Giám đốc Ban quản lý dự án huyện Cao Phong xây nhà trên đất rừng
Để làm rõ thông tin việc một cán bộ lãnh đạo huyện Cao Phong xây nhà, làm trang trại chăn nuôi trái phép trên đất rừng sản xuất, chiều 24/5, phóng viên NNVN đã liên hệ với ông Nguyễn Văn Kỳ - Giám đốc Ban quản lý Dự án đầu tư xây dựng huyện Cao Phong, tỉnh Hòa Bình.
Ông Nguyễn Văn Kỳ xác nhận có việc ông Kỳ làm nhà trên đất rừng sản xuất để em trai trông nom trang trại của mình. Hàng ngày, ông Kỳ vẫn về căn nhà xây trái phép trên đất rừng đó để nghỉ trưa.
Không chỉ xây nhà trái phép, ông Kỳ còn làm trang trại chăn nuôi kết hợp trồng trọt trên đất rừng sản xuất khi chưa được cơ quan chức năng có thẩm quyền cho phép chuyển đổi mục đích sử dụng đất.
Ngoài ra, ông Kỳ cũng xác nhận có bán đất rừng để Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Anh Đặng triển khai đại dự án xây dựng bê tông hóa đất rừng đỉnh Cun mang tên “Khu trang trại nông, lâm nghiệp kết hợp du lịch sinh thái Kami Cun Hill”.
Dự án này triển khai trên diện tích hơn 6,3ha. Chủ đầu tư dự kiến xây dựng các hạng mục gồm: nhà trung tâm đón khách, nhà du lịch cộng đồng: 300m2; xây dựng 20 nhà dạng bungalow rộng 35m2/nhà (tương đương 700m2); xây dựng 3 nhà dạng nhà sàn: 450m2; nhà hàng: 600m2; khu bếp, nhà kho: 200m2; khu nhà ở cho nhân viên: 200m2; nhà bảo vệ: 20m2; khu hạ tầng kỹ thuật điện, bể nước 300m2; khu vui chơi ngoài trời 2.000m2; đường giao thông nội bộ, sân bãi đỗ xe: 3.500m2; còn lại là khu vực trồng rau, củ quả chất lượng cao; khu vực trồng cây ăn quả và cây lấy gỗ lâu năm tạo cảnh quan sinh thái.
Dự án Kami Cun Hill chưa được UBND tỉnh phê duyệt chủ trương đầu tư, nhưng đã xây dựng rất nhiều hạng mục bê tông hóa như nhà lớn, bể bơi, sân vườn, đường đi, kè ta luy… làm biến dạng đất rừng sản xuất, rừng phòng hộ; cây cối không thể mọc.
Ông Nguyễn Văn Kỳ - người hiểu luật ngang nhiên vi phạm pháp luật!
Là Giám đốc Ban quản lý Dự án đầu tư xây dựng huyện Cao Phong, chắc chắn ông Nguyễn Văn Kỳ phải là người nắm rõ các quy định pháp luật liên quan đến đầu tư xây dựng. Là một đảng viên, ông Kỳ càng phải thực hiện trách nhiệm nêu gương về phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống và vai trò tiền phong, gương mẫu trước nhân dân.
Đồng thời, ông Nguyễn Văn Kỳ cũng phải gương mẫu thực hiện nghĩa vụ công dân; tuyên truyền, vận động gia đình và nhân dân thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và các quy định của địa phương.
Thế nhưng, đi ngược lại trách nhiệm của một đảng viên; ông Nguyễn Văn Kỳ đã có hành vi vi phạm Quy định số 47-QĐ/TW của Ban Chấp hành Trung ương về những điều đảng viên không được làm, cụ thể ở đây là làm những việc mà pháp luật không cho phép (xây nhà, công trình trên đất rừng sản xuất khi chưa được cơ quan chức năng cho phép chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng).
Theo Luật sư Nguyễn Văn Hải – Đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội: Trường hợp xây dựng nhà và làm trang trại trồng trọt, chăn nuôi ở trên đất rừng sản xuất là hành vi không được pháp luật cho phép. Theo quy định tại Điều 10 Nghị định số 91/2019/NĐ-CP xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai, trường hợp chuyển đất rừng sản xuất là rừng trồng sang mục đích khác trong nhóm đất nông nghiệp thì có thể bị phạt tiền lên tới 20.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng.
Còn trong trường hợp chuyển đất rừng sản xuất là rừng trồng sang đất phi nông nghiệp thì có thể bị xử phạt tiền cao nhất là 250.000.000 đồng.
Ngoài ra, người thực hiện hành vi vi phạm buộc phải khôi phục lại tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm đối với các trường hợp trên. Đồng thời, buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm trên; số lợi bất hợp pháp được xác định theo quy định tại khoản 1 Điều 7 của Nghị định này.
Ông Nguyễn Văn Kỳ mới là chủ nhân thực sự của khu đất dự án Kami Cun Hill
Luật sư Nguyễn Văn Hải cũng cho biết: Trên thực tế, diện tích Công ty Anh Đặng đầu tư xây dựng dự án Kami Cun Hill (bao gồm nhà nghỉ phục vụ khách thăm quan; biệt thự nghỉ dưỡng, khu nhà ở cho nhân viên phục vụ, hồ bơi và các hạ tầng kỹ thuật...) là hơn 63.000m2 đất rừng (trong đó gồm 17.700m2 đất rừng phòng hộ và hơn 40.000m2 đất rừng sản xuất, còn lại là loại đất khác).
Mặt khác, theo hợp đồng chuyển nhượng giữa ông Nguyễn Văn Kỳ và Công ty Anh Đặng ký biên bản thỏa thuận chuyển nhượng 63.430m2 đất để công ty Anh Đặng thực hiện dự án là đất rừng sản xuất với mục đích thực hiện dự án “Khu trang trại nông lâm nghiệp kết hợp với du lịch sinh thái Kami Cun Hill”.
“So sánh giữa đối tượng được chuyển nhượng và mục đích sử dụng đất của dự án được đề cập trong nội dung hợp đồng với tình hình diễn biến trên thực tế thì đã có sự sai lệch lớn theo quy định của pháp luật. Và thực chất thì hợp đồng trên không chỉ chuyển nhượng đất rừng sản xuất mà còn bao gồm một phần lớn diện tích là đất rừng phòng hộ (bên chuyển nhượng buộc phải biết đất được chuyển nhượng có bao gồm cả đất rừng phòng hộ vì có giấy CNQSĐ)”, Luật sư Hải phân tích.
Tại Khoản 2 Điều 191 Luật đất đai năm 2013 quy định về những trường hợp không được nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho quyền sử dụng đất, thì: “Tổ chức kinh tế không được nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng của hộ gia đình, cá nhân, trừ trường hợp được chuyển mục đích sử dụng đất theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt”.
Như vậy, việc nhận chuyển nhượng đất rừng phòng hộ từ hộ gia đình của công ty Anh Đặng là một trong những điều cấm của pháp luật đất đai (đất chuyển nhượng chưa được chuyển mục đích sử dụng đất theo quy hoạch) theo quy định tại Điều 123 – Bộ Luật Dân sự 2015.
“Do hợp đồng chuyển nhượng đất vô hiệu nên thửa đất trên vẫn thuộc quyền sở hữu của bên chuyển nhượng (hộ ông Nguyễn Văn Kỳ), căn cứ theo Khoản 1,2 Điều 131 – Bộ Luật Dân sự về hậu quả pháp lý của giao dịch dân sự vô hiệu”, Luật sư Nguyễn Văn Hải khẳng định.
Cơ quan chức năng của tỉnh Hòa Bình cần xác định rõ, dự án xây dựng trái phép Kami Cun Hill được triển khai trên diện tích đất do ông Nguyễn Văn Kỳ đang quản lý sử dụng, đồng thời xử phạt vi phạm liên quan hành vi hủy hoại đất rừng phòng hộ, rừng sản xuất của chủ sử dụng đất.