| Hotline: 0983.970.780

Gạo ngon nhất thế giới ST25: Không dừng lại ở đỉnh cao

Thứ Tư 28/06/2023 , 14:39 (GMT+7)

SÓC TRĂNG Nhằm gia tăng tính bền vững thành quả chọn tạo giống lúa ST24, ST25, kỹ sư Hồ Quang Cua cho biết, hiện nay các hoạt động nghiên cứu vẫn tiếp tục duy trì, liên tục.

Nung nấu khát vọng

Ở Sóc Trăng, thương hiệu Gạo Ông Cua đã trải qua hành trình dài 30 năm, khởi đầu từ các giống lúa thơm nổi tiếng đưa về thích nghi, sinh trưởng trên đồng ruộng Sóc Trăng. Đến khi ra đời trong vô số nhãn hiệu gạo thơm mới, Gạo Ông Cua mang chính tên tác giả kỹ sư Hồ Quang Cua được sản xuất từ giống lúa ST24, ST25 đánh dấu một chặng đường mới phát triển sản phẩm thương mại rộng rãi trên thị trường.

Kỹ sư Hồ Quang Cua (phải) tại gian trưng bày giới thiệu các sản phẩm Gạo Ông Cua. Ảnh: Hữu Đức.

Kỹ sư Hồ Quang Cua (phải) tại gian trưng bày giới thiệu các sản phẩm Gạo Ông Cua. Ảnh: Hữu Đức.

Ông Cua kể, khát vọng ban đầu của ông là mong muốn tìm ra giống lúa “ngon cho ra ngon, thơm cho ra thơm”. Cho đến khi thành công, được quốc tế công nhận đẳng cấp khi giống lúa ST25 đạt giải Gạo ngon nhất thế giới, ông Cua đặt ra tiêu chí “Xây dựng một doanh nghiệp tiên phong, một mũi nhọn trong phát triển giống lúa thơm”. Gạo thơm Việt Nam phải có mặt ở các thị trường gạo cao cấp thế giới.

Điểm lại suốt quá trình hơn 40 tháng từ sau khi đoạt giải gạo quốc tế, ông Cua trải lòng trước vô vàn diễn biến liên quan đến nạn trộm cắp bản quyền, sở hữu trí tuệ, xây dựng thương hiệu…

Ông Cua là cựu sinh viên Khoa Nông nghiệp (trường Đại học Cần Thơ). Tốt nghiệp ra trường, ông trở về quê nhà công tác trong ngành nông nghiệp của tỉnh Sóc Trăng. Ông ấp ủ khát vọng từ xứ Bãi Xàu – Sóc Trăng, xứ sở của ông Cua cách đây hơn trăm năm trước đã từng có gạo thơm ngon xuất khẩu đi Tây.

Đi từ niềm đam mê cây lúa, ông tự mày mò tìm hiểu đồng ruộng Sóc Trăng có nhiều giống lúa thơm. Nhưng theo ông, dù giống lúa nào (chứ không riêng chỉ giống lúa thơm), gạo thơm ở Sóc Trăng vẫn luôn ngon và có giá hơn, cho dù như ở Cần Thơ “gạo trắng, nước trong”.

Tuy nhiên, khát vọng đứng trước thách thức rất lớn. Khoảng 30 năm trước, khi ông Cua cùng nhóm cán bộ nông nghiệp Sóc Trăng bắt đầu tiến hành nghiên cứu, chọn tạo giống thì ông cũng đã nghe ý kiến phản bác từ một số nhà khoa học đầu đàn về di truyền cảnh báo: “Lai tạo lúa thơm là một công việc thành công hạn hữu, chớ dại dột lao vào”.

Kỹ sư Hồ Quang Cua hiện vẫn miệt mài nghiên cứu lúa giống trên đồng. Ảnh: Hữu Đức.

Kỹ sư Hồ Quang Cua hiện vẫn miệt mài nghiên cứu lúa giống trên đồng. Ảnh: Hữu Đức.

Trong khi đó, ông nhớ lại vào năm 1997, Thái Lan công bố lai tạo được 2 giống lúa thơm ngắn ngày, không cảm quang. Vấn đề đặt ra, thôi thúc hoạt động nghiên cứu dấn bước. Ông nói “Vì sao họ làm được còn ta thì không?”

Từng bước đi từ các trải nghiệm, nung nấu khát vọng. Ký ức gợi lại quãng những năm đầu “vạn sự khởi đầu nan”. Đó là vào những năm 1980, khi ông Cua vừa 27 tuổi được phân công về làm cán bộ Phòng Nông nghiệp huyện Mỹ Xuyên (Sóc Trăng).

