| Hotline: 0983.970.780

Giải 'cơn khát' cho vùng đất Lục Khu

Thứ Ba 07/03/2023 , 10:42 (GMT+7)

Vùng đất Lục Khu, huyện Hà Quảng (tỉnh Cao Bằng) treo leo trên những dãy núi đá quanh năm thiếu nước sinh hoạt, nước sản xuất… nay đã dần giải được “cơn khát”.

Nước quý như vàng

Vùng đất có tên gọi Lục Khu gồm 6 xã Cải Viên; Lũng Nặm; Mã Ba; Nội Thôn; Thượng Thôn; Tổng Cọt (trong đó có 4 xã biên giới) thuộc huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng.

Lục Khu được mệnh danh là “vùng đất khát” nổi tiếng với đất đai khô cằn, quanh năm thiếu nước, bản làng, đất sản xuất chủ yếu ở trên những dãy núi đá, cả khu vực trải dài địa bàn 6 xã không có một dòng sông, con suối nào.

1

Vùng Lục Khu có nhiều xã biên giới, đất đai chủ yếu là núi đá vôi. Ảnh Ngọc Tú.

Những năm trước, người dân ở đây chỉ trông chờ vào nước mưa, nhưng do không có nhiều bể tích nước nên mùa khô thiếu nước sinh hoạt trầm trọng. Ở vùng Lục Khu, mỗi khi mùa khô đến, khoảng 19 nghìn nhân khẩu khu vực này thường xuyên phải chờ “cứu viện” nước từ vùng thấp chở lên.

“Ở đây, nước sinh hoạt không đủ dùng, mùa này nhiều lúc mấy ngày mới tắm một lần để tiết kiệm nước. Nước dùng rửa rau xong không được đổ đi mà tích lại dùng để rửa chân tay khi đi làm về hoặc để cho gia súc, gia cầm uống. Sản xuất nông nghiệp vô cùng khó khăn, chủ yếu chỉ chăn nuôi nhỏ lẻ, trồng trọt rất hạn chế, đời sống người dân còn rất khó khăn”, anh Nông Văn Tấn, xóm Rằng Rục (xã Lũng Nặm) tâm sự.

z4147328549541_a2501e3228677c160e8bbecb62395c6f

Thiếu nước, đất đai khô cằn, đời sống người dân vùng Lục Khu còn nhiều khó khăn. Ảnh Ngọc Tú.

Ông Dương Văn Thọ, Chủ tịch UBND xã Lũng Nặm (huyện Hà Quảng) cho biết, xã có hơn 600 hộ, với gần 3 nghìn nhân khẩu, nhưng hiện cả xã mới có một bể chứa nước bằng vải địa có dung tích lớn, còn lại chỉ là các bể lu, bể vuông. Vào mùa khô, một số thôn, xóm thiếu nước sinh hoạt trầm trọng, do phụ thuộc hoàn toàn vào nước mưa nên người dân chủ yếu trồng cây ngô, cây thuốc lá.

Có mặt ở xã Cải Viên những ngày này, chứng kiến nhiều hộ sinh hoạt trong cảnh thiếu thốn mới thấy tầm quan trọng của nguồn nước. Chính quyền địa phương cho biết, dù mùa khô còn khá dài nhưng nhiều hộ giáp biên giới đã hết nước sinh hoạt, xã đã có ý kiến với huyện để chở nước lên cung cấp cho người dân.

Hồ vải địa giúp người dân Lục Khu giải “cơn khát”

“Vùng đất khát” – Lục Khu chỉ thực sự chuyển mình từ năm 2015 khi được đầu tư 27 công trình nước sinh hoạt, trong đó có 14 hồ vải địa kỹ thuật có sức chứa từ 1.500 - 3.800 m3/công trình.

Ngoài ra, những năm qua, chính quyền địa phương cũng hỗ trợ người dân xây dựng hàng nghìn bể chứa nước ở các hộ gia đình, máy bơm và hệ thống ống dẫn nước tự chảy từ hồ chứa về.

z4148486664073_c9416808de36a6dbbf284e7675eb2053

Những hồ vải địa đã dần giải được bài toán thiếu nước sinh hoạt của người dân vùng Lục Khu. Ảnh Ngọc Tú. 

Giai đoạn từ nay đến năm 2025, từ nguồn vốn ngân sách do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quản lý, ngành nông nghiệp tỉnh Cao Băng sẽ tiếp tục đầu tư thêm 14 công trình cấp, trữ nước.

Dự án này sẽ lắp đặt các tuyến ống dẫn nước từ đầu mối thu nước đầu nguồn đến các hồ chứa (14 hồ, mỗi hồ có dung tích từ 2.000m3 – 3.500m3). Những công trình này là công trình thủy lợi cấp IV, tổng mức đầu tư được duyệt hơn 67 tỷ đồng. 

Theo thiết kế, sau khi dự án này hoàn thành sẽ tiếp tục cung cấp nước sinh hoạt cho gần 1.400 hộ dân, các trường học và phục vụ sản xuất ở các xã khu vực Lục Khu.

Với sự đầu tư đồng bộ gồm hồ chứa, trạm bơm, hệ thống vòi dẫn đến bể chứa của các hộ dân sẽ góp phần đảm bảo nước sinh hoạt, giúp người dân ổn định cuộc sống, yên tâm bám trụ trên vùng cao nguyên đá.

z4147328794565_aca613e200db499c0d157c5cb4e7c9d6

Những thửa ruộng bậc thang thường xuyên thiếu nước, phụ thuộc hoàn toàn vào nước mưa. Ảnh Ngọc Tú.

Ông Lã Hoài Bắc, Chủ tịch UBND xã Tổng Cọt cho biết, những hồ vải địa chứa nước rất hiệu quả, những hồ này sẽ tích trữ nước vào mùa mưa để phục vụ người dân vào mùa khô. Nhờ được xây dựng 3 hồ chứa nên đến thời điểm này xã chỉ có 2 thôn giáp biên giới là thiếu nước, còn các thôn khác vẫn cơ bản đủ cung cấp cho bà con sinh hoạt.

“Việc đảm bảo nguồn nước vô cùng quan trọng, người dân có nước mới có thể yên tâm bám trụ giữ đất, giữ làng, bảo vệ an ninh biên giới”, ông Lã Hoài Bắc nhận định.

Xem thêm
Sống lại ký ức hào hùng trên tuyến đường 1C huyền thoại

KIÊN GIANG Tuyến đường 1C nối đường Hồ Chí Minh trên bộ nhằm vận chuyển hàng hóa, vũ khí, thuốc cứu thương, nhu yếu phẩm và đưa rước cán bộ chi viện cho chiến trường miền Nam.

Người dân ĐBSCL sáng tạo, thích ứng tốt với xâm nhập mặn

ĐBSCL Trải qua các đợt ảnh hưởng xâm nhập mặn, người dân ĐBSCL tích lũy nhiều kinh nghiệm, chủ động, sáng tạo các giải pháp ứng phó trong mùa khô 2023 - 2024.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

'Hạ nhiệt' những 'điểm nóng' thiếu nước sinh hoạt

Những xã khu Đông huyện Phù Mỹ (Bình Định) luôn là 'điểm nóng' về thiếu nước sinh hoạt trong mùa khô hạn, nhưng năm nay khu vực này đã được hạ nhiệt căng thẳng.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm