| Hotline: 0983.970.780

Giảm vụ, bỏ tâm lý ganh đua để trồng lúa ở ĐBSCL có lãi hơn

Thứ Tư 12/04/2023 , 08:15 (GMT+7)

Cùng với áp dụng đồng bộ giải pháp cơ giới hóa và các tiến bộ kỹ thuật, nên nghiên cứu giảm vụ, bỏ tâm lý ganh đua của nông dân trong sản xuất lúa.

Áp dụng tốt kỹ thuật, vẫn có lãi khá

Trước những tác động bất lợi của biến đổi khí hậu, thời tiết diễn biến ngày càng phức tạp, tình trạng nhiễm mặn và khô hạn thường xuyên xảy ra và kéo dài khiến cho canh tác lúa ở ĐBSCL gặp rất nhiều khó khăn.

Empty

Giảm giống gieo sạ là khâu then chốt kéo theo giảm chi phí ở các khâu sau. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Bài liên quan

Thời gian gần đây, nước từ thượng nguồn sông Mê Kông chảy về vùng Châu thổ Cửu Long ngày càng ít dần nên lượng phù sa không còn dồi dào như trước. Đặt biệt, nhiều năm nay, nông dân trồng lúa ở ĐBSCL ngao ngán trước bối cảnh cái gì cũng tăng giá, nhất là giá vật tư nông nghiệp, trong đó giá phân bón, thuốc BVTV, xăng dầu tăng liên tục khiến người trồng lúa khó có lãi, thậm chí thua lỗ nếu nông dân thuê đất.

ĐBSCL đang vào cuối vụ thu hoạch lúa đông xuân 2023. Ngành nông nghiệp ước tính trung bình năng suất lúa từ 8 - 9 tấn/ha (bằng đến thấp hơn so với cùng kỳ năm rồi). Theo điều tra của ngành nông nghiệp Kiên Giang, Hậu Giang và TP Cần Thơ, trong tình hình giá vật tư đầu vào tăng cao, các địa phương này đã có khoảng 70 - 80% nông dân áp dụng các biện pháp khoa học kỹ thuật mới để giảm giá thành.

Các biện pháp canh tác được áp dụng phổ biến như quản lý nước, giảm giống gieo sạ từ 150 - 180kg/ha xuống còn 80 - 110kg/ha, đặc biệt là giảm lượng phân bón, phun thuốc BVTV mà thay thế vào đó tăng cường sử dụng phân, thuốc hữu cơ sinh học...

Theo nhiều nông dân có kinh nghiệm trong sản xuất lúa ở ĐBSCL, vụ hè thu là vụ sản xuất đầy áp lực như thời tiết nắng nóng, thiếu nước bơm tưới, bón phân dễ bóc hơi, phun thuốc trừ sâu bệnh cũng nhiều hơn, chuột bọ xuất hiện nhiều… Trong khi đó, năng suất lúa vụ hè thu lại không cao bằng vụ đông xuân, nếu hộ nào yếu kỹ thuật hay bón phân, phun thuốc BVTV mạnh tay thì xem như như hòa vốn hoặc lỗ nếu bán lúa dưới 5.000 đồng/kg.

Empty

Trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt, giá vật tư nông nghiệp tăng cao, người trồng lúa cần thay đổi nếp nghĩ, cách làm, đặt biệt sử dụng phân bón và thuốc BVTV phải thông minh. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Ở xã Trường Xuân, huyện Thới Lai (TP Cần Thơ), có đến 90% nông dân áp dụng khoa học kỹ thuật, áp dụng mô hình giảm giống, giảm phân, giảm thuốc BVTV… và đã mang lại kết quả cao trong vụ hè thu, thu đông 2022 và cả vụ lúa đông xuân 2023, đây cũng được xem là mô hình điểm của Cần Thơ.

Anh La Văn Thành, sống tại xã Trường Xuân đang canh tác 7ha lúa OM 5451. Vụ hè thu năm rồi anh Thành áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong canh tác lúa, đặc biệt việc giảm giống, giảm phân bón được anh xem là khâu then chốt.

Anh Thành chia sẻ: Thay vì trước đây 1ha phải sạ từ 200 - 220kg giống, giờ chỉ còn 100 - 110kg, phân bón cũng giảm từ 25 - 30%, số lần phun thuốc BVTV cũng giảm 1 - 2 cữ… mà cuối vụ năng suất lúa vẫn đạt khá, giúp gia tăng lợi nhuận.

“Trong vụ hè thu năm 2022, tôi canh tác 7ha lúa áp dụng giảm giống, giảm phân bón, giảm số lần phun thuốc BVTV không cần thiết và quản lý nước kỹ hơn nên chi phí cả vụ giảm từ 35 - 40% so với các vụ trước, dù lúa không xanh tốt như trước đây khiến người trong gia đình có phần lo lắng cách làm này. Tuy nhiên cuối vụ, kết quả mang lại khá khả quan, bên cạnh đó lúa ít đổ ngã, năng suất lúa đạt 650 - 700kg/công tầm lớn, sau khi trừ chi phí lãi từ 1,4 - 1,5 triệu đồng/công” anh Thành nói.

Vụ đông xuân 2022 - 2023, anh Thành vẫn áp dụng các biện pháp kỹ thuật giảm phân, giảm thuốc và tăng cường sử dụng các sản phẩm sinh học hữu cơ nên năng suất đạt 1,2 tấn/công, bán giá 6.300 đồng/kg, giúp anh có lợi nhuận gần 4 triệu đồng/công.

Bỏ thói quen ganh đua trong sản xuất lúa

Trong điều kiện thời tiết bất lợi, giá vật tư tăng cao, giải pháp nào để trồng lúa có lời đang là dấu hỏi lớn và là mong mỏi của nông dân. Đây cũng là bài toán mà nhiều ngành chức năng đang quan tâm. Trong xu thế hiện nay, ngành nông nghiệp khuyến cáo nhà nông mạnh dạn chuyển đổi từ tư duy sản xuất nông nghiệp truyền thống sang tư duy kinh tế nông nghiệp để giảm chi phí, tăng hiệu quả kinh tế.

Ganh đua với nhau trong canh tác lúa, vô hình trung đã làm tăng chi phí sản xuất, giảm lợi nhuận. Ảnh: Trung Chánh.

Ganh đua với nhau trong canh tác lúa, vô hình trung đã làm tăng chi phí sản xuất, giảm lợi nhuận. Ảnh: Trung Chánh.

Tuy nhiên, hiện nay ở ĐBSCL, không ít nông dân vẫn còn tập quán canh tác theo lối truyền thống, với suy nghĩ theo cách cũ như: Phải sạ dày cho ruộng lúa có nhiều cây sẽ cho nhiều bông (có nơi sạ từ 220 - 250kg giống/ha), bón phân tối đa và phun thuốc BVTV nhiều cữ… Làm như vậy cây lúa mới xanh đẹp, nhìn thật đã mắt và luôn muốn ruộng mình phải đẹp hơn ruộng các hộ xung quanh mới hài lòng. Vì ganh đua với nhau trong canh tác lúa, vô hình trung đã làm tăng chi phí sản xuất, dù cuối vụ năng suất có thể cao, nhưng trừ chi phí thì lợi nhuận rất thấp, thậm chí thua lỗ.

Từ lâu, ngành nông nghiệp luôn khuyến cáo nhà nông nên ứng dụng tiến bộ kỹ thuật trong canh tác lúa như “3 giảm 3 tăng”, “1 phải 5 giảm” và sử dụng thuốc BVTV theo nguyên tắc "4 đúng". Đây là các giải pháp cơ bản giúp nông dân giảm chi phí, nhưng vẫn tối ưu được năng suất (trong điều kiện tiết kiệm), đảm bảo chất lượng lúa hàng hóa.

Mặt khác, trong điều kiện thời tiết ngày càng khắc nghiệt, giá vật tư nông nghiệp tăng cao như hiện nay, người trồng lúa cần thay đổi nếp nghĩ, cách làm, đặt biệt trong sử dụng phân bón và thuốc BVTV phải thông minh để tăng hiệu quả sản xuất, tiết kiệm chi phí, tăng lợi nhuận.

Tối ưu năng suất trong điều kiện khó khăn, nâng cao chất lượng lúa hàng hóa nhưng giảm giá thành sản xuất để làm lúa có lời chính là tư duy phù hợp với xu thế mới. 

