| Hotline: 0983.970.780

Giữ bình yên theo những chuyến tuần rừng

Thứ Ba 23/04/2024 , 06:00 (GMT+7)

Quảng Bình Hằng tháng, họ vẫn âm thầm chuẩn bị cho những chuyến xuyên rừng đầy gian khó để bảo vệ bình yên cho những cánh rừng già Trường Sơn…

Buổi sáng, trời còn mờ sương chưa tỏ nhưng Trạm bảo vệ rừng Thượng Hóa (thuộc Công ty trách nhiệm hữu hạn lâm côngnghiệp Bắc Quảng Bình), như đã nhộn nhịp hẳn lên rồi. Người cuộn chăn màn, người chuẩn bị nồi niêu, gạo, cá khô… Trạm trưởng Đinh Thượng Hải, bảo: “Hôm nay anh em đi tuần rừng nên phải chuẩn bị từ sớm để lên đường mới kịp thời gian. Chặng đường hôm nay cũng phải băng qua nhiều lần suối, trèo mấy con dốc cao mới đến được điểm cuối đó”.

Những chuyến tuần tra, kiểm soát rừng tự nhiên đã được Trạm bảo vệ rừng Thượng Hóa thực hiện thường xuyên. Ảnh: Tâm Đức.

Những chuyến tuần tra, kiểm soát rừng tự nhiên đã được Trạm bảo vệ rừng Thượng Hóa thực hiện thường xuyên. Ảnh: Tâm Đức.

Lặng lẽ giữa rừng già…

Ra khỏi trạm, tổ công tác theo con đường xuyên hun hút dưới tán rừng trồng. Đi hết khoảnh rừng keo tràm đã khép tán thì gặp con suối Rú Rạc chảy cắt trước mặt. Anh Đinh Thượng Hải xốc ba lô bảo: “Phải vượt qua bốn lần con suối này thì đến được điểm dừng chân. Nơi đó là điểm hai tổ tuần tra gặp nhau trao đổi công tác tuần tra rồi quay về trạm”. Lội qua suối thì đến vùng rừng cây lồ ô đan chéo qua về như chắn lối. Mọi người phải đi khom để chui qua những vùng cây lồ ô đổ. “Chạy nhanh”- tiếng anh Hải hô. Mọi người ráng nín hơi bật chân thoăn thoắt. Tôi cũng phóng ào lên, chui tót qua mấy vòm cây tối và đầy dây rừng như níu lấy chân. Một lúc, cả nhóm đến được một nhánh suối nhỏ. Mọi người dừng lại và hạ ba lô, kéo ống quần lên kiểm tra.

“Hôm trước mưa nên vùng cây lô ô vắt sên nhiều lắm, không chạy nhanh là mệt với chúng đó”- tiếng ai đó giải thích. Tôi cũng kéo vội ống quần, hai bắp chân đã có gần chục con sên bám ngang dọc tự lúc nào…

Chúng tôi lại xuyên rừng, con đường nhỏ cứ vòng vèo men theo con suối, khi thì đột ngột đổi hướng để tránh một vùng cây rậm rịt hay một núi đá dựng đứng chắn lối. Có khi, con đường lại như vắt ngược lên con dốc cao mà người đi trước chỉ kịp để lại tiếng thở gấp cho người đi sau. Dù chưa phải mùa hè, nhưng con suối Rú Rạc cũng không cuồn cuộn chảy như những năm trước. Anh Hải bảo: ‘Báo hiệu cho mùa hè đến sẽ khô hạn mạnh lắm đây”.

Những lúc băng qua suối hiểm trở. Ảnh: Tâm Đức.

Những lúc băng qua suối hiểm trở. Ảnh: Tâm Đức.

Hơn 11 giờ trưa thì chúng tôi đến được đoạn băng qua suối lần thứ bốn, đoạn này con suối chảy qua nhiều tảng đá lớn, tiếng nước đổ nghe rộn lên. Anh Hải bảo mọi người nghỉ chút lấy sức rồi phân công cho hai người ở lại kiếm củi khô nhóm bếp nấu cơm trưa. “Riêng tổ còn lại thì đi thêm hai giờ đồng hồ mới đến khu vực “giao ban”. Trên đó thì không có nước nên không thể nấu cơm được.

Chưa ráo mồ hôi thì tổ tuần tra lại lên đường. Đường đi bây giờ chỉ toàn dốc cao. Gần trưa ai cũng thấm mệt nên bước chân cũng bắt đầu nhão ra, mồ hôi thi nhau tràn xuống mặt làm mắt cay xè. Cây rừng và gỗ lớn hiện ra sừng sững trước mặt. Chênh chếnh bên con đường chạy trên đỉnh là một cụm năm cây gỗ lớn. Cây nào cũng có đường kính lớn hơn vòng tay ôm của người lớn. “Rừng này toàn là cây gỗ táu thôi”- tiếng anh Hải nói như thoảng trong tiếng xào xạc của lá rừng. Táu là loại cây gỗ quý, được các cụ ngày xưa xếp vào nhóm “tứ thiết” là “đinh-lim-sến-táu”. Đi thêm vài chục bước chân, anh Hải rẽ lối sang trái vòng tay ôm đo một cây gỗ táu lớn. Cây sừng sững, gốc có đường kính đến gần mét. Tay vỗ vỗ vào thân cây, anh Hải bảo: ‘Những cây gỗ quý lớn như này thật là quý cho rừng”.

Khi lên, khi xuống những con dốc cao. Ảnh: Tâm Đức.

Khi lên, khi xuống những con dốc cao. Ảnh: Tâm Đức.

Thi thoảng, chúng tôi cũng bắt gặp một vài gốc cây lớn, lá khô và dây leo phủ kín. Bên cạnh là phần ngọn nằm chéo về sườn dốc. Anh Hải cho hay: “Vùng rừng này được đưa vào khai thác gỗ hơn chục năm rồi, trước khi có lệnh đóng cửa rừng. Bây giờ thì chúng tôi phải giữ ngày đêm, phải tổ chức tuần tra rừng kiểu luồn sâu như này mới sớm phát hiện được hành vi xâm hại đến rừng”.

Hai tổ công tác gặp nhau tại đỉnh núi. Đó là khoảng khá rộng trên đỉnh, xung quanh toàn những cây gỗ táu nhỏ thì bắng cột nhà, lớn thì hơn vòng tay người ôm thẳng đứng lên trời xanh, tán phủ rộng, gió rừng cứ ù ù xuyên qua ngọn lá. Vốn có kinh nghiệm đi rừng nên tôi để ý xem có nhánh rẽ nào từ đỉnh xuống sườn núi hay không, thông thường những con đường mờ nhạt đó là dẫn về một điểm có cây gỗ lớn bị cưa hạ. Như đoán được suy nghĩ của tôi, anh Hải cười bảo: “Vùng này phải bảo vệ nghiêm ngặt đó anh. Trạm chúng tôi tổ chức tuần tra theo tin báo, theo hiện tượng khác thường chứ không phải theo quy luật đâu. Vì vậy, mọi biến động trong rừng trạm cũng cơ bản nắm được thông tin cụ thể. Anh em vất vả, khó nhọc nhiều thì mới giữ được rừng bình yên đó”.

Khó khăn vất vả để giữ được những cánh rừng tự nhiên giàu trữ lượng. Ảnh: Tâm Đức.

Khó khăn vất vả để giữ được những cánh rừng tự nhiên giàu trữ lượng. Ảnh: Tâm Đức.

Yêu rừng vì… “máu nghề”

Khi tổ tuần tra rừng đổ dốc về nơi nhóm “hậu cần” thì bữa trưa đã được dọn ra. Mấy anh em ngồi trên cồn nổi giữa dòng suối quây quần bên mâm cơm. Mâm cơm giữa rừng cũng khiêm nhường: nồi cơm đặt giữa, hai bên là nồi cá khô kho rim với ớt và một bên là lọ muối lạc. “Trưởng bếp” Đinh Thanh Tiền, người có biệt tài nhóm lửa đỏ kể cả trời mưa, phân bua: “Em có đi mò bắt “chè khé” (một loại cua núi) dưới suối, nhưng ban ngày thì khó có lắm. Nên chịu. Ăn tạm vậy thôi. Tối về ăn tiếp nha”. Do đi rừng lạ nước nên tôi cũng chen vào làm ba lưng bát cơm với cá kho rim mặn. Bữa cơm giữa rừng già thật ngon, ngon hơn đi ăn tiệc cưới dưới phố.

Có những cây gỗ quý cổ thụ được bảo vệ nghiêm ngặt. Ảnh: Tâm Đức.

Có những cây gỗ quý cổ thụ được bảo vệ nghiêm ngặt. Ảnh: Tâm Đức.

Trạm bảo vệ rừng Thượng Hóa có 6 người, nhiệm vụ được giao là quản lý bảo vệ hơn 2.500 ha rừng tự nhiên trên địa bàn huyện Minh Hóa. Lâm phận rừng của Trạm bao gồm cả tiểu khu rừng đèo Đá Đẻo (đường Hồ Chí Minh chạy qua), nên khá nhạy cảm. Ở đó, Trạm phải bố trí có một chốt và quân số của Trạm phải chia làm hai, mỗi nơi có 3 người.

Dù lực lượng ít, nhưng anh em cũng phải chia lực lượng làm hai tổ. Một tổ chốt có 3 người ở đèo Đá Đẽo và quân số trực ở Trạm có 3 người. Ở tổ chốt, lực lượng của trạm thay phiên nha mắc võng ở đó. Vùng rừng này còn nhiều gỗ và sát đường lộ nên rất dễ bị khai thác trộm. Bây giờ, lâm tặc không dùng cưa máy xăng dễ bị phát hiện mà dung cưa kéo tay sắc cưa gốc cây. Khi có trận gió lớn thì kéo cho ngã. Tiếng cây ngã lẫn trong tiếng gió nên lực lượng bảo vệ rừng khó phát hiện. Vì vậy, anh em phải thay phiên nhau chốt ngay điểm ngã ra đường mòn để ngăn chặn người vào ra rừng. “Nếu có cắt trộm cây và vận chuyển đi thì phải qua điểm này là bị anh em phát hiện ngay. Vì vậy, chúng tôi phải đủ nhân lực để chốt đêm ở đây”- Trưởng trạm Hải nói.

Bữa cơm giữa rừng trong những chuyến tuần tra. Ảnh: Tâm Đức.

Bữa cơm giữa rừng trong những chuyến tuần tra. Ảnh: Tâm Đức.

Không theo định kỳ, nhưng hàng tháng, anh em ở Trạm phải có chuyến tuần rừng theo lộ trình dài. Chuyến đi lần này mà tôi được đi cùng chưa phải là chuyến đi dài nhất. Cứ mỗi lần nghỉ chân là anh em trao đổi công việc chứ ít nói đến những khó khăn vất vả của những người bảo vệ rừng chuyên trách. Không nói, nhưng tôi hiểu, người nhận lương cao nhất là Trạm trưởng Hải với 7 triệu đồng mỗi tháng. “Thì tất thảy đều trong đó, từ chi phí tuần rừng, ăn uống, xe cộ hao phí cũng hơn phân nửa. Còn chút để dành cho gia đình thì chỉ là…”- Trạm trưởng Hải bỏ câu nói nữa chừng. “Mà thôi. Đã chọn nghề thì yêu nghề mà. Bản thiện yêu rừng đã ngấm vào máu thịt rồi thì muốn dứt cũng không được. Thấy một cây rừng bị bão giật gãy hay bị lâm tặc đốn là trong lòng thấy xót xa lắm”- Trạm trưởng Hải bộc bạch tấm lòng.

Chúng tôi quay về khi chiều muộn. Gần ra đến cửa rừng bước chân như nặng hơn. Từ giữa hàng người, tiếng anh Phạm Văn Ngợi chợt vóng lên: “Bữa trước, hai tháng mới được về thăm nhà. Vậy mà, hai bố con giận nhau ra mặt luôn”. Tiếng ai đó đề vào: “Thì cả bố lẫn bố con đều giành lấy mẹ thì bảo sao mà không giận nhau”. Tiếng cười chợt râm ran lên như xua tan đi cái mệt nhọc, bước chân như nhanh hơn. Một lát, mái nhà chóp nhọn của Trạm đã thấy thấp thoáng ở bên kia mé đồi.

Xem thêm
Gần 6.400 hộ dân huyện Trạm Tấu ký cam kết bảo vệ rừng

YÊN BÁI Các vụ cháy rừng ở Trạm Tấu chủ yếu do bất cẩn của người dân khi xử lý thực bì bằng lửa, vì vậy việc đốt nương làm rẫy đang được quản lý chặt chẽ.

Trồng 33.000 cây xanh tại Vườn quốc gia Xuân Sơn

Các đơn vị trồng mới 33.000 cây, trong đó 3.000 cây bản địa (cây mỡ) và 30.000 cây keo tại vùng đệm của Vườn quốc gia Xuân Sơn.

Cứu hộ thành công cá thể gấu ngựa bị cụt chi trước

HÀ NỘI Từ đầu năm 2024 đến nay, Chi cục Kiểm lâm thành phố Hà Nội đã bàn giao 5 cá thể gấu cho Trung tâm Cứu hộ Gấu Việt Nam.

Đặc sắc lễ cúng thần rừng của người Mông Nà Hẩu

Lễ cúng thần rừng là nghi lễ độc đáo được người Mông ở xã Nà Hẩu tổ chức vào ngày cuối cùng của tháng Giêng hàng năm.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm