Đi Tây mùa rét
Chuyến sang thành phố Guarda, Bồ Đào Nha của nhóm người Việt để dựng đài tri ân giáo sĩ Francisco de Pina, người có công lớn tạo tác chữ Quốc ngữ, là một cuộc đi tuyệt vời. Một tuần du ngoạn ở Lisbon, dự hội thảo về Francisco de Pina và lễ khánh thành tượng đài ở Guarda, rồi "vượt" biên giới Bồ Đào Nha - Tây Ban Nha đi qua những cánh rừng ô liu bạt ngàn sang thăm thú thành phố cổ nhất châu Âu, Salamanca. Chúng tôi chia tay nhau ở thủ đô Madrid. Nhóm tản sang Pháp chơi mùa lễ hội, nhóm sang chơi Thụy Sĩ, Ý. Tôi và nữ văn sĩ Hiền Phương sang thăm người bạn gái thuở thiếu thời của Phương ở Hannover, thành phố nhỏ nằm lọt giữa trung tâm nước Đức. Những ngày ở Tây Nam Âu (Lisbon, Guarda, Salamanca, Madrid), trời trong xanh, dịu mát bao nhiêu, thì cuối đợt, đột ngột trở rét, tuyết trắng trời, nhiệt độ dưới không. Hơn mười năm rồi mới có đợt lạnh đầu mùa băng giá như thế.
Tai nạn xảy ra với chúng tôi đúng lúc trời rét nhất. Hai va ly lớn ký gửi máy bay từ Madrid, khi quá cảnh qua Amsterdam đến Hannover thì bị thất lạc. Tất cả quần áo lễ hội, nhất là quần áo chống rét, quà tặng quê Việt… đều như mất tích giữa trời Âu. Khu lấy đồ ký gửi ở sân bay Hannover chiều thứ Bảy ấy có tới hơn ba mươi hành khách không nhận được đồ. Và ngần ấy chiếc va ly quay nhiều lần quanh vòng xoay cũng vô vọng không thấy chủ. Hóa ra một hãng hàng không lớn như KLM RoyanDutch Airline của Hà Lan mà cũng chậm chuyến bay ở Amsterdam tới hơn 3 tiếng và để vài chục hành khách không nhận lại được hành lý của mình.
Ra khỏi sân bay Hannover là thấy tuyết trắng trời. Mưa tuyết lạnh thấu xương. Chúng tôi phải lùng mua thêm áo rét. Đành động viên nhau bằng phép thắng lợi tinh thần: Cứ để hãng KLM giữ va ly hộ, đỡ phải mang vác cồng kềnh. Nếu mất, sẽ khởi kiện, của Bụt mất một đền mười!
Nữ sỹ kiêm nhạc sỹ Trần Kim Lan, bạn thời thơ ấu của Phương là một người rất cá tính. Chị sống một mình trong căn hộ chừng bốn chục mét vuông, với niềm say mê thơ ca, múa nhạc và quay video choán hết thời gian mọi ngày. Đón chúng tôi trên căn hộ tầng tư chật ních đồ đạc trong căn phòng rực sắc đỏ chỉ đủ một lối đi hẹp di chuyển tới những nơi cần thiết, chủ nhân đã chuẩn bị sẵn bữa tiệc thuần Việt chào Noel sớm với cây thông, đèn màu và những chiếc mũ của ông già xứ tuyết. Nếu có nhà sưu tầm nào muốn tái hiện cuộc sống của người Việt từ thời Đông Đức xã hội chủ nghĩa đến khi bức tường Berlin sụp đổ và thời nước Đức hiện đại bây giờ, đến căn hộ độc đáo này, sẽ gặp tất cả các đồ vật, trang phục, đồ dùng cá nhân… lưu cữu và cất giữ như báu vật từ những năm tháng ấy.
Lan từng dạy học ở Hà Nội, năm 1986 theo anh trai sang Tiệp, rồi sang Đức sinh sống, hiện hưởng chế độ hưu, được thành phố cấp nơi ở và tiền trợ cấp xã hội. Trần Kim Lan đã hoàn chỉnh tập bản thảo thơ năm trăm bài, nhiều bài được chị tự chuyển thành ca khúc, có ước vọng sẽ in một tập vài trăm cuốn để lưu giữ và tặng bạn bè. Nhưng chị bảo, cho đến nay, sau bao năm tiết kiệm, vẫn chưa đủ tiền gửi về Việt Nam để xin giấy phép xuất bản.
Từ Hannover, chúng tôi thuê xe, nhờ tay lái điêu luyện kiêm hướng dẫn viên du lịch là nghệ sỹ nhiếp ảnh Mai Sỹ Phát vòng lên Amsterdam và Brussels thăm thú hai ngày. Châu Âu không biên giới và thanh bình huyền ảo. Đi từ Đức sang Hà Lan, rồi Bỉ, như đi trong một quốc gia.
Điểm cuối cùng dừng chân của chúng tôi trước khi về nước là Praha. Trần Kim Lan có gia đình người anh trai cùng các cháu ở Séc, muốn rủ chúng tôi sang chơi. Thế là lại vòng lại Hannover, lên xe bus đường dài, vượt bốn trăm cây số lên Berlin chơi một ngày, nhờ người bạn Võ Thanh Sơn, chủ cửa hàng ẩm thực Nhật, người phố cổ Hà Nội từng trải và kiên cường hơn cả người Đức. Sơn có cô con gái lớn xinh đẹp, giỏi võ, là trọng tài taekwondo đẳng cấp thế giới, sở hữu khu biệt thự sang trọng bậc nhất Berlin. Sơn lái xe đưa chúng tôi “cưỡi ngựa xem hoa” thăm Nhà thờ cụt, Cổng Brandenburg, tháp truyền hình, bức tường Berlin, đồng hồ nước…, mười giờ tối, trong mưa tuyết, chúng tôi lại lên xe bus hai tầng, vừa ngủ vừa vượt bốn trăm cây số cao tốc, năm giờ sáng thì đến thủ đô Cộng hòa Séc.
Ở Séc và Slovakia tôi có nhiều bà con làng Động, đợt Tây du này sẽ phải tìm gặp xem người làng mình đang sống ở tầm cao nào. Từ sau khi nước Đức thống nhất, người làng Động của tôi đã cắm chân lại ở Đông Đức, rồi Tiệp Khắc. Người có công đầu khai mở "đường dây" đưa lao động sang Tiệp là Nguyễn Hữu Kiên, gọi tôi bằng chú. Kiên có bố và hai chú ruột là liệt sỹ chống Mỹ, bà nội là Mẹ Việt Nam Anh hùng, nên được địa phương ưu tiên cho đi xuất khẩu lao động ở Đông Đức từ năm 1986. Bây giờ thì Kiên đã trở thành “già làng trưởng bản”, đưa vợ con, anh em, con cháu, thông gia, họ hàng, lần lượt sang Séc và Slovakia lao động và định cư. Về làng Động cứ thấy ngôi nhà nào cao hai, ba tầng, hoành tráng như cung điện, đích thị là nhà của Việt kiều ở Tiệp. Làng Động của tôi, từ thời lập làng mấy trăm năm trước, chỉ quanh quẩn trong những lũy tre, quần tụ quanh ngôi đình, mái chùa, cây đa giếng nước, giờ đã có thêm hai làng mới ở phương xa, mỗi làng chừng vài chục hộ, một làng ở Bảo Lộc (Lâm Đồng) trồng cà phê, chè và mới phất lên nhờ cây sầu riêng. Làng thứ hai, cũng chừng vài mươi hộ, mãi trời Tây, tức là nước Tiệp Khắc cũ, nay chia thành hai nước là Séc và Slovakia.
Người Việt ở Praha
Xe bus hai tầng đổ khách ở bến xe Praha lúc năm giờ sáng, trăng đầu tháng sáng chói như lưỡi liềm vàng treo trên trời, còn tất cả mờ trong tuyết trắng. Tài xế taxi là một người đàn ông Tiệp cao to như võ sĩ quyền Anh, đón chúng tôi như ngầm hẹn từ lâu, lầm lũi dẫn xe đi trong trắng nhòe đèn pha và tuyết. Xe dọn tuyết chưa đến kịp, lái xe đi theo trực cảm nghề nghiệp. Đến nhà ông anh, Lan gọi ời ời mấy phút, thấy tiếng trả lời, thấy ánh đèn mà không tìm ra lối vào nhà.
Rồi thì anh em cũng gặp nhau. Anh Bình trạc tuổi tôi, rắn rỏi và từng trải, từng làm ở Thông tấn xã Việt Nam, sau làm trưởng đoàn đưa lao động học nghề sang Tiệp, rồi ở lại lập nghiệp, tính ra đã hơn ba mươi năm. Anh bảo: Đây là khu người Việt, cách trung tâm 10km. Các vị sẽ ở một căn hộ sang trọng không kém gì những khách sạn ba sao ở Lisbon, Madrid, Brussels, Amsterdam… các vị vừa ở, mà giá chỉ bằng một nửa.
Quả nhiên, một homestay mới tinh mà chúng tôi là người khai trương, không ngờ lại là căn hộ của người Việt mình. Chủ nhà chừng bốn mươi tuổi, tên Cường, quê gốc Nam Định, nồng nhiệt chào đón khách: "Cháu vui quá, không ngờ cô chú mới từ Việt Nam sang. Lẽ ra cháu mời cô chú ở miễn phí, nhưng theo tập quán làm ăn, cô chú mở hàng cho chúng cháu lấy may… Tuần sau, hai căn hộ của cháu lại đón hai đoàn khách Pháp. Từ nay đến hè sang năm, đã kín khách đặt phòng". Tôi hỏi: Có nhiều người Việt mình ở đây làm ăn giỏi như cháu không? Cường bảo: "Cháu thấm tháp gì với các bác các chú sang đây từ thời xã hội chủ nghĩa. Chú đến chợ Sapa sẽ biết". Cường chỉ dẫn cho khách các phòng, mở khóa van sưởi, rồi như muốn chúng tôi tranh thủ ngủ thêm một giấc sáng, vội khép phòng nhường không gian yên tĩnh ấm cúng cho khách.
Tôi ngắm mãi bức tứ bình đào, trúc, sen, tùng khảm trai treo ở phòng khách. Cứ như đang ở căn hộ quê nhà. Đồ đạc, từ phòng nhủ, bàn ghế, giường tủ, bếp nấu, phòng ăn… mới coóng, sáng choang. Nhìn qua cửa sổ, liền kề, cũng một phòng homestay nữa tương tự như căn phòng tôi ở, vừa hoàn thành, bên cạnh là ngôi nhà hai tầng của hai vợ chồng Cường với bốn cô con gái, đứa lớn nhất đang học lớp tám, đứa nhỏ nhất còn đang mẫu giáo. Cường bảo, cậu ruột từng làm tiến sỹ ở Tiệp từ hồi còn khối Đông Âu, có chân trong ban quản lý trung tâm thương mại Sapa. Cậu đón bố mẹ và vợ chồng Cường cùng anh em họ hàng từ Việt Nam sang buôn bán làm ăn, hình thành một làng Nam Định. Lớp tuổi Cường là thế hệ người Việt thứ hai, đang hòa nhập với quê hương thứ hai và thực sự là chủ nhân mới ở nước Cộng hòa Séc.
Anh Bình gọi xe taxi đưa chúng tôi đi thăm Trung tâm thương mại Sapa gần đó. Đã từng đến khu chợ Vòm của người Việt ở Moscow (Nga), khu thương mại Warszawa ở Ba Lan, quận 13 Paris ở Pháp, Little Saigon ở California (Mỹ), nhưng tôi vẫn bị bất ngờ, choáng ngợp bởi khu chợ Sapa của người Việt ở đây. Thật xứng với tên gọi Little Hà Nội. Tưởng nước Cộng hòa Séc đồi núi hiếm đất bằng, nào ngờ chợ Sapa tọa lạc một khu đất rộng vài héc ta với những dãy phố, những nhà chợ san sát, mênh mông, với các kios, bảng hiệu nhà hàng, tiệm ăn, tạp hóa, hàng nông sản, phân bón, khu tài chính, kho hàng, chợ quần áo, rau quả, dịch vụ vận tải, cơ khí, bãi đỗ xe… không thiếu một thứ gì, cả thịt cầy, mắm tôm, thuốc lào, chổi đót… tất cả đều trương bảng hiệu tiếng Việt, tiếng Séc, tiếng Anh. Đến đây, dù không biết tiếng, cũng không sợ lạc, vì ở đâu cũng người Việt mình. Từ năm 2020, người Việt, sắc tộc châu Á duy nhất, đã được Hiến pháp Séc công nhận là dân tộc thứ 11 của nước Cộng hòa, tiếng Việt là ngôn ngữ của hơn 100.000 người và là ngôn ngữ thiểu số lớn thứ ba, chỉ sau tiếng Ukraine và tiếng Slovakia.
Trước khi lên trung tâm thủ đô Praha, nơi có những lâu đài cung điện nguy nga, có nhà thờ Con Gà, cầu Tình bên dòng sông Vltava như dải lụa uốn quanh thành phố cổ kính lộng lẫy và và thơ mộng vào bậc nhất châu Âu, chúng tôi đến thăm Little Hà Nội. Xe nối nhau giữa tuyết trắng qua chiếc cổng lớn có tấm biển trên nóc ghi tiếng Việt: “Trung tâm thương mại Sapa”. Đã thấy không khí đón Noel, đón Tết Việt ở nhiều gian hàng, sạp chợ. Cây thông và đèn lồng được dựng trước các sạp hàng. Như khu chợ Đồng Xuân, Hàng Ngang, Hàng Đào, các cô gái Việt niềm nở mời chào khách. Anh Bình bảo, có nhiều chọn lựa ẩm thực Việt, nhưng ta nên đến Phở Tùng, một địa chỉ mà người Séc và du khách nước ngoài rất mê.
Không ngờ mới bẩy giờ sáng trời còn giá lạnh mà khách đến Phở Tùng đông quá. Hơn chục bàn ăn kín khách Tây. Tưởng như đang giữa tiệm phở Thìn Bờ Hồ, Lò Đúc, như chen chúc trước tiệm phở Bát Đàn. Phở bò Hà Nội chính hiệu thơm lừng, bốc khói nghi ngút, thêm đĩa giá đỗ, hành, thơm và quẩy ăn kèm…, mà giá chỉ 12 Euro, bằng một nửa bữa ăn sáng hai tuần qua. Chủ tiệm tên Tùng và cô vợ tên Hà nền nã xinh tươi, không ngờ lại là người đồng hương Hà Đông, quê Đồng Mai, Thanh Oai (Hà Nội). Vợ chồng Tùng tiếp chúng tôi như người thân. Tùng bảo, vợ chồng sang đây mới hơn mười năm, có hai con nhỏ đang học ở trường tiểu học dạy tiếng Việt. Ở Séc, con em người Việt đều được dạy tiếng Việt, nói tiếng Việt và tiếng Séc. Nhiều thầy cô giáo người Việt từ quê nhà được mời sang dạy tiếng Việt cho các cháu mẫu giáo và tiểu học.
Đi khắp chợ Sapa và khu thương mại mới Tam Đa hiện đại bề thế đang xây dựng, nhưng vẫn chưa tìm thấy người làng Động quê tôi. Thì ra, số điện thoại của Kiên tôi mang theo, bị sai mã số vùng, tìm gọi mấy ngày không được. Có người bảo, chắc người làng Động, người Ứng Hòa ở khu Cheb, khu Vámsdort, hay ở giáp biên giới Slovakia, cách Praha hàng trăm cây số. Nước Séc rộng hơn 70 nghìn cây số vuông, với 11 triệu dân, chỉ bằng một phần tư diện tích và một phần chín dân số Việt Nam, nhưng cũng mênh bao mông la, giàu lòng bao dung bè bạn, khiến người làng Động của tôi đã tan hòa vào đó, rất khó tìm gặp…
Chia tay Little Hà Nội, lòng cứ bâng khuâng, tựa như thiếu vắng ai đó, chưa trọn một điều gì. Đành hẹn những người thân thiết quê tôi, một mảnh làng Động của tôi ở trời Âu, một lần khác.
Praha, hẹn ngày trở lại.