| Hotline: 0983.970.780

Gạo ngon Xuân Hưng từ cánh đồng liên kết

Thứ Tư 16/10/2024 , 08:19 (GMT+7)

Quảng Bình Đến nay, Hợp tác xã Xuân Hưng đã liên kết với 250 hộ dân làm lúa hướng hữu cơ và sản xuất gạo cung cấp cho thị trường…

Từ cô thôn nữ, chị Nguyễn Thị Xuân (xã Mỹ Trạch, Bố Trạch, Quảng Bình), chăm lo đồng áng và nuôi khát khao làm giàu từ hạt lúa, từ sản phẩm nông nghiệp trên vùng đất quê hương.

Ban đầu, với diện tích 1ha, chị Nguyễn Thị Xuân bắt tay vào làm mô hình lúa sạch để làm gạo bán cho bà con sản phẩm an toàn. Dần dần, cái tên “gạo chị Xuân” đã được nhiều người tiêu dùng biết đến. Rồi chị suy tính đến con đường xa hơn nên tìm gặp bà con nông dân đặt cọc tiền để “góp vốn” làm lúa sạch cho chị thu mua. Đó cũng là nhưng tín hiệu đầu tiên để chị thành lập Hợp tác xã Sản xuất dịch vụ Nấm sạch và Rượu Xuân Hưng (Hợp tác xã Xuân Hưng) và ký hợp đồng liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm cho bà con trong vùng.

Cánh đồng liên kết sản xuất theo chuỗi của Hợp tác xã Xuân Hưng tại xã Mỹ Trạch. Ảnh: T. Phùng.

Cánh đồng liên kết sản xuất theo chuỗi của Hợp tác xã Xuân Hưng tại xã Mỹ Trạch. Ảnh: T. Phùng.

Để giúp nông dân có tư duy thâm canh mới, chị Xuân đã gửi nhiều bà con dự các lớp tập huấn kỹ thuật về thâm canh lúa chất lượng cao, quy trình sản xuất và bảo vệ mùa màng, kỹ thuật sản xuất lúa hữu cơ… Nhờ vậy, bà con đã quen dần với việc áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất trên cánh đồng. Đến nay, Hợp tác xã Xuân Hưng đã liên kết với 250 hộ dân với tổng diện tích trên 35ha để sản xuất lúa theo hướng hữu cơ. Chị Xuân cho hay: “Từ năm 2023, Hợp tác xã chúng tôi đã đưa giống lúa chất lượng cao ST25 vào sản xuất để chế biến thành gạo mang thương hiệu “Gạo đặc sản ST25 Xuân Hưng” cung ứng cho thị trường trong và ngoài tỉnh”.

Từ đầu vụ, Hợp tác xã Xuân Hưng cung ứng cho bà con về giống, phân bón hữu cơ… để sản xuất. Ông Cao Viết Ngân (thôn 1, xã Mỹ Trạch), một nông dân liên kết sản xuất cho hay, bà con tham gia trong chuỗi liên kết rất mừng vì đã được hỗ trợ về các vật tư nông nghiệp. “Với nông nghiệp mà sản xuất đã có người lo bao tiêu sản phẩm là bà con phấn khởi lắm. Vào vụ thu hoạch, bên chị Xuân đều thu mua hết lúa cho bà con và cao hơn 2 giá so với thị trường bên ngoài giúp bà con có lãi nhiều hơn. Khi tham gia liên kết là bà con có lãi trung bình trên 30 triệu mỗi ha mỗi vụ”- ông Ngân hồ hởi nói.

Chị Nguyễn Thị Xuân (đứng giữa) kiểm tra chất lượng lúa trên cánh đồng liên kết. Ảnh: T. Phùng.

Chị Nguyễn Thị Xuân (đứng giữa) kiểm tra chất lượng lúa trên cánh đồng liên kết. Ảnh: T. Phùng.

Trên cách đồng rộng 35ha lúa hai vụ, bà con nông dân đã sử dụng phân bón hữu cơ Hợp tác xã cung ứng. Ngoài ra, nhiều hộ còn sử dụng phân chuồng ủ hoai để bón lót. Nhờ vậy, cây lúa trên đồng sinh trưởng tốt, mang về những vụ mùa bội thu. Ông Cao Viết Ngân cũng cho biết thêm: “Mấy vụ làm lúa ST25 theo hướng hữu cơ đều cho năng suất xấp xỉ 63 tạ/ha. Vùng đồng này cũng không phải là “bờ xôi ruộng mật”, nên cho năng suất như vậy là cao nhất đó”.

Lúa được thu mua về kho phơi, sấy đạt tiêu chuẩn là Hợp tác xã Xuân Hưng tổ chức xay xát thành gạo và đóng bao hút chân không để bảo quản được lâu hơn và đưa ra thị trường. “Mỗi vụ, bình quân Hợp tác xã thu mua hơn 200 tấn lúa và chế biến thành gạo để cung ứng ra thị trường. Hiện thương hiệu “Gạo đặc sản ST25 Xuân Hưng” cũng đã được người tiêu dùng ghi nhận. Vì vậy, Hợp tác xã có kế hoạch mở rộng thêm liên kết, tăng diện tích sản xuất lúa để tăng sản lượng gạo ra thị trường. Đồng thời, hỗ trợ cho bà con nông dân có thu nhập cao hơn, ổn định hơn trên cánh đồng” - chị Xuân chia sẻ thêm.

Ngoài sản phẩm gạo, Hợp tác xã Xuân Hưng còn mở rộng ngành nghề, làm thêm nhiều sản phẩm nông sản khác như các loại mứt gừng, khoai tây, cà rốt, dừa và các sản phẩm dược liệu nấm cao cấp như nấm sò, linh chi…

Xem thêm
Nuôi heo và chim công, lối đi khác biệt né rủi ro thị trường

CẦN THƠ Kết hợp giữa nuôi heo và chim công giúp anh Toản đảm bảo nguồn thu nhập ổn định và đa dạng hóa sản phẩm chăn nuôi, tránh được rủi ro từ biến động thị trường.

Nuôi tôm siêu thâm canh bằng thảo dược

CÀ MAU Với cách làm đi ngược với xu thế chung trong nuôi tôm công nghiệp, một người đàn ông ở Cà Mau đã thành công với mô hình nuôi tôm sạch bằng thảo dược.

Gia Lai định hướng phát triển cà phê đến năm 2030

Gia Lai đang đẩy mạnh sản xuất cà phê gắn với chế biến sâu nhằm tăng lượng cà phê đáp ứng các tiêu chuẩn, hướng đến thị trường xuất khẩu bền vững.

Tiến tới nông thôn số - nông dân số

Bộ NN-PTNT đã và đang có nhiều chủ trương thúc đẩy chuyển đổi số trong nông nghiệp, tạo ra các mô hình kinh doanh lấy người dân làm trung tâm.

Bình luận mới nhất