| Hotline: 0983.970.780

Giàng Pằng cao ngất tầng mây

Thứ Ba 23/04/2019 , 09:15 (GMT+7)

Cách đây 14 năm tôi đã lên Sùng Đô, không chỉ do tập truyện ngắn “Lên Sùng Đô” của nhà văn Tô Hoài mê hoặc, mà tôi muốn tận mắt thấy mảnh đất và con người của anh hùng lao động Giàng A Thào đổi thay như thế nào.

1135645568
Thôn Giàng Pằng nằm trên độ cao 1.400m

Hóa ra, đó là một trong ba xã cuối cùng của Văn Chấn có đường ô tô tới, người ta bảo: Đường ô tô mới chỉ đến xã thôi, còn lên Giàng Pằng phải nửa ngày đi bộ nằm tít trên đỉnh núi cao kia…

Mỗi lần ngước mắt lên Sùng Đô tôi lại nhớ tới câu thơ “Giàng Pằng cao ngất tầng mây/ Bên kia Làng Mảnh bên này Sùng Đô”. Lần lên Sùng Đô hơn mười năm trước, Chủ tịch Hội đồng nhân dân xã Giàng A Vư năm đó bảo tôi: Mình đã xem cây chè Suối Giàng rồi, chưa to bằng những cây chè cổ thụ trên Giàng Pằng đâu. Nhiều cây to hai người ôm đấy, cây một người ôm thì có cả nghìn cây không đếm hết…

Lần này lên Giàng Pằng để tận mắt nhìn thấy đại lão chè cổ thụ lớn nhất thế giới mà ông Đào Xuân Thịnh, giám đốc Công ty Thịnh Đạt đã khoe với tôi vừa rồi đưa một chuyên gia về chè của Việt Nam Vũ Thế Ngọc hiện đang định cư ở Mỹ lên xem những cây chè cổ thụ có một không hai trên thế giới.

2135645780
Cây chè đại cổ thụ hai người ôm không kín gốc

Ngược ngàn lên Sùng Đô lần này, con đường bị trận lũ ngày 20/7/2018 tàn phá nặng nề ngồi trên xe tưởng như ngồi trên yên ngựa xóc long óc. Phải mất hơn hai giờ đánh vật với con đường chúng tôi mới tới được Giàng Pằng. Tôi không rõ con đường ô tô mở lên Giàng Pằng năm nào, nhưng cũng chỉ là đường đất thôi, trời mưa xuống thì xe máy cũng khó mà đi được dù người ta phải quấn thêm xích vào bánh bởi dốc cao và trơn trượt.

Giàng Pằng và Làng Mảnh là hai thôn của xã Sùng Đô, nhưng đường lên Giàng Pằng phải qua xã Nậm Mười cách trụ sở xã chừng 20 km. Nhờ có đường ô tô nên người dân hai thôn không mấy người đi theo con đường mòn ngược dốc ngày xưa nữa. Xã Sùng Đô gần giống chiếc móng ngựa nằm trên núi cao, phía dưới là xã Nậm Mười, thôn Giàng Pằng nằm ở chỏm đỉnh cái móng ngựa giáp với Khu bảo tồn thiên nhiên Nà Hẩu, đỉnh núi cao nhất 1.700m.

Lúc này đã hơn mười giờ sáng, nắng và mây mù cứ đan xen nhau, vừa nắng hoe lên một lúc thì mây mù đã ập tới, bản làng cứ nhập nhòa chìm trong sương khói mơ màng. Giàng Pằng có 75 nóc nhà nhưng ở rải rác khắp các triền núi rộng vài cây số vuông. Dọc con đường vào thôn chè cổ thụ mọc như rừng, để thuận tiện cho việc thu hái cây nào cũng bị người ta đốn ngọn, cành tòe ra rộng vài mét vuông. Kỳ lạ thay, nhìn những cây chè già lụ khụ cả trăm năm tuổi rêu phong cổ kính mà lá cứ xanh rì, búp to như búp đa phủ một lớp lông tơ như tuyết phủ. Điều đó thể hiện sức sống mãnh liệt tiềm ẩn trong những thân cây cổ thụ kia, như bất chấp thời gian, nắng mưa, giá rét và mưa tuyết.

313564635
Rễ nổi của cây chè đo được 54cm

Thôn vắng hoe, giờ này lũ trẻ con đi học còn người lớn thì đều ra ruộng ra nương cả. Trưởng bản Giàng A Châu khi nghe tin đoàn công tác có 4 nhà khoa học cùng hai cán bộ kiểm lâm lên khảo sát vùng chè cổ thụ Giàng Pằng, mặc dù đang chăm vợ điều trị ở bệnh viện Nghĩa Lộ anh vội phi xe máy lên đón đoàn dẫn đi xem những đại lão chè cổ thụ.

Trên đoạn đường dẫn chúng tôi tới cây chè mà chuyên gia Vũ Thế Ngọc đã đến, chúng tôi tạt vào ven đường xem một đại lão chè lần đầu tiên trong đời tôi nhìn thấy. Mặc dù tôi đã thấy những cây chè cổ thụ trong Vườn quốc gia Hoàng Liên, Khu bảo tồn thiên nhiên Tà Xùa…thì chưa cây nào lớn hơn những cây chè ở Giàng Pằng. Thân cây chỉ cao hơn một mét, tôi và hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Văn Chấn Vũ Đình Trường ôm chưa kín gốc, lấy thước đo chu vi gốc 2,72m, cành chính chu vi 1m, đường kính tán 10m. Tôi nhờ tiến sĩ Nguyễn Quốc Dựng- Trưởng phòng Khoa học công nghệ và Môi trường thuộc Viện Điều tra quy hoạch rừng đo rễ cây nổi lên mặt đất cao 54cm, dài 3,2m. Như vậy, chu vi của rễ chè phải hơn 100cm, khiến tôi vô cùng kinh ngạc.

Sang cây chè đại lão cổ thụ thứ hai cách cây thứ nhất chừng 50m, đây là cây chè có thân cao và dáng đẹp nhất vùng chè Giàng Pằng, theo định vị vệ tinh GPS thì cây chè đang nằm ở độ cao 1.330m, thân liền cao 2,3m, chu vi gốc 2,22m, chu vi cành lớn nhất 100cm, tán rộng gần 40m2. Dưới tán có rất nhiều những cây chè con to bằng bắp đùi, tuổi đời cũng trên trăm tuổi.

4135646295
Cành chè vừa một người ôm

Giáo sư, tiến sĩ khoa học Đặng Huy Huỳnh, từng là Viện trưởng Viện sinh thái và tài nguyên sinh vật năm nay 91 tuổi, Chủ tịch Hội đồng cây di sản Việt Nam cùng với các tiến sĩ Vũ Văn Dũng, Lê Huy Cường đều là những chuyên gia về cây lâm nghiệp sau khi nghe tin Giàng Pằng có những cây chè đại cổ thụ thì các ông đã lặn lội lên tận nơi để tận mắt nhìn thấy những cây chè to lớn thế nào. Tiến sĩ Lê Huy Cường lắc đầu: Tôi đã thấy rất nhiều cây chè cổ thụ từ Hà Giang đến Lai Châu, Điện Biên, nhưng chưa thấy cây nào to bằng những cây chè ở đây.

Tôi và giáo sư Đặng Huy Huỳnh ngồi xuống gốc chè đại cổ thụ lắng nghe Giàng A Châu nói về cây chè.  Châu cho biết anh là đời thứ 5 được thừa kế cây chè này. Hỏi ai là chủ đầu tiên của cây chè, A Châu chỉ nhớ tên một người là ông Giàng A Páo, ông Páo chết lâu rồi nếu còn sống ông ấy cũng đã hơn 100 tuổi, còn 4 người kia anh không nhớ phải về hỏi người già. Châu lắc đầu: Cây này phải đến 500-600 năm tuổi rồi à…Đây là giống chè Shan, một năm cho 4 vụ hái, cây chè này gia đình anh thu được khoảng 20-30kg chè búp tươi mỗi năm, vào vụ tháng 7 búp nhiều một người cả tiếng đồng hồ mới hái hết.

5135646478
Cây chè cổ thụ của gia đình trưởng bản Giàng A Châu

Theo Giàng A Châu, vùng chè Giàng Pằng ước khoảng 40 ha, những cây chè cỡ hai người ôm mới kín gốc thì có vài chục cây, còn loại một người ôm thì cả nghìn cây, loại bằng bắp đùi thì nhiều lắm không đếm hết. Người dân Giàng Pằng mỗi năm thu hái khoảng 50 tấn chè búp tươi, loại một tôm giá 200.000đ/kg, loại 1 tôm hai lá từ 20.0000-40.000đ/kg, giá cả tùy từng năm. Gia đình nhà A Châu mỗi năm bán chừng 3 tấn chè búp tươi, được khoảng 10 triệu đồng. Nhiều năm giá chè rẻ không ai hái.

Nhà của A Châu nằm ngay đầu thôn Giàng Pằng, có một lá cờ đỏ sao vàng bay phấp phới. Anh không biết người Mông về đất này từ năm nào, đến đời anh là đời thứ sáu hay thứ bảy gì đấy. Người đầu tiên tới đây khai phá vùng đất này là cụ Giàng Pằng, tên cụ cũng là tên của thôn. Bà cô Giàng A Châu tên là Giàng Thị Dinh năm nay 71 tuổi răng đã rụng gần hết nhớ lại: Cây chè mà các mày đến là của cụ Giàng Pằng sau truyền lại cho các con cháu Giàng A Sử, Giàng A Ký, Giàng A Páo, bây giờ đến Giàng A Châu. Mình không biết cây chè này bao nhiêu tuổi đâu, nghe cụ Ký bảo tao sinh ra đã thấy cây chè bằng đó rồi…

Chén nước chè mà A Châu vừa rót mời tôi vàng như màu mật ong, trên mặt lan tỏa một lớp khói mỏng tang, đưa chén nước lên mũi ngửi thấy thơm lừng. Tôi nhấp từng ngụm nhỏ để tận hưởng cái hương vị của loại chè đại cổ thụ nơi này, một vị chát ngọt cứ lưu mãi ở đầu lưỡi. Giáo sư Đặng Huy Huỳnh bảo A Châu: Những cây chè cổ thụ ở đây chính là báu vật của thiên nhiên ban tặng cho người dân Giàng Pằng, nhắc nhở bà con phải bảo vệ để nó nuôi mình con ạ…

6135646717
Các nhà khoa học và đoàn công tác chụp ảnh bên gốc chè cổ thụ
7135646909
GS Đặng Huy Huỳnh (phải) cùng TS Lê Huy Cường trao đổi về tuổi đời một cây chè cổ thụ khác trong rừng chè
8135647454
Tác giả ghi chép những lời Giàng A Châu kể về cây chè cổ thụ
9135647697
Cây chè cổ thụ cạnh nhà bếp nhà Giàng A Châu
Mây núi Giàng Pằng

 

Xem thêm
Thái Nguyên thông qua nghị quyết sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã 2023-2025

Đây là 1 trong 10 nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội được thông qua tại Kỳ họp thứ 18 của HĐND tỉnh Thái Nguyên khóa XIV, nhiệm kỳ 2021-2026.

Syngenta tập huấn kỹ thuật, sử dụng drone an toàn, hiệu quả tại ĐBSCL

Vĩnh Long Ngày 26/4, tại Vĩnh Long, Công ty TNHH Syngenta Việt Nam tổ chức tập huấn cho 230 người điều khiển máy bay phun thuốc BVTV, cách sử dụng an toàn và hiệu quả tại ĐBSCL.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Kỷ lục 120 món ăn chế biến từ sâm dây tại núi rừng Ngọc Linh

Tại núi rừng Ngọc Linh (huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum) đã chứng kiến các đầu bếp chế biến 120 món ăn từ sâm dây và được xác lập kỷ lục Việt Nam.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm