| Hotline: 0983.970.780

Giá rau sốt xình xịch thời dịch nCoV

Thứ Tư 12/02/2020 , 07:01 (GMT+7)

Một số loại rau Trung Quốc không còn được nhập về Việt Nam do ảnh hưởng của dịch nCoV đã khiến giá rau tăng vọt từ sau Tết Nguyên đán Canh Tý.

Nông dân trồng rau tranh thủ giá cao, thu hoạch tỉa những cây cải bắp có thể bán được. Ảnh: Trần Hồ.

Nông dân trồng rau tranh thủ giá cao, thu hoạch tỉa những cây cải bắp có thể bán được. Ảnh: Trần Hồ.

Vựa rau xã Tráng Việt (huyện Mê Linh, Hà Nội) hiện có 304ha sản xuất rau, củ, quả, trong đó có 200ha canh tác theo hướng an toàn. Theo ông Vũ Văn Kỳ, Chủ tịch HĐQT HTX Đông Cao (xã Tráng Việt), mỗi ngày HTX xuất ra thị trường gần 200 tấn rau, củ các loại, chủ yếu xuất bán ra thị trường Hà Nội và các tỉnh lân cận phía Bắc. Đặc biệt hơn chục ngày trở lại đây, giá rau liên tục tăng, nhất là các loại rau ăn lá tăng tới 300% so với trước Tết.

Vắng bóng rau Trung Quốc

Lý giải về giá rau tăng đột biến, ông Kỳ cho rằng ngoài yếu tố thời tiết dịp Tết gặp mưa và hiện đang giai đoạn chuyển vụ rau thì nguyên nhân chính vẫn là do ảnh hưởng của dịch bệnh virus Corona, dẫn tới việc một số loại rau củ nhập khẩu từ Trung Quốc về Việt Nam bị hạn chế, khiến thị trường rau trong nước không dồi dào như mọi năm.

Cùng nhận định, ông Trần Văn Mạnh, Giám đốc HTX Lý Nhân tại vùng rau xã Tiền Phong (huyện Mê Linh) cho biết: Trước Tết, cửa khẩu các tỉnh biên giới lưu thông bình thường nên rau củ các loại của Trung Quốc tràn sang rất nhiều như cải thảo, súp lơ, bắp cải, xà lách, su hào, cà rốt... Riêng chợ đầu mối rau quả của xã Tiền Phong (chợ Yên), rau từ Trung Quốc nhập về thường chiếm khoảng 30%. Tuy nhiên kể từ sau Tết đến nay, lượng rau Trung Quốc nhập về gần như vắng bóng, khiến giá rau trên thị trường nội địa tăng vọt.

Anh Lương Văn Thắng, một thương lái có 10 năm trong nghề buôn bán rau tại xã Tráng Việt cho biết trung bình, mỗi ngày anh thu mua cung ứng ra thị trường từ 6 - 7 tấn /ngày, nhưng ra Tết đến nay nguồn rau chỉ đủ thu mua khoảng 4-5 tấn/ngày.

Anh Thắng đánh giá những năm gần đây, chưa có năm nào giá rau sau Tết lại bất ngờ tăng cao và đắt hàng sau dịp Tết như năm nay. Tất cả các loại rau, củ, quả đều tăng giá đột biến. Củ cải trước Tết có giá thu mua chỉ 2.000 đồng/kg, sau Tết tăng lên đến 9 - 10.000 đồng/kg; rau ăn lá các loại trước Tết chỉ 2 – 3.000 đồng/kg, sau Tết giá lên 25 - 30.000 đồng/kg; dưa cải tăng lên 10 - 11.000 đồng/kg. 

Anh cho rằng thời gian tới, nếu tình hình dịch bệnh Corona tiếp tục diễn biến phức tạp, giá rau vẫn sẽ giữ ổn định ở mức cao do nguồn nhập khẩu từ Trung Quốc bị hạn chế và nông dân chưa kịp có rau vụ mới tung ra thị trường.

Đa số người trồng rau tại Mê Linh cho biết hầu như mọi năm, rau quả ra ngoài Tết thường rất rẻ, có những năm bà con nông dân bán không ai mua, thậm chí phải kêu gọi “giải cứu”. Tuy nhiên năm nay giá rau ra Tết đắt đỏ, nếu cứ tiếp tục giá tăng cao, thời gian tới có nguy cơ khan hiếm.

Nông dân vựa rau Mê Linh (Hà Nội) kiếm bộn tiền nhờ giá rau tăng vọt. (Ảnh: Trần Hồ).

Nông dân vựa rau Mê Linh (Hà Nội) kiếm bộn tiền nhờ giá rau tăng vọt. (Ảnh: Trần Hồ).

Nhiều hộ dân trồng rau ở Mê Linh thời gian qua đã thu bộn tiền nhờ việc rau tăng giá mạnh. Ông Lương Văn Phương (xã Tráng Viêt) hiện có 2 mẫu rau, một năm ông trồng 3 lứa rau các loại, mỗi tháng xuất ra thị trường thị trường Hà Nội khoảng 10 tấn. Ông Phương tính toán, nếu bù hết chi phí, hiện cho lãi 20-30 triệu/sào.

Ông Phương chia sẻ: Rau đang khan hiếm. Trước Tết, một số cải quá lứa, lá sâu bệnh bỏ đi, bây giờ vẫn bán đắt như tôm tươi, thậm chí cải Đông Dư dân bán cả bẹ. Cũng như người dân ở xã Tráng Việt, người dân trồng rau ở xã Tiền Phong cũng phấn khởi khi rau được giá.

Ông Trịnh Văn Côi (xã Tiền Phong) trồng hơn 4 sào su hào, nhưng đã bán hết 2 sào trong Tết, còn 2 sào ông đang bán với giá lên tới 40.000 đồng/kg. Ông Côi cho biết do rau khan hiếm, một số hộ dân đã tranh thủ bán trước thời vụ thu hoạch, tỉa quả nào to bán trước, quả nhỏ bán sau.  

Người tiêu dùng bóp mồm bóp miệng

Ghi nhận của PV NNVN tại thị trường Hà Nội, từ sau Tết đến nay, giá các loại rau củ quả luôn cao gấp 2 – 3 lần so với trước Tết. Cải xoong từ 5.000đ/mớ tăng lên 10.000đ/mớ; súp lơ từ 15.000 – 20.000đ/cây lên 30.000 – 35.000đ/cây; rau muống tăng từ 5.000đ/mớ lên 15.000đ/mớ; rau cần 17.000đ/mớ; nấm đùi gà từ 50.000/kg lên 100.000 – 120.000đ/kg; mùng tơi, cải cúc trong Tết 5.000đ/mớ là đắt, bây giờ từ 10.000đ/mớ mới mua được. Cải thảo mua ở chợ đầu mối hiện tại 20.000/cây, bán ở các chợ cóc lên tới là 25.000/cây; bắp cải mua vào 11.000đ/cây, bán ra 17.000đ/cây.

Người tiêu dùng Hà Nội căn đong lưỡng lự khi đi mua rau. (Ảnh: Phạm Hiếu).

Người tiêu dùng Hà Nội căn đong lưỡng lự khi đi mua rau. (Ảnh: Phạm Hiếu).

Chị Hồng, chủ sạp rau tại chợ Kim Giang (Thanh Xuân, Hà Nội) lí giải: Thời điểm này hàng năm, một số loại rau thường nhập từ Trung Quốc về rất nhiều như hành tây, tỏi, một số loại rau ăn lá, tuy nhiên năm nay, do ảnh hưởng của dịch bệnh Corona, hàng Trung Quốc không còn nhập về như mọi năm khiến nguồn hàng khá khan hiếm.

“Tôi bán hàng ở chợ từ 7h sáng đến 7h tối, nhưng những ngày gần đây chỉ đến 6h tối là hết rau để bán rồi. Trước rau rẻ mà ế, bây giờ rau đắt nhưng khách vẫn tranh nhau mua, thậm chí còn không có mà bán. Hiện nay đắt nhất là các loại rau ăn lá như cải mơ, cải ngồng, cải chíp…” – Chị Hồng cho biết.

Giá rau đắt đỏ ảnh hưởng không nhỏ tới đời sống của người dân Thủ đô. Bà Huyền, một người dân tại quận Thanh Xuân, Hà Nội phải thốt lên khi được hỏi về việc giá rau quá cao: “Rau bây giờ đắt ngang thịt lợn!”. Huyền nhẩm tính gia đình có 4 người.

Ngày trước một cây cải thảo có thể ăn trong 2 bữa nhưng giờ giá rau đắt quá, phải chia ra thành 4 bữa. Trước đây đi chợ chỉ cầm 200.000 đ là xông xênh nhưng giờ thịt lợn đắt, rau cũng đắt nên không thấm tháp gì.

Xem thêm
1.900 người tham gia Ngày hội việc làm huyện Đại Từ năm 2024

Thái Nguyên Sáng 28/11, huyện Đại Từ tổ chức Ngày hội việc làm kết nối cung cầu lao động, Tư vấn hướng nghiệp năm 2024.

Công nghệ dinh dưỡng Vinco Roots bồi bổ cho đất

ĐBSCL Vinco giới thiệu dòng sản phẩm hữu cơ sinh học Vinco Roots, bổ sung vi lượng giúp cây khỏe và đang chứng minh hiệu quả trên các cánh đồng lúa chất lượng cao tại ĐBSCL.

Thu ngân sách hơn 1,8 triệu tỷ đồng, vượt 6,3% dự toán

Qua 11 tháng, tổng thu ngân sách Nhà nước ước đạt 1.808,5 nghìn tỷ đồng, bằng 106,3% dự toán, tăng 16,1% so cùng kỳ 2023; trong đó, thu ngân sách trung ương vượt hơn 10%.