| Hotline: 0983.970.780

Gặp lại người chịu 2.000 ngày oan trái (Kỳ II)

Thứ Tư 27/01/2010 , 10:07 (GMT+7)

Ngày 20/9/1983 là ngày nghiệt ngã, ngày định mệnh cho “2.000 ngày oan trái” của anh Nguyễn Sỹ Lý...

Anh Lý bên những tờ báo được tặng

Ngày 20/9/1983 là ngày nghiệt ngã, ngày định mệnh cho “2.000 ngày oan trái” của Lý khi mà TAND tỉnh Nghệ Tĩnh mở phiên toà sơ thẩm xét xử Nguyễn Sỹ Lý - nguyên cán bộ giảng dạy trường đại học Tây Nguyên, sinh ngày 17/9/1956 tại xã Viên Thành, Yên Thành, Nghệ Tĩnh, trú quán xã Tam Hợp (Quỳ Hợp).

Chủ toạ phiên toà thời bấy giờ là ông Nguyễn Trí Tuệ (nay là Chánh án Toà án nhân dân Hà Tĩnh). Mặc dầu ông Tuệ biết vụ án xảy ra rất phức tạp nhưng khi hồ sơ của các cơ quan chức năng đã khép lại thì ông chỉ có việc tuyên phạt bị cáo Nguyễn Sỹ Lý 17 năm tù giam về tội “giết người”.

Lý vào tù thì ông Huỳnh và anh em nhà Lý đều được trở về nhà để rồi người cha già còm cõi ấy mang đơn ra Hà Nội kêu oan cho con, hết lần này sang lượt khác, hết năm này sang năm khác. Thế nhưng, 5 năm trời, Lý oan vẫn hoàn oan, vẫn phải ngồi tù như một kẻ giết người! Và, ánh sáng công lý bắt đầu loé lên từ trong ngục tối khi bạn tù của Lý là anh Cao Tiến Mùi hay còn gọi “cu Trực”, “đại ca gấu đen” vì hiểu rõ nỗi oan khiên của Lý mà khi ra tù Mùi đã tìm cách minh oan cho Lý.

Để giải oan cho Lý, Mùi đã tìm mọi cách tiếp cận Lai và Lai đã phải thú nhận bằng văn bản là chính Lai đâm nhầm Vinh, chứ không phải Lý giết Vinh. Khi sự thật được phanh phui thì cũng là lúc Lý đã phải trải qua 5 năm ở tù giam (tức gần 2.000 ngày oan trái). Cao Tiến Mùi và ông Huỳnh đã gửi tài liệu đến TAND tối cao trong đó có giấy tự thú của Lai về việc chính Lai giết nhầm em mình. Sau khi có giấy tự thú của Lai, Lý được tạm tha theo Quyết định số 1265/HS, ngày 21/12/1987 của TANDTC, do ông Phạm Hưng ký.

Thế là sau 2 ngày ban hành quyết định, ông Huỳnh cầm quyết định trong tay, quên ăn quên ngủ, cả gia đình kéo xuống giữa đêm ngồi ngay trước cổng trại giam chờ đợi. Trời vừa hửng sáng, cánh cổng sắt nặng nề lạnh lùng mở ra, Lý bước thấp bước cao đổ dồn về phía đám đông đang chờ đợi, ôm chầm lấy những người thân của mình nước mắt dàn dụa. Thế là cuộc chia ly để lại phía sau, ngày đoàn tụ với gia đình của Lý bất chợt đã đến.

Tôi hỏi, từ khi ra tù đến nay anh có oán hận điều gì ai không? Lý nhìn mông lung, một lúc rồi trả lời: “Nói thực từ đáy lòng, trải qua cuộc bể dâu ấy tôi xem đó như là một cơn ác mộng và cho đến bây giờ tôi không oán hận ai, từ công an, Viện Kiểm sát, Toà án đến cả Lai, người vu khống cho tôi về tội giết người cũng vậy thôi, bởi thời thế lúc bấy giờ không được như thời nay”.

Về lại đời thường, anh làm gì? Khi “mãn tù” trở về địa phương thì con gái đầu lòng Ngọc Anh của tôi cũng đã được 5 tuổi (khi Lý vào tù, con gái Lý mới sinh được hơn 10 ngày - PV). Lý kể tiếp: “Khi tôi xuất hiện, cháu nhìn tôi chằm chằm như một ông già xa lạ; còn Len, vợ hiền của tôi thì ôm chầm lấy tôi mà nuốt nước mắt, không nói được lời nào. Thế là cuộc đoàn tụ được tái hiện sau hơn 5 năm oan trái!

Tôi hỏi, cuộc sống khi ra tù đến nay? “Nói cho cùng, thời thế lúc bấy giờ đất nước đang còn nghèo, vả lại quê tôi lại là một vùng rừng núi xa xôi hẻo lánh nên cuộc sống càng khó khăn hơn, sức khoẻ của tôi khi ra tù rất yếu không thể làm được việc gì, vợ con nheo nhóc, nghèo đói, tôi quyết định xin trở lại dạy học ở trường, nhưng vì “2.000 ngày oan trái” mà dưới con mắt của một số người vẫn còn mặc cảm với tôi, coi tôi như một “tù nhân” ra trại nên việc trở lại nghề dạy học là rất khó.

Sau đó, có một Cty ở miền Nam nhận tôi vào làm việc nhằm giúp đỡ tôi để vượt qua khó khăn nhưng vì điều kiện sức khoẻ nên tôi quyết định ở lại quê cùng vợ con lần mò kiếm sống. Ban đầu tôi xin đi làm ở một lò gạch trong xã nhưng mới làm được vài ngày, có một anh công an nói với tôi: “Làm gạch à? Ừ thì cũng phải thử thách đã!”. Tôi có gì sai trái đâu mà bảo là phải thử thách! Bực quá, cộng với sức khoẻ yếu, tôi nghỉ luôn! Và cũng do sức khoẻ yếu, chân bị liệt trong thời gian ở tù, hơn 20 năm kể từ ngày “mãn tù”, tôi ở nhà cùng với người vợ hiền làm bánh đậu phụ mang đi nhập, chăn nuôi lợn, gà.

Tuy không khá giả gì nhưng cũng trang trải được phần nào cuộc sống, nuôi 3 đứa theo học đại học đến nơi đến chốn. Tôi hi vọng vào sự trưởng thành của 3 đứa con, nào ngờ tai hoạ lại dáng xuống đầu gia đình tôi khi đứa con gái đầu lòng Ngọc Anh - giảng viên một trường Đại học ở TP Hồ Chí Minh, do vì bạn bè hiểu nhầm nhau nên đã gây ra cái chết oan thương cho con gái tôi. Lại một lần nữa cuộc sống gia đình tôi tưởng chừng như không thể vượt qua. Tôi thầm trách cho số phận của mình để rồi cùng với người vợ hiền lại vượt lên số phận”.

Nơi ở của gia đình Nguyễn Sỹ Lý là ngôi nhà 2 gian tuềnh toàng nằm sâu hun hút trong xóm núi; trong nhà chẳng có một thứ gì đáng giá, đến cả chiếc tivi cũng không có mà xem! Khi chúng tôi tặng Lý mấy tờ báo, Lý mừng rỡ ra mặt, đọc ngấu nghiến, bảo: “Thiếu thông tin quá các anh à!”. Tôi đề nghị Lý cho về lại chốn cũ, nới xảy ra câu chuyện năm xưa để chụp một kiểu hình, Lý buồn buồn trả lời: Làng quê ấy đã trôi hết cả rồi, nay còn đó một dòng sông yên lặng.

Nguồn sống hiện tại của vợ chồng Lý chỉ dựa vào nghề làm đậu phụ, trong khi đang phải nuôi 2 con theo học đại học nên cuộc sống vô cùng vất vả. Nhìn Lý lết chân ra sân tiễn khách, tôi thật sự xót thương cho Lý vì sự trái ngang của cuộc đời này! Một giảng viên đại học mới 27 tuổi đầu đang phơi phới sức xuân, bỗng tai hoạ ập đến đã cướp đi của Lý tất cả để rồi hôm nay đây Lý trở thành một người tàn phế, không được hưởng một quyền lợi gì của một người bị oan trái 5 năm ở tù; kể cả Quyết định 388 của Chính phủ về bồi thường án oan sai, Lý cũng không được áp dụng.

Trước lúc chia tay, Lý nói với tôi: “Nếu được như thời nay thì tôi không thể bị oan như thế!”. Còn ông Nguyễn Trí Tuệ, người thẩm phán xử vụ này năm xưa cũng cho rằng: Nếu như ngày đó các bộ luật ra đời sớm hơn thì những vụ án oan trái như vụ Nguyễn Sỹ Lý cũng đã không xảy ra”. (Hết)

Xem thêm
Thái Nguyên thông qua nghị quyết sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã 2023-2025

Đây là 1 trong 10 nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội được thông qua tại Kỳ họp thứ 18 của HĐND tỉnh Thái Nguyên khóa XIV, nhiệm kỳ 2021-2026.

Syngenta tập huấn kỹ thuật, sử dụng drone an toàn, hiệu quả tại ĐBSCL

Vĩnh Long Ngày 26/4, tại Vĩnh Long, Công ty TNHH Syngenta Việt Nam tổ chức tập huấn cho 230 người điều khiển máy bay phun thuốc BVTV, cách sử dụng an toàn và hiệu quả tại ĐBSCL.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Kỷ lục 120 món ăn chế biến từ sâm dây tại núi rừng Ngọc Linh

Tại núi rừng Ngọc Linh (huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum) đã chứng kiến các đầu bếp chế biến 120 món ăn từ sâm dây và được xác lập kỷ lục Việt Nam.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm