2 - 3 năm về trước, khắp vùng biên huyện Kỳ Sơn (Nghệ An), từ Nga Ngoi, Mường Ải, Mường Típ, đặc biệt là Mường Lống, Nậm Cắn nở rộ phong trào nuôi bò vỗ béo. Nhà nhà theo nghề, đẩy mô hình này phát triển cực thịnh, hộ ít cũng có dăm bảy con, nhiều hộ khá giả sở hữu vài chục đến cả trăm con trâu, bò lực lưỡng, cơ ngơi tiền tỷ luôn sẵn có trong tay.
Chính quyền các cấp huyện Kỳ Sơn cũng kỳ vọng nghề chăn nuôi trâu, bò hàng hóa sẽ là bệ phóng giúp xóa đói giảm nghèo, từng bước nâng tầm chất lượng cuộc sống của đồng bào vùng biên. Tuy nhiên thời gian qua, giá trâu bò liên tục giảm mạnh, kết hợp nhiều khó khăn khác trong hoạt động chăn nuôi khiến nghề nuôi trâu bò vỗ béo lâm vào cảnh thoái trào. Mô hình không mang lại giá trị kinh tế như mong muốn, trái lại còn thua lỗ triền miên buộc nhiều hộ phải tạm bỏ nghề.
Xã Mường Lống (huyện Kỳ Sơn) được ví như “Sapa trong lòng xứ Nghệ” nhờ thời tiết đặc trưng hiếm có. Khí hậu nơi đây quanh năm mát mẻ, ánh mặt trời chẳng mấy khi ló dạng. Quỹ đất hạn chế, không đủ để trồng lúa, làm nương nên đồng bào người Mông nơi đây đã nhanh nhạy chuyển hướng sang trồng cỏ để nuôi bò, nuôi trâu. Đầu năm 2022, khi thị trường còn được giá, mỗi con bò trưởng thành được thương lái thu mua xấp xỉ 60 triệu đồng, các hộ nuôi vẫn thu lãi lớn.
Những con bò “chận” (bò chọi) vốn đã thành thương hiệu đặc trưng của Kỳ Sơn, giống bò này hiếm nên được khách hàng các tỉnh phía Bắc, đặc biệt là Hải Phòng cực kỳ ưa chuộng. Đã có đại gia từng ngã giá hàng trăm triệu đồng để rước về con bò chọi ưng ý.
Mặc dù vậy thời gian gần đây thị trường tiêu thụ trâu bò chững lại, giá liên tục giảm mạnh, đồng cỏ ngày một cạn kiệt, chăn nuôi thua lỗ kéo dài nên nhiều hộ đành phải xuất chuồng sớm với giá rẻ. Không đủ kinh phí để tái đầu tư, đồng thời nhận thấy giá ngày càng tụt mạnh, không có dấu hiệu phục hồi nên phần đa các hộ chăn nuôi vỗ béo trâu bò đã quyết định chuyển đổi nghề nghiệp, chỉ lác đác một số hộ còn bám trụ với nghề, tổng đàn trâu bò theo đó cũng giảm mạnh.
Trước đây gia đình ông Vừa Vả Giả, trú bản Mường Lống 1 (xã Mường Lống) nuôi bình quân 15 - 20 con bò/năm, đồng cỏ bao la nên cứ thả rông trên ngàn là bò béo núc ních, chỉ đến mùa mưa bão, mùa đông giá rét ông Giả mới phải thúc bò về nhà, nghề nuôi vỗ béo bò vì thế có thể nói tương đối nhàn nhã mà thu nhập lại rất khá.
“Trước đây trừ chi phí, trung bình mỗi con bò xuất bán cho lãi cả chục triệu đồng. Thế nhưng tầm 2 năm trở lại đây nuôi bò rất khó khăn, càng nuôi càng lỗ. Trong khi đó giá bò giống nhập vào vẫn cao, dao động từ 18 - 20 triệu đồng/con, qua quá trình nuôi vỗ béo kéo dài 6 tháng đến 1 năm mới có thể xuất chuồng, tính ra chỉ lãi được vài ba triệu đồng/con, không bõ bèn gì”, già Vừa Vả Giả buồn bã.
Ông Già Xìa Phổng ở bản Mường Lống 1 (xã Mường Lống) cho biết, giai đoạn 2018 - 2019 gia đình ông nuôi đến 28 con bò, nuôi theo hình thức cuốn chiếu, xuất lứa này lại nhập lứa khác vào thay thế. Nuôi bò lúc ấy rất có lãi nên chẳng mấy khi ông phải lo lắng chuyện cơm áo gạo tiền.
“Trước đây thị trường nhộn nhịp lắm, có cả thương lái tận Cao Bằng, Lạng Sơn vào thu mua trâu bò. Về sau tôi có người em họ sinh sống ở Trung Quốc nghe ngóng mách nước tình hình xuất khẩu trâu bò qua bên ấy không thuận lợi nên tôi gom toàn bộ trâu bò của gia đình bán hết sạch để thu hồi vốn. Bây giờ cả nhà tôi vào Nam làm kinh tế, đến mùa mận chín mới quay về thu hoạch thôi”, ông Phổng cho biết.
Cách đây 3 năm mỗi con trâu trưởng thành có giá từ 60 - 70 triệu đồng, trâu đẹp phải 80 triệu đồng mới mua được, còn bò thịt ở mức 30 - 60 triệu đồng/con, nhưng nay giá trâu bò đều giảm chỉ còn một nửa.