| Hotline: 0983.970.780

Gặp các trí thức Việt tại Caltech

Chủ Nhật 28/04/2019 , 10:22 (GMT+7)

Những ngày đến Mỹ một dịp cuối năm 2017, tôi được làm quen tiến sĩ Nguyễn Văn Thắng, một người sinh ra từ đồng ruộng, từng gắn bó với con trâu, cái cày, từng là sinh viên Học viện Nông nghiệp Việt Nam, giờ đang làm nghiên cứu tại Caltech, trung tâm khoa học và đại học hàng đầu nước Mỹ.

Mồng 2 tháng Giêng, tiến sĩ Nguyễn Văn Thắng mời hai ba con tôi đến ăn tết với gia đình tại khu ký túc Viện công nghệ California (Canifornia Institute of Technology - Caltech). Có sự quen biết này cũng là nhờ Hoàng Minh Quang, con trai tôi. Quang lúc đó đang học năm cuối trường đại học Fullerton, California, do quan hệ hội sinh viên, hội đồng hương, đã quen thân với tiến sĩ Nguyễn Văn Thắng.

tc-gi-v-con-tri-o-clteh102756551
Tác giả và con trai ở Caltech

Caltech là một trường tư thục, thành lập năm 1891, tại thành phố Pasadena, cách Los Angeles chừng hai mươi cây số. Quy mô trường chỉ khoảng hơn 2.200 sinh viên, trong đó gần một ngàn sinh viên đại học và hơn một ngàn sau đại học. So với Harvard, MIT (Viện công nghệ Massachusetts), hai trường đại học hàng đầu của Mỹ ở miền đông, thì Caltech nhỏ hơn về quy mô đào tạo, nhưng vị trí và tầm quan trọng về khoa học kỹ thuật và khoa học ứng dụng thì không hề thua kém. Năm 2012 - 2013 Caltech từng xếp thứ nhất thế giới trong bảng xếp hạng của Times Higher Education. Nơi đây đã giành 32 giải Nobel, từng là nơi Albert Einstein đến thỉnh giảng và hoàn thiện lý thuyết tương đối tổng quát.

Xe vừa đến Pasadena đã có cảm giác như lọt vào một đại công viên, với những con đường ẩn dưới hàng long não xanh mướt. Cả khuôn viên trường 50ha được chăm sóc từng thảm cỏ, từng bồn hoa, hàng cây, tường rào, thanh sạch, trong lành đến ngỡ ngàng. Thì ra tiến sĩ Nguyễn Văn Thắng quả  là có con mắt xanh. Anh đã đến Harvard, đã được mời ở lại làm việc, nhưng anh lại chọn Caltech, vì nơi đây có môi trường yên tĩnh và thuận lợi hơn để anh kết hợp làm việc, nghiên cứu và cùng vợ chăm cho hai cậu con trai lộc ngộc đang học phổ thông.

Mới gặp Thắng trong bữa tiệc đón giao thừa ở nhà người bạn tại Garden Grove, tôi đã bị cuốn hút bởi nhà khoa học sinh năm 1973 gốc gác từ vùng quê Văn Giang, Hưng Yên, tự đi lên từ đồng ruộng. Cái chất thôn quê ở Thắng còn phô trên gương mặt chữ điền, nước da bánh mật, vóc dáng thợ cày cuồn cuộn trên cơ bắp.

Hồi học đại học nông nghiệp ở Trâu Quỳ (Hà Nội), dịp mùa vụ Thắng thường đạp xe hai mươi cây số về nhà phụ giúp bố mẹ. Tảng sáng chủ nhật dong trâu ra đồng, làm nhoáng nhoàng  xong sào ruộng khoán, chiều tối lại đạp xe lên trường để kịp lên lớp ngày mai. Bề ngoài như một vận động viên thể thao, nhưng bên trong lại tiềm ẩn tố chất một nhà khoa học.

Ngày còn ở Học viện Nông nghiệp Việt Nam và cả bây giờ, Thắng đều luyện chạy bộ mỗi ngày hai mươi cây số. Chiều nào cũng có mặt trên sân cỏ trong vị trí trung phong. Nhiều ngày đọc sách liền hai mươi tiếng đồng hồ, đọc những sách khoa học hóc búa, đọc triết học, kinh tế và những tác phẩm văn học kinh điển. Với xuất phát điểm chỉ là một sinh viên khoa Thú y, như mọi người, chắc bây giờ chàng kỹ sư nông nghiệp cũng chỉ xách túi đi các xã tiêm chủng bò lợn hay mở cửa hàng bán thức ăn chăn nuôi. Nhưng, ngay từ năm cuối khóa, Thắng đã chọn con đường nghiên cứu khoa học.

Anh được ở lại trường giảng dạy, tự học, rồi  đăng ký thi, tìm học bổng ở những trường danh giá trên thế giới. Được học bổng toàn phần tại Bỉ, học xong thạc sỹ, lại đăng ký học tiếp tiến sĩ ở Đại học Texas, Hoa Kỳ. Với luận văn tiến sĩ nghiên cứu về y sinh và huyết học xuất sắc, nhiều trung tâm “săn đầu người” ở Mỹ và các nước đều ngỏ ý mời Thắng đến làm việc. Nhưng anh chọn Caltech và ấp ủ nhiều hoài bão.

tc-gi-v-ts-nguyen-vn-thng102756921
Tác giả (bên phải) và tiến sĩ Nguyễn Văn Thắng trong khuôn viên Caltech

Buổi gặp gỡ đầu năm truyền thống ở nhà vị tiến sĩ có tới ba gia đình và hơn chục nghiên cứu sinh Việt Nam đang làm việc và hoàn thành luận án tiến sĩ tại Caltech và các trường đại học xung quanh. Họ là Thắng Hà, Dũng, Kiên, Hoàng, Tiến, Trình, Gia Bảo…, hầu hết chỉ trên dưới ba mươi, kém Thắng vài tuổi, cùng tập hợp trong một đội bóng nghiệp dư thường giao lưu trên sân cỏ những ngày cuối tuần. Nhàn, vợ Thắng và mấy cô gái, người xào nấu, người cuốn nem rán, nấu chè, gói bánh tíu tít chuẩn bị bữa cỗ thuần Việt y hệt như mâm cỗ quê nhà.

Trong khi mọi người làm cỗ, Thắng đưa chúng tôi một vòng thăm thú Caltech. Trời ơi, một thánh đường khoa học và giáo dục nơi hạ giới, một môi trường học thuật hàng đầu nước Mỹ với những tòa nhà cổ kính hơn trăm năm được xây bằng những nguyên vật liệu mang từ Pháp, Ý sang, những hành lang lát gạch đỏ đã mòn vẹt từng in dấu chân Abert Einstein. Kia, phòng thí nghiệm Gates, tòa nhà khoa học đầu tiên chằng chịt loại cây hoa leo trăm tuổi. Kia, khẩu pháo vươn cao nòng và mô hình chuẩn của vật lý cơ bản, biểu tượng của Caltech. Và khu phòng thí nghiệm vật lý Norman bridge, phòng thí nghiệm toán - lý Alfred Sloan, nơi thỉnh giảng và làm việc của những bộ óc lớn của nước Mỹ và thế giới.

Không có hàng rào, chẳng người gác cổng, chẳng ai hỏi han giấy tờ. Có thể vào ngồi trong những giảng đường, những thư viện mênh mông, như chính mình là chủ. Cả khuôn viên trường rộng hàng chục héc ta mở toang với bên ngoài. Hầu như các trường đại học ở Mỹ đều tự do và dân chủ như thế cả. Ở UC Berkeley, ở đại học Fullerton hay Harvard, Massachusset tôi đến sau này, cánh cửa trường đại học đều mở toang đón mọi người.

***

Bữa tiệc thịnh soạn như một bữa cỗ truyền thống mồng hai tết ở quê nhà. Không biết bằng cách nào, từ bao giờ, cô giáo Nhàn vốn là bạn cùng quê với tiến sĩ Thắng, dạy hóa sinh ở Đại học Sư phạm Hà Nội, nay mang hai con theo chồng, đã chuẩn bị một bữa cỗ tết như hết thảy những nàng dâu Việt đảm đang: Gà luộc (gà đi bộ hẳn hoi), rắc lá chanh. Nem Sài Gòn ăn với cà rốt, su hào, đu đủ ngâm dấm ớt. Nem chua Thanh Hóa, thịt đông, giò lụa, thịt quay, bò sào cần tây, thịt kho tàu… tất nhiên không thể thiếu bánh chưng xanh, dưa hành. Thầy trò anh em con cháu đông hơn hai mươi người ngồi quây quần trên sàn trải chiếu trong không khí se lạnh gợi nhớ quê Việt. Tôi nhận ra một gương mặt quen quen ngồi cạnh tiến sĩ Nguyễn Văn Thắng.

Hỏi ra, mới biết đó là thạc sĩ Hoàng, con trai bạn tôi là PGS Phạm Thu Yến, giảng dạy ở khoa Văn Đại học Sư phạm Hà Nội. “Cháu có nghe mẹ cháu nói đến bác. Tiếc là chưa được đọc cuốn sách nổi tiếng của bác”. Hoàng mở đầu câu chuyện có dính líu đến văn chương, sau đó phát triển thành chủ đề tuổi trẻ và đất nước, sôi nổi, thú vị, kéo dài suốt cuộc vui.

khu-pho-v-mo-hinh-bieu-tuong-cu-cltech102756285
Khu phố và mô hình biểu tượng của Caltech

Chợt nhớ đến một lớp trí thức tinh hoa, những Trần Đại Nghĩa, Đặng Văn Ngữ, Lương Định Của, Trần Đức Thảo, Nguyễn Khắc Viện… những năm sau cách mạng tháng Tám 1945, đã từ bỏ hết vàng son, náo nức trở về từ Pháp, từ Nhật để một lòng phụng sự Tổ quốc. Thế hệ các trí thức trẻ ngồi quanh tôi đây không thể thua tài, kém chí cha anh. Không thiếu những gương mặt tầm cỡ Ngô Bảo Châu ở mọi lĩnh vực khoa học, văn hóa, nghệ thuật, nhưng  hỏi có mấy ai khi thành tài muốn trở về nước làm việc? Nào các bạn. Hãy mở lòng với nhau. Có bằng tiến sĩ rồi, các bạn có về phụng sự đất nước không? Mọi người cười ồ. Tức cười. Một câu hỏi ngô nghê. Lương tiến sĩ năm triệu đồng, tức hơn hai trăm USD, mấy chục nghìn giáo sư, tiến sĩ trong nước còn thất nghiệp, làm gì còn chỗ cho lớp trẻ ngồi đây?

Không khí bỗng trầm hẳn xuống. Tiến sĩ Nguyễn Văn Thắng nhìn mọi người, như muốn khích lệ.

- Chúng cháu sẽ trở về chứ - Hoàng nói.

- Nhưng chưa phải lúc này, bác ạ - Kiên nói – Chúng cháu phải nạp đủ kiến thức, phải chuẩn bị hành trang cho một cuộc khởi nghiệp lâu dài…

- Vấn đề “đầu tiên” phải không? - Tôi gợi - Chúng ta có thể gác chuyện lương bổng đãi ngộ để phấn đấu cho một lý tưởng khoa học không nhỉ?

Không khí càng trầm lặng. Không ai muốn nhắc đến câu chuyện này nữa. Chất xám ở Việt Nam giờ là thứ cả thế giới săn tìm nhưng lại chưa được định giá ở ngay chính quê hương.

Tôi như thấy mình có lỗi, bèn nâng cao ly bia lên:

- Càng những nhà khoa học, những trí thức tài năng, khi đã tiến tới đỉnh cao của sự nghiệp thì lại càng phải có một Tổ quốc. Đó cũng chính là lý do chúng ta ngồi đây để nhớ về nước Việt. Nào, chúng ta hãy nâng cốc. Và cô giáo Nhàn, hãy hát cho chúng tôi nghe bài “Quê hương là chùm khế ngọt” như vẫn thường hát cho tiến sĩ Thắng nghe đi.

Hai chiếc ghita cùng được đưa vào mâm tiệc. Một giọng nữ cao vút lên. Và tất cả hòa theo:

“Quê hương mỗi người chỉ một

Như là chỉ một mẹ thôi

Quê hương nếu ai không nhớ

Sẽ không lớn nổi thành người…”.

Xem thêm
Chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi vịt cho hộ nghèo ở Thanh Hóa

Tập đoàn Mavin và Tổ chức Tầm nhìn Thế giới Việt Nam (World Vision) vừa tổ chức tập huấn, chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi vịt tại huyện Thường Xuân, Thanh Hóa.

Số hóa quản lý chó, mèo để phòng, chống bệnh dại

Để công tác phòng, chống bệnh dại có hiệu quả, chó, mèo nuôi ở các địa phương cần được quản lý chặt chẽ, nhất là thông qua việc áp dụng số hóa.

Cao điểm phòng trừ sâu cuốn lá nhỏ hại lúa xuân vào dịp nghỉ lễ 30/4

Theo Trung tâm BVTV phía Bắc, thời điểm phòng trừ tập trung sâu cuốn lá nhỏ từ 25/4 - 5/5. Sau khi phun lần 1, nếu mật độ còn cao tổ chức phun trừ lần 2.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm