Giá xăng dầu thế giới hôm nay 9/2/2025
Giá xăng dầu hôm nay tại thị trường thế giới, ghi nhận trên Oilprice lúc 4h30 ngày 9/2/2025 (theo giờ Việt Nam), giá dầu WTI ở mốc 71,06 USD/thùng, tăng 0,55% (tương đương tăng 0,39 USD/thùng).
Tương tự, giá dầu Brent ở mốc 74,69 USD/thùng, tăng 0,50% (tương đương tăng 0,37 USD/thùng).
Kết thúc phiên giao dịch cuối tuần, dầu thô WTI ở mức 71,06 USD/thùng, tăng 0,39 USD/thùng, tương ứng tăng 0,55%. Dầu thô WTI đóng cửa phiên giao dịch trước đó với mức giá 70,61 USD/thùng, mở cửa phiên hôm nay với giá 70,47 USD/thùng.
Dầu Brent ở mức 74,69 USD/thùng, tăng 0,37 USD/thùng, tương ứng tăng 0,50%. Dầu Brent đóng cửa phiên giao dịch trước đó với mức giá 74,29 USD/thùng và mở cửa phiên hôm nay với mức 74,31 USD/thùng.
Như vậy, giá xăng dầu thế giới phiên cuối tuần phục hồi nhẹ. Tuy nhiên, tính chung cả tuần qua, giá xăng dầu tiếp tục giảm, ghi nhận tuần giảm thứ ba liên tiếp.
Giá xăng dầu trong nước hôm nay 9/2/2025
Giá xăng dầu hôm nay 9/2, cụ thể, giá bán lẻ xăng dầu trong nước ngày 9/2/2025 được áp dụng theo phiên điều chỉnh từ 15h ngày 6/2 của Liên Bộ Tài chính – Bộ Công Thương.
- Xăng E5RON92 tăng 51 đồng, giá bán lẻ 20.442 đồng/lít, thấp hơn xăng RON95-III 486 đồng/lít;
- Xăng RON95-III giảm 74 đồng, giá bán lẻ 20.928 đồng/lít;
- Dầu diesel 0.05S giảm 192 đồng, giá bán lẻ 19.054 đồng/lít;
- Dầu hỏa giảm 25 đồng, giá bán lẻ 19.414 đồng/lít;
- Dầu mazut 180CST 3.5S giảm 148 đồng, giá bán lẻ 17.354 đồng/kg.
Tương tự kỳ điều hành trước, liên Bộ Công Thương - Tài chính tiếp tục không trích lập, không chi sử dụng quỹ bình ổn giá xăng dầu đối với tất cả các mặt hàng.
Nhận định giá xăng dầu
Theo các nhà phân tích, các báo cáo về kế hoạch áp thuế của Mỹ đã hạn chế đà tăng của giá dầu, sau lệnh trừng phạt Iran được công bố ngày 6/2. Tuy nhiên, các nhà phân tích cũng cho rằng, thuế quan và phản ứng trả đũa từ các quốc gia sẽ gây tổn hại đến GDP toàn cầu và nhu cầu dầu mỏ.
Theo Reuters, ngày 6/2, ông Donald Trump đã nhắc lại lời cam kết sẽ tăng sản lượng khai thác dầu thô của Mỹ, vốn đã ở mức cao nhất thế giới. Mục đích của chính sách này là nhằm hạ giá dầu và giảm lạm phát tiêu dùng.
Động thái trên tiếp tục đẩy giá dầu quay đầu lao dốc, bỏ luôn mức tăng đầu phiên sau thông tin công ty dầu khí nhà nước của Ả Rập Xê Út tăng mạnh giá bán sang thị trường Châu Á và lệnh trừng phạt mới của Mỹ liên quan hoạt động vận chuyển dầu của Iran.
Trong ngắn hạn, các nhà phân tích nhận định, thị trường dầu mỏ có thể sẽ tiếp tục biến động khi hoạt động thương mại toàn cầu chịu áp lực bởi các quyết định thay đổi nhanh chóng của người đứng đầu Nhà Trắng về thuế quan và lệnh trừng phạt.