| Hotline: 0983.970.780

Gạt nước mắt nhìn lúa dập vùi trong nước

Thứ Hai 04/04/2022 , 19:24 (GMT+7)

BÌNH ĐỊNH Lúa đông xuân ở vựa lúa Tuy Phước (Bình Định) hầu như mất trắng. Nông dân càng thêm khốn đốn trong một vụ lúa mà chi phí vật tư đã oằn nặng.

Vụ đông xuân xem như mất trắng

Ngày 4/4, sau khi nước trong các cánh đồng rút bớt, lúa vụ đông xuân ở huyện Tuy Phước, nơi được mệnh danh là “vựa lúa” của tỉnh Bình Định càng ngã đổ nhiều hơn.

Theo ông Phan Văn Khiêm, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Tuy Phước, mấy ngày trước đây, huyện Tuy Phước ghi nhận chỉ có 3.500 ha lúa đông xuân chưa thu hoạch bị mưa lớn làm ngã đổ. Thế nhưng khi nước rút, con số này được ghi nhận tăng lên 4.023 ha.

Theo chân ông Phan Văn Khiêm dạo quanh những cánh đồng ở xã Phước Hiệp (huyện Tuy Phước), chúng tôi ngậm ngùi nhìn những ruộng lúa vàng óng những hạt no tròn nằm ngã rạp sát mặt ruộng còn ngập đầy nước, những gié lúa quấn vào nhau rối bời.

Những cánh đồng hoang vắng không bóng nông dân thu hoạch lúa, trong khi ngành chức năng Bình Định khuyến cáo cần khẩn trương thu hoạch lúa còn trên đồng, để tránh những đợt mưa lớn dự báo sẽ tiếp tục xảy ra từ ngày 4 đến ngày 6/4.

Chị Lê Thị Hoa đơn độc trên cánh đồng lúa bị ngã rạp tại xã Phước Hiệp (huyện Tuy Phước, Bình Định). Ảnh: V.Đ.T.

Chị Lê Thị Hoa đơn độc trên cánh đồng lúa bị ngã rạp tại xã Phước Hiệp (huyện Tuy Phước, Bình Định). Ảnh: V.Đ.T.

Chưa kịp ngạc nhiên, chúng tôi nhìn thấy một phụ nữ đơn độc giữa cánh đồng mênh mông lúa ngã, tay cầm liềm cắt từng gié lúa xếp thành bó trên mặt ruộng còn xăm xắp nước. Dừng xe hỏi thăm, chúng tôi được biết chị là Lê Thị Hoa (58 tuổi) ở thôn Giang Nam, xã Phước Hiệp (huyện Tuy Phước).

Vụ đông xuân 2021-2022, chị Hoa làm đến 10 sào lúa (500m2/sào). Trước đợt mưa lớn bất ngờ xảy ra, chị đã thu hoạch được 2 sào, 8 sào còn lại bị đợt mưa kéo dài từ ngày 31/3 đến ngày 1/4 xô ngã, nằm mẹp dán sát mặt ruộng. Hiện 5 sào nằm gần sông của chị Hoa còn ngập trong nước.

Theo chị Hoa, lúa ngập kiểu này chỉ có thể thu hoạch thủ công, dùng liềm cắt từng cây lúa rồi mang về kê ghế đập, chứ hiện không còn máy suốt lúa như ngày xưa mà thu hoạch bằng máy gặt đập liên hợp hết rồi. Mà máy gặt đập thì không thể cắt lúa ngã trong ruộng lún, vì máy không chạy được. Nếu lúa ngã mà ruộng ruộng khô, công máy gặt đập liên hợp thu hoạch 1 sào lúa cũng rất cao, khoảng 150.000đ, trong khi lúa đứng chỉ 110.000đ/sào.

“Nóng ruột quá phải cắt chứ không cứu được gì, bởi lúa đã nứt mộng hết trên cây, hạt lúa ngập trong nước nay đã hóa đen, cắt về cũng chẳng thể ăn hay bán gì được, chỉ xay xát rồi làm thức ăn cho gia súc, gia cầm, nhưng chưa chắc chúng chịu ăn vì hạt lúa đã mất phẩm chất. Giờ thuê công cắt cũng không có, dù phải trả đến 250.000 đ/ngày công nữ. Một sào lúa ngã kiểu này phải thuê đến 4 - 5 công cắt 1 ngày mới xong”, chị Hoa nói như khóc.

Chị Lê Thị Hoa cố gắng cắt từng cây lúa, dù biết không thể bán hay ăn được, chỉ có thể làm thức ăn cho gia súc, gia cầm. Ảnh: V.Đ.T.

Chị Lê Thị Hoa cố gắng cắt từng cây lúa, dù biết không thể bán hay ăn được, chỉ có thể làm thức ăn cho gia súc, gia cầm. Ảnh: V.Đ.T.

Ngậm ngùi 1 lúc, chị Hoa buồn buồn kể tiếp: “Từ đầu vụ đến nay tôi đã mua nợ 5 triệu tiền phân bón để đầu tư cho 10 sào ruộng. Còn thuê máy cày làm đất cho 1 sào mất 13kg lúa nữa, thêm tiền bừa 1 sào đất mất thêm 50.000 đ, rồi tiền thuê công vãi giống mất 40.000 đ/sào nữa. Đó là chưa kể tiền mua giống và công chăm sóc suốt mấy tháng ròng.

Vụ này do những đợt lũ muộn xảy ra liên tiếp vào cuối năm 2021, lúc vừa gieo sạ khiến tôi phải sạ đi sạ lại đến 3 lần giống. Vụ này đầu tư vào 10 sào ruộng nhiều tiền lắm, nhưng giờ lúa ngã kiểu này kể như mất trắng, trong khi ở đây bà con chỉ làm có 2 vụ lúa/năm, vụ đông xuân là vụ mùa chủ đạo trong năm”.

Theo ông Phan Văn Khiêm, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Tuy Phước, ngày 3/4, Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự huyện đã tổ chức họp khẩn, có sự tham dự của Chủ tịch UBND các xã, thị trấn trong huyện. Cuộc họp xoay quanh việc vận động nông dân khẩn trương thu hoạch lúa để né những đợt mưa sắp xảy ra theo dự báo để giảm bớt thiệt hại.

Lúa của chị Lê Thị Hoa đang cắt do bị ngã đổ, ngập trong nước nên đã mọc mầm, hạt lúa thâm đen ngay trên cây. Ảnh: V.Đ.T.

Lúa của chị Lê Thị Hoa đang cắt do bị ngã đổ, ngập trong nước nên đã mọc mầm, hạt lúa thâm đen ngay trên cây. Ảnh: V.Đ.T.

“Hiện nay việc thu hoạch lúa gặp rất nhiều cái khó, bởi công lao động gặt lúa kiếm không ra, giá thì cao. Thu hoạch xong, kéo lên bờ rồi thì không còn máy tuốt lúa để thuê, nông dân phải dẫm, đạp, hoặc đập vào ghế, phải tốn rất nhiều công mới lấy được hạt lúa ra. Thêm nữa, hiện thời tiết không có nắng, lại dự báo sẽ còn mưa lớn, lúa ướt không thể phơi được. Nếu trải lúa mỏng trong nhà thì chẳng được bao nhiêu, lúa sẽ nẩy mầm và đen hạt. Vụ đông xuân năm nay ở Tuy Phước kể như mất trắng”, ông Khiêm than thở.

Sản xuất giống lúa vỡ trận

Cũng theo ông Khiêm, diện tích lúa bị ngập và ngã đổ ở địa phương này là 4.023 ha, trong đó, diện tích liên kết với các công ty sản xuất giống trên 700 ha, mới chỉ thu hoạch được 120 ha, còn ngã đổ trên đồng 588 ha. Sản xuất lúa giống mà bị ngã đổ, ngập nước thì công ty giống không thể thu mua để làm giống được. Thực tế này vừa gây khó cho đơn vị thu mua giống, vừa gây khó cho nông dân liên kết sản xuất giống. Vụ đông xuân này, mối liên kết sản xuất lúa giống ở Tuy Phước kể như vỡ trận.

Riêng ở xã Phước Hiệp, diện tích lúa chưa thu hoạch bị ngập và ngã đổ trong đợt mưa kèm lốc xoáy vừa qua là 420 ha, mấy ngày nay nông dân mới chỉ thu hoạch được 10 ha, hiện còn 410 ha còn đứng trên đồng, trong đó có khoảng 370 ha bị ngã rạp, khả năng mất trắng. Thiệt hại lớn nhất là những diện tích liên kết sản xuất lúa giống làm những giống dài ngày, khi lúa đã ngã là hạt lúa mọc mầm ngay trên cây.

Công thu hoạch lúa bằng thủ công ở Bình Định hiện rất khó tìm dù giá rất cao. Ảnh: V.Đ.T.

Công thu hoạch lúa bằng thủ công ở Bình Định hiện rất khó tìm dù giá rất cao. Ảnh: V.Đ.T.

Theo ông Phạm Long Thăng, Giám đốc HTX Nông nghiệp Phước Hiệp, mấy ngày nay, các công ty thu mua giống về địa phương khảo sát, diện tích sản xuất lúa giống bị đổ ngã nặng nhất là ở Đội 2, Đội 3. Các công ty giống bảo lúa đã ngã là không thể thu mua. Diện tích sản xuất lúa giống ở Phước Hiệp là 106 ha, mấy ngày trước HTX Nông nghiệp Phước Hiệp ghi nhận chỉ có 60 ha bị đổ ngã, ngày 3/4 thống kê lại diện tích lúa giống đổ ngã tăng lên 75 ha. Trong thời tiết này, lúa không thể thu hoạch được.

“Ngày 4/4, HTX trực tiếp gọi điện báo cho công ty để báo cáo sự thể, công ty trả lời những diện tích không đổ ngã thì cho thu hoạch, sau khi phơi được 1 nắng thì công ty mới thu mua về tiếp tục sấy, chứ công ty không thu mua lúa tươi như HTX đề xuất. Giờ chúng tôi cứ để lúa đứng ngoài đồng, chứ giờ thu hoạch lên cũng không có nắng để phơi. Riêng giống VNR20 do vỏ trấu mỏng nên có nguy cơ bị mọc mầm trên cây”, ông Phạm Long Thăng, Giám đốc HTX Nông nghiệp Phước Hiệp sốt ruột chia sẻ.

Hơn 4.000 ha lúa ở huyện Tuy Phước (Bình Định) hiện còn ngập ngụa trong nước. Ảnh: V.Đ.T.

Hơn 4.000 ha lúa ở huyện Tuy Phước (Bình Định) hiện còn ngập ngụa trong nước. Ảnh: V.Đ.T.

Theo ông Phan Văn Khiêm, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Tuy Phước, theo chính sách hỗ trợ của UBND tỉnh Bình Định, đối với những diện tích liên kết sản xuất lúa giống, tỉnh sẽ hỗ trợ 50% giá giống và 50% chi phí vật tư nông nghiệp trong thời hạn 3 năm, với điều kiện các HTX Nông nghiệp phải cung ứng số lượng giống đủ theo hợp đồng liên kết với các công ty giống.

“Vụ đông xuân 2021 - 2022 bị thiên tai thế này, những diện tích liên kết sản xuất giống bị ngập và đổ ngã thì công ty không thể thu mua, như vậy là không đúng với quy định của tỉnh, các HTX liên kết sản xuất lúa giống có nguy cơ không được tỉnh hỗ trợ theo chính sách. Nhưng đây là do thiên tai, không phải do lỗi của các HTX, cũng như không phải do lỗi của các công ty, nên chúng tôi khẩn thiết đề nghị UBND tỉnh vẫn hỗ trợ cho các HTX liên kết sản xuất lúa giống theo chính sách đã ban hành, dù số lượng giống cung ứng không đủ theo hợp đồng”, ông Phan Văn Khiêm, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Tuy Phước đề nghị.

Xem thêm
Gia Lai vào cuộc vụ lợn dự án chết bất thường

Ngay sau phản ánh của Báo Nông nghiệp Việt Nam về việc lợn cấp cho đồng bào dân tộc thiểu số theo dự án chết bất thường, tỉnh Gia Lai đã rốt ráo vào cuộc.

Bắt giữ xe khách chở 1,2 tấn nội tạng lên Điện Biên tiêu thụ

1,2 tấn nội tạng chứa trong 9 thùng xốp được chủ xe khách chở từ huyện Phú Xuyên, thành phố Hà Nội lên Điện Biên đã bị bắt giữ tại Hòa Bình.

Giới thiệu nhiều vật tư, công nghệ, thiết bị cơ giới hóa nông nghiệp

TP.HCM Ngày 13/11, tại TP.HCM đã khai mạc Triển lãm quốc tế Sản phẩm, thiết bị, vật tư và phân bón nông nghiệp (Growtech 2024).