| Hotline: 0983.970.780

Nông dân chuyển từ nuôi bò thịt sang bò sinh sản

Thứ Ba 23/05/2023 , 14:19 (GMT+7)

Đang trong giai đoạn bò thịt giảm giá nên nuôi vỗ béo không có lãi, nông dân Bình Định chuyển sang nuôi bò sinh sản để có lợi nhuận tốt hơn.

Bò thịt giảm giá, nông dân Bình Định chuyển sang nuôi bò nái sinh sản. Ảnh: V.Đ.T.

Bò thịt giảm giá, nông dân Bình Định chuyển sang nuôi bò nái sinh sản. Ảnh: V.Đ.T.

Mấy năm gần đây, chăn nuôi ở Hoài Ân lại nổi lên với nghề nuôi bò vỗ béo, nghề góp phần xóa đói giảm nghèo cho nhiều hộ nông dân ở huyện trung du này, thậm chí có nhiều hộ vươn lên làm giàu.

Tuy nhiên, năm nay giá bò thịt xuống thấp, trong khi đầu tư nuôi vỗ béo khá cao nên nông dân không có lãi. Từ đó khiến số lượng bò nuôi vỗ béo ở Hoài Ân giảm mạnh. Nhằm thích ứng với hoàn cảnh, nhiều nông dân ở Hoài Ân chuyển sang nuôi bò sinh sản với hy vọng có lợi nhuận tốt hơn.

Anh Huỳnh Công Chủ, người có thâm niên 20 năm nuôi bò ở đội 2, thôn Vĩnh Hòa, xã Ân Đức chia sẻ, mới đây, có 1 người trong thôn mua 1 cặp bò hơn 1 tuổi với giá 50 triệu đồng, vị chi 1 con có giá 25 triệu đồng để về nuôi vỗ béo. Nếu 2 con bò này nhanh tăng trọng, nuôi thúc từ 6-8 tháng sẽ bán được mỗi con 40 triệu đồng, người nuôi còn có lãi. Nếu cặp bò tăng trọng không đạt như trên người nuôi gần như công cốc”.

Trong bối cảnh bò thịt hạ giá, nếu ai nuôi vỗ béo giống bò BBB may mắn vẫn còn thu nhập khá. Anh Chủ cho hay, bò BBB thịt săn chắc, xương nhỏ, thịt nhiều hơn các giống bò lai khác. Bò BBB tuy có vóc dáng nhỏ hơn những con bò giống Pháp hoặc Red Angus nhưng luôn được mua giá cao hơn 5-7 triệu đồng/con.

Bò nái sinh sản chủ yếu ăn thức ăn thô có sẵn tại các vùng quê nên có cho phí đầu vào thấp. Ảnh: V.Đ.T.

Bò nái sinh sản chủ yếu ăn thức ăn thô có sẵn tại các vùng quê nên có cho phí đầu vào thấp. Ảnh: V.Đ.T.

“Vừa rồi tôi bán 1 con bò giống Pháp nuôi được 2 năm rưỡi mới được gần 34 triệu đồng, trong khi đứa em nhà bên cạnh bán 1 con bò BBB được đến 40 triệu đồng. Trước đây, con bò này được đứa em tôi mua với giá 22 triệu đồng và mới nuôi chưa được 1 năm. Trừ chi phí xong, đứa em lãi khoảng 10 triệu đồng, nếu những năm trước đây giá bò thịt cao còn lãi nhiều hơn nữa”, anh Chủ chia sẻ.

Do hiện tại nuôi bò thịt thương phẩm chi phí đầu vào cao mà giá bán thấp hơn trước đây từ 5 - 7 triệu đồng/con nên người nuôi hầu như không có lãi nên người chăn nuôi ở Bình Định hiện chuyển sang nuôi bò sinh sản, bởi mức đầu tư ít hơn, nhưng bê con hiện vẫn có giá nên có lãi khá hơn.

