| Hotline: 0983.970.780

Chủ tịch Hùng Nhơn Group chia sẻ kinh nghiệm chăn nuôi theo tiêu chuẩn quốc tế

Thứ Hai 14/10/2024 , 14:42 (GMT+7)

'Thời gian qua, ngành nông nghiệp của chúng ta còn nhiều vấn đề đặt ra trong quá trình phát triển', ông Vũ Mạnh Hùng, Chủ tịch Tập đoàn Hùng Nhơn cho hay.

Tiên phong trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao

Ngày 14/10, tại Hà Nội, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam phối hợp với Bộ NN-PTNT tổ chức Diễn đàn Nông dân Quốc gia lần thứ IX năm 2024: “Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam - Bộ trưởng Bộ NN-PTNT lắng nghe nông dân nói”.

Tại Diễn đàn này, ông Vũ Mạnh Hùng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Nông nghiệp số Việt Nam (VIDA), Trưởng ban công tác kết nối Tiểu ban Nông nghiệp Eurocham, Chủ tịch Tập đoàn Hùng Nhơn đã đại diện cho các doanh nghiệp nông nghiệp chia sẻ về thực trạng nền nông nghiệp, cũng như kinh nghiệm đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp, đặc biệt là ứng dụng công nghệ cao vào mô hình chăn nuôi theo tiêu chuẩn quốc tế.

Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan (phải) và Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam Lương Quốc Đoàn (trái) chủ trì Diễn đàn sáng 14/10. 

Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan (phải) và Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam Lương Quốc Đoàn (trái) chủ trì Diễn đàn sáng 14/10. 

Chủ tịch Tập đoàn Hùng Nhơn Vũ Mạnh Hùng đánh giá: “Nông nghiệp là ngành kinh tế quan trọng bậc nhất, ảnh hưởng trực tiếp và mạnh mẽ nhất đến sự ổn định và phát triển của đất nước, mang lại nguồn thu ngoại tệ lớn, góp phần nâng cao vị thế và uy tín của Việt Nam. Tuy nhiên, thời gian qua, ngành nông nghiệp của chúng ta còn nhiều vấn đề đặt ra trong quá trình phát triển”.

Theo ông Hùng, về cơ bản, nền nông nghiệp nước ta vẫn là nền nông nghiệp quảng canh, quản trị theo hình thái tiểu nông nên rủi ro cao và hiệu quả thấp, giá trị gia tăng của nông sản hàng hóa còn thấp hơn nữa. Các ngành công nghiệp chế biến và chế biến sâu nông sản chưa phát triển, đa phần là quy mô nhỏ, công nghệ lạc hậu. Nhiều chính sách thu hút nguồn lực vào nông nghiệp không phát huy được hiệu quả.

Bên cạnh đó, ngành nông nghiệp cũng chưa gắn bó với công nghiệp thành một hệ thống để bổ sung, hỗ trợ nhau cùng phát triển.

Ông Hùng thẳng thắn nói: “Đối với các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, khó khăn không chỉ ở những vấn đề mà tôi vừa trình bày. Năm 2024 có thể nói là thời khắc khó quên khi chúng ta đang phải chứng kiến những thách thức chưa từng có. Từ các hiện tượng thời tiết bất thường, căng thẳng địa chính trị toàn cầu, cho tới suy thoái kinh tế… Tất cả đang tác động rất tiêu cực đến các hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nông nghiệp”.

Tuy nhiên, đây cũng là thời điểm các doanh nhân thể hiện sự năng động, bản lĩnh, quyết đoán để chuyển đổi mô hình phù hợp với tình hình mới. Ông Hùng lấy dẫn chứng từ bước chuyển mình của Tập đoàn Hùng Nhơn - doanh nghiệp tiên phong trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao.

Ông Hùng cho hay: “Sau thất bại với mô hình chăn nuôi nhỏ lẻ, chúng tôi quyết định bắt tay với đối tác là các tập đoàn nông nghiệp top 10 của thế giới như De Heus (Hà Lan) và Belga (Bỉ). Từ sự hợp tác này, Hùng Nhơn đã nhanh chóng khẳng định vị thế của một trong những tập đoàn nông nghiệp hàng đầu với hàng loạt chứng chỉ tiêu chuẩn quốc tế Global GAP gồm 349 tiêu chí”.

Nhờ quyết định táo bạo này, Hùng Nhơn trở thành doanh nghiệp Việt Nam đầu tiên xuất khẩu gà sang thị trường Nhật Bản, một trong những thị trường khó tính nhất hiện nay.

Bước dài trong xu hướng chuyển đổi xanh

Ông Hùng tự hào chia sẻ: “Hơn hết, điều khiến tôi hạnh phúc nhất, đó là mô hình liên doanh giữa De Heus và Hùng Nhơn (DHN) không chỉ giúp cho ngành nông nghiệp Việt Nam đón nhận “luồng gió mới” trong việc áp dụng công nghệ vào sản xuất theo hướng bền vững, sản xuất gắn với tiêu thụ, mô hình hợp tác xã nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao theo kinh nghiệm của Hà Lan; mà còn là điểm nhấn cho mối quan hệ hữu nghị giữa hai nước Việt Nam và Hà Lan. Năm 2022, khi chúng tôi ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác đầu tư tại Hà Lan, có sự chứng kiến của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Thủ tướng Hà Lan”.

Ông Vũ Mạnh Hùng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Nông nghiệp số Việt Nam (VIDA), Trưởng ban công tác kết nối Tiểu ban Nông nghiệp Eurocham, Chủ tịch Tập đoàn Hùng Nhơn chia sẻ tại Diễn đàn.

Ông Vũ Mạnh Hùng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Nông nghiệp số Việt Nam (VIDA), Trưởng ban công tác kết nối Tiểu ban Nông nghiệp Eurocham, Chủ tịch Tập đoàn Hùng Nhơn chia sẻ tại Diễn đàn.

Cũng theo ông Hùng, thành công lớn nhất từ cái “bắt tay” giữa De Heus và Hùng Nhơn chính là lĩnh vực chăn nuôi công nghệ cao theo mô hình Hà Lan. Đơn cử là dự án Tổ hợp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao DHN tại Đắk Lắk và Gia Lai. Trong đó, dự án trọng điểm là Tổ hợp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao DHN Tây Ninh. Với cam kết đầu tư giai đoạn 2023 - 2030, DHN đã thống nhất đầu tư 12 dự án nông nghiệp công nghệ cao tại Tây Ninh với tổng mức đầu tư gần 10.000 tỷ đồng.

Hiện giai đoạn 1 với dự án khu chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao 200 tỷ đồng hiện đã hoàn thành và đi vào hoạt động từ quý 2. Ở giai đoạn 2 (2025 - 2030), DHN dự kiến đầu tư cùng lúc 6 dự án chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao. Tổng mức đầu tư của các dự án này hơn 3.200 tỷ đồng.

Đặc biệt, DHN đang khảo sát để tiếp tục thực hiện thêm 4 dự án giai đoạn 2030 - 2035, gồm: Nhà máy sản xuất thức ăn, trang trại chăn nuôi xuất khẩu sang thị trường Halal. Tổng doanh thu của các dự án này ước đạt doanh thu trên 4.000 tỷ đồng/năm.

Điểm nổi bật trong những dự án DHN là sử dụng công nghệ theo hướng bền vững. “Các dự án của DHN đều ứng dụng công nghệ hiện đại, quy trình khép kín theo tiêu chuẩn quốc tế ISO và Global GAP. Đặc biệt, các dự án đều sử dụng hệ thống điện năng lượng mặt trời nối lưới, sử dụng 30% điện sạch, giảm phát thải một lượng lớn CO2 so với sử dụng nguồn điện truyền thống”, ông Hùng tự hào nói.

Không dừng lại ở những thành công này, Tập đoàn Hùng Nhơn còn tiến thêm bước dài trong xu hướng chuyển đổi xanh. Đó là mô hình “từ trang trại đến bàn ăn”. Đây có thể xem là giải pháp làm thay đổi tất cả mô hình sản xuất manh mún, đứt gãy trong chuỗi giá trị và rời rạc lâu nay trên thị trường sản phẩm nông nghiệp.

Xu hướng này đặc biệt cần thiết trong lĩnh vực chăn nuôi, bởi mô hình này đòi hỏi sự đồng bộ từ khâu con giống, sản xuất thức ăn chăn nuôi, chăn nuôi, chế biến và cung ứng thực phẩm.

Ông Vũ Mạnh Hùng, Chủ tịch Tập đoàn Hùng Nhơn (thứ hai từ trái qua) cùng các đại biểu tham quan gian hàng nông sản bên lề Diễn đàn. 

Ông Vũ Mạnh Hùng, Chủ tịch Tập đoàn Hùng Nhơn (thứ hai từ trái qua) cùng các đại biểu tham quan gian hàng nông sản bên lề Diễn đàn. 

Chủ tịch Tập đoàn Hùng Nhơn cho hay, trong quá trình thực hiện loạt dự án, Tập đoàn đã nhận được sự hỗ trợ rất nhiều từ lãnh đạo chính quyền và các sở, ban, ngành tại địa phương, đặc biệt là trong các dự án tại DHN Gia Lai và DHN Tây Ninh.

“Mặc dù gặp phải một số thách thức liên quan đến quá trình giải tỏa, đền bù đặc biệt là khi phải thích nghi với các quy định mới của Luật Đất đai 2024, có hiệu lực từ ngày 1/8. Đây là những thay đổi lớn buộc chúng tôi phải nâng cao năng lực lãnh đạo và cải tiến hệ thống thông tin, nhằm quản lý và theo dõi dự án một cách chính xác và kịp thời”, ông Hùng phân tích.

Ông Hùng khẳng định: “Nhờ sự hỗ trợ và cam kết mạnh mẽ từ phía lãnh đạo chính quyền và các sở, ban, ngành, chúng tôi tin tưởng rằng các khó khăn hiện tại sẽ sớm được giải quyết và các dự án sẽ tiếp tục được triển khai thuận lợi, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương".

"Chúng tôi cam kết sẽ tiếp tục làm việc không mệt mỏi để đạt được mục tiêu này và duy trì cam kết với các nhà đầu tư nước ngoài trong việc đảm bảo tiến độ dự án được hoàn thành và vận hành đúng thời hạn”, ông Hùng nhấn mạnh. 

“Cho dù đang gặp phải một số thử thách, nhưng bản thân tôi luôn nhận thức đầu tư vào nông nghiệp và nông thôn là cách để doanh nhân góp phần thực hiện khát vọng đưa nước ta trở thành quốc gia phát triển, phồn vinh. Đây cũng là sứ mệnh của doanh nhân Việt Nam trong giai đoạn hiện nay”, Chủ tịch Tập đoàn Hùng Nhơn Vũ Mạnh Hùng nhấn mạnh.

Xem thêm
Gần 87% chó, mèo được tiêm vacxin phòng bệnh dại

BẾN TRE Hiện số chó, mèo ở tỉnh Bến Tre được tiêm phòng vacxin phòng bệnh dại là 180.661 con, đạt tỷ lệ 86,97% so với tổng đàn.

Lúa trong mô hình thì đứng, lúa ngoài mô hình thì nằm

HÀ NỘI Sau bão Yagi tôi đi nhiều vùng thấy lúa đổ rạp nên khi đến xã Châu Can thấy lúa cơ bản vẫn đứng, vẫn cho thu hoạch mới tò mò hỏi.

Chuyển đổi số trên nương chè: Đã qua thời livestream là ‘nổ’ đơn

THÁI NGUYÊN Nhiều giám đốc hợp tác xã chia sẻ, đã qua thời kỳ cứ bật máy livestream là bán được hàng. Để được người tiêu dùng chú ý, đòi hỏi phải tạo được chất riêng.