Huyện Thường Xuân (Thanh Hóa) nằm trong 70 huyện nghèo của cả nước, đang thực hiện 3 Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới và phát triển kinh tế, xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Hiện nay, tỷ lệ hộ nghèo của Thường Xuân còn tương đối cao, cụ thể số hộ nghèo chiếm 21,17% và con số này của hộ cận nghèo là 31,28%. Nguyên nhân của vấn đề này thì có nhiều nhưng chủ yếu là do người lao động thiếu việc làm ở địa phương.
Những năm qua, huyện Thường Xuân đã tập trung tăng cường công tác dạy nghề cho lao động nông thôn, góp phần tích cực vào việc thay đổi diện mạo nông nghiệp, nông thôn, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển, an ninh chính trị ổn định.
Theo ông Cầm Bá Đứng, Phó Chủ tịch UBND huyện, khi thực hiện 3 Chương trình mục tiêu quốc gia, Ban Bí thư Huyện ủy đã đưa vấn đề giải quyết việc làm trở thành nhiệm vụ trọng tâm của huyện. Trong đó có việc định hướng phát triển nhân lực từ lao động tự do thành lao động được đào tạo, có thể làm việc cho các cơ sở, doanh nghiệp trên địa bàn.
“Để thực hiện được mục tiêu này, huyện Thường Xuân đang có nhiều giải pháp, trước tiên là triển khai có hiệu quả các chương trình phát triển sinh kế cho bà con.
Cụ thể là rà soát, dựa trên cơ sở là các lợi thế của địa phương, xây dựng các mô hình chăn nuôi gia súc, gia cầm, ví dụ như chăn nuôi trâu, bò và mở rộng các đối tượng mới như nuôi ong lấy mật. Bên cạnh đó còn các mô hình phát triển trồng trọt, du lịch cộng đồng”, Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết.
Từ kết quả ban đầu của những mô hình này, huyện tiến hành đánh giá, từ đó đẩy nhanh tiến độ vừa đảm bảo việc giải ngân vừa mở rộng các mô hình hiệu quả. Nếu các chương trình dự kiến được triển khai đúng kế hoạch thì số lao động được giải quyết tại địa phương sẽ khá lớn.
Giải pháp thứ 2 của huyện là đẩy nhanh tiến độ các chương trình tư vấn, giới thiệu việc làm cho lao động tự do để dịch chuyển sang làm việc tại các công ty, nhà máy, xí nghiệp trên địa bạn.
Để thực hiện một cách hiệu quả, chính quyền địa phương đã đấu nối với các đơn vị tư vấn, giới thiệu việc làm. Từ đầu năm 2023 đến nay, huyện đã tổ chức được 5 buổi tư vấn, với số đối tượng đến tham dự rất đa dạng, trong đó có nhiều bạn trẻ vừa học xong cấp 3.
“Với những bạn trẻ này, huyện tạo điều kiện tham gia các lớp hướng nghiệp, dạy nghề và tư vấn tham gia lao động tại các công ty, xí nghiệp trong cả nước”, ông Cầm Bá Đứng thông tin thêm.
Giải pháp tiếp theo là đẩy nhanh các hoạt động tổ chức, tuyên truyền, vận động bà con tham gia xuất khẩu lao động có thời hạn tại các thị trường nước ngoài, có thu nhập cao. Trong đó phải kể đến các nước như Hàn Quốc, Nhật Bản và một số nước Đông Âu.
Trong năm 2023, chỉ tiêu lao động xuất khẩu tỉnh giao cho huyện Thường Xuân là 200 nhưng sau 9 tháng đầu năm, tổng số lao động của huyện đi làm việc ở nước ngoài đã đạt hơn 400 và phần lớn các lao động này đều có thu nhập ổn định, giải quyết cơ bản được vấn đề kinh tế cho gia đình.
Ngoài ra, huyện cũng đang tổ chức xúc tiến, kêu gọi các nhà đầu tư vào các khu công nghiệp, cụm công nghiệp của huyện. Trong đó, những doanh nghiệp sử dụng số lao động lớn, ví dụ như về may mặc, giày da, chế biến nông lâm sản sẽ được khuyến khích.
Một vấn đề quan trọng nữa là địa phương đang phối hợp với các đơn vị trên địa bàn, đẩy nhanh công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho người lao động.
Theo ông Đứng, qua rà soát, hiện nay Thường Xuân có khoảng gần 6.000 lao động có nhu cầu được đào tạo nghề. Đến nay, huyện đã xây dựng xong kế hoạch và dự kiến sẽ tổ chức 60 lớp dạy nghề, trên thực tế, số lớp dạy nghề đã được triển khai là 30 lớp, tập trung ở các xã vùng cao như Yên Nhân, Bát Mọt, Vạn Xuân, Xuân Chinh, Xuân Lệ, Tân Thành…
“Mục tiêu đề ra của huyện là trong năm 2023, có khoảng 6.000 lao động sẽ được đào tạo nghề với các ngành nghề được hướng tới là tiểu thủ công nghiệp, mây tre đan, phát triển du lịch, phát triển chăn nuôi, trồng trọt”, lãnh đạo UBND huyện nhấn mạnh.
Theo vị lãnh đạo này, nếu 5 giải pháp nói trên được triển khai và thực hiện đồng bộ thì chắc chắn hiệu quả của các chương trình mục tiêu quốc gia trong đó có giảm nghèo bền vững và phát triển kinh tế, xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số sẽ đạt kết quả tốt, đúng với mục tiêu của tỉnh và huyện đã đề ra.