| Hotline: 0983.970.780

Giải pháp cho hơn 100.000 tấn nhãn Sơn La

Thứ Hai 16/08/2021 , 07:41 (GMT+7)

Tỉnh Sơn La gấp rút xây dựng nhiều phương án tiêu thụ, xuất khẩu nhãn trong bối cảnh dịch Covid-19 đang có những diễn biến phức tạp.

Đầu vụ thuận lợi

Theo UBND tỉnh Sơn La, năm 2021 tổng diện tích nhãn trên địa bàn toàn tỉnh trên 19.200ha (diện tích cho thu hoạch khoảng 12.000ha), tập trung tại các huyện như Sông Mã, Mai Sơn, Yên Châu, Mường La...

Sản lượng nhãn toàn tỉnh Sơn La ước đạt khoảng 113.000 tấn. Trong đó, huyện Sông Mã là vựa nhãn lớn nhất của tỉnh với trên 7.200ha (gần 5.900ha đã cho thu hoạch), sản lượng trên 55.800 tấn. Thời gian thu hoạch nhãn chín sớm từ ngày 10/6 - 10/7, nhãn chính vụ bắt đầu thu hoạch từ ngày 15/7 đến đầu tháng 9.

Toàn tỉnh hiện có trên 2.200ha nhãn được cấp mã số vùng trồng, sản lượng khoảng 22.000 tấn đảm bảo đủ các tiêu chuẩn về chất lượng cho việc xuất khẩu sang các thị trường như Trung Quốc, EU, Anh, Úc…

Năm nay, sản lượng nhãn toàn tỉnh Sơn La ước đạt khoảng 113.000 tấn. Ảnh: Sơn Tùng.

Năm nay, sản lượng nhãn toàn tỉnh Sơn La ước đạt khoảng 113.000 tấn. Ảnh: Sơn Tùng.

Thời điểm nhãn chín sớm, việc tiêu thụ của các hợp tác xã (HTX), hộ trồng nhãn diễn ra thuận lợi. Nhiều bạn hàng ở các tỉnh, công ty chế biến, xuất khẩu về đặt hàng tương đối nhiều, nhờ vậy giá bán nhãn ở mức tương đối cao.

Ông Lường Văn Mười, Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp Hoa Mười, bản Huổi Bó, Chiềng Khoong (Sông Mã) cho biết, HTX của ông có 30ha trồng nhãn theo tiêu chuẩn VietGAP. Vụ nhãn năm nay sản lượng ước đạt trên 200 tấn, tăng hơn so với cùng kỳ năm 2020 khoảng 40 tấn.

HTX đã xuất bán được 2,5 tấn nhãn chín sớm sang thị trường trường EU và Vương quốc Anh. Giá bán giữ ở mức tương đối cao từ 33.000 - 36.000 đồng/kg đối với thị trường nội địa, 40.000 đồng/kg đối với nhãn xuất khẩu.

Nhãn chính vụ tiêu thụ khó khăn

Khi nhãn chính vụ bước vào giai đoạn thu hoạch cũng là thời điểm dịch Covid-19 bùng phát mạnh ở các tỉnh thành trong cả nước. Nhiều thị trường tiêu thụ truyền thống trước đây đang phải áp dụng giãn cách xã hội phòng chống dịch, làm ảnh hưởng không nhỏ đến việc tiêu thụ nội địa cũng như chế biến nhãn phục vụ cho xuất khẩu.

Ghi nhận tại huyện Sông Mã, tính đến ngày 10/8 toàn huyện đã tiêu thụ và xuất khẩu hơn 33.600 tấn, tương đương 48% tổng sản lượng. Tiêu thụ trong nước hơn 15.600 tấn, chế biến long nhãn trên 17.700 tấn, xuất khẩu khoảng 305 tấn.

Ông Nguyễn Văn Phương, Phó Chủ tịch UBND huyện Sông Mã, chia sẻ, dịch Covid-19 làm ảnh hưởng rất lớn đến tình hình tiêu thụ và xuất khẩu nhãn trên địa bàn huyện, đặc biệt là việc vận chuyển và lưu thông sản phẩm nhãn ra các thị trường nước ngoài.

Các thông tin về thị trường tiêu thụ tại một số nước nhập khẩu còn hạn chế (quy định kiểm dịch, quy cách đóng gói, sơ chế, bảo quản…). Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp, thương nhân truyền thống tại các địa phương đang phải thực hiện giãn cách xã hội nên không trực tiếp tham gia vào các hoạt động, tiêu thụ xuất khẩu được.

