| Hotline: 0983.970.780

Giải pháp căn cơ chống sạt lở ĐBSCL

Thứ Tư 10/04/2019 , 08:58 (GMT+7)

Ngày 9/4, tại Cà Mau, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Hà Công Tuấn đã chủ trì hội thảo "Tìm giải pháp xử lý sạt lở bờ sông, bờ biển vùng ĐBSCL".

12-50-26_thu_truong_h_cong_tun_thu_truong_bo_nn-ptnt
Thứ trưởng Hà Công Tuấn chủ trì hội nghị

Dự hội nghị có các chuyên gia về sạt lở và đại diện lãnh đạo các tỉnh ven biển trong khu vực ĐBSCL.
 

Cấp bách xử lý sạt lở

Trước những diễn biến phức tạp của sạt lở có xu thế ngày càng gia tăng, những năm qua, Trung ương, các tổ chức quốc tế và các địa phương đã bỏ kinh phí để đầu tư xây dựng công trình, nghiên cứu ứng dụng các giải pháp bảo vệ bờ sông, bờ biển.

Năm 2018, ngoài việc bố trí ngân sách theo kế hoạch hàng năm để các địa phương để xây dựng các công trình phòng, chống sạt lở, Thủ tướng Chính phủ đã hỗ trợ 1.500 tỷ đồng từ nguồn dự phòng ngân sách trung ương năm 2018 để xử lý 29 dự án cấp bách sạt lở bờ sông, bờ biển thuộc 13 tỉnh, thành phố trong khu vực ĐBSCL.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Hà Công Tuấn cho biết: “ĐBSCL là vùng hạ lưu của châu thổ sông Mê Kông, với địa hình trũng thấp. Phần lớn đất đai trong vùng là phù sa mềm yếu. Tổng diện tích 4 triệu ha, dân số gần 20 triệu dân. Là nơi có hệ thống sông ngòi chằng chịt và hệ thống đường bờ biển dài gần 800km. Đây là nơi có vai trò quan trọng đến an ninh lương thực, hàng năm cung cấp khoảng 90% lúa và 60% thủy sản phục vụ xuất khẩu. Bên cạnh đó, rừng ngập mặn vùng ĐBSCL còn có vai trò rất lớn về sinh thái, môi trường”.

Theo Thứ trưởng Tuấn, qua công tác quản lý và báo cáo của các địa phương, khu vực ĐBSCL hiện có 526 khu vực sạt lở bờ sông, bờ biển với tổng chiều dài gần 800km. Trong đó, có 57 khu vực sạt lở nguy hiểm, tổng chiều dài 164km, cần phải được xử lý để đảm bảo ổn định dân sinh, kinh tế - xã hội vùng ven sông, ven biển.

Ông Lê Văn Sử, PCT UBND tỉnh Cà Mau thông tin: “ĐBSCL nói chung, tỉnh Cà Mau nói riêng là nơi chịu tác động nặng nề nhất của biến đổi khí hậu. Từ năm 2007 – 2014, qua số liệu tổng kiểm kê lâm nghiệp, 7.800ha đất ven biển bị mất đi. Tình trạng sạt lở ven sông, ven biển ngày càng phức tạp, khó lường trước thách thức lớn của biến đổi khí hậu”.

12-50-26_hoi_nghi_dien_r_sng_94_ti_c_mu
Hội nghị diễn ra sáng 9/4 tại Cà Mau

Khu vực ĐBSCL rất cần được sự hỗ trợ của các Bộ, ngành Trung ương về nguồn vốn, để triển khai ứng phó trong công tác phòng chống thiên tai. Qua đó, tìm ra những giải pháp công trình để chống sạt lở bờ sông, bờ biển.

“Hiện tỉnh Cà Mau đã kè được 18km bờ biển, với nhiều giải pháp công trình khác nhau. Các đoạn kè đã khắc phục được hệ thống rừng ngập mặn, như gây bồi, tạo bãi, bước đầu cho thấy hiệu quả. Tuy nhiên, tỉnh đang gặp một số khó khăn nhất định như, tỷ lệ sạt lở bờ biển diễn biến khá phức tạp. Chúng ta, cần có những nghiên cứu sâu để phát hiện, khắc phục có hiệu quả”, ông Sử nói.

Riêng về giải giải pháp công trình, đại diện UBND tỉnh Cà Mau cho biết, hiện địa phương chỉ mới thành công trong việc tạo bãi gây bồi để bảo vệ rừng. Chính vì vậy, địa phương cần có nghiên cứu để tìm ra giải pháp công trình thấp hơn và tạo ổn định trong việc gây bồi tạo bãi.

“Hiện cơ chế chính sách của chúng ta đang gặp khó, gây nhiều khó khăn cho việc nghiên cứu khoa học. Có nhiều ý tưởng của nhà khoa học, nhưng muốn triển khai các ý tưởng này rất khó, do nguồn vốn khoa học còn hạn chế, nếu thực hiện cơ chế thí điểm, thành công thì không có vấn đề gì, còn nếu thất bại thì trách nhiệm những người có liên quan là rất nặng nề”, ông Sử nêu quan điểm.
 

Đi tìm giải pháp căn cơ

Từ năm 2007 đến nay, tỉnh Cà Mau đã mất khoảng 8.870ha diện tích đất rừng và bờ biển, nguy cơ làm vỡ đê biển Tây, ảnh hưởng rất lớn đến SX và đe dọa tính mạng, tài sản của hàng trăm ngàn hộ dân vùng ven biển.

Ông Nguyễn Long Hoai, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi Cà Mau cho biết: “Những năm gần đây, tình hình sạt lở của Cà Mau rất phức tạp. Cà Mau là tỉnh duy nhất có đường bờ biển dài 254km và có 87 cửa sông thông ra biển, nên dễ bị tổn thương do xói lở”.

Ông Hoai cho biết, tình trạng sạt lở của Cà Mau ngày càng phức tạp, tỉnh hiện có 57km sạt lở nguy hiểm và cực kỳ nguy hiểm là 40.5km ở tuyến đê biển Tây. Riêng tuyến đê biển Đông có 48km bị sạt lở.

Trước thực trạng trên, tỉnh Cà Mau đã đưa ra nhiều giải pháp để ứng phó từ tạm thời đến kiên cố, bước đầu cho thấy hiệu quả cao. “Hiện tỉnh đã khắc phục được 82km và không xảy ra vỡ đê trong những năm gần đây. Rút kinh nghiệm các đợt kè, hiện địa phương có 3 loại kè mang lại hiệu quả là, kè tạo bãi cọc BT ly tâm kết hợp đá hộc; kè đê trụ rỗng và kè cấu kiện bằng bê tông cốt phi kim phá sóng…”, ông Hoai chia sẻ.

Ba loại kè chống sạt lở này là một bước cải tiến mới của công nghệ, và mang lại hiệu quả đối với các tuyến đê biển ở Cà Mau.

12-50-26_cc_cong_trinh_bo_ke_tieu_ton_kh_nhieu_tien
Các công trình bờ kè tiêu tốn khá nhiều tiền
“Tôi mong muốn, các bộ, ngành Trung ương xem xét, hỗ trợ cho Cà Mau được áp dụng cơ chế ngân sách Trung ương cấp phát toàn bộ số vốn ODA đầu tư cho các dự án xây dựng đê biển, kè tạo bãi, khôi phục rừng phòng hộ sạt lở ven biển, ứng phó với biến đổi khí hậu và không áp dụng vay lại vốn ODA, vì các dự án này không có khả năng thu hồi vốn.

Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương xem xét, có cơ chế để huy động vốn của doanh nghiệp đầu tư xây dựng kè tạo bãi khôi phục rừng phòng hộ ven biển. Kết hợp với đầu tư, khai thác du lịch sinh thái, điện gió, điện mặt trời… và cần có kinh phí đầu tư từ ngân sách nhà nước", ông Hoai đề xuất.

Tại hội nghị, các đại biểu được lắng nghe ông Hoàng Đức Thảo, Anh hùng Lao động, Chủ tịch kiêm TGĐ Cty CP KHCN Việt Nam trình bày những phương án, mô hình ứng dụng trong việc kè bờ sông, bờ biển được áp dụng mà Cty triển khai, xây dựng tại nhiều địa phương trong cả nước.

“Hiện các công nghệ được ứng dụng trong chống xói lở, biến đổi khí hậu tại ĐBSCL được Cty triển khai, xây dựng từ rất nhiều năm. Mỗi loại hình công nghệ có những ưu điểm riêng, được áp dụng ở khu vực bờ biển, hải đảo…, mặc dù mới, nhưng đã được Hội đồng KHCN nhà nước thông qua.

Mới đây, UBND tỉnh Cà Mau đồng ý cho Cty triển khai kè 1,2km tại tuyến đê biển Tây. Hiện đã hoàn thành, đưa vào sử dụng. Về hiệu quả, từ khi đưa vào sử dụng, đến nay chưa xảy ra vấn đề gì, còn về hiệu quả bền vững, có tính lâu dài thì cần có thời gian”, ông Thảo nói.

Ông Dương Thành Trung, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu cho biết: “Tôi có dịp đi trực thăng khảo sát cùng Thủ tướng, từ trên nhìn xuống, thấy sạt lở từ Sóc Trăng đến Bạc Liêu và Cà Mau rất rõ. Sạt lở từ nhiều tới ít, nguyên nhân sâu xa nhất là thiếu phù sa. Khi không còn phù sa nữa thì nó sạt lở tới mức nào, không bao giờ chống được sạt lở. Nếu chúng ta đã tìm được mô hình thành công rồi, thì không bàn nữa mà cho kè hết tuyến biển. Bắt đầu làm ngược từ Cà Mau lên. Hà Lan tốn kém như thế nào mà họ vẫn dám đầu tư”.

12-50-26_st_lo_co_xu_the_ngy_cng_gi_tng
Sạt lở có xu thế ngày càng gia tăng

Hội nghị thu hút nhiều đại biểu có ý kiến kiến nghị và đưa ra nhiều giải pháp hữu ích để khắc phục sạt lở như cấm khai thác cát; lựa chọn phương án công nghệ kè tạo bãi, sử dụng các công nghệ mới được áp dụng và phải có tổng kết, đánh giá rút kinh nghiệm từ việc sử dụng các phương án thí điểm từng vùng, công nghệ được nhà khoa học nghiên cứu cần chuyển giao, áp dụng rộng rãi…

Kết luận tại hội nghị, Thứ trưởng Hà Công Tuấn đánh giá cao những đánh giá, giải pháp của đại biểu tại hội nghị và ghi nhận về các kiến nghị bổ sung nguồn vốn của các địa phương. “Vùng ĐBSCL đang bị sụt lún nghiêm trọng, cùng với việc mực nước biển đang dâng cao. Nếu không khắc phục được khó khăn này, 50 năm nữa ĐBSCL sẽ bị đắm chìm. Vì vậy, nhiệm vụ của chúng ta rất nặng nề”, Thứ trưởng Tuấn nói.

Ông Nguyễn Minh Nhị, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh An Giang trình bày quan điểm: “Theo tôi, cái gì thiên nhiêu ưu đãi cho ĐBSCL đã kết thúc rồi. Đồng bằng này sẽ chìm thôi. Bởi, tình trạng sạt lở, nước biển dâng ngày càng nghiêm trọng. Nhiệm vụ của chúng ta là kéo dài thời gian chìm này dài ra chừng nào tốt chừng ấy. Làm sao có sơ đồ sạt lở toàn vùng để cho nhân dân biết, còn kè hết thì tiền đâu mà kè. Phải lập quy hoạch dân cư đô thị, dự trù nhìn xa sao khoảng 100 năm nữa mới ngập. Phải tăng cường hạn chế khai thác cát, còn hút cát là còn sạt lở...”.
“Chưa bao giờ chúng ta bàn về ĐBSCL như hiện nay. Vì vậy, chúng ta phải có giải pháp căn cơ để chống sạt lở. Việc rà soát, tìm phương án phải phù hợp với thực tế, vừa chống sạt lở, vừa gắn với công tác ổn định dân cư, an sinh xã hội như Dự án Cái Lớn - Cái Bé là một điển hình cho việc đảm bảo sinh kế cho người dân toàn vùng. Muốn làm được điều này, địa phương phải gần dân, cùng nhân dân chung tay bảo vệ bờ sông, bờ biển”, Thứ trưởng Tuấn nhấn mạnh.

 

Xem thêm
Chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi vịt cho hộ nghèo ở Thanh Hóa

Tập đoàn Mavin và Tổ chức Tầm nhìn Thế giới Việt Nam (World Vision) vừa tổ chức tập huấn, chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi vịt tại huyện Thường Xuân, Thanh Hóa.

Số hóa quản lý chó, mèo để phòng, chống bệnh dại

Để công tác phòng, chống bệnh dại có hiệu quả, chó, mèo nuôi ở các địa phương cần được quản lý chặt chẽ, nhất là thông qua việc áp dụng số hóa.

Cao điểm phòng trừ sâu cuốn lá nhỏ hại lúa xuân vào dịp nghỉ lễ 30/4

Theo Trung tâm BVTV phía Bắc, thời điểm phòng trừ tập trung sâu cuốn lá nhỏ từ 25/4 - 5/5. Sau khi phun lần 1, nếu mật độ còn cao tổ chức phun trừ lần 2.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm