| Hotline: 0983.970.780

Ghép mảnh in 3D titan cứu chân người đàn ông bị gãy, nhiễm trùng

Thứ Hai 12/08/2024 , 20:09 (GMT+7)

TP.HCM Các bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy tiến hành phẫu thuật bằng kỹ thuật ghép mảnh in 3D titan cứu người đàn ông bị mất đoạn lớn thân xương cày, nhiễm trùng nặng.

Bác sĩ kiểm tra khả năng vận động chân của bệnh nhân sau phẫu thuật ghép mảnh in 3D titan dạng lưới. Ảnh: BVCC.

Bác sĩ kiểm tra khả năng vận động chân của bệnh nhân sau phẫu thuật ghép mảnh in 3D titan dạng lưới. Ảnh: BVCC.

Ngày 12/8, PGS.TS.BS Đỗ Phước Hùng, Phó khoa Chấn thương chỉnh hình, Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết, đơn vị vừa điều trị thành công cho một bệnh nhân bị mất đoạn lớn thân xương chày do gãy hở nhiễm trùng nặng bằng kỹ thuật ghép mảnh in 3D Titan dạng lưới.

Bằng mảnh ghép in 3D titan dạng lưới kết hợp với trình độ chuyên môn sâu, ekip điều trị tiến hành khôi phục một đoạn xương lớn đã mất, giúp bệnh nhân có thể quay trở về với cuộc sống bình thường.

Gần 1 năm trước, anh L.D.L. (sinh năm 1985, quê Nghệ An) nhập viện tại Bệnh viện Chợ Rẫy trong tình trạng chấn thương nặng sau tai nạn giao thông với thương tổn gãy hở hai xương cẳng chân trái và khuyết hổng mô mềm mức độ nặng.

Các bác sĩ khoa Chấn thương chỉnh hình Bệnh viện Chợ Rẫy đã thực hiện phẫu thuật cắt lọc vết thương, cố định xương gãy và đặt máy hút chân không liên tục.

Bệnh nhân sau đó phải trải qua bốn cuộc phẫu thuật nhằm cắt lọc vết thương và tái tạo mô mềm.

PGS.TS.BS Đỗ Phước Hùng cho biết, thách thức lúc này không chỉ là khôi phục lại đoạn xương bị mất cho bệnh nhân mà còn phải phục hồi được chức năng vận động quan trọng của chân bị chấn thương, giúp bệnh nhân đi lại dễ dàng và thoải mái trong sinh hoạt hàng ngày.

Sau khi cân nhắc kỹ lưỡng, thảo luận với bệnh nhân và gia đình, khoa Chấn thương chỉnh hình Bệnh viện Chợ Rẫy đã quyết định áp dụng kỹ thuật điều trị mới bằng kỹ thuật sử dụng mảnh ghép titan dạng lưới, với hy vọng phục hồi chức năng cho bệnh nhân mà không nhất thiết phải lấy nhiều xương ghép từ nguồn khác.

Bệnh nhân đã có thể đi lại với 2 nạng và tì chống một phần chân đau. Ảnh: BVCC.

Bệnh nhân đã có thể đi lại với 2 nạng và tì chống một phần chân đau. Ảnh: BVCC.

Để chuẩn bị mảnh ghép trước khi tiến hành ca phẫu thuật, ekip Bệnh viện đã trải qua 6 tháng để tạo ra một mảnh ghép titan phù hợp, bởi bệnh nhân sẽ phải gắn bó với mảnh ghép này suốt cuộc đời.

Ngày 17/7/2024, ca phẫu thuật kéo dài 5 giờ đồng hồ thuận lợi với kết quả bước đầu như mong đợi.

Đến nay, tình trạng chân phải của bệnh nhân sau phẫu thuật đã được cải thiện, anh L.D.L. đã có thể đi lại với 2 nạng và tì chống một phần chân đau.

Được biết, toàn bộ chi phí của mảnh ghép đều được hỗ trợ từ chương trình hợp tác giữa Bệnh viện Chợ Rẫy và Viện CSIRO (Úc). 

PGS.TS.BS Đỗ Phước Hùng cho biết thêm, đến hôm nay (12/8), với các chỉ số sinh hiệu ổn định, bệnh nhân L.D.L. đã được xuất viện, trở thành người thứ 2 tại Việt Nam được áp dụng kỹ thuật ghép mảnh in 3D titan và cũng là người đầu tiên tại Việt Nam được áp dụng kỹ thuật ghép mảnh in 3D titan dạng lưới để khắc phục tình trạng bị mất đoạn lớn thân xương chày do gãy hở nhiễm trùng.

Theo PGS.TS.BS Đỗ Phước Hùng, Phó khoa Chấn thương chỉnh hình Bệnh viện Chợ Rẫy, ở trường hợp này, bệnh nhân phải tuyệt đối tuân thủ theo sự hướng dẫn của các bác sĩ về vấn đề chăm sóc vết thương và đi lại sau phẫu thuật.

Trong quá trình phục hồi, người bệnh cần tuân thủ việc tập luyện đi lại theo hướng dẫn vì tế bào xương chỉ dẫn nhập vào trong mảnh ghép khi mảnh ghép chịu lực tải một cách thích hợp. Việc phòng chống té ngã cũng cần đặc biệt chú ý để tránh những tổn thương khác xảy ra trong quá trình lành xương.

Trong khuôn khổ hợp tác nghiên cứu giữa Bệnh viện Chợ Rẫy và Viện CSIRO (Úc) về các mảnh ghép xương sinh học, hai bên đã thống nhất tiến hành thiết kế và in mảnh ghép cá thể hóa sản để điều trị cho từng bệnh nhân.

Xem thêm
Phẫu thuật robot điều trị ung thư đoạn cuối ống mật chủ

TP.HCM Bệnh viện Bình Dân vừa thực hiện phẫu thuật robot cắt khối tá tụy điều trị ung thư đoạn cuối ống mật chủ cho nam bệnh nhân 43 tuổi.

Điều trị suy tim sung huyết

Mục tiêu của điều trị suy tim sung huyết là để tim đập hiệu quả hơn giúp đáp ứng nhu cầu năng lượng của cơ thể.

Đối tượng nào cần xét nghiệm tiền đái tháo đường?

Bộ Y tế khuyến cáo, phụ nữ đã được chẩn đoán đái tháo đường thai kỳ thì cần phải theo dõi lâu dài, thực hiện xét nghiệm ít nhất 03 năm/lần.

Nấm linh chi có giúp ngăn ngừa bệnh đậu mùa khỉ không?

Nấm linh chi có tác dụng tăng cường hệ miễn dịch, nên nhiều người cho rằng có thể dùng nấm linh chi để chống lại sự tấn công của những virus có hại.