Theo ông Lường Văn Mười, Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp Hoa Mười, Hà Nội là thị trường tiêu thụ nhãn chủ yếu nhưng từ khi thành phố áp dụng giãn cách xã hội nhiều chợ đầu mối đang tạm thời đóng cửa nên các thương lái hạn chế việc nhập hàng, một số đã dừng hẳn. Vì thế, giá bán giảm từ 20.000 - 24.000 đồng/kg (đầu mùa nhãn chính vụ) xuống còn 10.000 - 12.000 đồng/kg tùy từng loại.

'Vụ nhãn năm nay dự kiến có từ 50 - 70 tấn nhãn xuất đi thị trường EU nhưng đến hiện tại mới xuất đi được hơn 4 tấn”, ông Mười buồn bã.

Dịch Covid-19 làm ảnh hưởng không nhỏ đến việc tiêu thụ nội địa cũng như công tác chế biến nhãn phục vụ cho xuất khẩu. Ảnh: Sơn Tùng.

Dịch Covid-19 làm ảnh hưởng không nhỏ đến việc tiêu thụ nội địa cũng như công tác chế biến nhãn phục vụ cho xuất khẩu. Ảnh: Sơn Tùng.

Tương tự, ông Đào Ngọc Bằng, Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp Hoàng Tuấn bản Hải Sơn, xã Chiềng Khoong (Sông Mã) cho hay, trong kế hoạch tiêu thụ của HTX sẽ có 5 tấn nhãn xuất đi thị trường EU và 100 tấn sang thị trường Trung Quốc, nhưng đến hiện tại mới thực hiện được khoảng 20% dự kiến.

Nhiều lái xe tâm lý e ngại Hà Nội có dịch nên dừng việc chở hàng xuống tiêu thụ. Bên cạnh đó, tại địa phương nhiều con em ở các tỉnh có dịch về quê, nên người dân hạn chế tụ tập đông người. Trong khi thời vụ nhãn cần nhân lực rất lớn và phụ thuộc nhiều vào thời tiết nếu không thu hái nhanh nhãn dễ bị hỏng.

Ông Bằng cho biết thêm, trước tình hình đó để chủ động thời vụ và hạn chế thiệt hại do ngưng trệ tiêu thụ. HTX và hầu hết các hộ trồng nhãn đều chủ động thay đổi hình thức tiêu thụ từ bán nhãn tươi chuyển sang sấy khô làm long nhãn. Trung bình 10kg nhãn tươi chế biến được 1,1 - 1,2kg long nhãn, giá bán từ 130.000 - 150.000 đồng/kg.

Tính đến việc sấy 80.000 tấn nhãn

Ông Nguyễn Văn Phương, Phó Chủ tịch UBND huyện Sông Mã cho biết, để hạn chế tối đa tác động tiêu cực của dịch Covid-19, đảm bảo tiêu thụ, chế biến hết sản lượng nhãn còn lại, UBND huyện đã ban hành kế hoạch điều chỉnh phương án sản xuất, chế biến, tiêu thụ, xuất khẩu sản phẩm nhãn ứng phó với tác động của dịch Covid-19 năm 2021.

Theo đó, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động các HTX, các hộ trồng nhãn tập trung đầu tư kho lạnh bảo quản, nâng cấp, mở rộng lò sấy long nhãn. Phấn đấu chế biến 75% sản lượng làm long nhãn, xuất khẩu 25% sản lượng quả tươi.

Đến thời điểm hiện tại, trên địa bàn huyện Sông Mã đã xây dựng 2.700 lò sấy long nhãn, trung bình mỗi ngày sơ chế khoảng 1.500 - 2.000 tấn nhãn (thời kì cao điểm), 6 hộ đầu tư container lạnh, 1 HTX và 1 doanh nghiệp đầu tư xây dựng 1 kho lạnh với công suất bảo quản 200 tấn quả tươi.

Để chủ động thời vụ và hạn chế thiệt hại do ngưng trệ tiêu thụ, các HTX, hộ trồng nhãn đều chủ động thay đổi hình thức tiêu thụ từ bán nhãn tươi chuyển sang sấy khô làm long nhãn. Ảnh: Sơn Tùng.

Để chủ động thời vụ và hạn chế thiệt hại do ngưng trệ tiêu thụ, các HTX, hộ trồng nhãn đều chủ động thay đổi hình thức tiêu thụ từ bán nhãn tươi chuyển sang sấy khô làm long nhãn. Ảnh: Sơn Tùng.

Ông Nguyễn Thành Công, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La cho biết, để giảm áp lực lên khâu tiêu thụ, và giữ được giá bán cho sản phẩm nhãn, tỉnh Sơn La đặt ra mục tiêu trong niên vụ 2021 với sản lượng 113.000 tấn nhãn quả tươi sẽ sơ chế, chế biến khoảng 80.000 tấn làm long nhãn.

Ngày 28/7, UBND tỉnh đã ban hành quyết định về phương án hỗ trợ đầu tư các cơ sở sơ chế, chế biến, bảo quản sản phẩm nhãn và nông sản khác năm 2021.

Theo đó, hỗ trợ các doanh nghiệp, HTX, hộ gia đình xây dựng kho bảo quản, container bảo quản; hỗ trợ việc chuyển đổi các cơ sở sấy long nhãn sang sấy bằng hơi nhiệt sạch để đảm bảo các tiêu chuẩn về chất lượng và vệ sinh ATTP; hỗ trợ sử dụng máy móc, thiết bị tiên tiến trong sản xuất, chế biến sản phẩm nhãn và một số nông sản khác. Việc hỗ trợ chỉ áp dụng với các cơ sở đầu tư, hoàn thành đưa vào sử dụng trong năm 2021.

Trên cơ sở đó, Sở Công thương tỉnh Sơn La xây dựng 2 phương án tiêu thụ, chế biến và xuất khẩu nhãn trong điều kiện phòng chống dịch Covid-19.

Phương án 1, nếu tình hình dịch bệnh Covid -19 diễn biến phức tạp, một số tỉnh, thành phố trong cả nước phải thực hiện giãn cách xã hội. Sẽ tập trung tiêu thụ nhãn tại thị trường trong nước thông qua các chợ đầu mối, siêu thị, qua hệ thống các cửa hàng phân phối, bán lẻ sản phẩm nhãn trong cả nước với số lượng dự kiến đạt trên 33.800 tấn. Sản phẩm nhãn quả tươi đưa vào chế biến ước đạt 57.500 tấn, xuất khẩu khoảng 8.000 tấn nhãn.

Phương án 2, trường hợp dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, tất cả các tỉnh phải giãn cách toàn xã hội sẽ đẩy mạnh việc đưa nhãn tươi vào chế biến long nhãn với sản lượng ước đạt khoảng 80.000 tấn (tương đương với 8.000 tấn long nhãn). Sản phẩm nhãn tiêu thụ trong nước dự kiến đạt trên 19.100 tấn.

Bên cạnh đó, ngành Giao thông vận tải lập danh sách các cá nhân (lái xe, tiểu thương), doanh nghiệp, HTX, cơ sở kinh doanh tham gia vận chuyển, áp tải hàng hóa nông sản ra vào tỉnh. Thành lập "Đội vận tải xanh" sẵn sàng vận chuyển hàng hóa nông sản đi đến các vùng có dịch và các địa phương khi có yêu cầu. Tại các chốt kiểm dịch, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho việc lưu thông hàng hóa, trên nguyên tắc đảm bảo các quy định trong phòng chống dịch bệnh.

Tỉnh tập trung vào giới thiệu quảng bá sản phẩm nhãn trên các phương tiện thông tin đại chúng, sàn thương mại điện tử. Đồng thời, làm việc với các đơn vị trực thuộc Bộ Công thương, Bộ NN-PTNT, các doanh nghiệp để tìm kiếm thị trường tiêu thụ, đầu mối xuất nhập khẩu nông sản mới.

Tính đến hết ngày 12/8, trên địa bàn tỉnh Sơn La đã tiêu thụ hơn 49.000 tấn nhãn quả tươi. Trong đó, tiêu thụ trong nước đạt hơn 24.500 tấn. Đưa vào sấy long nhãn khoảng 24.400 tấn nhãn quả tươi. 

Xem thêm
Thái Nguyên thông qua nghị quyết sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã 2023-2025

Đây là 1 trong 10 nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội được thông qua tại Kỳ họp thứ 18 của HĐND tỉnh Thái Nguyên khóa XIV, nhiệm kỳ 2021-2026.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

42 mẫu cà phê vào chung kết cuộc thi Cà phê đặc sản Việt Nam

42 mẫu cà phê, gồm 24 mẫu cà phê robusta và 18 mẫu arabica lọt vào vòng chung kết cuộc thi cà phê đặc sản Việt Nam 2024.

Chuyện làm du lịch ở miền núi Phú Thọ: [Bài 1] Đồi chè Long Cốc, nàng tiên không ban cho dân được mấy tiền

'Không mấy ai nhìn ra giá trị của rừng Xuân Sơn, Tân Sơn nên bỏ lỡ cơ hội phát triển du lịch', TS. Ngô Kiều Oanh tiếc rẻ.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm