Có ba nguyên nhân chính khiến cường quốc sản xuất gạo chưa thể khởi sắc gồm sức mua toàn cầu yếu do đại dịch Covid-19; khủng hoảng thiếu container và đồng bạt mạnh gây bất lợi cho xuất khẩu.
Chookiat Ophaswongse, Chủ tịch danh dự Hiệp hội Các nhà xuất khẩu gạo Thái Lan cho biết, khả năng cao hoạt động xuất khẩu gạo trong năm nay sẽ đạt mức 6,5 triệu tấn, so với con số 5,8 triệu tấn, đạt trị giá 110-120 tỷ bạt của năm 2020.
Theo ông Chookiat, ngoài ba nguyên nhân chính kể trên thì việc xuất khẩu gạo vẫn ảm đạm trong năm nay còn do người tiêu dùng trên khắp thế giới có xu hướng thắt lưng buộc bụng, chọn mua những loại gạo có giá rẻ hơn. Ví dụ như Malaysia trước đây vẫn thường mua gạo của Thái Lan và Việt Nam thì hiện đã bắt đầu chuyển hướng sang mua nhiều gạo giá rẻ hơn từ Ấn Độ.
Tình trạng thiếu container ở Thái Lan đã gia tăng kể từ tháng 6 năm ngoái, sau khi Trung Quốc tuyên bố nới lỏng các biện pháp kiểm dịch và Việt Nam tăng cường các hoạt động xuất khẩu. Sự lây lan của đại dịch Covid-19 trên toàn thế giới cũng khiến một số container bị mắc kẹt ở Mỹ và châu Âu. Ước tính Thái Lan sẽ thiếu hụt hơn 1,5 triệu container cho tới hết quý II năm nay.
Các chuyên gia cho hay, một yếu tố khác nữa là sản lượng gạo trong nước năm nay tương đối thấp cùng với việc các nhà máy xay xát và thương nhân tăng lượng dự trữ, dẫn đến giá gạo trong nước tăng.
Sản lượng gạo của Thái Lan dự tính sẽ đạt 18 triệu tấn trong niên vụ 2020/2021, tăng so với mức 16,5 triệu tấn trong năm 2019/2020.
Hiện giá gạo tẻ thường loại 5% giao tự do của Thái Lan đang được niêm yết ở mức 530 USD/tấn, trong khi sản phẩm cùng loại của Việt Nam là từ 490-500 USD/tấn và gạo của Ấn Độ chỉ ở mức 370 USD/tấn.
Theo ông Chookiat: “Năm nay, sản lượng lúa gạo vụ đông xuân của Việt Nam từ tháng 2 đến tháng 3 được dự báo sẽ rất tốt, trong khi Trung Quốc vẫn kiểm soát lượng dự trữ ở mức cao là 120 triệu tấn. Do vậy thời gian tới Trung Quốc sẽ tiếp tục xuất gạo cũ sang thị trường châu Phi, sau khi đại lục xuất khẩu 2,5-3 triệu tấn gạo cùng loại này vào năm 2020".