Tiêu thụ thịt heo ở TP HCM đã trở lại mức bình thường. Ảnh: Nguyễn Thủy. |
Theo ông Lê Xuân Huy, Phó TGĐ Cty Cổ phần Chăn nuôi C.P Việt Nam, trong những ngày cuối tuần qua, giá heo hơi tại Đông Nam Bộ lại có xu hướng giảm xuống.
Thông tin từ ông Trầm Quốc Thắng, Giám đốc HTX Chăn nuôi heo an toàn Tiên Phong (Củ Chi, TP HCM), cho hay, ngày 25/5, giá heo hơi loại lớn (quá lứa) ở các trang trại đã giảm thêm 1.500 đ/kg xuống còn 33.000 đ/kg, heo bình thường giảm 1.000 đ/kg xuống còn 37.500 đ/kg.
Đến đầu tuần này, giá heo hơi ở các tỉnh phía Nam vẫn tiếp tục xu hướng giảm. Ở Đồng Nai, giá heo hơi chỉ còn 35.000-36.000 đ/kg, Bình Dương còn 35.000 đ/kg …
Điều đáng chú ý là trong khi giá heo hơi giảm xuống thì tiêu thụ thịt heo ở TP HCM (thị trường quan trọng nhất ở Đông Nam Bộ) đã tăng trở lại ở mức như bình thường. Ông Lê Thanh Liêm, Phó chủ tịch UBND TP HCM, cho biết, trước đó, lượng heo về các chơ đầu mối ở TP có giảm, chỉ còn khoảng 8.000 con/ngày. Nhưng trong tuần qua, lượng heo về các chợ đầu mối đã tăng lên ở mức 10.000 con/ngày, tức là tương đương với lúc bình thường.
Như vậy, thị trường tiêu thụ thịt heo hiện đang khá ổn định. Vậy đâu mà nguyên nhân khiến cho giá heo hơi lại giảm xuống?
Theo nhận định của một số nhà chăn nuôi, nguyên nhân chính là do dịch tả heo Châu Phi đã xuất hiện ở nhiều tỉnh phía Nam. Tính đến ngày 25/5, đã có 8 tỉnh phía Nam có dịch tả heo Châu Phi là Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước, Hậu Giang, Vĩnh Long, An Giang, Đồng Tháp và Kiên Giang. Lượng heo mắc bệnh và phải tiêu hủy tuy chưa nhiều (gần 5.000 con), nhưng việc dịch bệnh lây lan ra nhiều tỉnh, đã tác động không nhỏ tới tâm lý của người chăn nuôi.
Ông Lê Xuân Huy cho biết, đã lại xuất hiện tình trạng bán heo “chạy” dịch, khiến cho trên thị trường những ngày cuối tuần qua, cung đang vượt cầu. Vì thế, giá heo lại giảm xuống là điều tất yếu.
Tuy nhiên, giá heo giảm không phải là điều đáng lo ngại nhất, mà đáng lo nhất hiện nay là khi dịch bệnh ngày càng lây lan ra nhiều tỉnh thì việc tiêu thụ heo an toàn ở các trang trại lớn, trang trại thuộc hệ thống của các doanh nghiệp, sẽ gặp nhiều khó khăn, nhất là trang trại nằm trong vùng dịch, vì vướng quy định trong Luật Thú y “Cấm giết mổ, đưa vào, mang ra hoặc lưu thông trong vùng có dịch động vật mẫn cảm với bệnh dịch động vật đã công bố và sản phẩm động vật của chúng, trừ trường hợp được phép vận chuyển động vật, sản phẩm động vật theo quy định của Bộ trưởng Bộ NN-PTNT”.
Theo Cục Thú y, tổng đàn lợn ở Nam Bộ hiện gần 6,5 triệu con, chiếm 23% tổng đàn lợn cả nước. Trong đó, số lượng trang trại chăn nuôi lợn là 3.514 trang trại, với số lượng trên 4,2 triệu con (chiếm 65% tổng đàn).