| Hotline: 0983.970.780

Gà tiến vua trên đất Bình Phước

Thứ Sáu 18/09/2020 , 07:27 (GMT+7)

Từng là sản vật tiến vua, sau nhiều năm Nam tiến, Bình Phước được xem là “đất lành” với các giống gà tiến vua như Đông Tảo (Hưng Yên), gà Mía (Hà Tây cũ)…

Giữ giống gà bằng máy điều hòa!

Gà Đông Tảo là một trong những giống gà thích nghi tốt với môi trường Bình Phướcvà đang ngày một phát triển rộng khắp đem lại thu nhập khá cho người dân.

Được biết đến là người đầu tiên nuôi thành công giống gà tiến vua tại Bình Phước, chỉ với 3.000 m2 đất nhưng nhờ vào quy trình chăn nuôi khoa học, ông Thân Văn Vinh ở phường Tiến Thành (Đồng Xoài) đã sở hữu một trang trại với gần 500 con gà Đông Tảo siêu chuẩn đáng mơ ước, mỗi năm đem lại thu nhập cho gia đình hàng trăm triệu đồng. Bất kỳ ai đến thăm trang trại của ông đều phải trầm trồ, thán phục.

Một chú gà trống Đông Tảo có mã đẹp được ông Vinh tuyển chọn để làm giống. Ảnh: Trần Trung.

Một chú gà trống Đông Tảo có mã đẹp được ông Vinh tuyển chọn để làm giống. Ảnh: Trần Trung.

Ông Vinh cho biết, sau nhiều năm nuôi lợn và ngan hiệu quả kinh tế thấp, năm 2012 ông quyết định chuyển hướng sang nuôi gà. Dự tính ban đầu, ông nuôi giống gà Kiến Bình Định, tuy nhiên nhận thấy cùng quy trình kỹ thuật nuôi nhưng gà Đông Tảo quý hiếm hơn, giống to hơn, chất lượng thịt ngon hơn và giá bán trên thị trường vượt trội, cuối cùng ông chọn giống gà này.

Mô hình nuôi gà Đông Tảo của ông Thân Văn Vinh. Ảnh: Trần Trung.

Mô hình nuôi gà Đông Tảo của ông Thân Văn Vinh. Ảnh: Trần Trung.

Theo ông Vinh, nuôi Đông Tảo không khó bởi gà này cũng như những giống gà khác, ngoài cho ăn cám gạo, bắp thì cần bổ sung các vitamin, khoáng chất và giá đỗ để kích thích sự tăng trưởng. Tuy nhiên gà Đông Tảo có sức đề kháng yếu nên phải thường xuyên quan sát các triệu chứng như sổ mũi, có nước bọt ở mắt, lông xù... để cách ly và điều trị bệnh sớm, tránh lây lan. Khu vực nuôi phải sạch sẽ thoáng mát.

“Gà Đông Tảo khá mẫn cảm với tồn dư thuốc BVTV trong ăn, uống, nếu có điều kiện, người chăn nuôi cần cho “gà ăn chín, uống sôi”. Theo đó, thức ăn như bắp, thóc phải được đun nấu để loại bỏ tồn dư các chất độc giúp gà dễ tiêu hóa, hấp thụ, nước uống phải thật sự sạch và được bố trí cao ráo để gà sử dụng, có như vậy mới đảm bảo an toàn tuyệt đối cho đàn gà”, ông Vinh bật mí.

Ngoài nuôi thả vườn, đối với gà giống, ông Vinh đã tận dụng chuồng lợn để nuôi nhốt và chăm sóc riêng. Ảnh: Trần Trung.

Ngoài nuôi thả vườn, đối với gà giống, ông Vinh đã tận dụng chuồng lợn để nuôi nhốt và chăm sóc riêng. Ảnh: Trần Trung.

Chia sẻ về bí quyết để giữ được gen giống gà Đông Tảo thuần chủng, ông Vinh tiết lộ, để giữ được giống gà này là một câu chuyện hoàn toàn khác, bởi gà Đông Tảo có chân rất to nên tỷ lệ phối giống thành công thấp. Mặt khác, sức đề kháng của gà rất yếu nên trứng cũng nhanh hỏng hơn so với gà thường, phải mất 3 năm ông mới có thể nhân thành công giống gà này.

“Thường thì gà Đông Tảo mái không biết ấp trứng trong khi gà trống lại kém làm “chuyện ấy” khiến loại gà thuần chủng này vốn đã quý càng thêm hiếm, thành ra giá trị của chúng là không phải bàn cãi, đó là động lực để tôi tìm cách nhân giống gà Đông Tảo trong nhiều năm trời và bước đầu đã thành công”, ông Vinh cười nói.

Lúa được nấu chín trước khi cho gà ăn là giải pháp giúp ông Vinh giữ được đàn gà khỏe mạnh. Ảnh: Trần Trung.

Lúa được nấu chín trước khi cho gà ăn là giải pháp giúp ông Vinh giữ được đàn gà khỏe mạnh. Ảnh: Trần Trung.