Theo phân tích của anh Huỳnh Công Chủ, nuôi bò sinh sản, thức ăn cho bò mẹ chủ yếu là cỏ, rơm, những loại thức ăn có sẵn ở các vùng nông thôn, nếu có cho bò mẹ ăn bổ sung thêm thức ăn công nghiệp cũng chỉ với một lượng rất ít nên chi phí đầu vào thấp.

Khi bò mẹ đẻ, nuôi con bò nghé khoảng 6 - 7 tháng sau là có thể bán được 10 triệu đồng. Hộ nào nuôi được 3 con bò sinh sản, mỗi năm ít nhất cũng đẻ được 2 con bê, kiếm được 20 triệu đồng.

Hiện một con bê 6 - 7 tháng tuổi được bán với giá 10 triệu đồng. Ảnh: V.Đ.T.

Hiện một con bê 6 - 7 tháng tuổi được bán với giá 10 triệu đồng. Ảnh: V.Đ.T.

“Nuôi bò sinh sản không phải chăm sóc nhiều, mỗi ngày người chăn nuôi chỉ bỏ ra 1 - 2 tiếng đồng hồ đi cắt cỏ về cho bò ăn, thời gian còn lại trong ngày nông dân có thể đi làm việc khác kiếm thêm thu nhập. Công việc nuôi bò bây giờ được xem là việc phụ của các nông hộ nhưng cho thu nhập chính, bán được vài ba con nghé có thể lo được chuyện lớn trong nhà. Chi phí nuôi bò nghé từ khi đẻ ra đến khi bán cũng không bao nhiêu, nên người nuôi có lãi”, anh Huỳnh Công Chủ phân tích.

Theo ông Trần Văn Hạnh, Giám đốc Trung tâm Giống nông nghiệp Bình Định, bò sinh sản có thời gian mang thai 9 tháng 10 ngày, bê đẻ ra khoảng 5 - 6 tháng sau cai sữa là có thể xuất bán. Tùy theo chế độ dinh dưỡng, nếu bò sinh sản được nuôi tốt mỗi năm có thể đẻ 1 con.

“Theo quy luật của thị trường, giá hầu hết các giống vật nuôi hiện đang ở mức thấp và bò thịt cũng không ngoại lệ. Tuy nhiên, nuôi bò ít tốn chi phí đầu vào hơn các loại vật nuôi khác, bởi con bò chủ yếu ăn thức ăn thô có sẵn ở các vùng nông thôn nên có giá thành đầu tư thấp hơn chứ không phải cho ăn nhiều thức ăn tinh như heo, gà nên người nuôi có thể nuôi cầm cự. Nhờ đó, đàn bò trên địa bàn Bình Định đến nay vẫn ổn định ở mức gần 310.000 con”, ông Trần Văn Hạnh, Giám đốc Trung tâm Giống nông nghiệp Bình Định cho hay.

Xem thêm
Giám sát sức khỏe đàn vật nuôi thời điểm giao mùa

ĐBSCL Ngành chuyên môn khuyến cáo người dân chú trọng tiêm phòng vacxin đầy đủ cho vật nuôi để an toàn trong thời điểm giao mùa và dịp người chăn nuôi tăng đàn phục vụ Tết.

'Bắt bệnh, bốc thuốc' cho vùng cam Hà Giang

Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Cây có múi (Viện Nghiên cứu Rau quả) phối hợp với Chi cục Trồng trọt và BVTV Hà Giang tìm giải pháp khắc phục vùng cam suy thoái.

Báo động thoái hóa đất Tây Nguyên: [Bài 2] Giải pháp nâng cao sức khỏe đất

Phục hồi đất thoái hóa là quá trình lâu dài, bền bỉ và cần phải có giải pháp về cơ chế, chính sách, đầu tư hạ tầng, quản lý, khoa học công nghệ, khuyến nông...