| Hotline: 0983.970.780

Giá dầu hạ, ngư dân hồ hởi bám biển

Thứ Sáu 10/04/2020 , 08:18 (GMT+7)

Hiện các tàu cá hành nghề lưới vây rút chì của ngư dân Bình Định có lãi ổn định nên liên tục bám biển để giải quyết công ăn việc làm cho thuyền viên.

Nghề lưới vây của ngư dân Bình Định đang đánh bắt đạt sản lượng. Ảnh: Lê Khánh.

Nghề lưới vây của ngư dân Bình Định đang đánh bắt đạt sản lượng. Ảnh: Lê Khánh.

Bám biển vừa kiếm lãi, vừa giữ chân bạn thuyền

Lão ngư Bùi Thanh Ninh, chủ của 9 chiếc tàu cá công suất lớn ở xã Tam Quan Bắc (huyện Hoài Nhơn, Bình Định), cho hay 5 chiếc tàu cá hành nghề lưới vây của ông vừa cập bờ tại Vũng Tàu (Bà Rịa – Vũng Tàu) và Cam Ranh (Khánh Hòa) để bán sản phẩm.

Thời điểm này cá ngừ sọc dưa chưa xuất hiện nhiều ngoài khơi, nên tập đoàn tàu cá của ông hoạt động giáp vùng lộng để đánh bắt các loại cá sòng, cá ồ, cá nục, bạc má… Dù giá cá hiện nay có hạ đôi chút nhưng nhờ đánh bắt đạt sản lượng nên chuyến biển vẫn có lãi.

“Hiện tôi cho những tàu cá hành nghề lưới vây của mình đánh bắt tại ngư trường phía Nam, phía trên bãi Tư Chính, dưới đảo Côn Sơn. Tuy giá cá có hạ hơn trước đây do sức tiêu thụ yếu, nhưng nhờ đánh bắt đạt sản lượng, giá dầu hạ nên tất cả các tàu đều có lãi.

Làm nghề lưới vây phải đi nhiều bạn thuyền, mỗi tàu đi 12 thuyền viên, chuyến biển này sau khi chia cho bạn thuyền mỗi người 6 – 7 triệu đồng, mỗi tàu tôi còn lãi 50 – 60 triệu đồng. Khoảng một, hai tháng sau, khi cá ngừ sọc dưa xuất hiện nhiều ngoài khơi tôi sẽ cho tàu quay lại ngư trường Trường Sa đánh bắt sẽ đạt hiệu quả cao hơn”, lão ngư Bùi thanh Ninh cho biết.

Theo lão ngư Ninh, thời điểm này giá nhiên liệu giảm mạnh nên dù giá cá có hạ ngư dân vẫn tích cực ra khơi bởi chi phí sắm tổn giảm lớn.

“Giá dầu chỉ còn hơn 11.000đ/lít, trong khi trước kia dầu chạy tàu có giá đến 17.000đ/lít. Mỗi tàu đánh bắt xa bờ mỗi chuyến biển phải đổ từ 3.000 – 4.000 lít dầu. Nếu như trước đây lúc giá dầu còn cao, tàu hành nghề lưới vây rút chì mỗi chuyến biển đi dài ngày hơn phải sắm tổn đến 120 triệu đồng, giờ chỉ còn 100 triệu đồng, thậm chí thấp hơn; còn tàu hành nghề đánh bắt cá ngừ đại dương trước đây sắm tổn 80 triệu đồng/chuyến biển thì nay giảm còn 60 triệu đồng”, lão ngư Bùi Thanh Ninh cho hay.

Theo nhiều chủ tàu cá hành nghề lưới vây rút chỉ ở Bình Định, giá nhiên liệu giảm là điều kiện tốt để ngư dân cho tàu vươn khơi bám biển để giải quyết công việc cho lao động nghề biển, đồng thời duy trì sự có mặt của ngư dân trên biển để góp phần giữ gìn chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.

Bám biển trong thời gian này cũng là để giữ chân các bạn thuyền, nếu hoạt động đánh bắt của con tàu bị ngưng trệ, thuyền viên đi tàu khác thì tháng 6 âm lịch tới, khi đến vụ cá Nam cá ngừ sọc dưa xuất hiện nhiều ở vùng biển khơi lúc ấy tìm bạn thuyền đi biển không ra.

Biến thách thức thành cơ hội

Theo TS Trần Văn Vinh, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Bình Định, hiện nay dọc biển miền Trung xuất hiện nhiều cá ồ, cá nục, cá ngừ nên ngư dân đánh bắt đạt sản lượng. Sắp tới, từ tháng 6 đến tháng 10 âm lịch sẽ vào chính vụ cá Nam, lúc ấy cá ồ, cá ngừ sọc dưa sẽ xuất hiện nhiều hơn.

Các đầu nậu thu mua cá của ngư dân Bình Định tại Cảng cá Quy Nhơn. Ảnh: Lê Khánh.

Các đầu nậu thu mua cá của ngư dân Bình Định tại Cảng cá Quy Nhơn. Ảnh: Lê Khánh.

Theo ông Trần Văn Phúc, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Bình Định, trong 3 tháng đầu năm 2020, dù thời tiết biển không thuận lợi cho hoạt động khai thác thủy sản, do ảnh hưởng các đợt không khí lạnh tăng cường, áp thấp nhiệt đới trên biển Đông; cộng vào đó, tàu cá đánh bắt vùng khơi được quản lý chặt chẽ, chỉ những tàu đạt chuẩn từ 15m chiều dài trở lên đã được cấp phép mới được ra khơi.

Vì vậy, số tàu đánh bắt vùng khơi giảm hơn so với những năm trước, hiện chỉ còn 3.135 chiếc, giảm 13% so trước khi có Nghị định 26/2019/NĐ – CP của Chính phủ.

“Tuy nhiên, sản lượng khai thác không giảm mấy. Tổng sản lượng khai thác trong quý I/2020 ước đạt hơn 45.793 tấn, giảm 2,2% so cùng kỳ; riêng sản lượng khai thác cá ngừ đại dương tăng, ước đạt hơn 3.075 tấn, tăng 1,9% so cùng kỳ”, ông Trần Văn Phúc, cho hay.

Tại thời điểm này, giá các loại thủy sản có giảm do sức tiêu thụ yếu bởi ảnh hưởng dịch Covid-19, tuy nhiên, ngư dân vẫn yên tâm bám biển bởi các doanh nghiệp vẫn thu mua sản phẩm cho vào kho lạnh dự trữ để khi bão dịch đi qua, sức tiêu thụ mạnh trở lại sẽ tung ra đáp ứng nhu cầu tiêu thụ của thị trường.

Bán sản phẩm xong các tàu cá vận chuyển những can nhiên liệu xuống tàu để chuẩn bị chuyến biển mới. Ảnh: Lê Khánh.

Bán sản phẩm xong các tàu cá vận chuyển những can nhiên liệu xuống tàu để chuẩn bị chuyến biển mới. Ảnh: Lê Khánh.

“Hiện những doanh nghiệp chuyên kinh doanh mặt hàng thủy sản có tiềm lực tài chính đều trang bị thêm kho lạnh để mua dự trữ hàng từ các tàu cá của ngư dân.

Ngư dân đang đánh bắt đạt sản lượng, giá cả lại giảm nên đây là điều kiện tốt để các doanh nghiệp dự trữ hàng.

Đối với hàng đông lạnh, trước khi đưa hàng vào kho lạnh, các doanh nghiệp đều rửa cá qua nước biển để làm sạch máu, chất lượng cá được bảo quản tốt hơn.

Nếu cá dưới tàu đưa lên cứ thế cho vào kho lạnh mà không qua xử lý, máu cá còn, sản phẩm dễ bị nhiễm khuẩn làm giảm chất lượng”, TS Vinh chia sẻ.

“Cảng cá Quy Nhơn chúng tôi đang có hệ thống kho lạnh có thể chứa 500 tấn sản phẩm. Mỗi ô kho có chiều ngang 5m, dài 10m, cao 4,5m có thể dự trữ 50 tấn sản phẩm. Hiện các kho đã được doanh nghiệp thuê hết, hàng dự trữ đã đầy khoảng 50% kho lạnh, các doanh nghiệp vẫn đang tiếp tục thu mua sản phẩm của ngư dân mỗi đợt tàu cá cập bờ.

Riêng TP Quy Nhơn mỗi ngày tiêu thụ khoảng 15 tấn thực phẩm tươi sống, khi hệ thống kho tại cảng dự trữ đầy hàng thì có thể cung ứng hàng tươi sống cho người dân Quy Nhơn suốt 1 tháng ròng rã”, ông Đào Xuân Thiện, Giám đốc BQL Cảng cá Bình Định.

Xem thêm
Hướng đến nuôi biển bền vững: [Bài 3] Nhân rộng mô hình tiên tiến

Thời gian tới, Khánh Hòa sẽ nỗ lực mở rộng mô hình thí điểm phát triển nuôi biển bằng công nghệ tiên tiến, mở rộng quy mô, khu vực thí điểm.

Tổ đoàn kết trên biển góp phần chống khai thác IUU

BÌNH ĐỊNH Không chỉ tương trợ trong quá trình khai thác hải sản, các tổ đoàn kết trên biển ở Bình Định còn góp phần nâng cao ý thức cho ngư dân trong chống khai thác IUU.

Xuất khẩu thủy sản Việt Nam 11 tháng đạt 9,2 tỷ USD

Với đà tăng trưởng hiện tại, ngành thủy sản Việt Nam năm 2024 có thể hoàn thành mục tiêu đạt 10 tỷ USD xuất khẩu, tăng 11,5% so với năm 2023.