Theo đó, trong 500 con gà tại trang trại, qua sàng lọc, ông tuyển chọn, giữ lại 150 chú gà có mã đẹp nhất, công thức phối giống được thực hiện theo theo tỷ lệ 1 trống và 4 mái, để đảm bảo đậu cao. Số gà giống này được nuôi nhốt biệt lập với gà thương phẩm để chúng được thải mái trong sinh hoạt.

Trong quá trình thụ giống, người nuôi cần thường xuyên quan sát theo dõi để sau khi chúng giao phối thành công thì tiến hành bước tiếp theo là tách gà mái ra khỏi gà trống, tiếp tục nuôi nhốt riêng để tiện phân biệt và thu hoạch trứng đã có tinh.

Để có giống gà thuần chuẩn, ông Vinh tỉ mỉ từ khâu chăm trứng đến gà con và gà trưởng thành. Ảnh: Trần Trung.

Để có giống gà thuần chuẩn, ông Vinh tỉ mỉ từ khâu chăm trứng đến gà con và gà trưởng thành. Ảnh: Trần Trung.

Ông Vinh cho biết thêm, vì gà mái kém trong việc ấp trứng nên người nuôi gà phải trang bị máy ấp trứng. Tuy nhiên, mỗi máy ấp trứng có công suất thiết kế ít nhất là 500 trứng/lần ấp, ông phải thu gom ít nhất 1 tuần lễ mới đủ cho máy chạy. Trong khi đó nếu trứng ở ngoài môi trường tự nhiên thì phôi chỉ sống được không quá 3 ngày.

“Cái khó, ló cái khôn” qua nghiên cứu, nhận thấy nếu trứng được bảo quản trong điều kiện nhiệt độ từ 18 đến 22 độ C, thì phôi sẽ sống được 7 ngày, theo đó đối với trang trại chăn nuôi hở và ở khu vực có khí hậu nóng thì cần trang bị thêm phòng bảo quản có lắp máy điều hòa nhiệt độ để bảo quản trứng an toàn trước khi đưa vào máy ấp trứng”, ông Vinh chia sẻ.

Để có giống gà thuần chuẩn, ông Vinh tỉ mỉ từ khâu bảo quản trứng đến gà con và gà trưởng thành. Ảnh: Trần Trung.

Để có giống gà thuần chuẩn, ông Vinh tỉ mỉ từ khâu bảo quản trứng đến gà con và gà trưởng thành. Ảnh: Trần Trung.

Ngoài chăn nuôi giỏi, ông Vinh còn được biết đến là người cởi mở, không giấu nghề. Từ thành công của mình, ông Vinh đã không ngại chia sẻ giống và kinh nghiệm sản xuất cho hàng trăm người chăn nuôi gà trong và ngoài tỉnh Bình Phước.

Có thể kể đến trang trại 1.500 con gà Đông Tảo của ông Lê Văn Thế phường Tiến Thành (TP Đồng Xoài) hay nông trại 300 gà Đông Tảo của bà Nguyễn Thị Quý (huyện Phú Riềng). Với giá bàn từ 250.000 đồng đến 300.000 đồng/kg gà thương phẩm đã và đang đem lại nguồn thu nhập không nhỏ cho các nông, trang trại và người dân nơi đây.

Gà Nam tiến bằng… máy bay

Đến với xã Đức Liễu (Bù Đăng) hỏi thăm trang trại nuôi gà của Hoàng Quốc Phú ai cũng biết bởi anh đang sở hữu cả trăm con gà Mía, một trong 4 giống gà quý xưa kia dùng để “Tiến Vua” hiện đang được Nhà nước yêu cầu bảo tồn nguồn gen nghiêm ngặt.

Tiếp chúng tôi trong trang trại gà khang trang, ngăn nắp, sạch sẽ vừa được nâng cấp để mở rộng quy mô sản xuất, anh Phú cho biết, anh đã từng thành công với nghề nuôi gà công nghiệp. Tuy nhiên, nuôi gà công nghiệp có nhiều bất cập như chất lượng thịt không ngon, sức đề kháng yếu, giá bán thấp, quy trình sinh trưởng phát triển ngắn,…

Trong một lần tình cờ xem tivi, anh phát hiện nhiều nông hộ ở miền Bắc thành công với giống gà Mía, bên cạnh nuôi các giống Ri để “lấy ngắn nuôi dài”, anh Phú quyết định bỏ tiền đầu tư thêm giống gà Mía để phục vụ việc phát triển kinh tế gắn với bảo tồn giống.

Mô hình nuôi gà Mía và gà Ri bán chăn thả của anh Hoàng Quốc Phú. Ảnh: Trần Trung.

Mô hình nuôi gà Mía và gà Ri bán chăn thả của anh Hoàng Quốc Phú. Ảnh: Trần Trung.

Anh Phú tâm sự, để có giống gà Mía thuần chủng, năm 2016, anh ra tận xã Đường Lâm, Hà Tây cũ (nay là Hà Nội) để đặt hàng và vận chuyển bằng đường hàng không vào Bình Phước. Từ 2 cặp gà giống ban đầu, nhờ khí hậu Bình Phước khá phù hợp, gà ít bệnh tật, sinh trưởng phát triển tốt, đến nay anh đã sở hữu cả trăm con gà giống.

Nói về cách nhận biết gà Mía, anh Phú chia sẻ, không giống với các giống gà khác trên thị trường, gà Mía có ngoại hình hơi thô, mình ngắn, đùi to, mắt sâu, mào đơn, chân có 3 hàng vẩy, da đỏ sắc long tía; gà mái lông màu xám hoặc vàng. Sau 4 tháng nuôi, gà trống đạt trọng lượng từ 2 đến 2,5 kg/con, gà mái đạt từ 1,7 đến 2 kg/con.

“Thịt gà thơm ngon, vị ngọt đậm đà, thịt dai, da giòn, được người tiêu dùng tại địa phương ưa chuộng. Tuy thân hình không lớn nhưng gà Mía được được bán với giá cao hơn hẳn các giống gà khác nhờ hình thức đẹp và chất lượng thịt”, anh Phú cởi mở.

Anh Phú nuôi gà trên đệm lót sinh học để giữ ấm cho gà và đảm bảo vệ sinh chuồng trại. Ảnh: Trần Trung.

Anh Phú nuôi gà trên đệm lót sinh học để giữ ấm cho gà và đảm bảo vệ sinh chuồng trại. Ảnh: Trần Trung.

Nói về phương pháp chăn nuôi, anh Phú cho biết, để đảm bảo lưu giữ được giống gà thuần chủng, không giống như nuôi gà công nghiệp là nuôi nhốt và chỉ cho ăn cám, gà Mía phải được nuôi theo phương thức bán chăn thả. Theo đó, chuồng trại thoáng mát và có sân chơi để gà chạy nhảy, vận động và tự đào bới, tìm thức ăn, tùy thời điểm bổ sung thêm cám, bắp… để gà đảm bảo chất dinh dưỡng.

Nói về phòng trị bệnh, anh Phú cho biết thêm, cũng giống như các loại gà thông thường, giống gà mía dễ mắc các bệnh cảm cúm, thương hàn… nên để giữ ấm cho gà và đảm bảo vệ sinh chuồng trại người chăn nuôi phải làm đệm lót sinh học.

Bên cạnh đó, với phương châm “phòng bệnh hơn chữa bệnh” người chăn nuôi cần tiêm vắcxin đầy đủ đúng quy trình, đồng thời bổ sung các loại khoáng chất, vitamin, nhất là giai đoạn gà đẻ trứng và vỗ béo để tăng sức đề kháng, có như vậy gà mới khỏe mạnh, bảo đảm tốc độ sinh trưởng và duy trì được giống nòi.    

Ông Trần Văn Phương, Giám đốc Trung tâm dịch vụ Nông nghiệp tỉnh Bình Phước cho biết: Theo đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp giai đoạn 2016-2020 và định hướng đến năm 2025, tỉnh từng bước thay đổi căn bản ngành chăn nuôi gia cầm theo hướng nâng cao giá trị, chăn nuôi an toàn và phát triển bền vững.

Triển khai có hiệu quả các cơ chế, chính sách về phát triển chăn nuôi gia cầm nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp và chủ trang trại chăn nuôi. Phấn đấu đưa chăn nuôi gia cầm trở thành hướng phát triển kinh tế hiệu quả cao, góp phần nâng cao đời sống người dân cũng như phát huy lợi thế để cạnh tranh và hội nhập.

Hiện tổng đàn gia cầm trên địa bàn tỉnh lên tới 5.967.000 con, trong đó gia cầm chăn nuôi theo quy mô trang trại là 2.846.348, chiếm 47,70% tổng đàn. Về công nghệ chuồng trại, có 44 trang trại chăn nuôi theo mô hình chuồng kín, 45 trang trại chăn nuôi theo mô hình chuồng hở.

Xem thêm
Truy tố những trường hợp để chó, mèo gây hậu quả nghiêm trọng

Đắk Lắk sẽ điều tra, truy tố, xử lý nghiêm những trường hợp không tuân thủ quy định trong việc nuôi, quản lý chó, mèo để xảy ra hậu quả nghiêm trọng.

Lúa đông xuân sớm được mùa, nông dân lãi 20 triệu đồng/ha

QUẢNG BÌNH Các diện tích lúa đông xuân sớm tại Quảng Bình hiện đã thu hoạch, năng suất bình quân khoảng 65 tạ/ha, nông dân lãi hơn 20 triệu đồng/ha…

Đốt rơm rạ là... đốt tiền

ĐỒNG THÁP Chưa khi nào nông dân thấy giá trị của rơm rạ như bây giờ, thu hoạch xong không đốt bỏ mà bán cho hợp tác xã, xử lý thành các sản phẩm đa dụng...

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm