| Hotline: 0983.970.780

Yên tâm học nghề, việc làm thu nhập tốt không thiếu

Thứ Ba 31/10/2023 , 06:00 (GMT+7)

Chính quyền huyện miền núi Nam Giang thừa nhận, đào tạo nghề rồi đưa lao động đi làm việc ở nước bạn Lào là chương trình thiết thực, hiệu quả nhất ở địa phương từ trước đến nay.

Bài toán việc làm cho lao động miền núi

Nam Giang là huyện thuộc vùng núi cao của tỉnh Quảng Nam với đa phần là người đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống. Do địa hình hầu hết là đồi núi, đất sản xuất nông nghiệp ít nên cuộc sống của người dân nơi đây chủ yếu phụ thuộc vào nương rẫy, trồng keo nguyên liệu. Mặc dù vậy, những năm qua, giá keo nguyên liệu lên xuống thất thường đã ảnh hưởng không nhỏ đến kinh tế các hộ gia đình, thu nhập bấp bênh, thiếu ổn định.

Theo thống kê của Phòng Lao động - Thương binh & Xã hội huyện Nam Giang, hiện nay trên địa bàn có khoảng 20.200 người trong độ tuổi lao động với hơn 17.000 người lao động trong lĩnh vực nông nghiệp. Số lượng lao động rất lớn, điều kiện kinh tế, xã hội của huyện còn khó khăn nên nhu cầu việc làm thường xuyên trên địa bàn rất ít, không thể đáp ứng đủ. Điều này dẫn đến người dân phải đi làm thuê ở nhiều nơi, công việc lúc có lúc không, thu nhập thấp, kéo theo tỷ lệ hộ nghèo cao.

Đến nay, huyện Nam Giang (Quảng Nam) đã đưa được 152 lao động qua làm việc ở Lào với thu nhập ổn định. Ảnh: L.K.

Đến nay, huyện Nam Giang (Quảng Nam) đã đưa được 152 lao động qua làm việc ở Lào với thu nhập ổn định. Ảnh: L.K.

Trước thực tế này, nhiều năm qua, chính quyền huyện Nam Giang đã nỗ lực kết nối với các cơ sở đào tạo nghề cũng như các công ty, doanh nghiệp nhằm tìm kiếm việc làm cho người lao động địa phương. Thế nhưng, vì nhiều lý do khác nhau mà hiệu quả mang lại của các hoạt động kết nối này rất thấp.

Ông Bh Nướch Hải, Trưởng Phòng Lao động - Thương binh & Xã hội huyện Nam Giang cho rằng, lao động là đồng bào miền núi chậm về nhiều mặt như trình độ, năng lực, kỹ năng. Do đó, khi vào làm việc trong các cơ sở sản xuất công nghiệp thì không thể đáp ứng được. Sau một thời gian ngắn, nhiều lao động bỏ việc trở về địa phương. Ngoài ra, một số người còn có tâm lý e ngại, không muốn đi làm xa.

“Người đồng bào ở đây ai cũng khó khăn cả. Chính quyền huyện rất tâm tư, cũng mong muốn tạo điều kiện cho bà con có việc làm, thu nhập ổn định nhưng thật sự nhiều lúc bế tắc. Sau nhiều lần xảy ra tình trạng lao động bỏ việc ở các nhà máy, khu công nghiệp về nhà như vậy, chúng tôi rút ra được kinh nghiệp để tìm kiếm, kết nối các công việc phù hợp với phong tục, tập quán và trình độ của người dân hơn”, ông Hải chia sẻ.

Đến năm 2022, Công ty CP Tập đoàn Trường Hải (Thaco) có chương trình tuyển dụng lao động đi làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp tại Lào, trong đó ưu tiên cho lao động ở các huyện miền núi đã mở ra cơ hội cho Nam Giang. Mặc dù vậy, thời gian đầu, việc vận động người dân đăng ký tham gia không hề dễ dàng. Nhiều người sợ đi làm xa, nhiều người sợ bị lừa khi qua nước ngoài. Vậy nên, chính quyền địa phương đã phải xuống từng thôn bản, đến từng nhà để tuyên truyền, vận động.

“Mình giải thích cho bà con đây là chương trình đưa lao động ra nước ngoài làm việc theo kênh chính thống, có biên bản cam kết giữa 3 bên là địa phương, cơ sở đào tạo và doanh nghiệp tiếp nhận. Khi tham gia, người lao động sẽ được đào tạo trong vòng 3 tháng gồm 1 tháng học lý thuyết và 2 tháng trực tiếp thực hành ở nông trại bên Lào. Mọi chi phí đào tạo, đưa đón người lao động đều được miễn phí. Mưa dầm thấm lâu, dần dần bà con cũng hiểu và bắt đầu đăng ký”, ông Hải nói.

Chương trình hiệu quả nhất từ trước đến nay

Tính đến nay, huyện Nam Giang đã phối hợp với các cơ quan liên quan đưa được 152 người lao động ở tất cả 12 xã, thị trấn qua làm việc tại các nông trường trồng chuối ở Lào. Hầu hết, người lao động đều tiếp nhận công việc rất tốt và được hưởng đầy đủ các chế độ phúc lợi xã hội. Mỗi tháng, tùy theo từng công việc, mỗi người được nhận mức lương trung bình từ 450 - 500 USD, thu nhập cao hơn, ổn định hơn rất nhiều so với đi làm thuê ở địa phương.

Được biết, sau khi kết thúc chương trình đào tạo nghề, người lao động phải cam kết làm việc cho công ty trong vòng 14 tháng. Những người có nguyện vọng muốn làm việc lâu dài, doanh nghiệp sẵn sàng ký hợp đồng dài hạn. Một chế độ phúc lợi khác rất tốt là trừ những dịp lễ, Tết, trong quá trình làm việc, cứ trung bình 2 tháng, người lao động sẽ được nghỉ 8 ngày để về thăm gia đình.

Người lao động được đào tạo kỹ năng trước khi làm việc tại các nông trường trồng chuối ở Lào. Ảnh: L.K.

Người lao động được đào tạo kỹ năng trước khi làm việc tại các nông trường trồng chuối ở Lào. Ảnh: L.K.

Anh Alăng Phước (trú thôn Kông Tơ Rơn, xã La Dêê, Nam Giang) sau khi tốt nghiệp Đại học khoa Công nghệ thông tin trở về làm hành chính ở xã. Do mức lương thấp, anh Phước xin nghỉ việc rồi đi làm thuê đủ các nghề khác nhau nhưng thu nhập cũng chỉ đủ trang trải qua ngày, không dư giả gì. Khi nghe địa phương có chương trình đưa lao động sang Lào làm việc, anh Phước đã đăng ký tham gia.

Anh Phước là 1 trong những người lao động thuộc khóa đầu tiên “xuất ngoại” làm việc vào tháng 6/2022. Với trình độ sẵn có, sau khi qua nông trại trồng chuối ở Lào, anh được phân công công việc giám sát hoạt động cắt bắp, bao buồng. “Nhìn chung thì công việc ở đây cũng nhẹ nhàng, chúng tôi được lo chỗ ở còn tiền ăn thì tự chi trả.

Hiện tại, tiền lương của tôi sau khi trừ bảo hiểm, chi phí ăn uống, xăng xe cũng tiết kiệm được từ 7 - 8 triệu đồng mỗi tháng. Qua đây mới có tiền dư như vậy chứ hồi trước ở quê không có đâu. Nhìn chung, anh em xác định qua đây làm mà tiết kiệm thì cũng ổn định lắm. Nhiều người thậm chí còn không muốn về quê, ở lại làm "Việt kiều" luôn”, anh Phước cười nói.

Tương tự, anh Bh Nướch Duy (trú thị trấn Thạnh Mỹ, Nam Giang) tốt nghiệp Cao đẳng Kỹ thuật nông nghiệp, ra trường nhưng không có việc làm sau đó xin đi nghĩa vụ quân sự. Hết thời hạn trở về quê, anh Duy không tìm được việc làm ổn định rồi tham gia chương trình đào tạo nghề để đi làm việc ở Lào.

“Qua đây làm công việc ổn định, đều đặn và đỡ vất vả hơn làm thuê ở quê. Hiện tại mức lương của tôi hơn 450 USD, trừ chi phí cũng cũng thường xuyên gửi tiền về phụ giúp cho bố mẹ ở nhà. Có nhiều người qua đây hơn 1 năm rồi tích góp được khoản tiền khá khá gửi về xây dựng lại nhà cửa khang trang hơn”, anh Duy chia sẻ.

Theo đại diện Phòng Lao động - Thương binh & Xã hội huyện Nam Giang, với những hiệu quả thấy rõ từ chương trình đưa lao động qua làm việc tại Lào, cùng với sự tuyên truyền của địa phương, người lao động trực tiếp tham gia đã tạo ra sức lan tỏa rất lớn. Hiện nay, đang có rất nhiều người dân đăng ký tham gia, có những trường hợp cả 2 vợ chồng cùng đi 1 đợt. Thậm chí có người vừa đi xuất khẩu lao động ở Nhật Bản 1 thời gian ngắn cũng quyết định về quê để xin qua Lào làm việc.

“Khác với nhưng năm trước, những lao động địa phương qua Lào làm việc chưa có trường hợp nào tự ý bỏ về. Có thể nói rằng, đây là chương trình thiết thực nhất, được bà con hưởng ứng nhất và hiệu quả nhất của huyện Nam Giang từ trước đến nay. Chương trình này sẽ kết thúc vào năm 2025 nên chúng tôi đang tranh thủ thời gian, dự kiến trong các năm tới, mỗi năm chúng tôi sẽ phấn đấu đào tạo nghề và đưa khoảng 500 lao động qua làm việc tại nước bạn Lào”, ông Bh Nướch Hải thông tin.

Ông Phan Tiềm, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Thaco Quảng Nam (đơn vị đào tạo nghề) cho biết: “Chúng tôi đang phối hợp với Phòng Lao động - Thương binh & Xã hội huyện Nam Giang tuyển đối tượng là những em đã tốt nghiệp trung cấp, cao đẳng, đại học chưa có việc làm để bồi dưỡng ngắn hạn, sau đó bố trí các công việc gián tiếp ở các văn phòng như văn thư, hành chính, kế toán, nhân sự, thủ kho. Đối với những em chưa qua đào tạo nghề, chúng tôi sẽ đưa về Trường Cao đẳng Thaco hoặc trung tâm đào tạo bên Lào để đào tạo các em trở thành kỹ thuật viên trong lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi. Nhu cầu của chúng tôi rất lớn, chỉ sợ địa phương không cung cấp đủ. Quan điểm của chúng tôi là ưu tiên cho các huyện Nam Giang, Phước Sơn và những huyện giáp với nông trường của công ty ở bên Lào”.

Xem thêm
Làng nghề làm khô cá đồng Tân Châu tất bật vào vụ Tết

An Giang Sản phẩm từ làng nghề làm khô cá đồng tại Tân Châu ngày càng được mở rộng kênh tiêu thụ thông qua thương mại điện tử, giúp nâng cao giá trị sản phẩm.

Quỹ Vì Tầm Vóc Việt: Mục tiêu trở thành quỹ xã hội hàng đầu

Trong giai đoạn 2025-2034, Quỹ Vì Tầm Vóc Việt (VTVV) đặt mục tiêu dẫn đầu về chăm sóc sức khỏe học đường, bảo vệ trẻ em và phát triển phụ nữ.

Hà Nội sắp đưa vào sử dụng gần 6.000 căn nhà ở xã hội

Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, gần 6.000 căn hộ tại 11 dự án nhà ở xã hội dự kiến sẽ hoàn thành và đưa vào sử dụng trong giai đoạn 2024 - 2025.

Thu ngân sách Nhà nước đạt hơn 97% dự toán

Sau 10 tháng, tổng thu ngân sách Nhà nước ước đạt 1.654,2 nghìn tỷ đồng, bằng 97,2% dự toán năm và tăng 17,3% so với cùng kỳ 2023.