Gavin Svenson, chuyên gia ngành sinh vật không xương sống ở Bảo tàng Lịch sử tự nhiên Cleveland (Mỹ) lại cho rằng, có một lý do khác về sự tương phản giữa con cái và con đực ở loài bọ ngựa đặc thù của khu vực Đông Nam Á. Trong đó, các loài bọ ngựa phong lan, con cái ngoài bộ dạng to hơn con đực chúng còn có màu sắc phong phú với các mảng màu nâu và thùy giống y như cánh hoa ở khoeo chân dài tới 4 inch.
Nếu không chú ý, con bọ ngựa cái này không cần ngụy trang đã giống y hệt như những cánh hoa phong lan đang nở. Và đây chính là một cái bẫy sát thủ đối với vô số loài ong, ruồi và thậm chí là cả thằn lằn nhỏ vô tình lọt vào tầm ngắm của kẻ săn mồi chết chóc này.
Tiến sĩ Svenson và các đồng nghiệp ở Australia và Đức hiện vẫn đang tiếp tục nghiên cứu, phân loại khoa học và lịch sử tiến hóa của bộ bọ ngựa bằng phương pháp nghiên cứu định dạng và công nghệ DNA khi họ nhận thấy có những sự khác biệt giữa một số quần thể bọ ngựa phong lan để có thể đi đến một đánh giá tổng quan về loài động vật này.
Theo đó những con bọ ngựa phong lan cái, mặc dù không cần ngụy trang hay giấu mình như những loài họ hàng khác, thoạt nhìn đã khó phát hiện thì quá trình tiến hóa, phát triển ngoại hình và màu sắc của chúng còn rất hấp dẫn.
Bọ ngựa còn được gọi là Praying Mantis (bọ ngựa cầu nguyện) vì bộ vó phía trước của chúng có tư thế giống như đang chắp tay nguyện cầu. Có rất nhiều loài bọ ngựa khác nhau với hình dạng và màu sắc đa dạng, tùy thuộc vào môi trường sống. Chúng có chiếc đầu hình tam giác với cổ dài và linh hoạt, có khả năng quay 180 độ để quan sát xung quanh và cặp mắt to ở giữa có ba chấm nhỏ để tăng khả năng phát hiện con mồi. Chúng dùng hai chi trước có bộ móng vuốt sắc bén và rất khỏe để tấn công con mồi với tốc độ mà mắt thường khó có thể quan sát được.
Các nghiên cứu cho thấy, tổ tiên của loài này ban đầu cũng chỉ có màu xanh nhạt điển hình rồi sau đó theo quá trình tiến hóa mới gia tăng kích cỡ, có lẽ là để tránh bị làm mồi cho các loài ăn thịt khác.
Sau đó, một số hậu duệ đã tiến hóa thành màu trắng và màu vàng để bắt chước màu những bông hoa để dụ và thu hút côn trùng thụ phấn làm thức ăn. Tiếp đó con cái ngày một lớn hơn cũng như được tôi luyện thêm các kỹ năng săn mồi hữu hiệu cả về tốc độ lẫn sự chính xác.
Trong khi đó những con đực lại có xu hướng phát triển theo một lộ trình tiến hóa khác bao gồm, chia sẻ một số màu sắc của con cái, kích cỡ không thay đổi và thiên về ngụy trang hơn.
Theo tiến sĩ Svenson, những con đực duy trì sự sống hoàn toàn khác với con cái, chúng ăn tạp bất cứ thứ gì chúng bắt được và có phạm vi di chuyển hẹp, cố gắng tìm kiếm bạn tình và trốn tránh những kẻ thù. Nhóm nghiên cứu cho rằng, “sự phân hóa về kích thước và hành vi giữa con đực và con cái dường như là để cho con cái trở thành một kẻ săn mồi tốt hơn”.
Tiến sĩ Svenson cho rằng, chúng ta bị hấp dẫn bởi bọ ngựa là do chúng có những phản ứng khác hoàn toàn với các loài côn trùng khác. “Chúng sẽ ngoái đầu và nhìn bạn hoặc bất thình lình có màn chắp tay cầu nguyện hay tiến lùi đung đưa khiến chúng ta chỉ có thể thốt lên một câu ‘Whoa’, thật là đã mắt”, ông Svenson nói.
Bọ ngựa còn là loài ăn thịt rất tàn nhẫn, thậm chí con cái còn ăn thịt cả con đực bạn tình ngay trong khi đang giao hoan.