| Hotline: 0983.970.780

Gia Lai vào cuộc xác minh vụ gần 360ha rừng cao su 'vắng chủ'

Chủ Nhật 14/07/2024 , 14:30 (GMT+7)

Trước tính chất nghiêm trọng của vụ việc, UBND tỉnh Gia Lai đã yêu cầu kiểm tra, xác minh thông tin gần 360ha rừng cao su vắng chủ tại huyện Chư Prông.

Vẫn chưa xác minh được đơn vị nào đã phá gần 360ha rừng để trồng cao su. Ảnh: Tuấn Anh.

Vẫn chưa xác minh được đơn vị nào đã phá gần 360ha rừng để trồng cao su. Ảnh: Tuấn Anh.

Ngày 11/7, Sở NN-PTNT tỉnh Gia Lai đã có báo cáo về việc kiểm tra, xác minh thông tin phản ánh của báo chí về hàng trăm ha cao su vô chủ vẫn khai thác ở huyện Chư Prông. Việc kiểm tra, xác minh thông tin này do UBND tỉnh Gia Lai chỉ đạo.

Theo lý giải của Sở NN-PTNT, do diện tích kiểm tra lớn, manh mún, phân bố rải rác trên 8 tiểu khu, trong khi thời gian cho phép kiểm tra, báo cáo UBND tỉnh ngắn nên Đoàn kiểm tra thống nhất chỉ kiểm tra ngẫu nhiên 3 vị trí đại diện trong tổng diện tích gần 360ha đất rừng bị chiếm để trồng cây cao su thuộc lâm phần Ban Quản ý rừng phòng hộ Ia Puch. Phương pháp quan sát bằng mắt thường và đo đạc trực tiếp trên cơ sở sử dụng thiết bị GPS cầm tay.

Qua kiểm tra, xác định có 1 vị trí trồng cây cao su, chiều cao trung bình khoảng 8m, đường kính trung bình thân cây tại vị trí cách gốc 1,3m khoảng 22cm, hiện có dấu vết của việc khai thác mủ cao su (trên cây có vết cạo và được trang bị các vật dụng phục vụ khai thác mủ (máng che, chén, kiềng, máng...) và 2 vị trí còn lại không trồng cây Cao su (Công ty Cao su Trung Nguyên đã trồng cỏ).

Dù chưa xác minh được đơn vị phá rừng trồng cao su nhưng hàng ngày vẫn có người khai thác. Ảnh: Tuấn Anh.

Dù chưa xác minh được đơn vị phá rừng trồng cao su nhưng hàng ngày vẫn có người khai thác. Ảnh: Tuấn Anh.

Sở NN-PTNT nêu rõ, tổng diện tích đất rừng bị lấn chiếm từ năm 2008 đến năm 2019 của Ban quản ý rừng phòng hộ Ia Puch là trên 1.200 ha (trong đó: có 868 ha đất rừng bị người dân lấn chiếm làm nương rẫy và gần 360ha đất rừng bị thuộc lâm phần Ban Quản lý rừng phòng hộ Ia Puch bị một số doanh nghiệp lấn chiếm để trồng cây cao su) đã được Thanh tra tỉnh kết luận và chuyển vụ việc có dấu hiệu tội phạm đến Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Gia Lai để giải quyết theo thẩm quyền.

Đến năm 2021, Tòa án nhân dân tỉnh Gia Lai tuyên phạt 2 cán bộ Ban Quản lý rừng phòng hộ Ia Puch, mỗi người ba năm tù về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng. Ngoài diện tích hơn 1.228 ha, còn diện tích 543 ha đất rừng bị Công ty Bình Dương (thuộc Binh đoàn 15) lấn chiếm để trồng cao su đã được Tòa án Quân khu 5 xét xử, xử lý trách nhiệm hai cán bộ.

Riêng phần diện tích đất bị lấn chiếm trồng cao su gần 360ha thì Ban Quản lý Rừng phòng hộ Ia Puch vẫn đang phối hợp với Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Gia Lai để cung cấp thông tin, phối hợp đi hiện trường xác minh đối tượng vi phạm. Đến nay, Cơ quan Cảnh sát điều tra vẫn chưa có kết quả cụ thể.

Như vậy, qua kết quả kiểm tra, xác minh thông tin của Sở NN-PTNT vẫn chưa xác định được những đơn vị, doanh nghiệp nào đã phá rừng, trồng trái phép gần 360ha cao su trên đất rừng; cũng như chưa làm rõ đơn vị nào đang khai thác diện tích cao su trên.

Trước đó, Báo Nông nghiệp Việt Nam đã đưa tin, gần 360ha rừng bị hủy hoại để trồng cao su đã hơn 10 năm nay vẫn chưa bị truy cứu trách nhiệm, xử lý diện tích trồng cao su trái phép. Đến nay, ngay cả chủ rừng và các đơn vị liên quan không hề hay biết ai là chủ nhân của diện tích cao su này, trong khi cao su vẫn được khai thác mủ bình thường.

Với tính chất nghiêm trọng của vụ việc, cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Gia Lai đã phục hồi điều tra vụ việc hủy hoại gần 360ha rừng để trồng cao su xảy ra tại tại Ban quản lý rừng phòng hộ Ia Puch.

Xem thêm
Sai phạm ở loạt dự án liên quan đại gia Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ

PHÚ THỌ Trong hàng loạt dự án liên quan ông Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ, có nhiều dự án Báo Nông nghiệp Việt Nam và cơ quan chức năng chỉ rõ sai phạm.

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Nhiều bến xe 'bỏ thì thương, vương thì tội'

Tiền Giang Trong thời gian dài, bến xe thị xã Cai Lậy (tỉnh Tiền Giang) rất ít phương tiện ra vào đón khách, bốc dỡ hàng hóa, gây lãng phí lớn.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.

Bình luận mới nhất