| Hotline: 0983.970.780

Gặp người phụ nữ bất hạnh có gia tài 'giàu' nhất là... sổ khám bệnh

Thứ Sáu 10/02/2017 , 07:19 (GMT+7)

Chồng mất sớm vì bệnh tim, người vợ từ năm 2005 đến nay mang trong mình 2 quả thận đầy sỏi, ứ nước. Và, 2 con của chị, đứa bị sỏi thận, đứa bị thần kinh. “Tài sản” nhiều nhất trong nhà họ là… sổ khám bệnh về các loại thuốc.

Đó là tình cảnh đáng thương của 3 mẹ con chị Phạm Thị Tuyết Linh, ở KDC 2, ấp Cầu Ván, xã Phú Túc, huyện Định Quán, tỉnh Đồng Nai.

10-39-42_nh-1
Thứ nhiều nhất trong nhà chị Linh là sổ khám bệnh và thuốc
 

Năm 2009, khi vừa sinh cháu thứ 2, Phạm Ngọc Lan Trâm thì chồng chị Linh là anh Phạm Xuân Trường, SN 1965, đột ngột qua đời vì bệnh tim. Từ đó, căn bệnh sỏi thận của chị Linh ngày càng nặng thêm. Tính đến nay, chị đã 3 lần mổ nhưng chỉ được một thời gian ngắn là 2 quả thận bị ứ nước của chị lại đầy sỏi. Đến nhà chị, chúng tôi không khỏi rùng mình khi thấy chị mang ra một lọ nhỏ, bên trong chứa hơn chục viên sỏi cỡ hạt bắp, và một cục sỏi nhìn như củ gừng, để lên lòng bàn tay, cục sỏi chiếm gần hết 3 ngón! Theo kết luận của bác sĩ thì chị không có điều kiện chữa dứt nên sỏi tái phát.

Điều đáng buồn hơn là cậu con trai lớn Phạm Hoàng Đức Trọng (học sinh lớp 7A5, trường THCS Phú Túc, Định Quán), cũng bị sỏi thận 2 bên từ lúc 5 tuổi. Năm nay 13 tuổi mà nhìn Trọng như cậu bé 8 tuổi.

10-39-42_nh-3
Không tin nổi là trong người chị Linh có những cục sỏi như thế này

 

Cô Lê Thị Minh Lý, giáo viên chủ nhiệm lớp 7A5, cho biết, Trọng rất chăm ngoan và học lực khá nhưng do sức khỏe của em yếu nên phần nào ảnh hưởng đến kết quả học tập. Thầy Vũ Cảnh Trung, Hiệu trưởng trường THCS Phú Túc cũng cho biết, do chăm ngoan, học lực khá nên Trọng được nhận học bổng quỹ “Thắp sáng ước mơ” của trường và được miễn toàn bộ học phí. Mặc dù không thấm tháp gì nhưng cũng là một động lực để Trọng nỗ lực hơn.

Sau mỗi buổi học về, Trọng trở thành trụ cột trong nhà, làm hết mọi việc, từ chăm em, nấu ăn, dọn dẹp nhà cửa, cùng mẹ đi nhặt ve chai… Trên đường từ trường về nhà, tôi hỏi Trọng: “Sáng nay trước khi đi học con ăn gì chưa?”. “Dạ con ăn con rồi”. “Con ăn mấy chén, ăn với món gì?”. “Dạ xì dầu (nước tương)”. “Ăn vậy sao đủ sức mà học, rồi làm phụ mẹ nữa?”. “Dạ con quen rồi”.

Điều khiến tôi xúc động là khi hỏi Trọng có ước mơ gì? Em trả lời muốn học để sau này làm bác sĩ. Nghe vậy tôi nghĩ chắc do mẹ và em của Trọng bị bệnh nên em ước thế. Nhưng khi tôi hỏi lý do thì Trọng không nói làm bác sĩ để chữa bệnh cho mẹ, cho em, mà trả lời: “Con muốn chữa bệnh cho mọi người”.

Đến thăm ngôi nhà tình thương của 3 mẹ con chị Linh, chúng tôi càng đau lòng hơn khi biết cô con gái út Phạm Ngọc Lan Trâm (SN 2009), có khuôn mặt rất xinh xắn, cứ tưởng cháu khỏe mạnh, ai ngờ năm vào lớp một mới phát hiện cháu có biểu hiện không bình thường. Đi khám mới biết cháu bị bệnh về thần kinh. Hiện cháu vẫn được đến trường, nhưng chỉ để có bạn chơi, chứ không học được.

10-39-42_nh-4
Cô Lê Thị Minh Lý, giáo viên chủ nhiệm lớp 7A5, một trong những nguồn động viên lớn của Trọng và gia đình em

 

Hiện nay, dù chị bệnh nặng nhưng mong muốn lo cho con ăn học nên Linh vẫn cố gắng lê lết đi nhặt ve chai. Chị Linh cho biết, thu nhập mỗi tháng của 3 mẹ con chị khoảng 1 triệu đồng/tháng là từ ve chai. Ngoài ra, chị được một doanh nghiệp may ở địa phương cho mượn chiếc máy may công nghiệp, khi có hàng, chị gia công cho họ. Ấy là khi chị không bị bệnh nặng, còn lết được. Còn không thì 3 mẹ con đành ăn cơm với nước tương.

Hoàn cảnh gia đình chị Linh rất mong nhận được sự giúp đỡ của bạn đọc gần xa. Mọi sự giúp đỡ xin gửi về chị Phạm Thị Tuyết Linh, ở KDC 2, ấp Cầu Ván, xã Phú Túc, huyện Định Quán, tỉnh Đồng Nai; hoặc gửi về Văn phòng Báo NNVN tại ĐBSCL, số 49 Lý Tự Trọng, TP Cần Thơ, ĐT: 0710.3835431, chúng tôi sẽ chuyển giúp quý vị.

Xem thêm
Sai phạm ở loạt dự án liên quan đại gia Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ

PHÚ THỌ Trong hàng loạt dự án liên quan ông Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ, có nhiều dự án Báo Nông nghiệp Việt Nam và cơ quan chức năng chỉ rõ sai phạm.

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Đường lớn làm chưa xong, tỉnh lộ đã nát bét

Xe trọng tải lớn chở vật liệu thi công tuyến đường thành phố Bắc Kạn đi hồ Ba Bể chạy rầm rập ngày đêm 'cày' nát đường tỉnh 257B.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm