| Hotline: 0983.970.780

Hợp tác xã chủ động thích ứng bối cảnh mới bằng nhiều giải pháp

Thứ Bảy 27/11/2021 , 08:17 (GMT+7)

Ông Lê Đức Thịnh, Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển Nông thôn, đề xuất 4 giải pháp giúp hợp tác xã thích ứng với tình hình bối cảnh mới...

Ông Nguyễn Ngọc Thạch, Tổng Biên tập Báo Nông nghiệp Việt Nam, phát biểu khai mạc diễn đàn.

Ông Nguyễn Ngọc Thạch, Tổng Biên tập Báo Nông nghiệp Việt Nam, phát biểu khai mạc diễn đàn.

Nhằm kết nối, quảng bá và xúc tiến tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp cho các HTX, trang trại nông nghiệp và nông dân, Tổ điều hành Diễn đàn kết nối nông sản 970 phối hợp Cục Kinh tế hợp tác & PTNT và Trung tâm Xúc tiến thương mại Nông nghiệp tổ chức diễn đàn với chủ đề "Kết nối gắn sản xuất với tiêu thụ nông sản khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã trong điều kiện bình thường mới".

Diễn đàn sáng 27/11 có sự tham gia của Sở NN-PTNT, Chi cục PTNT của nhiều tỉnh, thành phố. Khu vực phía Bắc gồm: Sơn La, Hòa Bình, Hà Giang, Bắc Kạn, Bắc Giang, Hà Nam, Hưng Yên, Hải Dương, Nam Định, Vĩnh Phúc.

 

Khu vực miền Trung và Tây Nguyên là: Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Phú Yên, Ninh Thuận, Khánh Hòa,  Đăk Lăk, Đắk Nông, Gia Lai, Kon Tum, Lâm Đồng. 

Khu vực phía Nam có: Tây Ninh, Bình Dương, Đồng Nai, Kiên Giang, An Giang, Đồng Tháp, Tiền Giang, Long An, Sóc Trăng, TP Cần Thơ.

Nội dung chính của Diễn đàn kết nối nông sản 970 phiên thứ 13, nhằm giới thiệu những công cụ, giải pháp, bài học và kinh nghiệm kết nối cung - cầu trong điều kiện bình thường mới. 

Bên cạnh đó, lãnh đạo ngành nông nghiệp, các chuyên gia và khách mời sẽ thảo luận nhằm nâng cao vai trò của hợp tác xã (HTX) nông nghiệp trong tổ chức sản xuất, kết nối cung ứng tiêu thụ nông sản; phát triển các chuỗi giá trị nông sản thông qua liên kết với sự tham gia của các HTX nông nghiệp.

Dự kiến, Hội nghị diễn ra từ 8h30, thông qua hình thức trực tuyến với 2 điểm cầu chính là Hà Nội và TP. HCM. Ngoài ra, còn nhiều đại biểu là các doanh nghiệp thu mua, chế biến, phân phối đến từ nhiều tỉnh thành trong cả nước tham gia trên nền tảng Zoom.

Tất cảTổng thuật

11h30

Để người nông dân thực sự là ông chủ

Phát biểu kết thúc Diễn đàn, ông Lê Đức Thịnh (ảnh), Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển Nông thôn, cho rằng phiên thứ 13 của Diễn đàn Kết nối nông sản 970 đã diễn ra rất hiệu quả khi các doanh nghiệp, với vai trò kết nối trung gian về công nghệ kết nối chuỗi giá trị, đã chia sẻ những kinh nghiệm quý giá cho các HTX.

Theo đó, ông Lê Đức Thịnh cho rằng trong bối cảnh mới của kinh tế, xã hội cũng như thị trường trong nước, thế giới, các HTX cần phải chủ động thích ứng bằng nhiều giải pháp.

Thứ nhất là đầu tư cho nguồn nhân lực; Thứ hai là nâng cao tiêu chuẩn sản xuất nông nghiệp theo hướng an toàn, tích hợp đa giá trị, thực hiện kinh tế nông nghiệp tuần hoàn; Thứ ba là đổi mới tư duy trong kinh doanh và liên kết, cần tiếp tục mở rộng quy mô của các HTX thông qua nhiều giải pháp khác nhau, từ tăng thành viên đến việc kết hợp với các HTX khác trong cùng lĩnh vực để mở rộng kinh doanh và hợp tác trong các hệ sinh thái. Ông Lê Đức Thịnh cho rằng đó là yêu cầu quan trọng trong việc phát triển của các HTX. Chỉ có tăng quy mô, chuẩn hóa sản xuất, nâng cao năng lực thì các HTX mới có thể thích ứng được với giai đoạn mới.

“Thứ tư, trong quá trình chuyển đổi, phát triển, các HTX cũng cần thay đổi tư duy trong liên kết với các doanh nghiệp đầu ra, cần phải tăng tính cam kết, chia sẻ giữa HTX và các doanh nghiệp đầu vào, đầu ra. Đặc biệt, rất cần những hợp tác cụ thể, không chỉ là câu chuyện bán hàng mà còn là sự hỗ trợ, tương tác của hai bên trong việc xử lý vốn, xử lý công nghệ…”, ông Lê Đức Thịnh nhấn mạnh.

Theo đó, Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển Nông thôn đề nghị các HTX tiếp tục xây dựng khu vực, thể chế phù hợp với nông thôn để hoàn thành những nhiệm vụ cho phát triển nông nghiệp; giúp đỡ, hỗ trợ những người nông dân chưa đủ điều kiện để làm ông chủ…

Ông Nguyễn Ngọc Thạch, Tổng Biên tập Báo Nông nghiệp Việt Nam cảm ơn và ghi nhận các ý kiến đóng góp trong sự phát triển của khu vực KTTT, HTX.

Ông đề nghị những đơn vị chưa được phát biểu, hoặc muốn chia sẻ thông tin, kết nối cung – cầu tiếp tục liên hệ với thành viên của Tổ điều hành.

Diễn đàn kết nối nông sản 970 phiên thứ 14 sẽ diễn ra vào ngày 4/12, với chủ đề kết nối sản xuất, tiêu thụ các sản phẩm trái cây phía Nam.

11h20

z2971501342843_f27b6b948d6c626673099e51017ac6dd

Sản phẩm của HTX Chiến Thắng, Hà Tĩnh.

Ông Đặng Bình Minh, đại diện HTX Chiến Thắng, Hà Tĩnh cho biết, HTX có nhiều sản phẩm đạt chứng nhận OCOP, trong đó có nước mắm, ruốc. HTX Chiến Thắng chú trọng và hoàn thiện quy trình sản xuất, hướng đến sản phẩm sạch, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.

Trên diện tích 1.200m2, HTX có hơn 600 chum sành để muối nước mắm thủ công và 6 bồn muối theo hệ thống năng lượng mặt trời do Sở Khoa học & Công nghệ Hà Tĩnh chuyển giao. Mỗi năm, cơ sở thu mua khoảng 200 tấn cá cơm để chế biến nước mắm.

Ngoài nước mắm, HTX Chiến Thắng còn chế biến ruốc mặn, sứa muối, cá mờm rim lạc... và thu mua hàng chục tấn cá tươi, cá khô giúp ngư dân trên địa bàn.

Qua Diễn đàn kết nối nông sản 970, ông Minh bày tỏ mong muốn được các cơ quan quản lý Nhà nước, hiệp hội, ngành hàng hướng dẫn quy trình, thủ tục xuất khẩu sang những thị trường như Mỹ, Nhật Bản, EU.

11h15

HTX Thanh Bình Thabi Farm (Đồng Nai) cho biết: Hiện nay, HTX đang phát triển theo hướng hữu cơ, chuẩn hữu cơ. Tuy nhiên, gặp rất nhiều khó khăn trong đồng bộ sản xuất.

Vườn trồng của các xã viên diện tích nhỏ, may mún, không liên kết tạo thành cánh đồng… nên việc kiểm soát dịch bệnh, sử dụng các hoạt chất chưa có sự đồng nhất. HTX vừa phải đảm bảo sản xuất, vừa phải lo công tác tiêu thụ.

Hiện, HTX có sản lượng hàng năm 50 tấn/ha. Với diện tích hơn 2.000 ha thì sản lượng chuối hàng năm có nhu cầu tiêu thụ rất lớn.

Trên cơ sở đó, HTX bày tỏ mong muốn, các đơn vị kết nối, doanh nghiệp có hệ sinh thái tốt liên kết với HTX xây dựng vùng trồng chuối tập trung; Tổ chức lại sản xuất, đi đúng hướng theo yêu cầu của thị trường, tối ưu sản phẩm…

11h10

Sản phẩm hữu cơ còn manh mún, nhỏ lẻ

Đại diện hệ thống thực phẩm sạch Bác Tôm, cho biết việc phân phối sản phẩm hữu cơ thì nguồn nguyên liệu còn manh mún, nhỏ lẻ.

Một số hộ cá thể làm rất tốt, nhưng chưa thành lập được hợp tác xã nên diện tích còn ít, chưa thể xác lập được hồ sơ. Hệ thống thực phẩm sạch Bác Tôm đang tính tới phương án hỗ trợ các hộ này làm tem chỉ dẫn địa lý. Một vấn đề khác được doanh nghiệp nêu ra là khó cạnh tranh với các điểm bán lẻ trôi nổi ngoài thị trường.

“70% sản phẩm của chúng tôi là ở phía Bắc, còn lại 30% là trái cây và hải sản miền Nam. Khi giá nông sản vào vụ thì các chuỗi bán lẻ rất khó cạnh tranh với các đơn vị bán đại trà ngoài thị trường. Một vài chương trình hỗ trợ tiêu thụ thì chất lượng không ổn định, gây hiểu lầm giữa khách hàng mua tại siêu thị và mua ngoài thị trường. Đây là vấn đề chúng tôi rất trăn trở”.

10h40

Kết nối, giao thương thuận lợi nhờ thương mại điện tử

z2971424429911_0e5bd2de5888d5515e37991e5cabbb88

Dù đang bị dịch bệnh ảnh hưởng, HTX Mật ong Cường Nga (Hà Tĩnh) vẫn tiêu thụ được 7.000 lít mật ong, thu về 3 tỷ đồng.

Chia sẻ thông tin tại Diễn đàn, ông Nguyễn Văn Cường, Giám đốc HTX Mật ong Cường Nga (Hà Tĩnh), cho biết, với tiềm năng, lợi thế từ đàn ong bản địa lớn, hàng năm cho năng suất mật cao, đến cuối năm 2019, sản phẩm Mật ong Cường Nga đã được đánh giá sản phẩm OCOP 3 sao.

Với kinh nghiệm sản xuất lâu năm, người nông dân HTX Mật ong Cường Nga đã kết hợp việc đầu tư ứng dụng khoa học kỹ thuật nên chất lượng sản phẩm mật ong đã có tính đồng đều hơn, qua đó khẳng định được vị trí trên thị trường.

“Mặc dù tình hình dịch bệnh phức tạp nhưng bằng việc ứng dụng nông nghiệp thông minh, đặc biệt là tham gia Kết nối thương mại điện tử nông sản trên Cổng Blockchain chuyển đổi số HTX nông nghiệp, việc kết nối giao thương của HTX vẫn diễn ra thuận lợi thông qua hình thức bán hàng trực tuyến, qua đó tiêu thụ được hơn 7.000 lít mật ong, thu về khoảng 3 tỷ đồng”, ông Nguyễn Văn Cường cho hay.

10h30

Xu thế chung là minh bạch thông tin nguồn gốc sản phẩm

Đại diện HTX Nông nghiệp hữu cơ an toàn FAOs (Gia Lai) chia sẻ: HTX phát triển theo hướng đa ngành, đa nghề, đa dịch vụ.

Vì vậy, HTX đã đẩy mạnh phát triển liên kết theo chuỗi giá trị với bà con nông dân ở địa phương theo cách thức HTX đứng ra thu mua, sơ chế, chế biến… Trong 3 tháng vừa qua, HTX đã tiêu thụ được 50 tấn bơ, 100 tấn nông sản các loại (khoai lang, sầu riêng…). Cũng theo vị đại diện HTX, hiện nay, xu thế chung của tất cả các thị trường là minh bạch thông tin nguồn gốc sản phẩm.

Chính vì vậy, theo kinh nghiệm mà HTX đang triển khai khi tham gia chuỗi liên kết, việc xây dựng nhật ký điện tử, truy xuất nguồn gốc sẽ giúp khả năng kết nối, tiêu thụ sản phẩm sẽ thuận lợi hơn.

Trên cơ sở đó, vị đại diện này có những khuyến nghị: Các HTX nên chạy đà theo bước chuyển biến của thị trường , tích cực tham gia vào chuỗi liên kết. Tuy nhiên, việc đầu tiên các HTX cần làm là đảm bảo chất lượng sản phẩm, sau đó trong chuỗi sẽ được các doanh nghiệp, đối tác hỗ trợ công tác tiêu thụ…

Ảnh minh họa.

Xu thế chung của tất cả các thị trường là minh bạch thông tin nguồn gốc sản phẩm (Ảnh minh họa).

Ngoài ra, HTX bày tỏ mong muốn được kết nối nhiều hơn, sâu hơn thông qua các diễn đàn. Đối với những doanh nghiệp thu mua, HTX sẵn sàng trở thành đầu mối kết nối các doanh nghiệp với vùng nguyên liệu, sản phẩm tốt, “Doanh nghiệp đưa đến cho chúng tôi dịch vụ tiêu thụ tốt, HTX sẽ cam kết đảm bảo cung cấp những sản phẩm có chất lượng cao nhất”, vị đại diện HTX nhấn mạnh.

Đối với các HTX bạn, nên mang tư duy doanh nghiệp vào HTX, có sản phẩm tốt trong tay cần tích cực mở rộng liên kết để tạo thành chuỗi sản suất, tiêu thụ bền vững.

10h20

Ông Nguyễn Tri Sáu, Giám đốc HTX cà phê Sáu Nhung, tỉnh Kon Tum cho biết, HTX hiện có 113 thành viên, chăm sóc theo hướng hữu cơ từ nhiều năm nay. Sản lượng của HTX vào khoảng hơn 100.000 tấn hạt khô mỗi năm. Công suất chế biến là hơn 2.000 tấn/ngày. Nhiều công nghệ hiện đại như tưới tự động, thu nhiệt bằng năng lượng mặt trời… được áp dụng. Về sản phẩm, HTX rất đa dạng trong đó nổi bật có cà phê sầu riêng và cà phê uống liền.

Ngoài phương án bán hàng thông thường, HTX còn triển khai bán qua sàn TMĐT. Tiến tới, HTX sẽ tích cực số hóa từ khâu sản xuất, thu hoạch, tới chế biến sau thu hoạch. Tuy nhiên, Kon Tum gặp trở ngại về hạ tầng giao thông, và vận chuyển. Do đó HTX Sáu Nhung chủ trương chế biến ra những sản phẩm tinh gọn, dễ vận chuyển, giảm chi phí logistics.

Ngoài ra, HTX cũng đang nghiên cứu, triển khai các quá trình truy xuất nguồn gốc, đảm bảo dư lượng thuốc bảo vệ thực vật.

Thời gian tới, ông Sáu kiến nghị các cơ quan quản lý, tạo điều kiện để HTX liên kết với nhiều chuỗi siêu thị lớn, đồng thời có những đơn hàng xuất khẩu lớn, dài hạn, giúp các thành viên HTX yên tâm sản xuất.

10h10

Ứng dụng chuyển đổi số, nông nghiệp thông minh, HTX vẫn tăng 10% doanh thu dù ảnh hưởng dịch bệnh

chuc son

Nhà sơ chế HTX Rau sạch Chúc Sơn phân loại rau và đóng gói, dán tem nhãn mác trước khi phân phối ra thị trường. Ảnh: Việt Cường/Báo ảnh Việt Nam/TTXVN.

“Trong quá trình sản xuất nông nghiệp, chúng tôi luôn trăn trở 2 vấn đề. Thứ nhất, sản phẩm của người nông dân được sản xuất và tiêu thụ một cách ổn định. Thứ hai, các nhà bán lẻ, người tiêu dùng tin tưởng vào quá trình sản xuất, sơ chế, đóng gói các sản phẩm trong điều kiện dịch bệnh, điều kiện bình thường mới hiện nay”, đại diện HTX Rau quả sạch Chúc Sơn (Hà Nội), bày tỏ tại Diễn đàn.

Theo đó, HTX Rau quả sạch Chúc Sơn là một trong số ít HTX ở Hà Nội tiên phong trong việc phát triển chuỗi thực phẩm sạch gắn với nông nghiệp thông minh và chuyển đổi số trong nông nghiệp. Hiện nay, việc kết nối, tiêu thụ sản phẩm của HTX một cách đồng bộ với các kênh bán hàng hiện đại như các hệ thống siêu thị lớn và các sàn giao dịch điện tử thương mại còn gặp nhiều khó khăn.

Do đó, HTX đã ứng dụng Công nghệ 4.0 eGap & eGap.vn, iMetos của Liên hiệp HTX Kinh tế số Việt Nam nhằm phục vụ chuyển đổi số trong hệ thống HTX với các giải pháp đồng bộ như nhật kí điện tử, hệ thống quản lý sản xuất bằng điện thoại thông minh, hệ thống camera giám sát đồng ruộng, tem truy xuất nguồn gốc QR code gắn với bộ nhận diện nhãn hiệu HTX Rau quả sạch Chúc Sơn.

Theo đại diện HTX Rau quả sạch Chúc Sơn, việc phát triển đồng bộ các giải pháp gắn với chuyển đổi số nông nghiệp, nông nghiệp thông minh, ứng dụng các hệ thống giám sát minh bạch đến các sàn thương mại điện tử, bước đầu đã giúp cho nông dân của HTX mở rộng, nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp, nâng cao tương tác giữa người nông dân với người tiêu dùng.

“Mặc dù thời gian qua tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp đã làm đứt gãy một số chuỗi cung ứng thực phẩm nhưng chuỗi sản xuất tiêu thụ của HTX vẫn duy trì, phát triển ổn định, doanh thu của HTX năm 2021 ước đạt khoảng 14 tỷ đồng, tăng 10% so với năm 2020”, đại diện HTX Rau quả sạch Chúc Sơn chia sẻ.

10h00

Cải thiện năng lực quản trị, mở rộng vùng nguyên liệu đạt chuẩn

Bà Trần Huyền Anh, đại diện HTX nông nghiệp CHOA, huyện Hương Khê, Hà Tĩnh cho biết, HTX có 23 vùng nguyên liệu, với tổng diện tích hơn 10.000 ha. Sản phẩm chính của HTX là đặc sản bưởi Phúc Trạch.

Năm 2021, HTX CHOA đã liên kết và đưa một số sản phẩm OCOP lên các sàn TMĐT, giúp minh bạch thông tin, quá trình sản xuất, đồng thời đáp ứng các yêu cầu về chuyển đổi số. HTX đã triển khai kế hoạch mở rộng, với tầm nhìn đến năm 2023, với mục tiêu tạo ra một hệ sinh thái nông nghiệp trên địa bàn huyện. Dù hoạt động tương đối hiệu quả trong việc ứng dụng công nghệ, HTX CHOA vẫn gặp khó khăn về kho vận, logistics trong quá trình đưa sản phẩm đến người dùng.

Bên cạnh đó, bà Huyền Anh thừa nhận, năng lực quản trị để mở rộng vùng nguyên liệu đạt chuẩn, tiến tới xuất khẩu ra nước ngoài cũng là một vấn đề HTX cần cải thiện.

“Chúng tôi mong muốn được tiếp cận với những ưu đãi về vốn, nhằm đẩy mạnh cơ giới hóa, cũng như được tham gia các lớp tập huấn về kỹ năng quảng bá, nâng cao thương hiệu sản phẩm khi đưa lên sàn TMĐT”, bà chia sẻ.

9h50

HTX chuyển sang "ăn chắc, mặc bền"

z2971284446268_94457862856b092fb721bd8ca4ce379c

Dán nhãn mác sản phẩm tại HTX dịch vụ nông nghiệp và chế biến 19/5 Sơn La.

“Trước dịch Covid-19, chúng tôi có đơn hàng ổn định với các siêu thị, nhà hàng. Song hai năm qua, tình hình đã đổi khác. Chúng tôi phải chuyển tư duy kinh doanh từ 'ăn ngon, mặc đẹp' sang 'ăn chắc, mặc bền' do đối tác cũng phải căn cơ hơn”, đại diện HTX dịch vụ nông nghiệp và chế biến 19/5 Sơn La, cho biết.

Đơn vị này đang tận dụng phân thải của chăn nuôi để chăm sóc đồng ruộng. Các phụ liệu như hoa quả thừa, củ quả thừa cũng phải tận dụng với phương châm: đầu ra của chăn nuôi là đầu vào của trồng trọt. Ngăn cách do dịch bệnh cũng khiến HTX chuyển hướng tiêu thụ tại địa phương.

“Càng trong những lúc khó khăn, thì vai trò của chính quyền địa phương trong việc giúp đỡ, tạo điều kiện cho hợp tác xã là rất quan trọng. Mặt khác, việc chuyển đổi số hóa sang dùng ứng dụng trên điện thoại (app) hay kinh doanh trực tuyến là rất quan trọng để thích ứng với tình hình mới”, đại diện HTX nói.

9h40

Minh bạch hóa quy trình sản xuất nông sản chỉ với 1 cú click chuột

Tại Diễn đàn, ông Mai Quang Vinh, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Giám đốc Liên hiệp Hợp tác xã Kinh tế số Việt Nam (VDECA), đã có những chia sẻ về Giải pháp Ứng dụng Công nghệ 4.0 eGap & eGap.vn, iMetos, MobiAgri phục vụ chuyển đổi số và bảo hiểm nông nghiệp trong hệ thống HTX.

Theo đó, ông Mai Quang Vinh cho rằng để nông sản tạo dựng được uy tín, bán được giá, bà con nông dân, HTX cần phải đảm bảo được tính minh bạch thông qua Chứng nhận TCVN, tiêu chuẩn quốc gia, tiêu chuẩn quốc tế; Chứng nhận tiêu chuẩn cơ sở; Quy chuẩn sản xuất; Quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn; Xác thực thực hiện quy chuẩn, tiêu chuẩn của bên thứ 3; Khả năng kết nối thị trường qua các nền tảng, hợp đồng liên kết chuỗi giá trị.

Thông qua các giải pháp công nghệ, sổ ghi chép thủ công sẽ được thay thế bằng nhật kí điện tử, sau đó trích xuất ra tem truy xuất thông minh.

“Chúng ta có thể theo dõi lô sản phẩm ngay từ ban đầu. Tem truy xuất thông minh có thể truy xuất đến từng công đoạn sản xuất thay cho tem bình thường chỉ truy xuất được nguồn gốc xuất xứ. Các cấp quản lý nhà nước sẽ có trách nhiệm giám sát khi tem truy xuất thông minh được xuất ra”, Giám đốc Liên hiệp Hợp tác xã Kinh tế số Việt Nam chia sẻ.

Đồng tình với ý kiến của ông Mai Quang Vinh, Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển Nông thôn Lê Đức Thịnh cho biết đây là một giải pháp Cục cũng như Liên hiệp HTX Kinh tế số Việt Nam đang triển khai tại 6 tỉnh với mong muốn minh bạch hóa quy trình sản xuất, cung cấp thông tin sản phẩm cho thị trường một cách chính xác nhất thông qua các công nghệ.

“Chúng tôi mong muốn sau quá trình thử nghiệm tại 6 tỉnh, sản phẩm nông sản của các HTX sẽ được gắn tem truy xuất thông minh, qua đó góp phần minh bạch hóa thông tin sản phẩm, đảm bảo yêu cầu về đầu ra cho doanh nghiệp.

Đồng thời, với giải pháp này, chỉ với 1 cú click chuột, người tiêu dùng có thể biết được hiện nay các HTX trên toàn quốc đang có những sản phẩm gì, quy trình sản xuất ra sao, thuộc loại quy chuẩn, tiêu chuẩn nào, dự báo sản lượng, thời vụ sẽ là bao nhiêu”, ông Lê Đức Thịnh thông tin.

9h30

Bà Nguyễn Thanh Hà, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần hệ sinh thái AFDEX, trình bày về giải pháp đồng bộ phát triển Kinh tế nông nghiệp nông thôn trong chuỗi liên kết cung cầu và chuỗi giá trị nông sản Việt của hệ sinh thái AFDEX.

Theo bà Hà, chuỗi hoạt động trong sàn AFDEX sẽ giúp quản lý số lượng, sản lượng, sản phẩm thay thế trong ngành hàng và trong sản xuất, lưu thông, tiêu thụ; quản lý dư lượng chất cấm, hàm lượng dinh dưỡng, quy trình, xuất xứ, truy cứu trách nhiệm; quản lý tài chính, truy vấn các mối quan hệ mua bán, quản lý thuế và lưu thông tiền tệ.

Trong hệ sinh thái AFDEX, bao gồm các dịch vụ: Khảo sát nhu cầu, xác nhận khả năng, tư vấn đầu tư, xác lập quan hệ tạo chuỗi. Cập nhật, cung cấp thông tin, đào tạo thực hành, cung cấp nhân sự, chuyên gia. Chuẩn hóa mô hình, chuyển giao công nghệ, kiểm soát chất lượng, quản lý hiệu quả. Cập nhật, cung cấp mô hình đầu tư, hỗ trợ tiêu thụ, vận chuyển, điều phối cung cầu. Tập trung nguồn lực thiết lập, xây dựng quản lý vận hành chuỗi, mô hình, điểm sàn, dịch vụ. Quản trị mục tiêu, tiêu chí chuỗi, mô hình, điểm sàn địa danh, gói dịch vụ, cơ chế hợp tác.

Nguyên lý vận hành của chuỗi cung cầu AFDEX theo 6 phân khúc. Trên cơ sở đó, sẽ giúp cân bằng lợi nhuận, cân bằng tâm thái…

9h10

Dùng công nghệ nâng cao giá trị nông sản

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Ông Vũ Hồ Vũ, Giám đốc điều hành Công ty Cổ phần Đầu tư Digital Kingdom (DGK) trình bày về kết nối thương mại điện tử nông sản trên Cổng Blockchain chuyển đổi số HTX nông nghiệp; Sàn Blockchain thương mại điện tử phục vụ kinh tế số HTX nông nghiệp.

Theo ông Vũ, công nghệ Blockchain mà công ty đang sử dụng có thể chứng minh được quy mô, năng lực sản xuất cũng như truy xuất được nguồn gốc trong khu vực kinh tế tập thể, HTX. Trong xu hướng đi theo công nghệ 4.0, công nghệ Blockchain mang lại đa lợi ích, cho cả cơ quan quản lý nhà nước, HTX, cũng như doanh nghiệp kết nối tiêu thụ. Hiện 59 Chi cục PTNT, 160 cán bộ địa phương, và hơn 600 cán bộ HTX đã sử dụng công nghệ này.

“Những công nghệ như Blockchain, IoT phù hợp với môi trường kinh doanh bán sỉ và xuất nhập khẩu, giúp bảo mật thông tin và an toàn dữ liệu”, ông Vũ nói. Nhờ việc chuyển đổi số này, hơn 2.500 tấn sầu riêng, 100 tấn khoai lang, 80 tấn bưởi, và 200 tấn xoài, chôm chôm, vải… được hỗ trợ. Tổng giá trị đơn hàng lên tới hơn 300 tỷ đồng.

Về phía HTX, công nghệ Blockchain có gắn kèm tem chống hàng giả, giúp nông sản minh bạch, thông tin rõ ràng khi xuất khẩu, giúp tạo dựng niềm tin ban đầu giữa người bán và người mua. Thời gian tới, ông Vũ kiến nghị cho công ty được tiếp tục liên kết với Cục Kinh tế hợp tác & PTNT, giúp nâng cao giá trị nông sản.

9h05

Nhịp cầu kết nối

Trong khuôn khổ diễn đàn, một số HTX, DN, hộ kinh doanh muốn tìm đối tác để cung - cầu nông sản. Cụ thể:

- Công ty Cổ phần AFDEX Hà Nội đang có thị trường xuất khẩu một số sản phẩm sang Tây Ban Nha và châu Âu. Trước mắt cần Thanh long ruột đỏ và Bơ. HTX, DN nào có nhu cầu phát triển thị trường, xin vui lòng liên hệ với chị Hà (0938337456). Email: hanoi@afdex.com.vn. Trân trọng.

- Macca Hoài Anh - sản phẩm OCOP và sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu Lâm Đồng năm 2021, công suất 120 tấn (30) tấn nhân/năm, tham gia triển lãm nông nghiệp tại Ấn Độ, Israel có truy xuất nguồn gốc và mã số mã vạch quốc gia , mong muốn kết nối với các cửa hàng thực phẩm sạch trên toàn quốc. Địa chỉ: Thanh Hà, Đông Thanh, Lâm Hà, Lâm Đồng. Điện thoại: 0988341209

- Hộ kinh doanh Quốc Huy có sản phẩm Coffee Phát Huy OCOP 3 sao, sản xuất tại Thôn Thanh Giáo, Xã Ia Krêl, Huyện Đức Cơ, Gia Lai. Mong được sự quan tâm hỗ trợ và kết nối giao lưu cùng đưa sản phẩm ra thị trường. Điện thoại: 0978275325. Email: camnguyen.01011961@gmail.com.

- HTX Nông Nghiệp Sạch Đông Triều - Quảng Trị. Sản phẩm: Bột tía tô, rau má, diếp cá sấy lạnh, miến rau củ, miến gạo đạt chuẩn ISO 22000-2018. Các đơn vị phân phối quan tâm hợp tác xin liên hệ: 0905583187-0917081361. Địa chỉ: Triệu Tài - Triệu Phong - Quảng Trị. Email: htxdongtrieu@gmail.com. Website: http://hoptacxadongtrieu.com

- HTX Nông lâm nghiệp và Dịch vụ Trường Xuân, địa chỉ: số 26, thôn An Bình, xã Ea Tih, huyện Ea Kar, tỉnh Đăk Lak, chuyên sản xuất nhãn Hương Chi, vải U Hồng, diện tích 500 ha. Riêng nhãn sản xuất quanh năm. Điện thoại: 0919458100, 0969181947.

- HTX Lúa Vàng chuyên cung cấp thức ăn chăn nuôi, chăn nuôi lợn giống Móng Cái, Trâu bò giống, Trâu bò thịt. Rất mong được hợp tác với các anh chị. Điện thoại: 0987898433. Website: htxluavang.com. Email: htxluavang@gmail.com

8h45

Cần thay đổi về tư duy để HTX tồn tại, phát triển trong tình hình mới

Ông Lê Đức Thịnh (ảnh), Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển Nông thôn, Bộ NN-PTNT, cho biết HTX là thể chế đầu tiên trong chuỗi giá trị nông nghiệp, song cần thay đổi về tư duy để tồn tại, phát triển trong tình hình mới.

Theo ông Thịnh, HTX không nên đi vào công đoạn lớn, nhiều rủi ro như thương mại hay chế biến sâu. Điều cần làm là tập trung sơ chế, hoàn thiện nguyên liệu cho doanh nghiệp thu mua đầu vào. Một số tồn tại được ông Thịnh chỉ ra như nghịch lý về vốn, công nghệ.

“Một trong những câu hỏi chúng tôi nhận được nhiều nhất là không đủ vốn, không đủ công nghệ. Cần xác định là HTX có nguyên liệu, không có HTX thì doanh nghiệp không hoạt động được. HTX có thể yêu cầu doanh nghiệp đầu tư về công nghệ, có thể được chia sẻ vốn, máy móc”, ông Thịnh nhấn mạnh.

Nghịch lý về giá là khi HTX bắt buộc phải tăng chất lượng nông sản, tuân thủ quy trình an toàn, nhưng sản phẩm đầu ra phải bán tương tự giá của mặt hàng trôi nổi trên thị trường.

“Tôi nghe nhiều doanh nghiệp nói mua cao hơn 10-15%, đáng quý, song chưa chắc đủ lợi nhuận hay thậm chí là chi phí đầu vào. Nhiều HTX nói họ đành chấp nhận để lấy uy tín, hình ảnh. Như thế này khó duy trì chuỗi giá trị. Điều này cho thấy HTX và doanh nghiệp phải ngồi lại với nhau để tính đường lâu dài”, ông Thịnh nói.

Theo thống kê của Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn, hiện có 18.000 HTX trên cả nước, song HTX nhiều lắm đến 200 thành viên, một nửa số này có số thành viên dưới 30. Để giải quyết vấn đề, ông Thịnh cho rằng các HTX nhỏ cần tự liên kết với nhau. Đây là mô hình phù hợp thực tế, hợp tác xã lớn kết nạp nhiều hợp tác xã nhỏ, hoặc các hợp tác xã nhỏ bắt tay nhau cùng làm. Ví dụ với việc sản xuất rau chất lượng cao, thì chia ra từng khâu như giống, sản xuất, phát triển thị trường.

8h35

Vai trò và khả năng chống chịu, thích ứng của các HTX trong thời kỳ bình thường mới

Ông Nguyễn Ngọc Thạch (ảnh), Tổng Biên tập Báo Nông nghiệp Việt Nam, Tổ trưởng Tổ điều hành diễn đàn cho biết:

Trong thời gian vừa qua, với sự chỉ đạo, vào cuộc quyết liệt, ban hành nhiều quyết sách quan trọng của Đảng và Nhà nước, sự phấn đấu vươn lên của cộng đồng trong hoạt động sản xuất, khu vực kinh tế tập thể (KTTT), hợp tác xã (HTX) đã có bước chuyển biến mạnh mẽ, đạt kết quả phát triển cả về chất lượng cũng như số lượng.

Nhiều HTX có quy mô lớn, doanh thu cao, thu hút nhiều lao động, đóng góp lớn vào ngân sách Nhà nước. Nhiều HTX tổ chức sản xuất, kinh doanh theo chuỗi giá trị và dần khẳng định phương thức sản xuất phổ biến để phát triển bền vững…

Tuy nhiên, KTTT, HTX vẫn còn nhiều hạn chế, bất cập như: Tốc độ tăng trưởng còn thấp so với khu vực kinh tế khác, tỷ lệ đóng góp vào GDP chưa đáp ứng yêu cầu. Phần lớn tổ chức KTTT, HTX có quy mô nhỏ, sức cạnh tranh yếu; hạn chế về khả năng huy động nguồn lực từ thị trường để đầu tư sản xuất kinh doanh; phát triển không đồng đều giữa các vùng miền, khu vực nông nghiệp và phi nông nghiệp; số lượng HTX tăng nhưng số lượng thành viên giảm, sự gắn kết lợi ích giữa các thành viên và HTX chưa cao…

Cũng theo ông Nguyễn Ngọc Thạch, cách mạng công nghiệp 4.0 và thời kỳ công nghệ hiện nay mở ra cơ hội, thách thức cho phát triển KTTT và HTX. Bên cạnh đó, đại dịch Covid-19 cũng có những tác động sâu sắc đến sự phát triển của nền kinh tế.

Trong bối cảnh đó, diễn đàn là dịp để nhìn nhận, thấy rõ vai trò và khả năng chống chịu, thích ứng của các HTX trong việc duy trì tổ chức sản xuất, tiêu thụ cũng như giữ nhịp, hạn chế những đứt gãy của chuỗi sản xuất lưu thông nền kinh tế.

Trên cơ sở đó, diễn đàn sẽ tập trung vào các nội dung: Kết nối, quảng bá xúc tiến tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp cho các HTX, trang trại nông nghiệp và nông dân; giới thiệu những công cụ, giải pháp, bài học và kinh nghiệm kết nối cung cầu trong điều kiện bình thường mới; nâng cao vai trò của HTX nông nghiệp trong tổ chức sản xuất, kết nối cung ứng tiêu thụ nông sản; phát triển các chuỗi giá trị nông sản thông qua liên kết với sự tham gia của các HTX nông nghiệp.

Xem thêm
Sống lại ký ức hào hùng trên tuyến đường 1C huyền thoại

KIÊN GIANG Tuyến đường 1C nối đường Hồ Chí Minh trên bộ nhằm vận chuyển hàng hóa, vũ khí, thuốc cứu thương, nhu yếu phẩm và đưa rước cán bộ chi viện cho chiến trường miền Nam.

Sơn La gặp hạn, sản lượng cây ăn quả dự kiến giảm 15%

Tình trạng hạn hán, thiếu nước đang xảy ra trên diện rộng tại các huyện, thành phố như Sốp Cộp, thành phố Sơn La, Sông Mã, Yên Châu, Quỳnh Nhai, Mai Sơn, Mường La.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Huy động hàng trăm người dọn rác ở biển Đồ Sơn

HẢI PHÒNG Hàng trăm người từ nhiều đơn vị khác nhau được huy động để thu gom, dọn rong biển, bèo tây trôi dạt vào các bãi biển ở Đồ Sơn dịp 30/4 và 1/5.

Bình luận mới nhất