| Hotline: 0983.970.780

Doanh nghiệp ván ép nguy cơ đóng cửa vì thuế chống bán phá giá Hàn Quốc

Thứ Năm 25/04/2024 , 08:51 (GMT+7)

152 doanh nghiệp ván ép sẽ phải chịu mức thuế xuất khẩu cao hơn từ 4-13% khi Cơ quan quản lý Hàn Quốc ra các phán quyết cuối cùng về thuế chống bán phá giá.

152 doanh nghiệp gỗ ván ép Việt Nam dự kiến phải chịu mức thuế cao hơn 4% khi xuất khẩu sang Hàn Quốc lo ngại sẽ không thể cạnh tranh và phải dừng hoạt động. Ảnh: PT.

152 doanh nghiệp gỗ ván ép Việt Nam dự kiến phải chịu mức thuế cao hơn 4% khi xuất khẩu sang Hàn Quốc lo ngại sẽ không thể cạnh tranh và phải dừng hoạt động. Ảnh: PT.

Trong thời gian gần đây, Chi hội Gỗ dán Việt Nam (Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam) nhận được nhiều thông tin phản ảnh từ các doanh nghiệp xuất khẩu ván ép làm từ gỗ rừng trồng của Việt Nam sang Hàn Quốc cho biết, cơ quan quản lý Hàn Quốc sắp đưa ra phán quyết cuối cùng về việc tái điều tra thuế chống bán phá giá các sản phẩm này giai đoạn 2020 - 2023.

Phía cơ quan quản lý của Hàn Quốc đã sang kiểm tra các doanh nghiệp và kết thúc trong tháng 11/2023. Thời điểm hiện tại là giai đoạn phía cơ quan quản lý của Hàn Quốc sắp ra các phán quyết cuối cùng về mức thuế chống bán phá giá cho các doanh nghiệp tham gia điều tra và các doanh nghiệp không nằm trong diện điều tra lại.

Trong giai đoạn này, doanh nghiệp nhận được rất nhiều thông tin về sự chênh lệch mức thuế rất lớn biên độ dao động từ 4,2 - 13,04%.

Theo ông Trịnh Xuân Dương, Phó chi hội trưởng Chi hội Gỗ dán Việt Nam, việc điều tra và áp thuế từ phía Hàn Quốc là chưa khách quan. Bởi lẽ, các doanh nghiệp được điều tra chỉ chiếm số lượng rất nhỏ trong tổng số doanh nghiệp Việt xuất khẩu mặt hàng ván ép vào thị trường Hàn Quốc.

Doanh số các doanh nghiệp này xuất khẩu vào thị trường Hàn Quốc các năm cũng chiếm không quá 20% tổng kim ngạch xuất khẩu. Mức thuế áp dụng cho các doanh nghiệp không được điều tra có biên độ tương đối lớn so với các doanh nghiệp được điều tra.

6 doanh nghiệp trong danh sách điều tra, gồm: Công ty TNHH Savi, Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Thanh Hùng, Công ty TNHH Kiều thi Junma, Công ty TNHH Junma Phú Thọ, Công ty TNHH Wood Industry Yên Bái, Công ty Rongjia.

Trong tổng số 6 doanh nghiệp điều tra, Công ty Rongjia đã đóng cửa, do đó không tham gia vào quá trình điều tra. Hơn nữa, số lượng các doanh nghiệp được điều tra chưa phán ánh đầy đủ tổng quan số lượng cũng như kim ngạch xuất khẩu ván ép vào Hàn Quốc của các doanh nghiệp Việt Nam.

Hàn Quốc là thị trường đầy tiềm năng với sản phẩm gỗ ván ép Việt Nam.

Hàn Quốc là thị trường đầy tiềm năng với sản phẩm gỗ ván ép Việt Nam.

Chia sẻ thêm về điều này, ông Nguyễn Văn Đông, Thư ký Chi hội Gỗ dán Việt Nam cho biết, Hàn Quốc là thị trường đầy tiềm năng với sản phẩm gỗ ván ép. Hiện có những doanh nghiệp không hoặc có rất ít sản lượng xuất khẩu vào thị trường Hàn Quốc, thậm chí chưa từng xuất khẩu vào nước này.

"Do đó, các doanh nghiệp này tất nhiên là không thuộc phạm vi điều tra, trong tương lai, họ muốn xuất khẩu vào Hàn Quốc mà bị áp thuế chung là sự thiệt thòi và không công bằng với các doanh nghiệp đó trong dài hạn. Điều này có thể làm hạn chế thị trường xuất khẩu cho ngành ván ép Việt Nam trong lâu dài", ông Đông nêu quan điểm.

Đồng hành cùng doanh nghiệp trong xuất khẩu mặt hàng ván ép của Việt Nam, Chi hội Gỗ dán Việt Nam đề nghị Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, Cục Phòng vệ Thương mại (Bộ Công thương) kiến nghị tới cơ quan quản lý của Chính phủ Hàn Quốc tạo điều kiện thông thoáng cho sản phẩm ván ép Việt Nam được xuất khẩu vào thị trường này một cách tốt nhất.

Theo số liệu năm 2023, có khoảng 152 doanh nghiệp dự kiến phải chịu mức thuế cao hơn 4%. Các doanh nghiệp này sẽ không thể cạnh tranh và phải dừng hoạt động.

Công nhân của các doanh nghiệp này sẽ mất việc làm do hàng trăm nhà máy phải đóng cửa. Các nhà cung cấp nguyên vật liệu cũng sẽ phải dừng hoạt động. Rừng không được trồng mới do không có đầu ra. Toàn bộ chuỗi cung ứng trồng rừng và chế biến lâm sản sẽ bị ngắt quãng.

Như vậy, các mục tiêu của Nhà nước trong thời gian tới liên quan đến chứng chỉ xanh và hạn chế vấn đề ô nhiễm môi trường sẽ bị ảnh hưởng trực tiếp. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp Hàn Quốc đang nhập khẩu gỗ dán từ Việt Nam và cả hệ thống đi cùng với việc kinh doanh của họ cũng sẽ đối mặt với vấn đề rất lớn.

"Chúng tôi đề nghị phía Cục Phòng vệ thương mại trao đổi để có giải pháp và đề xuất phía cơ quan quản lý Hàn Quốc giữ nguyên mức thuế chống bán phá giá như lần điều tra trước (10,54%). Việc này sẽ tạo điều kiện cho doanh nghiệp Việt duy trì được thị trường và ổn định sản xuất trong bối cảnh nền kinh tế chung toàn cầu đang bị suy giảm như hiện nay", ông Trịnh Xuân Dương kiến nghị.

Theo Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, sản phẩm gỗ dán, gỗ ghép của Việt Nam xuất khẩu sang 81 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới trong năm 2023. Trong đó, Hàn Quốc, Nhật Bản, Mỹ và Malaysia là 4 thị trường xuất khẩu gỗ dán chính của Việt Nam vào năm 2023, chiếm 77,1% về lượng và 77,4% về giá trị. Riêng thị trường Hàn Quốc chiếm 29% về lượng và 22,7% về giá trị (đạt 804,71 nghìn m3, với kim ngạch đạt 201,75 triệu USD, giảm 7,2% về lượng và 19,6% về giá trị so với năm 2022).

Xem thêm
Gần 6.400 hộ dân huyện Trạm Tấu ký cam kết bảo vệ rừng

YÊN BÁI Các vụ cháy rừng ở Trạm Tấu chủ yếu do bất cẩn của người dân khi xử lý thực bì bằng lửa, vì vậy việc đốt nương làm rẫy đang được quản lý chặt chẽ.

Trồng 33.000 cây xanh tại Vườn quốc gia Xuân Sơn

Các đơn vị trồng mới 33.000 cây, trong đó 3.000 cây bản địa (cây mỡ) và 30.000 cây keo tại vùng đệm của Vườn quốc gia Xuân Sơn.

Cứu hộ thành công cá thể gấu ngựa bị cụt chi trước

HÀ NỘI Từ đầu năm 2024 đến nay, Chi cục Kiểm lâm thành phố Hà Nội đã bàn giao 5 cá thể gấu cho Trung tâm Cứu hộ Gấu Việt Nam.

Đặc sắc lễ cúng thần rừng của người Mông Nà Hẩu

Lễ cúng thần rừng là nghi lễ độc đáo được người Mông ở xã Nà Hẩu tổ chức vào ngày cuối cùng của tháng Giêng hàng năm.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm