| Hotline: 0983.970.780

Nên sử dụng sản phẩm gia súc, gia cầm có tem, dấu kiểm soát

Thứ Ba 11/08/2020 , 10:58 (GMT+7)

Các cơ sở giết mổ cần nâng cao trách nhiệm về an toàn thực phẩm, người dân nên sử dụng sản phẩm có tem vệ sinh thú y hoặc dấu kiểm soát giết mổ.

Cơ sở giết mổ nhỏ lẻ khó đảm bảo an toàn thực phẩm và vệ sinh thú y

Hiện tại trên địa bàn thành phố Hải Phòng đang có 1.071 cơ sở, điểm giết mổ gia súc, gia cầm, trong đó chỉ có 6 cơ sở giết mổ tập trung hoạt động (chiếm 0,56%). Còn lại 1.065 điểm giết mổ nhỏ lẻ đang hoạt động (chiếm 99,44%), trong đó đã tính cả Dự án LIFSAP đã hỗ trợ 37 điểm giết mổ cải thiện điều kiện vệ sinh thú y.

Một cơ sở giết mổ tập trung với công suất 500 con lợn/1 ngày tại Hải Phòng. Ảnh: Đinh Mười.

Một cơ sở giết mổ tập trung với công suất 500 con lợn/1 ngày tại Hải Phòng. Ảnh: Đinh Mười.

Theo Chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản Hải Phòng, các cơ sở giết mổ nhỏ lẻ đang hoạt động nằm phân tán khắp các huyện, quận, không nằm trong quy hoạch, hoạt động trái phép, đa số không có đăng ký kinh doanh, hoạt động chủ yếu do 1 hộ gia đình tổ chức giết mổ, công suất giết mổ thấp, chủ yếu là 1 con trâu hoặc bò/ngày, 1-2 con lợn/ngày, 5-10 con gia cầm/ngày…

Hầu hết các điểm giết mổ nhỏ lẻ không được kiểm soát vệ sinh thú y, không có dấu Kiểm soát giết mổ hoặc tem Kiểm tra vệ sinh thú y theo quy định. Việc giết mổ gia cầm thường được thực hiện ngay tại chợ, các chợ cóc ven trục đường giao thông, đường liên thôn, xã, hoặc ngay trên vỉa hè, trong khu dân cư khó đáp ứng đủ điều kiện quy định tại khoản 2, Điều 69, Luật Thú y số 79/2015/QH13 nên không đảm bảo điều kiện vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm và vệ sinh môi trường.

Do đó, để bảo vệ sức khỏe người dân, môi trường và phòng chống dịch bệnh, ngoài việc kiểm tra, kiểm soát cần đẩy mạnh tuyên truyền chủ các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm và kinh doanh thịt cần nâng cao trách nhiệm cam kết thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật. Đồng thời tuyên truyền cho người tiêu dùng nên lựa chọn sản phẩm gia súc, gia cầm sau khi giết mổ có lăn dấu kiểm soát giết mổ “K.S.G.M” trên thân thịt, có tem Kiểm tra vệ sinh thú y trên sản phẩm pha lóc bao gói.

Đầu vào và đầu ra của sản phẩm giết mổ tại các cơ sở tập trung được lực lượng chức năng kiểm soát chặt chẽ. Ảnh: Đinh Mười.

Đầu vào và đầu ra của sản phẩm giết mổ tại các cơ sở tập trung được lực lượng chức năng kiểm soát chặt chẽ. Ảnh: Đinh Mười.

Chị Lê Thị H.V,  Phòng Hành chính nhân sự một Công ty trong Khu công nghiệp Nomura thông tin cho biết: “Bếp ăn của công ty tôi phục vụ cho khoảng 800 người ăn và chúng tôi chỉ sử dụng nguồn thực phẩm tươi sống, thực phẩm rõ nguồn gốc và phải biết được xuất xứ nó như thế nào. Vì nếu không được như vậy thì rất sợ, doanh nghiệp tôi có ban chuyên kiểm tra đầu vào thực phẩm của nhà ăn và yêu cầu nghiêm ngặt về vấn đề này”.

“Có lần bên đơn vị cung cấp thực phẩm cho bếp ăn bên tôi nhưng không có dấu trên các miếng thịt, chỉ có giấy kiểm dịch theo lô, chúng tôi đã yêu cầu bên đơn vị đó phải làm đúng theo quy định ngay. Với những miếng thịt không có bì như xương hoặc sườn không đóng dấu được thì phải có giấy kiểm dịch kèm theo, từ tuần trước đến nay họ cũng đã thực hiện chuẩn chỉ như vậy” – chị V chia sẻ thêm.

Khuyến khích phát triển thêm các cơ sở giết mổ tập trung

Tìm hiểu của NNVN, hiện tại Hải Phòng còn 99,44% điểm giết mổ nhỏ lẻ, trái phép không có sự kiểm soát giết mổ của cơ quan chức năng theo quy định.Tại hầu hết các chợ, việc quản lý, kiểm soát các điểm giết mổ nhỏ lẻ còn nhiều bất cập, việc giết mổ diễn ra tràn lan, không đủ điều kiện vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm và nguy cơ lây lan dịch bệnh.

Cơ quan chức năng TP Hải Phòng khuyến cáo người dân nên sử dụng các sản phẩm giết mổ có tem vệ sinh thú y hoặc dấu kiểm soát giết mổ. Ảnh: Đinh Mười.

Cơ quan chức năng TP Hải Phòng khuyến cáo người dân nên sử dụng các sản phẩm giết mổ có tem vệ sinh thú y hoặc dấu kiểm soát giết mổ. Ảnh: Đinh Mười.

Để tăng sản lượng sản phẩm giết mổ gia súc, gia cầm có kiểm soát, thành phố Hải Phòng đang khuyến khích phát triển thêm các cơ sở giết mổ tập trung để kiểm soát điều kiện vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm, từng bước xóa bỏ và chấm dứt tình trạng giết mổ nhỏ lẻ, cung cấp thực phẩm đảm bảo chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm cho người dân trên địa bàn và góp phần chung tay bảo vệ môi trường.

Ông Nguyễn Trọng Thưởng – Trưởng trạm Chăn nuôi và Thú y quận Kiến An cho biết, cơ sở giết mổ tập trung được UBND TP. Hải Phòng cấp các thủ tục theo quy định của Nhà nước, được Sở TN&MT cấp chứng nhận cam kết về môi trường, được Sở NN-PTNT cấp chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm. Toàn bộ số lợn được đưa vào giết mổ đều có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, đều có phiếu xét nghiệm đảm bảo. Trong quá trình giết mổ được cơ quan thú y giám sát chặt chẽ, trước – trong và sau khi giết mổ.

“Toàn bộ thịt lợn trước khi được đưa ra thị trường đều được đóng dấu kiểm soát giết mổ, tem kiểm tra kiểm soát thú y, được kiểm tra kiểm soát chặt chẽ trước khi đưa ra thị trường. Còn các cơ sở giết mổ nhỏ, lẻ thì không đảm bảo được các yếu tố như vậy” – ông Thưởng nhấn mạnh.

Theo Nghị định số 90/2017/NĐ-CP ngày 31/7/2017 của Chính phủ quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực thú y có hiệu lực từ ngày 15/9/2017 thì việc giết mổ nhỏ lẻ vi phạm chỉ bị xử phạt vi phạm hành chính áp dụng theo khoản 4, Điều 20; quy định: “Phạt tiền từ 6.000.000 – 8.000.000 đồng đối với hành vi giết mổ động vật tại địa điểm không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép”. Còn theo khoản 3, Điều 76, Luật Thú y năm 2015 quy định: “Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm quản lý hoạt động cơ sở giết mổ động vật nhỏ lẻ”.

Do đó, ngoài cơ quan chức năng tăng cường kiểm soát, tuyên truyền, cũng rất cần có sự vào cuộc quyết liệt của Ủy ban nhân dân cấp xã, phường và thực hiện tốt công tác quy hoạch, triển khai quy hoạch cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung trên địa bàn thành phố Hải Phòng, góp phần chấm dứt tình trạng ô nhiễm, không đảm bảo an toàn thực phẩm trong giết mổ hiện nay.

Hiện nay, trên địa bàn thành phố Hải Phòng có 6 cơ sở giết mổ gia súc (lợn) gia cầm (gà, ngan, vịt) tập trung có kiểm soát của cơ quan thú y đó là: Công ty Cổ phần thực phẩm Hải Phòng; Công ty  Cổ phần Chế biến Thực phẩm Xanh Vinh Phát; Công ty Thực phẩm Anh Phát Hải Phòng; Công ty Cổ phần DVTM thực phẩm Đồ Sơn; Cơ sở giết mổ lợn Phú Cường Phú Cường; Cơ sở giết mổ gia cầm cầm Lượng Huệ.

Xem thêm
Bí kíp nuôi công an toàn dịch bệnh tại các khu du lịch sinh thái

Hải Phòng Công hiện được nuôi làm cảnh tại nhiều khu du lịch sinh thái, do hằng ngày công tiếp xúc nhiều với khách du lịch nên công tác phòng chống dịch bệnh vô cùng quan trọng.

Giảng viên IPHM là đầu tàu dẫn dắt nông dân sản xuất bền vững

Các giảng viên đã được trang bị kiến thức về IPHM sẽ giúp nông dân thấy được sức khỏe đất đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng, bảo vệ đất là việc cần phải làm ngay.

Đầu tư nhà màng cho Mộc Châu: Đã làm, phải lớn

Sơn La Nông dân Mộc Châu có đủ năng lực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Vì vậy việc hỗ trợ đầu tư hệ thống nhà lưới, nhà màng cần thực hiện ở quy mô lớn.