| Hotline: 0983.970.780

Giá trị của mướp đắng

Thứ Hai 08/11/2010 , 11:49 (GMT+7)

Xin cho biết giá trị sử dụng của mướp đắng?

* Xin cho biết giá trị sử dụng của mướp đắng?

Bùi Thị Doan, Thuận Châu, Sơn La

Mướp đắng hay khổ qua có tên khoa học là Momordica charantia, thuộc họ Bầu bí. Cây này được trồng rộng rãi ở nước ta, các nước Đông Nam Á khác, Ấn Độ, Pakistan, Nam Phi, Trung Quốc, vùng Caribê.

Theo dược sĩ Trần Xuân Thuyết thì mướp đắng tính hàn, vị đắng, không độc, nếu được dùng thường xuyên sẽ giúp giảm các bệnh ngoài da, làm cho da dẻ mịn màng. Theo y học hiện đại, mướp đắng có tác dụng diệt vi khuẩn và virus, chống lại các tế bào ung thư; hỗ trợ đắc lực cho bệnh nhân ung thư đang chữa bằng tia xạ. Ngoài ra, mướp đắng còn có các tác dụng dược lý sau:

- Chống các gốc tự do - nguyên nhân gây lão hóa và phát sinh các bệnh tim mạch, tăng huyết áp, rối loạn lipid máu, tổn thương thần kinh, viêm đường tiết niệu, tiểu đường...

- Tăng ôxy hóa đường glucô, ngăn chặn sự hấp thu glucose vào tế bào. Ức chế hoạt tính các men tổng hợp glucô.

- Có tác dụng sinh học giống insulin, giúp cơ thể tăng tiết insulin, rất tốt đối với bệnh nhân tiểu đường dạng 2.

Ở dạng nước sắc, quả mướp đắng tươi có tác dụng chữa ho, mụn trứng cá (uống trong và bôi ngoài) và rôm sảy (uống trong và bôi ngoài, khi khô thì tắm).

Cách bào chế: Mướp đắng tươi 200 g cắt nhỏ, sắc 3 lần với nước, mỗi lần lấy 1 bát, tất cả cô lại còn 1 bát, chia làm 3- 4 lần uống (hoặc cả uống trong, bôi ngoài) trong ngày. Trẻ em dùng nửa liều trên.

Nước ép quả mướp đắng tươi có tác dụng chữa tiểu đường dạng 2 mới mắc (khi chưa phải dùng tân dược), phối hợp với các loại sulfamid chữa tiểu đường dạng 2 để tăng tác dụng, giảm liều và giảm tác dụng phụ của thuốc. Ngoài ra, nước sắc quả mướp đắng tươi cũng giúp phòng chống các bệnh tim mạch, thần kinh, ung thư, lão hóa, giảm tác hại của tia xạ với người bệnh.

Cách chế: Quả mướp đắng tươi rửa sạch, để ráo nước, cắt nhỏ (bỏ hạt), cho vào máy xay sinh tố xay nhỏ; sau đó cho vào túi vải sạch (đã tiệt trùng bằng cách luộc sôi 15 phút) vắt lấy nước, đun sôi 15 phút (nước 1). Bã cho thêm nước (1 kg quả tươi ban đầu thì cho 500 ml nước) đun sôi, để nhỏ lửa trong 15 phút, lấy ra để nguội, vắt lấy nước (nước 2). Bã lại cho thêm nước (1 kg quả tươi ban đầu thì cho 300 ml nước) đun sôi, để nhỏ lửa trong 15 phút, lấy ra để nguội, vắt lấy nước (nước 3). Bỏ bã, gộp cả nước 1, nước 2, nước 3 đun sôi trong 15 phút.

Chia liều: Nếu ban đầu có 1 kg quả tươi thì chia nước vắt thành 10 liều, mỗi ngày uống 1 liều ngay sau bữa ăn. Phần còn lại bảo quản trong tủ lạnh để dùng dần. Sau khi uống mướp đắng, có thể tráng miệng bằng nước cỏ ngọt hoặc đường Aspartam (mua ở nhà thuốc) hay 1 thìa cà phê (5 ml) mật ong (nếu không bị bệnh tiểu đường thì tráng miệng bằng 1 thìa đường kính cũng được).

Chú ý: Khi dùng mướp đắng (ở mọi dạng chế biến), không được dùng huyền sâm hoặc các chế phẩm có huyền sâm.

Theo trang web home.noitro.com thì một trong những bí quyết trường thọ của người Okinawa (Nhật Bản) là ăn nhiều mướp đắng, uống trà mướp đắng và uống nước mướp đắng. Mướp đắng có tác dụng phòng chống và giải say nắng, đồng thời còn là thức ăn rất tốt để giảm đường trong máu. Trà mướp đắng được y học hiện đại chứng minh là đồ uống có lợi nhất cho việc hấp thụ của cơ thể, có thể phát huy được đến 80% thành phần dinh dưỡng, cách làm trà mướp đắng cũng rất đơn giản.

Làm trà mướp đắng như sau: Cắt mướp đắng thành những miếng mỏng 1-2 mm,cho lên chảo sấy khô, đảo đi đảo lại cho khô nước. Mướp khô xong chuyển thành màu nâu, để nguội sau đó cho vào hộp đậy kín, cất trong ngăn lạnh của tủ lạnh, có thể để được 2 tháng. Khi uống lấy ra cho nước nóng vào pha như pha trà bình thường, mỗi ngày uống 3 - 4 chén là được...

Xem thêm
Sai phạm ở loạt dự án liên quan đại gia Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ

PHÚ THỌ Trong hàng loạt dự án liên quan ông Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ, có nhiều dự án Báo Nông nghiệp Việt Nam và cơ quan chức năng chỉ rõ sai phạm.

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Trường học thành nơi tập kết rơm rạ, rác thải

Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Quang Giao (huyện Quảng Xương, Thanh Hóa) bị bỏ hoang nhiều năm, hiện đang xuống cấp nghiêm trọng, gây lãng phí lớn.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.