh rằng việc tịch thu tài sản của nước này sẽ là "hành vi trộm cắp" vi phạm luật pháp quốc tế, làm suy yếu đồng tiền dự trữ phương Tây và phá vỡ hệ thống tài chính toàn cầu. Moscow cũng có quyền tiếp cận 288 tỷ USD tài sản của phương Tây mà nước này đã đe dọa tịch thu để trả đũa.

Theo các quan chức trả lời hãng tin Reuters, số tài sản bị phong tỏa của Nga vẫn đang tạo ra lãi. Tháng trước, Ủy ban châu Âu đã đề xuất tịch thu số tiền lãi đó và chuyển chúng sang Ukraine, giữ nguyên tiền gốc. Con số này có thể lên tới 17 tỷ euro (18,5 tỷ USD) trong 4 năm tới. Kế hoạch viện trợ cho Kiev đến năm 2027 tổng cộng 50 tỷ euro (54,25 tỷ USD) của EU hiện đang bị Hungary, quốc gia có quan hệ thân thiết với Nga, cản trở.

Xem thêm
Tìm thấy virus dịch tả lợn châu Phi trong xác lợn rừng

Thủ phạm virus gây dịch tả lợn châu Phi (ASF) đã được phát hiện trong xác một con lợn rừng vừa được tìm thấy ở phía tây bắc Singapore.

Israel tấn công trả đũa nhắm vào các mục tiêu quân sự của Iran

Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) sáng 26/10 tuyên bố đã tiến hành ‘các cuộc tấn công chính xác vào các mục tiêu quân sự’ ở Iran.

Tổng thống Putin xác nhận việc sản xuất hàng loạt tên lửa Oreshnik mới

Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm 22/11 xác nhận quyết định cho phép bắt đầu sản xuất hàng loạt hệ thống tên lửa siêu vượt âm Oreshnik mới.

Nga: Cây cầu 60 tấn bị trộm đem bán phế liệu

Cảnh sát Nga đang điều tra vụ trộm một cây cầu đường sắt khổng lồ ở phía tây đất nước dường như đã được bán phế liệu với giá chỉ hơn 15.000 USD.