Chỉ làm lúa 2 vụ/năm

Kiên Giang là tỉnh sản xuất lúa lớn nhất khu vực ĐBSCL với diện tích khoảng 290.000ha/vụ. Tuy nhiên, tổng diện tích gieo trồng hàng năm của tỉnh chỉ 700.000 – 720.000ha do chỉ có khoảng 80.000 – 90.000ha sản xuất vụ thu đông (làm 3 vụ/năm) và thêm một phần diện tích luân canh lúa – tôm. Như vậy, đối với vùng chuyên canh lúa của tỉnh, chỉ có một phần sản suất thâm canh tăng vụ, còn lại hơn 2/3 diện tích chỉ sản xuất lúa 2 vụ/năm. Thời gian còn lại cho đất nghỉ ngơi, xả lũ lấy phù sa hoặc luân canh rau màu.

Kiên Giang có hơn 2/3 diện tích đất lúa chỉ sản xuất lúa 2 vụ/năm, thời gian còn lại cho đất nghỉ ngơi, xả lũ lấy phù sa hoặc luân canh rau màu. Ảnh: Trung Chánh.

Kiên Giang có hơn 2/3 diện tích đất lúa chỉ sản xuất lúa 2 vụ/năm, thời gian còn lại cho đất nghỉ ngơi, xả lũ lấy phù sa hoặc luân canh rau màu. Ảnh: Trung Chánh.

Theo tính toán của bà con nông dân, việc sản xuất 3 vụ lúa/năm khiến quỹ thời gian cách vụ, cho đất nghỉ ngơi rất ít, kể cả việc vệ sinh đồng ruộng cũng rất cập rập. Do đó, làm lúa tăng thêm nhiều chi phí, nhất là phải tăng lượng phân bón, thuốc BVTV do dịch bệnh gia tăng, lợi nhuận giảm. Việc làm lúa liên tục 3 vụ/năm còn tạo điều kiện cho lúa cỏ (còn gọi là lúa ma) phát triển, nông dân tốn thêm chi phí để xử lý, thậm chí có khi quá nhiều phải trục đi sạ lại, vừa trễ vụ vừa tốn thêm một đợt lúa giống.

Anh Trần Văn Diễn ở ấp Sơn Hòa, xã Nam Thái Sơn, huyện Hòn Đất (Kiên Giang) có 15ha đất chuyên canh lúa. Nhiều năm qua, anh cũng như bà con quanh khu vực chỉ làm lúa 2 vụ/năm. Anh Diễn cho biết: Giảm một vụ lúa nên có nhiều thời gian cho đất nghỉ, phục hồi sau mỗi vụ canh tác. Hơn nữa, làm 2 vụ thì quỹ thời gian nhiều, nông dân có thể chọn các giống lúa dài ngày (từ 3,5 – 4 tháng) để canh tác, cho năng suất cao nên lợi nhuận hơn hẳn so với trồng lúa ngắn ngày.

TS Lê Văn Dũng, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Kiên Giang cho biết, Hòn Đất là huyện có diện tích sản xuất lúa lớn nhất tỉnh, vụ đông xuân 2022 - 2023, toàn huyện gieo sạ gần 80.000ha. Đa số bà con trong huyện chỉ chọn canh tác lúa 2 vụ/năm, theo xu hướng phát triển về nâng cao chất lượng sản phẩm.

Làm 2 vụ/năm không làm đất bị suy kiệt, đảm bảo năng suất, chất lượng cho sản phẩm, đồng thời tạo môi trường sinh thái bền vững, giảm dần việc sử dụng phân hóa học và giảm thuốc BVTV để thay bằng phân bón hữu cơ, qua đó góp phần tạo sản phẩm an toàn, hữu cơ, bảo vệ sức khỏe của người sản xuất và người tiêu dùng.

Xem thêm
Chăn nuôi Bắc Kạn vượt khó: [Bài 1] Cứu cánh từ đàn đại gia súc

Trong bối cảnh dịch tả lợn Châu Phi hoành hành gây thiệt hại lớn, chăn nuôi đại gia súc trở thành cứu cánh của nhiều người dân, hợp tác xã ở tỉnh Bắc Kạn.

Bí kíp nuôi công an toàn dịch bệnh tại các khu du lịch sinh thái

Hải Phòng Công hiện được nuôi làm cảnh tại nhiều khu du lịch sinh thái, do hằng ngày công tiếp xúc nhiều với khách du lịch nên công tác phòng chống dịch bệnh vô cùng quan trọng.

Đầu tư nhà màng cho Mộc Châu: Đã làm, phải lớn

Sơn La Nông dân Mộc Châu có đủ năng lực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Vì vậy việc hỗ trợ đầu tư hệ thống nhà lưới, nhà màng cần thực hiện ở quy mô lớn.