UBND tỉnh Bình Phước vừa ban hành Công văn số 1523/UBND-KT gửi Sở NN-PTNT, Sở Tài chính, Sở Công thương, Sở Giao thông vận tải, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội... và một số đơn vị khác chỉ đạo, tiếp tục triển khai các giải pháp thúc đẩy tiêu thụ nông sản, đáp ứng yêu cầu tại Lệnh 248, Lệnh 249.
Trong đó, UBND Bình Phước yêu cầu các UBND huyện, thị xã, thành phố rà soát năng lực, nhu cầu các cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến nông sản, thực hiện hiệu quả công tác kết nối tiêu thụ nông sản thị trường nội địa giữa các doanh nghiệp sản xuất, HTX, nông dân với doanh nghiệp thu mua, sơ chế, chế biến, các hệ thống phân phối, tiêu thụ sản phẩm.
Đồng thời, các UBND cấp huyện có nhiệm vụ cập nhật các doanh nghiệp, HTX có nhu cầu xuất khẩu nông sản sang thị trường Trung Quốc. Sau đó, tổng hợp và gửi về đầu mối là Sở NN-PTNT tỉnh để theo dõi và hướng dẫn theo quy định.
"Yêu cầu các cơ quan, đơn vị, địa phương có liên quan khẩn trương triển khai thực hiện. Nếu có khó khăn, vướng mắc, báo cáo UBND tỉnh qua Sở NN-PTNT xem xét", Công văn 1523 nêu rõ.
Chỉ đạo của UBND tỉnh Bình Phước đến sau khoảng 2 tuần, tính từ lúc Văn phòng SPS Việt Nam phối hợp Sở NN-PTNT tổ chức Hội nghị phổ biến các quy định và thực thi cam kết về SPS trong hiệp định thương mại tự do thế giới và cập nhật yêu cầu về SPS tại thị trường Trung Quốc.
Tại Hội nghị này, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Bình Phước, bà Lê Thị Ánh Tuyết chia sẻ: "Hội nghị rất có ý nghĩa bởi giúp các HTX, nông dân, doanh nghiệp nắm rõ về thực hiện các cam kết về SPS. Từ đó, địa phương có những thông tin hữu ích, tránh rủi ro, thúc đẩy sản xuất và xuất khẩu nông sản".
Trên tinh thần triển khai nhanh chóng, kịp thời Công văn 1523, Bình Phước tập trung đẩy mạnh nghiên cứu, dự báo và thông tin thị trường trong lĩnh vực xuất khẩu.
Bên cạnh đó, các ngành chức năng của tỉnh sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp trên địa bàn tham quan, khảo sát thị trường nước ngoài, học hỏi kinh nghiệm, đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, tham gia hội chợ, triển lãm, tăng kim ngạch xuất khẩu trực tiếp, đẩy mạnh xuất khẩu chính ngạch.
Song song với duy trì hoạt động giao thương với thị trường truyền thống Trung Quốc, tỉnh sẽ nghiên cứu, khảo nghiệm các sản phẩm điều chế biến sâu mang thương hiệu hạt điều Bình Phước. Từ đó, xây dựng những chương trình xúc tiến thương mại với nhóm thị trường khó tính như Mỹ, châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc.
Bình Phước được xem là thủ phủ điều của cả nước. Theo số liệu đầu năm 2022, toàn tỉnh có khoảng 280 doanh nghiệp và hơn 400 cơ sở kinh doanh, chế biến hạt điều. Trong đó, khoảng 30 doanh nghiệp tham gia xuất khẩu.
Tuy nhiên, số thành viên trong Hội Điều Bình Phước mới khoảng 110. Phần còn lại ít có cơ hội hơn khi tiếp cận những thông tin cập nhật từ các thị trường xuất khẩu.
Trong 2 năm gần đây, ngành điều cả nước nói chung và Bình Phước nói riêng tập trung phát triển theo hướng lấy chế biến làm trung tâm, nhằm nâng cao giá trị sản phẩm để người trồng điều dần cải thiện thu nhập từ loại cây này.
Tỉnh đặc biệt chú trọng vào 3 lĩnh vực: canh tác; chế biến, xuất nhập khẩu điều và chính sách. UBND tỉnh đã giao nhiệm vụ thực hiện cụ thể cho 25 đơn vị, với 10 đầu mối chia thành 3 nhóm nhiệm vụ.
Bên cạnh các giải pháp về giống để đạt năng suất từ 2,5-4,5 tấn/ha, tỉnh còn xây dựng các chương trình quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn GMP, HACCP, ISO 22000…; xây dựng phần mềm truy xuất nguồn gốc; hỗ trợ, hướng dẫn doanh nghiệp chế biến điều được cấp quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý “Bình Phước”.
Ngành điều Bình Phước đặt mục tiêu bình quân xuất khẩu hàng năm là 1 tỷ USD.