Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật huyện Vĩnh Thuận (Kiên Giang) phối hợp với chính quyền địa phương vừa tổ chức hội thảo đầu bờ mô hình áp dụng giải pháp giảm lượng phân hóa học trong sản xuất lúa nền đất nuôi tôm năm 2023. Mô hình được thực hiện tại hộ bà Lê Thị Hà ở ấp Vĩnh Trinh, xã Vĩnh Thuận (huyện Vĩnh Thuận) với quy mô 1ha/điểm và đối chứng 1ha/điểm, thời gian triển khai từ tháng 7/2023. Giống lúa được gieo sạ là ST24.
Vĩnh Thuận là huyện vùng sâu của tỉnh Kiên Giang, đời sống của người dân chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp. Đặc biệt trong hai năm qua giá cả phân bón, vật tư nông nghiệp không ngừng tăng cao, từ đó đã đội chi phí đầu tư trong sản xuất tăng, kéo theo hiệu quả kinh tế thấp, đời sống người dân ngày càng khó khăn.
Mô hình nhằm mục tiêu hướng cho nông dân tiếp cận quy trình kỹ thuật sản xuất lúa hữu cơ, mang lại hiệu quả kinh tế bền vững; cải tạo lại nền đất ruộng đang dần thoái hoá, ô nhiễm, bạc màu, nghèo dinh dưỡng do lạm dụng phân bón hoá học.
Tại hội thảo, Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật huyện Vĩnh Thuận đã báo cáo kết quả thực hiện mô hình. Theo đó, việc sử dụng phân bón hữu cơ tại mô hình trình diễn bước đầu đã cho thấy hiệu quả cao, giúp cải tạo đất; cung cấp đa, trung, vi lượng cân đối cho cây lúa giúp bộ rễ phát triển sâu, hút được nhiều dinh dưỡng, lúa mau hồi phục khi gặp thời tiết bất lợi. Lúa xanh bền màu, năng suất cao, hạn chế được bệnh vàng lá chín sớm, đạo ôn cổ bông... Rễ lúa phát triển tốt, lúa chuẩn bị thu hoạch nhưng màu lá đòng vẫn còn xanh, đứng; tỉ lệ hạt chắc cao, hạt sáng, mẩy.
Kết quả hạch toán kinh tế, ruộng đối chứng có tổng chi phí sản xuất 18,8 triệu đồng/ha, ruộng mô hình tổng chi phí 15,3 triệu đồng/ha. Ruộng mô hình giảm được 3 lần phun thuốc bảo vệ thực vật, năng suất tăng từ 15 – 20%, lợi nhận cao hơn ruộng đối chứng 3,6 triệu đồng/ha.
Qua tham quan 2 mô hình trình diễn, bà con nông dân đánh giá cao và đồng tình ủng hộ nhân rộng mô hình. Mô hình cho thấy bón phân hữu cơ đã góp phần giúp cây lúa phát triển khỏe, có khả năng chống chịu tốt với sâu bệnh hại, qua đó giảm thiểu sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, bảo vệ môi trường sinh thái và sức khỏe người sản xuất, giảm chi phí, tăng lợi nhuận...
Mô hình đã giúp giảm hơn 40% lượng phân hóa học, giảm phát thải khí nhà kính. Qua đó, giúp bà con nông dân thay đổi tư duy sản xuất và phương thức canh tác để nâng cao giá trị sản phẩm, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, hướng tới nền nông nghiệp bền vững. Mô hình là tiền đề để nông dân mạnh dạn chuyển sang canh tác hữu cơ trong thời gian tới.