| Hotline: 0983.970.780

Gia đình người Dao 4 đời gắn bó với cây cà phê Tây Nguyên

Thứ Năm 11/06/2020 , 09:10 (GMT+7)

Năm 1955, ông theo gia đình từ Quảng Ninh vào Tây Nguyên làm công nhân cho đồn điền cà phê. Đến nay, gia đình ông đã có 4 đời gắn bó với cây cà phê.

Cụ Đặng Văn Viên kể với PV câu chuyện từ Quảng Ninh lên Tây Nguyên và bắt đầu gắn bó với cây cà phê. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Cụ Đặng Văn Viên kể với PV câu chuyện từ Quảng Ninh lên Tây Nguyên và bắt đầu gắn bó với cây cà phê. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Thăng trầm lập nghiệp

Năm 1955, người Pháp dồn dân của 2 bản làng người Dao ở vùng cao của xã Hòa Bình, huyện Hoành Bồ, tỉnh Quảng Ninh đưa vào Tây Nguyên làm công nhân trong các đồn điền cà phê.

Năm ấy, ông Đặng Văn Viên mới 14 tuổi đã theo cha mẹ vào đồn điền cà phê làm “công nhân nhí”. Tính đến nay ông đã có 65 năm gắn bó với thủ phủ của cà phê Tây Nguyên là tỉnh Đăk Lăk.

“Năm nay tôi đã 79 tuổi, chưa kể lớp chắt còn nhỏ đi học, tính đến nay gia đình tôi đã có 4 đời gắn bó với cây cà phê Tây Nguyên”, ông Viên cho hay.

Sau ngày đất nước thống nhất, đến lúc này gia đình ông Viên đã “con đàn cháu đống” nhưng không có khoảnh đất nào để canh tác. Vậy là cả gia đình ông Viên dắt díu nhau đến xã Cư Suê, huyện Cư M’gra, tỉnh Đăk Lăk khai hoang vỡ hóa đất để xây dựng cuộc sống mới.

Ngay từ lúc đặt chân lên đất Tây Nguyên gia đình ông Viên đã gắn bó với cây cà phê, nên khi đã có đất đai cũng khởi nghiệp bằng cây cà phê.

“Năm 1976 gia đình tôi đến đây khai hoang được vài héc-ta đất, đến năm 1980 chúng tôi bắt đầu trồng được vài sào cà phê. Hồi ấy chưa có cơ sở sản xuất cây cà phê giống, nên chúng tôi phải tỏa về các đồn điền cà phê cũ, tìm những cây cà phê mọc tự nhiên dưới những gốc cà phê do chim ăn làm rơi vãi hạt tự mọc rồi nhổ mang về trồng.

Hồi ấy đất đai còn mầu mỡ, trồng cà phê chẳng chăm sóc gì cho lắm nhưng năng suất đến 4 - 5 tấn nhân/ha. Thấy trồng cà phê có hiệu quả kinh tế, gia đình tôi tăng dần diện tích.

Hầu hết người Dao ở Quảng Ninh được người Pháp đưa lên Tây Nguyên làm ở các đồn điền cà phê sau ngày đất nước thống nhất đều tập trung về định cư ở xã Cư Suê này và thành lập thành 3 thôn. Mọi người vận động nhau cùng trồng cà phê, và cây cà phê đã nuôi sống chúng tôi từ đó đến nay”, ông Viên chia sẻ.

Cụ Đặng Văn Viên phấn khởi bởi lớp con cháu đã biết cải tiến phương pháp canh tác cây cà phê theo hướng hữu cơ để chế biến cà phê sạch. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Cụ Đặng Văn Viên phấn khởi bởi lớp con cháu đã biết cải tiến phương pháp canh tác cây cà phê theo hướng hữu cơ để chế biến cà phê sạch. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Hiện nay, gia đình ông Viên đang sở hữu được khoảng 8ha cà phê. Càng về sau đất đai ngày càng bạc màu, năng suất cho thấp dần, giá cà phê cũng bấp bênh, đời sống người trồng cà phê càng ngày càng đi xuống.

Đến lúc này, ông Viên đã có 10 người con và khoảng 70 đứa cháu, chắt. Người ngày càng đông mà chuyện làm ăn ngày càng đi xuống, bởi các vườn cà phê trồng vào đầu thập niên 80 của thế kỷ trước giờ đã già cỗi, năng suất kém, giá cà phê lại hạ thấp khiến ông Viên không khỏi lo lắng.

Cũng may tại thời điểm này Nhà nước đề ra chương trình tái canh cà phê theo hướng bền vững, những vườn cà phê già nua được “trẻ hóa” bằng cách nhổ lên trồng mới lại; hoặc cắt cành, ghép giống mới vào để cải thiện năng suất, chất lượng.

Điều làm ông Viên mừng hơn là lớp con cháu đã biết làm chủ công nghệ, canh tác cà phê theo hướng hữu cơ và chế biến cà phê sạch, đưa nghề trồng cà phê truyền thống của gia đình ông sang trang mới.

Tiến tới canh tác cà phê hữu cơ, sản xuất cà phê sạch

Hiện ông Viên đã 79 tuổi, cái tuổi không còn cho phép ông ngày ngày lặn lội trong rẫy cà phê đầy nắng gió. Con cái đều đã có gia đình ở riêng và có đất canh tác riêng, ông đang ở với người con trai út là Đặng Văn Huy. Huy năm nay 32 tuổi, bỏ dở đại học để về chăm sóc 8ha cà phê của gia đình.

Đất cũ, cây cà phê cũ, nhưng Huy đã đưa cách làm mới vào. Trước khi Nhà nước phát động phong trào tái canh cây cà phê theo hướng bền vững, Huy đã “trẻ hóa” diện tích cà phê của gia đình mình.

Song song với việc “trẻ hóa” cà phê, Huy chuyển quy trình sản xuất sang canh tác cà phê theo hướng VietGAP và hữu cơ.

Trong 8ha cà phê anh đang canh tác, trong đó có gần 3ha Huy sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP và gần 3ha sản xuất theo hướng hữu cơ.

Anh Đặng Văn Huy, con trai út của ông Viên chia sẻ về lựa chọn làm cà phê hữu cơ. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Anh Đặng Văn Huy, con trai út của ông Viên chia sẻ về lựa chọn làm cà phê hữu cơ. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Để cuộc trò chuyện thêm rôm rả, Huy vốc 1 vốc cà phê hạt được lấy từ vườn cà phê canh tác theo hướng hữu cơ xay tại chỗ và chế cho tôi 1 tách, sau đó Huy hướng dẫn tôi cách uống: “Trước khi uống anh phải để tách cà phê trước mũi lắc nhè nhẹ để thưởng thức mùi hương, sau đó hợp 1 ngụm khá to như uống rượu vang chứ đừng hớp ngụm nhỏ, tiếp đến anh súc nhè nhẹ hớp cà phê trong miệng rồi mới uống vào, như vậy mới thưởng thức hết hương vị của cà phê nguyên chất”.

Tôi làm theo Huy, quả thật, tuy tách cà phê không cho tí đường nào nhưng tôi vẫn nghe vị ngọt thanh đi qua cổ họng. Thật sảng khoái.

Câu chuyện của chúng tôi được tiếp tục về nguyên nhân lựa chọn hướng canh tác cà phê hữu cơ, Huy tâm sự: “Xưa ông cha mình trồng cà phê đạt năng suất đến 4 - 5 tấn nhân/ha, nay năng suất sụt giảm chỉ còn 2 - 3 tấn mà lại phải tiêu tốn phân bón, thuốc BVTV rất nhiều. Canh tác kiểu ấy thì trước tiên chính mình là người gánh lấy hệ lụy, bởi ngày ngày phải tiếp xúc với những chất độc hại.

Thứ đến là môi trường ngày càng bị ô nhiễm, sản phẩm làm ra cũng không được an toàn. Vậy là tôi chuyển hướng sang canh tác cà phê hữu cơ để cho ra sản phẩm sạch, sau đó chế biến thành cà phê bột cung ứng cho thị trường”.

Anh Đặng Văn Huy cùng người cháu kêu bằng cậu ruột là chị Triệu Thị Châu, Giám đốc HTX Nông nghiệp và dịch vụ Bình Minh ở xã Cư Suê (huyện Cư M’gra, Đăk Lăk) - đơn vị chuyên chế biến cà phê bột nguyên chất và sản xuất cà phê hữu cơ. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Anh Đặng Văn Huy cùng người cháu kêu bằng cậu ruột là chị Triệu Thị Châu, Giám đốc HTX Nông nghiệp và dịch vụ Bình Minh ở xã Cư Suê (huyện Cư M’gra, Đăk Lăk) - đơn vị chuyên chế biến cà phê bột nguyên chất và sản xuất cà phê hữu cơ. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Đưa chúng tôi đi thăm vườn cà phê canh tác theo hướng hữu cơ, Huy giải thích thêm: “Xen kẽ trong vườn cà phê của tôi còn có 1.000 loại cây ăn quả.

Lá cà phê và lá cây ăn quả rụng xuống cộng với cỏ tạo thành lớp thảm thực vật. Mình mua nấm Trichoderma rải xuống lớp lá khô sẽ tạo thành 1 lớp phân hữu cơ.

Thêm vào đó, trái cây rụng xuống sẽ bổ sung thêm 1 lớp khoáng chất nhất định. Mình chỉ tiếp sức cho cây cà phê bằng phân bón lá, như vậy là cây cà phê có đủ dinh dưỡng để phát triển”.

Theo tính toán của Huy, nếu như hiện nay 1ha cà phê tái canh đến thời kỳ kinh doanh năng suất cho đạt 4 tấn nhân thì 1ha cà phê canh tác theo hướng hữu cơ chỉ cho năng suất khoảng 1,5 tấn nhân. Tuy nhiên, giá cả của cà phê hữu cơ cao gấp nhiều lần so với cà phê thị trường.

“Cà phê đạt tiêu chuẩn xuất khẩu hiện nay chỉ hơn 40.000 đồng/kg nhân, còn cà phê lưu hành thị trường nội địa chỉ hơn 30.000 đồng/kg nhân, trong khi cà phê hữu cơ có giá đến gần 200.000 đồng/kg nhân.

Khoản chênh lệch về giá như trên có thể bù vào sự giảm sút về năng suất, tính toán chi li thì mức lãi thu được so sánh giữa 1ha cà phê trồng theo kỹ thuật đại trà và 1ha cà phê canh tác theo hướng hữu cơ là ngang bằng nhau.

Ngoài ra, cà phê hữu cơ còn được tôi rang, xay thành bột cung ứng cho những quán cà phê sạch. Hiện mỗi năm tôi tiêu thụ ra thị trường được 1 tấn cà phê bột”, anh Đặng Văn Huy cho hay.

Xem thêm
Tổng Bí thư Tô Lâm: Quân đội là điểm tựa vững chắc của nhân dân

Tổng Bí thư nhấn mạnh cần xây dựng quân đội nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại; vững mạnh về chính trị, bảo vệ vững chắc Tổ quốc trong mọi tình huống.

Những loại thuốc bảo vệ thực vật bị cấm sử dụng tại Việt Nam từ 1/2025

Bộ NN-PTNN vừa ban hành Thông tư về Danh mục thuốc bảo vệ thực vật cấm sử dụng tại Việt Nam từ tháng 1/2025. Sẽ có những loại thuốc nào bị cấm?

Nguyên nhân vụ cháy nhà trọ làm 2 người chết

TP.HCM Ngôi nhà 4 tầng, rộng khoảng 60m2, được ngăn thành hơn chục phòng nhỏ cho thuê, tầng trệt để xe máy, thời điểm xảy ra cháy, khu trọ đang có 23 người ở các phòng.