Ông trở lại Bộ môn lúa của trường Đại học Cần Thơ, tìm đưa giống lúa IR 841 về trồng. Công việc sưu tập tiếp theo lần lượt là những giống lúa như Khao Dawk Mali (1982), bộ giống lúa thơm có ở ĐBSCL (1989), Tsengtao (1995), VĐ20 (1997)...

Hành trình chọn tạo

Tự thuật về quá trình chọn tạo giống lúa, ông Cua cho rằng cần có những hiểu biết cơ bản về cây lúa thơm và phẩm chất gạo thơm trước khi tổ chức lai tạo. Từ năm 1980 đến năm 2000, ông đã miệt mài với các hoạt động khảo nghiệm và tham khảo thêm tài liệu về điều tra cơ bản ĐBSCL giúp tạo nền tảng vững chắc cho công tác nghiên cứu sau này.

Sau khi thu thập đủ các nguồn gen lai tạo, nhóm nghiên cứu do kỹ sư Hồ Quang Cua làm trưởng nhóm được hình thành, hướng tới nghiên cứu tổng hợp suốt chuỗi giá trị của cây lúa thơm.

Giống lúa ST25 đã làm rạng danh cho lúa gạo Việt Nam trên trường quốc tế. Ảnh: Minh Đãm.

Giống lúa ST25 đã làm rạng danh cho lúa gạo Việt Nam trên trường quốc tế. Ảnh: Minh Đãm.

Đổi mới, sáng tạo trong việc nghiên cứu chọn tạo ra cây lúa thơm ST24, ST25 đã đặt dấu ấn lớn, đó chính là thành tựu được vinh danh đạt giải Gạo ngon nhất thế giới. Một đại diện người Thái cùng đến tham dự cuộc thi Gạo ngon thế giới tại Manila (Philippin) năm 2019 đã bất ngờ thắc mắc: Vì sao gạo thơm Việt Nam lại có thể vượt qua gạo thơm Thái Lan? Ông Cua đáp: "Đó là chúng tôi lai tạo giữa hai nhóm giống có mùi thơm dứa với mùi thơm cốm từ giống lúa thơm nổi tiếng ở vùng đồng bằng Bắc bộ Việt Nam (mà Thái Lan không có) để tạo ra giống lúa thơm mới có hương vị khác biệt".

Về vật liệu lai tạo để giảm tính bất tương hợp, nhóm nghiên cứu của kỹ sư Hồ Quang Cua có sử dụng vật liệu di truyền qua chiếu xạ đã mất tính cảm quang để phá vỡ “tính bất tương hợp” (lai không thụ phấn), lọc lại vật liệu lai tạo các giống lúa mất cảm quang thành công.

Tiếp theo, nhóm nghiên cứu tiến hành lai phức hợp nhóm bố - mẹ có tính thơm nhiều lần để tích lũy tính thơm vào con lai. Đến giai đoạn chọn giống, bố trí gieo trồng trên quy mô thật lớn trong giai đoạn phân ly mạnh (F5 về sau) để tăng cơ hội chọn dòng ưng ý.

Nhóm nghiên cứu lại tiếp tục phân tích các chỉ tiêu lý, hóa tính song song với thử cơm thật nhiều dòng (hàng trăm loại cơm) để tăng cơ hội chọn dòng hội tụ phẩm chất tốt nhất. Đồng thời trồng khảo sát liên tục các dòng ngoài đồng để chọn ra những dòng vừa có phẩm chất tốt vừa có tính kháng dịch hại và có năng suất cao.

Kết quả, hai giống lúa ST24 và ST25 có tính kháng trung bình và tính kháng ngang cao với các loại dịch hại. Đặc biệt giống ST24 có tính kháng ngang rất cao, có thể trồng ở 3 vùng miền Bắc, miền Trung và Nam bộ.

Cánh đồng thử nghiệm, chọn tạo các giống lúa ST của kỹ sư Hồ Quang Cua. Ảnh: Hữu Đức.

Cánh đồng thử nghiệm, chọn tạo các giống lúa ST của kỹ sư Hồ Quang Cua. Ảnh: Hữu Đức.

Gia tăng tính bền vững

Nhằm gia tăng tính bền vững thành quả chọn tạo giống lúa ST24, ST25 đã đạt được, ông Cua cho biết, hiện nay các hoạt động nghiên cứu vẫn tiếp tục duy trì, liên tục thanh lọc giống để nâng cao các tính trạng tốt của hạt giống về ngoại hình cũng như về phẩm chất. Bên cạnh đó, ông tổ chức sản xuất giống để cung ứng rộng rãi ở những vùng được Cục Trồng trọt cho phép lưu hành.

