Chịu tốn chi phí nhiều hơn để “mua” sức khỏe cho mình
Gần đến Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, dù đang rất bận bịu với 6.000 cây mai và với những cuộc điện thoại của khách hàng đặt mua mai tết, thế nhưng anh vẫn vui vẻ dành cho tôi cuộc trò chuyện thân tình.
Trong làng mai Háo Đức (xã Nhơn An), nơi được mệnh danh là cái nôi sinh ra nghề trồng mai cảnh ở thị xã An Nhơn (Bình Định), anh Lê Tấn Bộ (SN 1979) chỉ là “hậu sanh”. Bởi, ở địa phương này, người trồng mai thương phẩm thâm niên đã có đến hơn 40 năm trong nghề, ví như ba anh Bộ, ông Lê Văn Ánh, nay đã 71 tuổi. Từ năm 1980, ông Ánh đã trồng 100 cây mai. Khi ấy, ở Háo Đức có rất ít người trồng mai. Đầu ra của mai lúc đó chủ yếu dựa vào sở thích của người dân địa phương chứ chưa có thị trường, ai thích quá thì tìm đến nhà mua một vài cây về chơi.
Khi Bộ trưởng thành, lập gia đình, anh vẫn còn “xa lạ” lắm với cây mai. Khi ấy, vợ chồng anh tha hương vào tận Sài Gòn làm ăn. 10 năm gần đây anh mới cùng vợ về định cư ở quê nhà và đeo đuổi nghề trồng mai cảnh.
“Ban đầu, với vốn liếng dành dụm được, tôi mua được 1.000 cây mai nhiều độ tuổi khác nhau về chăm, tạo dáng để bán. Những năm sau tôi tự ươm mai con để trồng. Mỗi năm tôi trồng mới từ 2.000 đến 2.500 cây. Năm nào tôi cũng bán khoảng 2.000 cây cũ, vào chậu cũng chừng ấy cây mới theo kiểu cuốn chiếu, hiện nay tôi đang có 6.000 cây mai từ 2 đến 6 tuổi”, Bộ chia sẻ.
Cũng như mọi người trồng mai cảnh chuyên nghiệp khác, trong quy trình chăm sóc mai của Bộ có bóng dáng mật thiết của thuốc trừ sâu. Thế nhưng khi vào nghề anh đã nghe các bậc tiền bối nói về tác hại của thuốc trừ sâu hóa học. Vậy là không cần ai khuyến cáo, Bộ quyết định “nói không” với thuốc trừ sâu hóa học để bảo vệ sức khỏe của mình và người thân trong gia đình.
Theo Bộ, mai là loại cây rất mẫn cảm với sâu bệnh. Các loại sâu bệnh có tên nấm hồng, bọ trĩ, thán thư, vỉ sắt, sâu đục thân, sâu cắn lá… thường xuyên bủa vây cây mai. Thế nhưng các nhà vườn trồng mai sợ nhất là bệnh nấm hồng, sâu đục thân và bọ trĩ.
“Sâu đục thân là khó trị nhất, nó xuất hiện trong thân cây nhưng không biết từ đâu ra. Cây mai có giá trị 50 - 60 triệu đồng mà chúng ăn mất 1, 2 chi là kể như bỏ cả cây. Bệnh nấm hồng cũng rất khó trị, nó khiến cây chết dần từng chi. Sâu cắn lá thì cây mai thường xuyên đối mặt, nhưng dễ trị, thuốc trị bệnh bọ trĩ cũng có thể trị được sâu ăn lá. Đặc biệt, khi cây mai đã bị sâu ăn lá là không có bệnh bọ trĩ, và ngược lại”, Bộ minh họa những mối hiểm nguy của cây mai đối với các loại sâu bệnh.
Cây mai bị sâu bệnh bủa vây là vậy, nên chúng cần phải thường xuyên được bơm thuốc bảo vệ thực vật để sinh tồn. Các loại thuốc trừ sâu, bệnh hóa học dù hiệu quả hơn thuốc sinh học, nhưng do có độc tố cao nên khi bơm mùi hôi lan tỏa cả làng, người chăm mai lại phải tiếp xúc với cây mỗi ngày nên Bộ cảm nhận được sự nguy hiểm. Do đó, Bộ nhất quyết “lắc đầu” với các loại thuốc bảo vệ thực vật hóa học.
“Hôm nay bơm thuốc hóa học, 20 ngày sau mới bơm lại sâu bệnh cũng không phát sinh, nhưng nếu bơm thuốc sinh học 10 ngày sau phải bơm lại. Sử dụng thuốc sinh học tốn tiền thuốc, tốn công nhiều hơn, nhưng cứ xem đó như là chi phí mua sức khỏe cho mình. Vả lại, bơm thuốc hóa học 4 ngày sau còn nghe mùi hôi tỏa ra từ cây đến tôi không dám ra vườn cắt tỉa cành, sửa cây; còn thuốc sinh học vừa bơm xong có thể chăm cây ngay vì không có mùi hôi. Cây mai rất sợ bệnh bọ trĩ, nhưng cứ cách 4 ngày bơm thuốc sinh học 1 lần, bơm 3 lần như vậy là bệnh bay biến, đâu cần phải bơm thuốc hóa học”, Bộ bộc bạch.
Riêng về “căn bệnh nan y” của cây mai là bệnh nấm hồng, Bộ cũng có phương cách điều trị triệt để. Sau mỗi dịp tết, khi cây đã được cắt tỉa cành, tuốt hết lá, hoa của năm cũ, Bộ mua thuốc về, pha loãng, dùng chiếc cọ nhỏ nhúng trực tiếp vào thuốc bôi lên từng cành cây, thế là bệnh nấm hồng bay biến, thân cây lại sạch sẽ vì không có rong rêu bám vào.
Không lo ế
2 năm nay, dù dịch Covid-19 hoành hành, thị trường tiêu thụ chững lại, thế nhưng mai cảnh của anh Lê Tấn Bộ vẫn không lâm cảnh ế ẩm như nhiều chủ nhà vườn khác. Nguyên nhân được Bộ giải thích là dù ảnh hưởng kinh tế khiến người mua mai chơi tết có giảm đi, nhưng theo truyền thống thì tết đến ai cũng muốn trong nhà có cành đào, chậu mai để đón năm mới.
Để tiêu thụ được mai trong bối cảnh thị trường tiêu thụ eo hẹp, buộc cây mai phải đẹp, vừa lòng người tiêu dùng. Những cây mai của Bộ bắt mắt các thương lái nhờ có “bộ dạng” sạch sẽ. Sự sạch sẽ của những chậu mai của Bộ có thể hình dung là, nếu các chủ nhà vườn khác khi lặt lá mai thì trong gốc mai phủ đầy những chiếc lá úa trông rất rối mắt. Riêng những cây mai của anh Bộ dù đang lặt lá vẫn không thấy 1 chiếc lá rơi vãi. Bởi, khi lặt lá mai, nếu có chiếc lá nào rơi vào gốc cây đều được dọn sạch, thương lái nhìn vào thấy rất bắt mắt.
Thêm vào đó, mai của anh Bộ không hề có rong rêu bám vào cành cây nhờ được bôi thuốc trị nấm hồng, và nhờ quy trình chăm sóc chu đáo nên những cây mai phát triển đồng đều. Đặc biệt, những chậu mai của anh Bộ có chi, bánh rất đều. Thường một người thợ tạo dáng cho mai mỗi ngày cắt tỉa được 10 cây, riêng anh Bộ yêu cầu chỉ làm 7 cây nhưng phải chất lượng. Nhờ đó, những cây mai của Bộ đều có dáng vẻ rất bắt mắt, chi, bánh đều đặn. Cuối cùng, nhờ chăm sóc bộ lá của cây mai tốt nên cây cho bông búp đẹp, đây là điều kiện tiên quyết khiến người tiêu dùng ưa chuộng.
Minh chứng là vụ mai Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 sắp tới, trong khi nhiều nhà vườn trồng mai cảnh ở thị xã An Nhơn (Bình Dịnh) đang lo lắng không tiêu thụ được, thì anh Bộ đang lo không có đủ mai cung ứng cho bạn hàng trong Nam ngoài Bắc. Bởi, mới đến giữa tháng 12/2021 mà anh Bộ đã tiêu thụ được trên 1.000 chậu mai lùm cho thương lái miền Nam. Trong khi mỗi năm anh Bộ chỉ chọn 2.000 chậu để bán ra thị trường, như vậy, số còn lại 800 cây anh không đủ cung ứng cho thương lái miền Bắc từ nay đến Tết Nguyên đán.
“Đến nay tôi đã chọn, bán cho thương lái miền Nam gần 200 chậu mai lùm đã được 5 năm tuổi, mỗi chậu có giá 2 triệu đồng. Ngoài ra, tôi cũng đã nhận hợp đồng bán cho thương lái ở Phan Thiết (Bình Thuận) 1.000 chậu mai lùm có độ tuổi thấp hơn với giá 750 ngàn đồng/cây. Đến 19/11 âm lịch tới đây tôi sẽ chuyển trước 500 cây, còn lại 500 cây tôi sẽ chuyển sau. Mỗi năm tôi chỉ tuyển chọn 2.000 cây để cho ra thị trường, như vậy hiện tôi chỉ còn hơn 800 cây để bán, số lượng này là không đủ cung ứng cho những thương lái miền Bắc cũng đã gọi điện đặt hàng tới tấp trong những ngày qua”, anh Bộ bộc bạch.
Cuộc chuyện trò giữa tôi với anh Bộ không dài, nhưng qua trao đổi, tôi đã hình dung ra sự thành công của anh cũng chẳng dễ mấy ai làm được. Anh đã dốc hết sự cần cù để đổi lấy những chậu mai mà cả chủ nhà vườn lẫn người tiêu dùng đều vừa ý. Đặc biệt, anh đã mạnh dạn chấp nhận tăng thêm chi phí trong quy trình chăm sóc những chậu mai khi sử dụng thuốc trừ sâu sinh học thay cho thuốc hóa học để “mua” sức khỏe cho chính mình và bảo vệ môi trường cho cộng đồng, đây chính là tư duy sản xuất hiện đại mà những người sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp cần học hỏi.