| Hotline: 0983.970.780

Gác rừng ở chốn '3 không'

Thứ Năm 13/02/2020 , 08:57 (GMT+7)

Không điện, không đường, không sóng điện thoại là những thiếu thốn mà lực lượng bảo vệ rừng trên dãy Trường Sơn (Vườn quốc gia Vũ Quang) phải đối mặt hàng chục năm nay.

Trạm Kiểm lâm Cò, còn được gọi là trạm

Trạm Kiểm lâm Cò, còn được gọi là trạm "3 không" nằm lọt thỏm giữa đại ngàn dãy Trường Sơn.

1 người bảo vệ gần 6.000ha rừng

Vườn quốc gia (VQG) Vũ Quang, huyện Vũ Quang nằm cách trung tâm thành phố Hà Tĩnh hơn 60km đường bộ.

Sáng đầu xuân nắng ráo chúng tôi quyết định liên hệ với lãnh đạo Vườn ngược ngàn, tìm hiểu đời sống của những cán bộ bảo vệ rừng thường xuyên “giáp la cà” với lâm tặc ở các trạm Cò, Sao La. Đây là 2 trạm kiểm lâm nằm giữa hồ Ngàn Trươi, cách biệt với đất liền và được mệnh danh là trạm kiểm lâm “3 không”: Không đường bộ, không điện lưới, không sóng điện thoại.

Mất gần 1 giờ đi xuồng máy giữa lòng hồ thủy lợi Ngàn Trươi (thuộc dự án thủy lợi Ngàn Trươi - Cẩm Trang), với không ít lần mắc kẹt giữa những gốc cọ, tre nứa, chúng tôi đặt chân đến trạm kiểm lâm Cò 2.

Trạm trưởng Mai Văn Quyết đón chúng tôi bằng nụ cười rạng rỡ, tay bắt, mặt mừng. Anh tếu táo nói rằng ở chốn này, có người đến chơi đã rất vui rồi mà đây lại là chị em phụ nữ thì càng vui hơn Tết.

Anh bảo, trạm kiểm lâm Cò 2 có 4 người, trong đó chỉ có 2 viên chức còn lại là nhân viên hợp đồng/năm theo diện hộ gia đình. Theo quy định, mỗi viên chức kiểm lâm chỉ quản lý tối đa 500ha rừng nhưng 4 người ở đây quản lý tới 23.000ha. Tức bình quân mỗi người phải đảm nhiệm gần 6.000ha (cả viên chức và lao động hợp đồng), nhiều gấp 12 lần so với quy định.

Áp lực công việc lớn, lại ở xa gia đình, vợ con nên có những anh em không chịu được “nhiệt” phải bỏ nghề. Còn như anh, do quá đam mê rừng núi và cũng quen với cuộc sống thiếu thốn từ nhỏ nên vẫn nhất niệm “sinh nghề, tử nghiệp”, quyết không né tránh nhiệm vụ.

Ở trạm Cò 2 không có điện lưới nên hàng chục năm qua, các cán bộ kiểm lâm chỉ có ánh đèn dầu leo lét làm bạn. Mới đây, được một doanh nghiệp hỗ trợ hệ thống tấm quang năng để tận dụng xây dựng hệ thống điện năng lượng mặt trời nên ánh sáng được cải thiện hơn nhưng cũng chỉ đủ để thắp 2 chiếc bóng đèn ở phòng sinh hoạt chung và phòng ngủ.

Đặc thù đường đi lại khó khăn nên thực phẩm chủ yếu do các anh “tự cung tự cấp”. Phía trước trạm là vườn rau xanh mướt với rất nhiều loại. Xung quanh vườn nuôi thêm gà, vịt, ngan, ngỗng.

Anh Quyết nói: “Ở đây, một tuần chúng tôi mới ra ngoài đất liền 1 lần, khi có anh em nào về nhà thì đi chợ mua luôn thức ăn đưa vào. Buổi tối ăn cơm tối xong, anh em chỉ biết ngồi tán gẫu với nhau đôi ba câu rồi đi ngủ. Không ti vi, không sóng điện thoại, buồn vô cùng”.

Để liên lạc với gia đình các anh phải leo lên cây để hứng

Để liên lạc với gia đình các anh phải leo lên cây để hứng "sóng vớt".

Ngoài bất tiện, việc thiếu sóng điện thoại còn khiến cuộc sống của những cán bộ bảo vệ rừng ở VQG Vũ Quang cười ra nước mắt. “Có hôm đang nói chuyện dở với vợ con, mất sóng, tôi phải leo lên cây để hứng “sóng vớt”. Thế nhưng cũng chập chờn câu được câu mất”, trạm trưởng Quyết vừa nói vừa leo lên cây thực nghiệm lại những lần anh đi tìm sóng điện thoại.

Hay trường hợp anh Đinh Hữu Chức, Trạm phó trạm kiểm lâm Sao La. Cách đây khoảng 7 tháng, mẹ anh ở huyện Đức Thọ bị ngã, gãy cổ phải chuyển ra Hà Nội cấp cứu trong đêm. Đêm đó, gia đình liên lạc liên tục cho anh nhưng không được. Sáng mai, khi anh leo lên cây tìm sóng, nhận được tin nhắn của vợ, tức tốc lên đường về ra Hà Nội thì cũng là lúc mẹ đang nằm trên bàn mổ.

Cách đây không lâu, anh Lê Ngọc Bá, lao động hợp đồng ở trạm Cò 2 lên cơn tai biến trong đêm phải đưa ra đất liền. Một tiếng di chuyển bằng thuyền, tính mạng anh vô cùng mong manh, may sao anh được đưa đến bệnh viện kịp thời, thoát chết trong gang tấc...

Trạm... ế vợ

Ngoài cái tên “trạm 3 không” thì trạm Cò, Sao La còn được gọi bằng một cái tên tếu táo khác là “trạm ế vợ”. Sở dĩ có cái tên như vậy vì đa số anh em cán bộ trạm đã luống tuổi nhưng trong tình trạng “giường không gối chiếc”.

Rất nhiều cán bộ kiểm lâm ở VQG Vũ Quang vẫn

Rất nhiều cán bộ kiểm lâm ở VQG Vũ Quang vẫn "giường không gối chiếc" dù đã luống tuổi.

Anh Nguyễn Hữu Hiếu (SN 1983) nhưng đến nay vẫn chưa có vợ. Tương tự, anh Lê Văn Lượng (SN 1976), nhà ở thị trấn Vũ Quang vẫn buồng không nhà trống. Rồi anh Đặng Văn Thành (SN 1989), Nguyễn Xuân Hoàng (SN 1997)… đều rơi vào tình cảnh tương tự.

Nói đến đây, các anh cùng ồ lên cười vừa tếu táo vừa trầm buồn: “Nghề này, sống cách biệt với đất liền không có cơ hội gặp gỡ ai, sóng điện thoại cũng không có thì tán tỉnh được cô nào mà không ế vợ”.

Dù thiếu thốn tình yêu đôi lứa nhưng mỗi khi nhắc đến công việc ánh mắt các cán bộ bảo vệ rừng ở đây lại hừng hực khí thế. Các anh bảo, tình yêu rừng ngấm vào máu thịt rồi nên các anh mới có thể hi sinh cuộc sống riêng tư nhiều đến vậy.

Anh Hiếu, kiểm lâm viên Trạm Sao La chia sẻ, trước đây anh làm ở trạm kiểm lâm Hòa Hải, huyện Hương Khê  (Hà Tĩnh). Sau năm 2016, anh chuyển về trạm Sao La. Mẹ anh trước làm công nhân lâm trường Vũ Quang (nay là VQG Vũ Quang).

Ngày đó, bà lên đây làm công nhân gặp bố anh, 2 người yêu nhau rồi cưới. Anh vẫn còn nhớ như in những ngày thơ ấu, khi anh còn rất nhỏ, mẹ vào rừng bốc đá đổ đường, ở nhà một mình đói bụng quá, anh phải trèo cây mít, hái dái cám ăn trừ bữa. Thế nhưng, cái mảnh đất bốn phía rừng, đá và sỏi cộng với cái nóng rát của nắng gió Trường Sơn nhưng lại khiến anh yêu và gắn bó đến lạ kỳ.

Điều kiện sinh hoạt khó khăn, trách nhiệm nặng nề nhưng một nghịch lý là chế độ lương của cán bộ bảo vệ rừng ở VQG Vũ Quang lại chưa tương xứng. Làm việc, cống hiến cho nghề gần 30 năm nhưng lương và phụ cấp của Trạm trưởng kiểm lâm Cò 2 Mai Văn Quyết chưa được 6 triệu đồng/tháng; Trạm trưởng trạm Sao La Lê Công Sáng công tác 12 năm trong nghề cũng mới chỉ được 5 triệu đồng/tháng.

Trạm trưởng Mai Văn Quyết cho rằng, chế độ lương của cán bộ bảo vệ rừng ở VQG Vũ Quang chưa tương xứng với đặc thù công việc.

Trạm trưởng Mai Văn Quyết cho rằng, chế độ lương của cán bộ bảo vệ rừng ở VQG Vũ Quang chưa tương xứng với đặc thù công việc.

Ông Nguyễn Danh Kỳ, Giám đốc VQG Vũ Quang chia sẻ, tổng cán bộ nhân viên đơn vị hiện có 90 người. Trong đó, biên chế 59 người và số còn lại là hợp đồng theo Nghị định 24 của Chính phủ.

Theo chỉ tiêu biên chế của Nhà nước hiện vẫn đang thiếu trong khi rất nhiều cán bộ nhân viên vườn hàng chục năm qua vẫn phải làm việc ở chế độ hợp đồng.

“Đời sống vốn đã vô cùng khó khăn, đặc biệt sau đợt lũ tháng 9/2019, nước thượng nguồn đổ về trong đêm, trạm kiểm lâm Sao La và Cò 2 bị nước lũ nhấn chìm, toàn bộ vật dụng, tài sản của cán bộ kiểm lâm gây dựng bấy lâu bị ngập hư hỏng hết. Từ ngày trạm bị ngập, điều kiện ăn ở, sinh hoạt, làm việc, đi lại của anh em ở 2 trạm này lại càng gặp nhiều khó khăn hơn”, ông Kỳ nói.

Xem thêm
Gần 6.400 hộ dân huyện Trạm Tấu ký cam kết bảo vệ rừng

YÊN BÁI Các vụ cháy rừng ở Trạm Tấu chủ yếu do bất cẩn của người dân khi xử lý thực bì bằng lửa, vì vậy việc đốt nương làm rẫy đang được quản lý chặt chẽ.

Trồng 33.000 cây xanh tại Vườn quốc gia Xuân Sơn

Các đơn vị trồng mới 33.000 cây, trong đó 3.000 cây bản địa (cây mỡ) và 30.000 cây keo tại vùng đệm của Vườn quốc gia Xuân Sơn.

Cứu hộ thành công cá thể gấu ngựa bị cụt chi trước

HÀ NỘI Từ đầu năm 2024 đến nay, Chi cục Kiểm lâm thành phố Hà Nội đã bàn giao 5 cá thể gấu cho Trung tâm Cứu hộ Gấu Việt Nam.

Đặc sắc lễ cúng thần rừng của người Mông Nà Hẩu

Lễ cúng thần rừng là nghi lễ độc đáo được người Mông ở xã Nà Hẩu tổ chức vào ngày cuối cùng của tháng Giêng hàng năm.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm