| Hotline: 0983.970.780

Giá cà phê xuống thấp, người dân lao đao

Thứ Ba 28/11/2023 , 10:50 (GMT+7)

QUẢNG TRỊ Giá cà phê có thời điểm chỉ còn 7 triệu đồng/tấn khiến người dân xã Hướng Phùng (huyện Hướng Hóa) chẳng buồn thu hái.

Dân chẳng buồn thu hoạch, cà phê rụng đầy gốc

Những ngày đầu tháng 11, khi cà phê đang vào chính vụ, giá thu mua của các thương lái, đại lý, công ty trên địa bàn huyện Hướng Hóa (tỉnh Quảng Trị )dao động từ 10 - 10,5 triệu đồng/tấn quả tươi. Người trồng cà phê xã Hướng Phùng phấn khởi, hi vọng giá thu mua sẽ tiếp tục tăng. Sau bao nhiêu năm thua lỗ do giá cà phê xuống thấp, năm nay nhiều chủ vườn dự tính sẽ có nguồn thu lớn để trả nợ và tái đầu tư.

Bà Nguyễn Thị Lan cùng nhiều hộ dân ở xã Hướng Phùng cho biết họ chẳng buồn thu hái do giá cà phê quá thấp. Ảnh: Võ Dũng.

Bà Nguyễn Thị Lan cùng nhiều hộ dân ở xã Hướng Phùng cho biết họ chẳng buồn thu hái do giá cà phê quá thấp. Ảnh: Võ Dũng.

Thế nhưng, niềm vui ngắn chẳng tày gang. Giá thu mua cà phê rớt dần. Cà phê vào chính vụ, tỷ lệ quả chín gần như tuyệt đối nhưng các thương lái, đại lý, nhà máy thông báo giá sàn thu mua chỉ còn 7 triệu đồng/tấn và có nguy cơ chỉ còn 6 triệu đồng/tấn. 

Bà Nguyễn Thị Lan ở thôn Cợp (xã Hướng Phùng) có gần 3ha cà phê arabica đang trong thời kỳ kinh doanh. Theo tính toán của bà Lan, với chừng ấy diện tích, chi phí đầu tư chăm sóc 1 năm bao gồm tiền phân bón; phun phân bón lá, sâu bệnh hết khoảng 140 triệu đồng, chưa kể công cắt cỏ, tỉa cành. Sau bao năm khánh kiệt vì giá cà phê xuống thấp, năm nay bà Lan khấp khởi mừng. Với sản lượng khoảng 40 tấn, gia đình bà dự tính sẽ thu về trên 400 triệu đồng, trừ chi phí đầu tư, nhân công cũng sẽ có tiền tái đầu tư và trang trải cuộc sống.

Đến giữa tháng 11, khi nghe tin giá thu mua cà phê chỉ còn 7 triệu đồng/tấn, cùng như nhiều hộ trồng cà phê khác, bà Lan đã bỏ mặc cho quả rơi rụng, chẳng buồn thu hái. Với giá thu mua này, trừ chi phí thuê nhân công hái, người trồng cà phê chỉ còn thu về chưa đến 5 triệu đồng/tấn cà phê tươi, chưa trừ chi phí đầu tư.

“Quả cà phê rụng đầy dưới gốc vì giá quá bèo bọt, người dân không thu hái. Với giá thu mua như thế này, người trồng cà phê lỗ đậm, không biết bao giờ mới ngóc đầu lên được” – bà Lan thở dài.

Qua tham khảo các kênh thông tin về giá cả cà phê trên thị trường hiện nay, người trồng cà phê xã Hướng Phùng cho rằng, ở thời điểm này, giá thu mua cà phê tươi đáng ra phải dao động từ 13 - 14 triệu đồng/tấn? Càng thu hái càng lỗ, giữa tháng 11, hơn 50 hộ dân ở các thôn Cợp, Phùng Lâm, Choa của xã Hướng Phùng đội áo mưa, kéo nhau lên UBND huyện Hướng Hóa cầu cứu. Sau đó vài ngày, giá thu mua cà phê đã nhích dần lên ở mức 9 - 9,5 triệu đồng/tấn.

Quả cà phê chín khô trên cành, rụng xuống gốc do người dân không thu hoạch bởi giá rẻ. Ảnh: Võ Dũng.

Quả cà phê chín khô trên cành, rụng xuống gốc do người dân không thu hoạch bởi giá rẻ. Ảnh: Võ Dũng.

Tuy nhiên, theo người trồng cà phê xã Hướng Phùng, với giá thu mua đó, người dân vẫn thua lỗ. Nếu tình trạng này kéo dài, trước mắt, người dân không có tiền tái đầu tư, trang trải cuộc sống. Về lâu dài, những vườn cà phê đã được tái canh cũng có nguy cơ bị bỏ bẵng hoặc chuyển sang cây trồng khác. 

“Với giá thu mua 11 triệu đồng/tấn thì người trồng cà phê cũng mới chỉ hòa vốn. Rất mong UBND huyện có phương án lâu dài để hỗ trợ người dân chứ cứ như thế này thì chúng tôi lại phải phá bỏ cây cà phê mất”, ông Phan Hữu Phong, người trồng cà phê tại thôn Phùng Lâm, xã Hướng Phùng chia sẻ.

Cần có những mối liên kết bền vững

Giá cà phê "nhảy múa" từng ngày khiến người dân hoa mắt chóng mặt. Có doanh nghiệp nâng giá thu mua thêm 1 triệu đồng/tấn nhưng người dân không thể bán vì đã trót vay phân bón trả chậm của các đại lý trên địa bàn.

Bà Nguyễn Thị Lan tại thôn Cợp, xã Hướng Phùng cho biết, cà phê đang vào chính vụ, người dân chỉ thu hoạch quả chín đem bán. Tuy nhiên, với giá thu mua của các đại lý quá thấp, nhiều hộ đã phản ứng bằng cách không thu hái. Vì thế, nhiều vườn cà phê quả rụng đầy gốc; trên cây, quả cũng héo rũ. 

Kể từ ngày 22/11, khi giá cà phê nhích lên, người dân mới tiếp tục thu hái. Ảnh: Võ Dũng.

Kể từ ngày 22/11, khi giá cà phê nhích lên, người dân mới tiếp tục thu hái. Ảnh: Võ Dũng.

Tuy nhiên, khi có một doanh nghiệp trên địa bàn đặt vấn đề thu mua với giá cao hơn 1 triệu đồng/tấn so với giá trần thì bà Lan lại không thể bán.

“Tôi vay phân bón trả chậm của một đại lý thu mua trên địa bàn nên phải bán cho họ dù giá thấp hơn. Mối liên kết này không ràng buộc bằng hợp đồng nhưng cũng phải giữ uy tín để mùa sau còn có chỗ mà vay. Nhưng mình giữ chữ tín thì lại thua thiệt, càng bán càng lỗ”, bà Lan chua xót.

Bà Nguyễn Thị Thảo, chủ một cơ sở thu mua, chế biến cà phê tại thôn Cợp, xã Hướng Phùng cho biết, đầu vụ, doanh nghiệp thu mua với giá 6 - 7 triệu đồng/tấn là cao hơn giá cả thị trường nhằm giúp người dân đủ công thu hái, giữ vườn cà phê. Khi vào thu hoạch chính vụ, trời mưa quá nhiều, độ ẩm và tạp chất trong cà phê tăng cao nên doanh nghiệp buộc phải hạ giá thu mua để đảm bảo chế biến không thua lỗ.

“Năm nay, xuất khẩu cà phê không thuận lợi, giá cả thấp, doanh nghiệp chế biến chủ yếu bán hàng xô, tiêu thụ nội địa nên gặp rất nhiều khó khăn. Nếu trời mưa quá dài, tôi sẽ nghỉ, không chế biến nữa vì thu mua với giá 7,5 triệu đồng/tấn để chế biến cũng thua lỗ”, bà Thảo cho hay.

Ông Hoàng Đình Bình, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Hướng Hóa cho biết, sau khi người dân phản ánh sự việc, UBND huyện Hướng Hóa đã làm việc với các doanh nghiệp. Nguyên nhân giá cà phê xuống thấp là do thời tiết mưa, độ ẩm trong cà phê cao, quả xanh và tạp chất nhiều nên tỷ lệ cà phê thóc thu được thấp. Doanh nghiệp hoạt động phải có lợi nhuận nên không thể thu mua với giá cao như nguyện vọng của người dân.

Nếu không có giải pháp bền vững, những vườn cà phê arabica với chất lượng thơm ngon nổi tiếng tại Hướng Phùng sẽ bị bỏ bẵng hoặc chuyển sang cây trồng khác. Ảnh: Võ Dũng.

Nếu không có giải pháp bền vững, những vườn cà phê arabica với chất lượng thơm ngon nổi tiếng tại Hướng Phùng sẽ bị bỏ bẵng hoặc chuyển sang cây trồng khác. Ảnh: Võ Dũng.

“Trước vụ thu hoạch, Phòng đã tham mưu UBND huyện thành lập tổ kiểm tra chất lượng thu mua, chế biến cà phê. Tổ sẽ kiểm tra, nếu phát hiện doanh nghiệp thu mua cà phê xanh sẽ lập biên bản. Doanh nghiệp cũng rất đồng tình không thu mua cà phê xanh và lẫn nhiều tạp chất để từng bước nâng cao chất lượng cà phê của địa phương”, ông Bình cho biết.

Về giải pháp lâu dài, theo ông Bình, người dân cần tập trung làm cà phê sạch, nâng cao chất lượng cà phê, sản xuất theo hướng cà phê đặc sản, cà phê hữu cơ. Việc tái canh cây cà phê cần được tiếp tục thực hiện và thành lập các tổ hợp tác thu mua, chế biến cà phê sạch.

Hướng Hóa là thủ phủ cà phê của tỉnh Quảng Trị với khoảng 4 nghìn ha, chủ yếu là cà phê arabica. Riêng xã Hướng Phùng có 2 nghìn ha, trong đó khoảng 1,3 nghìn ha đang trong thời kỳ kinh doanh. Những năm trước, giá cà phê xuống thấp đã khiến nhiều hộ dân khánh kiệt, nhiều diện tích cà phê được chuyển đổi sang cây trồng khác. Giá cà phê xuống thấp ảnh hưởng đến khoảng 4 nghìn hộ dân tại xã Hướng Phùng.

Xem thêm
Thành lập hợp tác xã để nâng tầm giá trị cầy vòi hương

QUẢNG NAM Từ một hộ ban đầu, đến nay, mô hình nuôi cầy hương đã lan rộng ra toàn xã với hàng trăm hộ nhờ giá trị kinh tế cao mà loài vật này mang lại.

Giao mặt nước biển để quy hoạch đối tượng nuôi thủy sản phù hợp

Nhà nước cần sớm ban hành quy hoạch không gian biển để giao mặt nước biển cho các vùng nuôi trồng thủy sản, từ đó lựa chọn đối tượng nuôi, mật độ nuôi phù hợp.

Giống cà chua ngoại hợp đất Mù Cang Chải, năng suất 100 tấn/ha

YÊN BÁI Giống cà chua Beef có nguồn gốc Israel được trồng bằng công nghệ cao, theo tiêu chuẩn VietGAP ở Mù Cang Chải cho năng suất lên tới 100 tấn/ha, chất lượng tốt, giá bán cao.