Trước thực trạng giống lúa giả, để bảo vệ tác quyền, ông Cua phản đối những hành vi vi phạm quyền sở hữu trí tuệ về hạt giống và nhãn hiệu gạo ở trong và ngoài nước. Theo ông Cua, riêng nhãn hiệu Gạo Ông Cua ST24 và Gạo Ông Cua ST25 của DNTN Hồ Quang Trí do ông làm cố vấn đã được đăng ký bảo hộ độc quyền tại thị trường các nước Anh, EU, Trung Quốc, Hồng Kông và đang được hoàn tất thủ tục bảo hộ tại thị trường trong nước và Mỹ.

Hiện nay, trước xu hướng thị trường tiêu dùng gạo ngon, cơm thơm trong và ngoài nước tiếp tục tăng lên, hoạt động chuyển giao, ứng dụng từ thành tựu nghiên cứu khoa học chọn tạo ra giống lúa ST24, ST25 càng trở nên sôi động. Nhiều doanh nghiệp kinh doanh lúa gạo liên kết với nông dân đầu tư xây dựng vùng nguyên liệu, đa dạng hóa sản phẩm ở nhiều địa phương, các vùng miền.

Riêng doanh nghiệp xây dựng nhãn hàng Gạo Ông Cua đang hỗ trợ phát triển sản xuất lúa ST ở vùng ven biển ĐBSCL, luân canh với tôm để chống biến đổi khí hậu. Từ đó, tổ chức sản xuất gạo hữu cơ theo tiêu chuẩn Mỹ, EU và Nhật. Gạo Ông Cua đang phát triển thị trường gạo hữu cơ, gạo cao nguyên, gạo lúa - tôm và các mặt hàng gạo chức năng như gạo mầm, gạo đỏ, gạo tím. 

Ông Cua (trái) vẫn đang hàng ngày tiếp tục nghiên cứu, duy trì, hoàn thiện những đặc tính tốt nhất cho giống lúa ST. Ảnh: Minh Đãm.

Ông Cua (trái) vẫn đang hàng ngày tiếp tục nghiên cứu, duy trì, hoàn thiện những đặc tính tốt nhất cho giống lúa ST. Ảnh: Minh Đãm.

+ Giống lúa ST25 có thể gieo cấy được 2 vụ trong năm, thời gian sinh trưởng vụ xuân 105 - 115 ngày, vụ mùa 102 - 110 ngày. Chiều cao cây lúa khoảng 105 - 110cm, dạng hình đẹp, ưa thâm canh, đẻ nhánh trung bình, bộ lá đứng, bông to dài, nhiều hạt, hạt đóng khít, vỏ trấu vàng, hạt gạo thon dài, trắng trong, cơm mềm thơm, vị đậm.

ST25 là giống lúa có đặc tính chịu mặn, kháng đạo ôn cấp 2 và bệnh bạc lá, thân cứng, chống đổ tốt, phổ thích nghi rộng, năng suất trung bình đạt từ 6,5 - 7 tấn/ha, thâm canh cao có thể đạt hơn 7 tấn/ha.

+ Nhóm nghiên cứu giống của kỹ sư Hồ Quang Cua đã thu thập hơn 2.700 giống lúa mang đa dạng các đặc tính như gen năng suất cao, kháng bệnh cháy bìa lá (bạc lá), kháng đạo ôn, kháng rầy nâu, chịu hạn, ngập, mặn, nóng, lạnh và các đặc tính về chất lượng quan trọng khác. Đặc biệt, bộ lúa thơm có trên 250 giống chất lượng cao có mùi thơm đậm trên thế giới và bộ lúa ma (lúa hoang) trên 620 giống.

Xem thêm
Chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi vịt cho hộ nghèo ở Thanh Hóa

Tập đoàn Mavin và Tổ chức Tầm nhìn Thế giới Việt Nam (World Vision) vừa tổ chức tập huấn, chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi vịt tại huyện Thường Xuân, Thanh Hóa.

Số hóa quản lý chó, mèo để phòng, chống bệnh dại

Để công tác phòng, chống bệnh dại có hiệu quả, chó, mèo nuôi ở các địa phương cần được quản lý chặt chẽ, nhất là thông qua việc áp dụng số hóa.

Cao điểm phòng trừ sâu cuốn lá nhỏ hại lúa xuân vào dịp nghỉ lễ 30/4

Theo Trung tâm BVTV phía Bắc, thời điểm phòng trừ tập trung sâu cuốn lá nhỏ từ 25/4 - 5/5. Sau khi phun lần 1, nếu mật độ còn cao tổ chức phun trừ lần 2.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm