| Hotline: 0983.970.780

Giá lợn bước vào chu kỳ tăng không thể cưỡng lại?

Thứ Năm 03/10/2019 , 13:59 (GMT+7)

Sau khi dịch tả lợn Châu Phi bùng phát xong đợt thứ 2 tại miền Nam và đợt thứ 3 tại miền Bắc, giá lợn hơi ở cả hai miền đã tăng lên xung quanh 50.000 đồng/kg và được dự báo đã bước vào chù kỳ không thể cưỡng lại.

Người chăn nuôi trong nước mong giá lợn duy trì đà ổn định ở tầm vĩ mô. Ảnh: Nguyên Huân.

Theo khảo sát của chúng tôi, hiện giá lợn hơi tại miền Bắc đang được giao bán tại cửa chuồng với mức giá dao động 50.000 - 51.000 đồng/kg hơi còn miền Nam giá 47.000 - 48.000 đồng/kg.

Cụ thể, trong ngày 3/10, Tập đoàn CP mở cửa chuồng giá 50.500 đồng/kg hơi tại miền Bắc và 47.500 đồng/kg tại miền Nam. Tương tự CP, Công ty Cổ phần Phát triển Chăn nuôi Hòa Phát cũng chính thức nâng giá bán ngày 3/10 lên mức giá 50.500 đồng/kg, tăng một vài giá so với cách đây vài ngày. Trong khi đó, Tập đoàn Dabaco Việt Nam niêm yết giá bán ngày 3/10 giá 51.000 đồng/kg.

Tham khảo một loạt doanh nghiệp chăn nuôi lớn tại Việt Nam là CP, Dabaco, Masan, Mavin, Green Feed, Hòa Phát… chúng tôi đều nhận được lời khẳng định lợn hơi sẽ tiếp tục được điều chỉnh theo hướng tăng giá trong thời gian tới, trước mắt trong ngày 4/10 khả năng giá lợn hơi tăng thêm 1.000 đồng/kg là rất lớn bởi nguồn cung bắt đầu khan hiếm và cạn dần.

Tại thị trường Trung Quốc, hiện giá lợn hơi đang dao động 28 - 30 tệ/kg, cá biệt có tỉnh Quảng Tây giáp biên giới Việt Nam giá đã xấp xỉ 31 tệ/kg, nhân lên với tỷ giá 1 Nhân dân tệ quy đổi được 3.253 đồng, giá lợn bình quân tại thị trường Trung Quốc đã xấp xỉ 100.000 đồng/kg.

Trước đây, theo số liệu công bố của Trung Quốc, nước này đã tiêu hủy hàng chục triệu con lợn trên tổng số gần 700 triệu đầu lợn do dịch tả lợn Châu Phi, song thời gian gần đây số liệu từ các nguồn của Quốc tế chỉ ra rằng, tổng số lợn tiêu hủy do cơn bão dịch tả lợn Châu Phi tại quốc gia tiêu thụ thịt lợn lớn nhất thế giới này thực tế lên tới trên 200 triệu con, chiếm 35 - 40% tổng đàn lợn của Trung Quốc.

Việc tổng đàn lợn sụt giảm quá lớn đang bắt đầu tạo ra cuộc khủng hoảng thiếu thịt lợn tại quốc gia đông dân nhất thế giới này, là một trong những nguyên nhân buộc Chính phủ Trung Quốc phải tạm hoãn việc áp thuế trả đũa thương mại lên sản phẩm thịt lợn nhập khẩu từ Mỹ để giữ cho giá lợn trong nước không tăng lên quá cao qua đó ảnh hưởng tới chỉ số tiêu dùng và lạm phát.

Giá lợn hơi tại Việt Nam bắt đầu bước vào chu kỳ tăng giá mới được dự báo sẽ rất khó để cưỡng lại. Ảnh: Nguyên Huân.

Còn tại Việt Nam, sau khi chính thức xác nhận và công bố trường hợp nhiễm bệnh tả Châu Phi đầu tiên ngày 19/2 tại Hưng yên và Thái Bình, số liệu công bố mới nhất của Cục Thú y (Bộ NN-PTNT) trong tháng 9, dịch tả lợn Châu Phi đã phủ kín toàn bộ 63 tỉnh, thành trong cả nước với tổng số đầu lợn bị chết và tiêu hủy xấp xỉ 6 triệu con.

Tuy nhiên, do hiện nay các chính sách hỗ trợ của Việt Nam chỉ áp dụng khi tiêu hủy lợn của các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, hợp tác xã, quân đội, công an, riêng lợn của các doanh nghiệp, tập đoàn khi mắc dịch tả lợn Châu Phi không được Nhà nước hỗ trợ nên số liệu thực tế đầu lợn đã bị tiêu hủy do dịch tả Châu Phi vẫn là một khoảng trống so với số liệu trên báo cáo, thống kê.

Tại châu Á, sau Trung Quốc, Mông Cổ và Việt Nam hiện Triều Tiên, Hàn Quốc, Lào, Campuchia, Myanmar cũng đã công bố xuất hiện dịch tả lợn Châu Phi. Philippines là quốc gia châu Á mới nhất thông báo có các trường hợp nhiễm dịch tả heo châu Phi khi quốc gia này vừa phải tiêu hủy hàng nghìn con lợn trong tháng 9 nhằm ngăn ngừa tình trạng lây lan của loại dịch bệnh đặc biệt nguy hiểm trên lợn này.

Mặc dù thời gian qua cũng có những thông tin tích cực về việc nghiên cứu, bào chế vắc xin dịch tả lợn Châu Phi từ phía Học viện Nông nghiệp Việt Nam, song để có được sản phẩm vắc xin dịch tả lợn Châu Phi có khả năng bảo hộ tốt, đạt các yêu cầu khắt khe về kháng thể, các chỉ tiêu kỹ thuật cao cùng giá trị thương mại chắc chắn còn rất xa nên thời gian tới doanh nghiệp và người dân không còn con đường nào khác là vẫn phải tiếp tục chiến đấu với căn bệnh nguy hiểm không vắc xin, không thuốc chữa xuất hiện tại Kenya, châu Phi từ năm 1920 này.

Tuy nhiên, theo chia sẻ, tâm sự của người chăn nuôi lợn, việc chiến đấu không biết mệt mỏi với dịch tả lợn Châu Phi trong bối cảnh giá lợn hơi đang có lãi khá và xu hướng tốt như hiện tại dù sao cũng còn có động lực và niềm tin vào ngày mai tươi sáng so với cảnh u ám cả về giá và dịch cách đây vài ba tháng.

Các doanh nghiệp chăn nuôi lớn tại Việt Nam đều nhìn thấy kịch bản ngành chăn nuôi lợn tại Việt Nam từ những gì Trung Quốc đã trải qua, song thực tế đều mong muốn sự ổn định mang tĩnh vĩ mô hơn là sự tăng giá quá cao bởi từ năm 2016 đến nay người nuôi lợn ở Việt Nam đều đã trải qua sự lên xuống bầm dập đến phát sợ của giá lợn.

Xem thêm
Trách nhiệm chủ chó, mèo đang bị bỏ ngỏ

Người nuôi để chó, mèo thả rông, không rọ mõm khi chăn dắt… khiến việc chó cắn người đi đường, mất an toàn giao thông, gây mất mỹ quan ngày càng trở nên phổ biến.

Chuyển từ tranh mua, tranh bán sang liên kết trồng chè

Ông Hoàng Vĩnh Long, Chủ tịch Hiệp hội Chè Việt Nam cho rằng những người làm chè xuất khẩu trong tình trạng dễ mua dễ bán, đang rơi vào bẫy giá rẻ của thế giới.

Nhiều giống cây trồng và công nghệ mới phục vụ nông nghiệp đô thị

TP.HCM Nhiều giống cây trồng đã được Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Nông nghiệp công nghệ cao nghiên cứu, lai tạo thành công, chuyển giao cho nhiều đơn vị tại TP.HCM và các tỉnh.