| Hotline: 0983.970.780

Giấc mơ 'trên giấy' của làng chài Nguyệt Đức: [Bài 1] Hơn thế kỷ lênh đênh

Thứ Năm 23/05/2024 , 08:15 (GMT+7)

Năm 2011, Bắc Giang phê duyệt chủ trương sắp xếp, ổn định dân cư vùng thiên tai, đưa 139 hộ dân vạn chài Nguyệt Đức lên bờ. Nhưng hiện tại, vẫn chỉ... trên giấy.

Ước mơ lên bờ của 139 hộ dân vạn chài Nguyệt Đức vẫn còn là niềm ấp ủ suốt bao năm qua. Ảnh: Kiên Trung.

Ước mơ lên bờ của 139 hộ dân vạn chài Nguyệt Đức vẫn còn là niềm ấp ủ suốt bao năm qua. Ảnh: Kiên Trung.

Lá đơn của lão thuyền chài 

Cuối năm 2021, ông Nguyễn Văn Chiến cùng một số công dân sinh sống tại làng chài Nguyệt Đức “liều lĩnh” viết một lá đơn gửi Chủ tịch UBND tỉnh và nhiều cơ quan chức năng tỉnh Bắc Giang. Trong đơn, ông Chiến khẩn khoản đề nghị chính quyền xem xét, hỗ trợ giao đất để bà con vạn chài có đất… lên bờ, an cư lạc nghiệp.

Ấy là khi chủ trương “sắp xếp, ổn định dân cư vùng thiên tai tại xã Vân Hà” đã được tỉnh phê duyệt từ năm 2011; đã bố trí quỹ đất quy hoạch khu tái định cư cho các hộ dân làng chài; nguồn vốn thực hiện dự án đã được Hội đồng Nhân dân huyện Việt Yên (nay là thị xã Việt Yên) phê duyệt cùng rất nhiều văn bản, công văn trả lời, phúc đáp, chấp thuận… giữa các cơ quan nhà nước với nhau…

 
Một cụ bà lớn tuổi múc nước gội đầu trên thuyền.Ảnh: Kiên Trung.

Một cụ bà lớn tuổi múc nước gội đầu trên thuyền.Ảnh: Kiên Trung.

Ở làng chài Nguyệt Đức, những người lớn tuổi như ông Chiến hầu hết đều không biết chữ. Để viết được lá đơn, các ông phải nhờ con cháu viết hộ. Số phận lênh đênh trên sông nước có từ thời cha ông, vì cuộc mưu sinh, vì những khó khăn cách trở… đã khiến việc học hành bị xem nhẹ, hoặc không ai có ý niệm phải biết đọc, biết viết vì… không cần dùng tới.

Có lịch sử hình thành hơn 100 năm, thời hoàng kim của làng chài Nguyệt Đức gắn với hoàng kim của làng gốm Thổ Hà (Bắc Ninh), rượu làng Vân (xã Vân Hà). Khi những làng nghề này phát triển, nhu cầu vận chuyển nguyên vật liệu cho làng nghề đã sản sinh ra đội quân thương hồ, cửu vạn, bốc vác… đường sông. Nguyên liệu làm gốm, cao lanh, than, củi, gạo… theo những thuyền buôn, thuyền vận chuyển ken kín những bến sông.

Rồi, những thuyền buôn chất đầy gốm, rượu… từ bến Như Nguyệt lại tỏa đi khắp cả nước. Những làng chài từ đó hình thành. Những xóm vạn chài ken đặc thuyền bè... kéo dài cả km dọc sông Như Nguyệt lâu dần thành những khu dân cư đông đúc.

Cuộc sống gắn với sông nước, theo thời gian đã ăn vào máu thịt, đến mức người dân vạn chài có những lúc dường như… quên cả lên bờ. Nhưng, thời hoàng kim ấy không kéo dài khi những làng nghề nổi nênh theo cơ chế thị trường, không thích nghi, tồn tại được. Lửa lò cũng dần nguội…, những khu dân cư sống bằng nghề phụ trợ cho làng nghề cũng tàn lụi theo…

Ông Trần Văn An (sinh năm 1956) - một trong số những người dân làng chài Nguyệt Đức có thâm niên trên sông nước, sinh ra và lớn lên trên thuyền từ nhỏ. Đến nay, gia đình ông đã ngụ cư trên sông nước tới bốn, năm thế hệ.

Không gian sống chật chội trên chiếc thuyền nhỏ...

Không gian sống chật chội trên chiếc thuyền nhỏ...

Ngay phía bên kia của nhà nổi trên sông Cầu là cuộc sống của cư dân trên bờ. Ảnh: Kiên Trung.

Ngay phía bên kia của nhà nổi trên sông Cầu là cuộc sống của cư dân trên bờ. Ảnh: Kiên Trung.

Cuộc sống đặc thù gắn với sông nước nên hầu hết người dân đều ít học, ít va chạm xã hội. Thuở sông Cầu còn trong xanh, chưa ô nhiễm như bây giờ, người dân mưu sinh bằng việc chài lưới, đánh bắt tôm cá tự nhiên, vận chuyển hàng hóa thuê. Đến thời sông ngòi ô nhiễm, cá tôm ít dần, mà nếu có đánh bắt được cũng không có người mua bởi cá đó không phải là… cá sạch. Hết kế mưu sinh, cả làng đành lên bờ đi làm thuê.

Hết cái đói miếng ăn là cái đói chữ. Trẻ con sinh ra, lớn lên hoang dại như cây cỏ, lênh đênh theo cha mẹ, trẻ không có chỗ chơi, không có trường để học. Tính từ thời bao cấp tới giờ, cả làng chỉ có đúng 5 người học đến đại học, còn lại hầu hết theo học đến hết cấp 2 thì bỏ dở đi làm thuê, bắt đầu cuộc mưu sinh.

Xót xa nhất là chuyện chôn cất người đã khuất. Thuở hưng thịnh, các cụ cao niên của làng chài có tầm nhìn xa đã vận động cả làng góp tiền, thuê một khoảng đất trên đồi Quả Cảm (nay là xã Hòa Long, thành phố Bắc Ninh) để chôn cất người thân. Hơn trăm năm đã qua, bao thế hệ đã lấp đầy đồi Quả Cảm, đến hậu thế về sau, người chết không có chỗ vùi thân.

Từ hơn chục năm trước, trong bất kỳ cuộc họp nào ở xã, ở huyện, bà con làng chài Nguyệt Đức đều bày tỏ nguyện vọng xin chủ trương được lên bờ, chấm dứt cảnh sống lênh đênh nay đây mai đó, để trẻ có trường học, người già cũng yên tâm lúc nhắm mắt xuôi tay. Thế nhưng, đến giờ ước mơ nhỏ bé này vẫn chưa thành hiện thực.

Cách nay hơn 30 năm, bộ phim “Lời nguyền của dòng sông” (chuyển thể từ truyện ngắn “Mùa hoa cải bên sông” của nhà văn Nguyễn Quang Thiều) được bấm máy. Bối cảnh của bộ phim là khúc sông nhỏ trên sông Cầu, ngay bên làng gốm Thổ Hà và làng rượu Vân Hà. Nhân vật ông Lư – lão thuyền chài với lời nguyền cả gia đình sẽ không bao giờ bước chân lên mặt đất, đã mang về cho diễn viên gạo cội Trịnh Thịnh vai diễn để đời.

Khúc sông ấy chính là nơi neo đậu của làng chài Nguyệt Đức (xã Vân Hà, thị xã Việt Yên ngày nay). Và bộ phim như lời tiên đoán, thắp lên ước mơ lên bờ, phá bỏ lời nguyền trong phim và cũng là lời nguyền trong đời thực. Thậm chí NSND Trịnh Thịnh giờ đã thành người thiên cổ. Nhưng, giấc mơ lên bờ dường như vẫn còn là lời nguyền đeo bám làng chài Nguyệt Đức nhiều chục năm qua. 

Những đứa trẻ làng chài… không biết bơi

Chiếc thuyền này là nơi cư ngụ của một trong số những hộ khá giả nhất của làng chài Nguyệt Đức. Ảnh: Kiên Trung.

Chiếc thuyền này là nơi cư ngụ của một trong số những hộ khá giả nhất của làng chài Nguyệt Đức. Ảnh: Kiên Trung.

Trong báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư, thị xã Việt Yên cho biết, 100% các đối tượng thuộc dự án đều sinh sống bằng nghề chài lưới, sống trên sông nước, cuộc sống không ổn định, trẻ em không có điều kiện học hành; các chủ hộ trong độ tuổi lao động hầu hết đều không biết chữ.

Chủ tịch UBND thị xã Việt Yên Nguyễn Đại Lượng thông tin: Các thôn Yên Viên, Thổ Hà (xã Vân Hà) nằm ngoài đê Tả Cầu, các hộ dân xây dựng nhà ở sát bờ sông Cầu, hàng năm có hiện tượng sạt lở dọc bờ sông, đe dọa tính mạng, tài sản. Thôn Nguyệt Đức có 183 hộ đều sinh sống bằng nghề chài lưới, sống trên sông nước, cuộc sống không ổn định, trẻ em không có điều kiện học hành.

Kết quả rà soát của thị xã Việt Yên cho thấy, tổng số hộ cần bố trí là 139, tương ứng với 139 lô đất, với 493 nhân khẩu. Các hộ dân này thuộc địa bàn thôn Yên Viên (2 trường hợp), thôn Thổ Hà (3 trường hợp), thôn Nguyệt Đức 100% các hộ đều chưa có nhà ở, cuộc sống bấp bênh, không ổn định, không đảm bảo mức sống cơ bản.

Phương tiện duy nhất để xóm nhà nổi Nguyệt Đức sang nhà nhau là những con thuyền. Ảnh: Kiên Trung.

Phương tiện duy nhất để xóm nhà nổi Nguyệt Đức sang nhà nhau là những con thuyền. Ảnh: Kiên Trung.

Chiều muộn. Làng chài Nguyệt Đức vẫn vắng hoe. Những con thuyền thẫn thờ nằm im trên sông vắng. Thanh niên trẻ khỏe đều lên bờ đi làm thuê, chỉ có người già, trẻ em ở lại. Những gia đình có trẻ nhỏ phải hàn một khung sắt để che chắn, ngăn không cho trẻ ra ngoài. Còn nhớ vào năm ngoái, hai đứa trẻ mải chơi, không có người lớn trông coi đã ngã xuống sông, đuối nước. Nghịch lý những đứa trẻ sinh ra trên sông nước mà không biết bơi, càng khiến những người lớn thêm day dứt, cho nên những câu chuyện buồn cứ ám ảnh mãi với cư dân xóm vạn chài…

Tôi ám ảnh mãi hình ảnh một cụ bà tóc điểm bạc, nhỏm người ra khỏi ô cửa nhỏ giữa chiếc thuyền, lấy ca nhựa vục nước sông Cầu để gội đầu. Có lẽ với cụ, mấy chục năm có mặt trên cõi đời đã quá quen thuộc với dòng sông, mọi sinh hoạt đều diễn ra trên sông. Những chiếc ván gỗ, những chiếc cầu sắt một đầu ghếch lên mạn thuyền, phần còn lại gác lên bờ - là điểm nối của hai cuộc sống hoàn toàn trái ngược. Tuy nhiên để cất bỏ những chiếc ván cầu mỏng mảnh ấy, là một quá trình dài đối với người dân Nguyệt Đức.

Trẻ em làng chài đi học về. Ảnh: Kiên Trung.

Trẻ em làng chài đi học về. Ảnh: Kiên Trung.

Trẻ làng chài học bài trên nhà nổi. Ảnh: Đức Bách.

Trẻ làng chài học bài trên nhà nổi. Ảnh: Đức Bách.

Chủ tịch UBND thị xã Việt Yên giải thích: Tiếng là ở trên thuyền nhưng mưu sinh của làng chài Nguyệt Đức trong những năm gần đây lại phụ thuộc hoàn toàn trên bờ. Nước sông ô nhiễm, chài lưới, đánh bắt không còn là nguồn thu nhập… Do đó, những đứa trẻ cũng không được cha mẹ chúng dạy cho kỹ năng sông nước, thành ra sống trên thuyền nhưng chúng lại không biết bơi. Đó là lý do khiến những vụ việc trẻ em đuối nước xảy ra ở ngay làng chài.

Từ khi còn chưa lên thị xã, Việt Yên đã có nhiều cuộc họp, quyết tâm đưa người dân làng chài Nguyệt Đức lên bờ. Dự án sắp xếp và ổn định dân cư vùng thiên tai, đặc biệt khó khăn được hình thành với quy mô 5 ha được bố trí tại Đồng Săng, xã Vân Hà, tổng mức đầu tư nhiều chục tỷ đồng. Dự án cũng được Tỉnh ủy, UBND tỉnh Bắc Giang đồng thuận. Ngày 5/6/2022 Tỉnh ủy Bắc Giang có Thông báo số 1115 về ý kiến của thường trực Tỉnh ủy về việc giao chủ đầu tư thực hiện dự án Sắp xếp ổn định dân cư vùng thiên tai xã Vân Hà, huyện Việt Yên. Qua đó, Thường trực Tỉnh ủy đã thảo luận và nhất trí chủ trương giao cho UBND huyện Việt Yên làm chủ đầu tư triển khai dự án.

Quyết tâm đưa bà con làng chài lên bờ; phương án đã được phê duyệt; ngân sách đã chuẩn bị, quỹ đất cho dự án đã sẵn sàng nhưng tại sao dự án chưa thể triển khai? Đó là một nút thắt mà chính quyền tỉnh Bắc Giang cũng đang loay hoay “chờ cấp trên hướng dẫn”!!!

Xem thêm
Tổng Bí thư: Tinh gọn tổ chức bộ máy không chỉ làm một lần

Tổng Bí thư lưu ý, việc sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy không chỉ làm một lần, kết quả đạt được vừa qua rất quan trọng nhưng mới chỉ là bước đầu.

Việt Nam cam kết chuyển giao kỹ thuật sản xuất lúa gạo hỗ trợ Ma Rốc

Cần Thơ Ma Rốc đang nỗ lực cải thiện sản xuất lúa gạo trong nước, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan cam kết chia sẻ kinh nghiệm, chuyển giao kỹ thuật cho nước bạn.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Làng nướng cá Diễn Vạn đỏ lửa

Nghề nướng cá tại đất biển Diễn Vạn có từ hàng chục năm rồi, bất kể nắng mưa, những bếp lửa rực đỏ bốn mùa, người làm tất bật từ sáng sớm đến đêm khuya.

Bình luận mới nhất