| Hotline: 0983.970.780

Giàu từ 'đầu cơ nghiệp'

Thứ Hai 20/01/2020 , 13:15 (GMT+7)

Ngày trước, người dân Tuyên Quang nuôi trâu để lấy sức cày, kéo. Nay cơ giới hóa, máy móc đã thay sức trâu, nhưng tổng đàn vẫn tăng vọt bởi nhiều hộ nuôi trâu để làm giàu.

Làng nuôi trâu

Hình ảnh “con trâu đi trước, cái cày theo sau” đã gắn bó với người nông dân xã Hùng Mỹ, huyện Chiêm Hóa từ xa xưa. Nhưng để làm giàu từ nuôi trâu thì phải đến cuối năm 2017, khi các HTX, tổ hợp tác chăn nuôi trâu, bò vỗ béo được thành lập phong trào chăn nuôi mới phát triển mạnh.

08-18-49_1
Ở các xã Vinh Quang, Hùng Mỹ, huyện Chiêm Hóa đã hình thành những làng nuôi trâu.

Hiện nay, huyện Chiêm Hóa có 7 HTX chăn nuôi trâu, bò vỗ béo với gần 1.000 con. Trong đó, nổi bật là HTX Tiến Quang, xã Vinh Quang và Tổ hợp tác chăn nuôi trâu, bò xã Hùng Mỹ. Ở các xã này nuôi trâu đã trở thành nghề. Gọi là nghề bởi người dân nơi đây quanh năm gắn bó với con trâu và làm giàu từ trâu.

Hộ ông Lương Hải Tuyên ở xã Hùng Mỹ, trước đây là hộ sản xuất nông nghiệp thuần túy. Bởi vậy dù quanh năm lam lũ với ruộng vườn đồng áng, nhưng cuối năm chẳng có cái Tết dư giả.

Năm 2017, chính quyền địa phương tuyên truyền hướng dẫn về các chủ trương, chính sách hỗ trợ và giúp đỡ, khuyến khích trong phát triển sản xuất nông nghiệp của nhà nước. Ông Tuyên bàn với vợ vay 200 triệu đồng theo Nghị quyết 10 của HĐND tỉnh để mua 5 con trâu và xây dựng chuồng trại chăn nuôi đại gia súc. Cùng với đó, ông lắp bể khí sinh học biogas nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường và đầu tư trồng cỏ voi, VA06 phục vụ cho chăn nuôi.

Ông Tuyên bảo, ngay từ nhỏ đã gắn bó với con trâu nhưng hiểu được nuôi trâu như thế nào để lớn nhanh, khỏe mạnh cho hiệu quả kinh tế thì gần như kiến thức còn mơ hồ. Bởi vậy, khi tham gia HTX ông đi tham quan, học tập kinh nghiệm thực tế tại các mô hình trang trại chăn nuôi đại gia súc đặc biệt là nuôi trâu, bò nhốt có hiệu quả ở các địa phương trong tỉnh.

Đi qua những ngày tháng vừa làm vừa học tập vừa rút kinh nghiệm, sau 2 đến 3 tháng nuôi nhốt chuồng đàn trâu của ông Tuyên cho xuất bán. Trừ chi phí, ông lãi 72,9 triệu đồng. Sau đó, ông tiếp tục đầu tư lứa 2, lứa 3 mỗi lứa 15 con.

Gia đình anh Lê Văn Tứ, thôn Liên Nghĩa, xã Vinh Quang là hộ nuôi trâu vỗ béo số lượng lớn nhất huyện Chiêm Hóa. Đến nay, khu chuồng chăn nuôi của gia đình anh có hơn 50 con trâu, bò.

Năm 2017, từ nguồn vốn tích lũy cộng vay thêm ngân hàng, anh Tứ đầu tư 500 triệu đồng xây dựng chuồng trại kiên cố, có hệ thống vệ sinh, máng chăn nuôi, quạt làm mát, cân đo theo dõi trọng lượng… và 12 con trâu, bò giống.

Chỉ tay về đàn trâu béo múp nhẩn nha gặm từng gọng cỏ anh Tứ giải thích rành rọt kỹ thuật chăm sóc cũng như khẩu phần ăn. Anh bảo, trong giai đoạn vỗ béo cứ khoảng 10 ngày lại có khẩu phần ăn khác nhau. Ngoài cám hỗn hợp thì bã bia, bã đậu, thức ăn xanh là những nguồn thức ăn cần thiết.

Anh Tứ nhẩm tính, sau 3 tháng nuôi nhốt, trung bình trọng lượng của mỗi con trâu tăng khoảng 80 kg. Nếu đạt được trọng lượng này, ít nhất 1 con trâu sẽ cho thu lãi 5 triệu đồng. Do thực hiện tốt các khâu chăm sóc đảm bảo quy trình an toàn sinh học, đàn bò của gia đình anh phát triển khá tốt. Từ nuôi trâu, bò vỗ béo, mỗi năm gia đình anh thu lãi khoảng 200 triệu đồng.

08-18-49_2
Nuôi trâu vỗ béo giúp nhiều hộ nông dân ở Tuyên Quang thu lãi cả trăm triệu đồng/năm.

Câu chuyện làm giàu từ chăn nuôi trâu tưởng như xa vời với những người nông dân ở Chiêm Hóa nay đã thành sự thật. Hiện toàn huyện có gần 100 hộ lãi từ 100 đến 200 triệu đồng/năm từ nuôi trâu, bò vỗ béo. Nghề nuôi trâu nơi đây cũng góp phần giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho nhiều nông dân địa phương.
 

Nâng tầm thương hiệu trâu xứ Tuyên

Cái bắt tay bền chặt giữa nhà nông - nhà doanh nghiệp - nhà khoa học và nhà nước đã góp phần làm nên thành công trong phong trào nuôi trâu ở Tuyên Quang. Nhờ đó con trâu xứ Tuyên cũng dần nâng tầm thương hiệu.

Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Tuyên Quang Nguyễn Đại Thành là người nhiều năm lăn lộn với cơ sở. Từ cánh đồng thức ăn đến mỗi ô chuồng chăn nuôi của các trang trại tại mỗi địa phương ông đều điểm mặt. Những lần sâu sát như vậy ông biết được người chăn nuôi tại mỗi vùng đã làm được gì và cần hỗ trợ gì.

Ông Thành bộc bạch, thực tế ở Tuyên Quang có tiềm năng rất lớn phát triển chăn nuôi trâu. Bởi nơi đây có những những giống trâu chất lượng khá tốt, diện tích đồng cỏ tự nhiên và điều kiện khí hậu khá lý tưởng cho con trâu phát triển. Đặc biệt tháng 5/2018, Cục Sở hữu trí tuệ đã cấp giấy chứng nhận bảo hộ độc quyền nhãn hiệu “Trâu ngố Tuyên Quang”

Trong những năm gần đây tỉnh Tuyên Quang đã có nhiều giải pháp, cơ chế chính sách để cải tạo nâng cao tầm vóc đàn trâu địa phương như: Hỗ trợ trâu đực giống nhảy trực tiếp; thực hiện thụ tinh nhân tạo, tổ chức các cuộc thi trâu khỏe, trâu đẹp thông qua qua đó nhằm động viên, khuyến khích người chăn nuôi quan tâm về công tác giống.

Năm 2019, tỉnh có khoảng trên 1.000 lượt trâu cái được phối giống bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo. Nghé được sinh ra có trọng lượng sơ sinh từ 35-42 kg, cao hơn nghé được sinh ra từ phối giống bằng trâu đực nhảy trực tiếp từ 15-20%.

Việc xây dựng thành công chăn nuôi theo chuỗi liên kết cũng là thành công của tỉnh. Mô hình đã tạo sự gắn kết giữa các thành phần tham gia trong chuỗi giá trị sản phẩm thông qua việc ký kết các hợp đồng, xây dựng thương hiệu để ổn định sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, bảo đảm hài hòa lợi ích của các bên tham gia liên kết. 

08-18-49_3
Sau 3 tháng nuôi nhốt, trung bình trọng lượng của mỗi con trâu tăng khoảng 80 kg.
Phát triển chăn nuôi trâu theo hướng hàng hóa đã giúp người nông dân thay đổi nhận thức, tập quán chăn nuôi, từ chăn nuôi không kỹ thuật, chăn nuôi ít kiểm soát sang chăn nuôi có kiểm soát. Hình thức này cũng góp phần bảo vệ sức khỏe cộng đồng, giữ vững cảnh quan môi trường. Và con trâu đang giúp nhiều hộ làm giàu hiệu quả.

Mô hình liên kết giữa HTX Nông nghiệp công nghệ cao Tiến Thành và các HTX chăn nuôi, nông hộ trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang là thành công nổi bật. Từ năm 2017 đến nay, HTX Tiến Thành đã ký hợp đồng cung ứng thức ăn và gần 2.000 con trâu, bò thịt cho các xã thuộc huyện Chiêm Hóa, Yên Sơn, Hàm Yên, Lâm Bình nuôi vỗ béo theo hình thức hợp đồng thỏa thuận và cam kết bao tiêu sản phẩm đầu ra.

Hình thức liên kết này đã giúp người nông dân yên tâm chăn nuôi, tận dụng đất để trồng cỏ và các phế phẩm nông nghiệp như ngọn cây mía, thân, bắp cây ngô để ủ chua dự trữ thức ăn...

Ông Hoàng Văn Oanh, Giám đốc HTX Nông nghiệp công nghệ cao Tiến Thành cho biết, thông qua mô hình liên kết, việc tổ chức lại sản xuất theo hướng tăng cường liên kết giữa các hộ nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp. Từ đó việc để áp dụng khoa học công nghệ trong chăn nuôi được thực hiện bài bản hơn.

Tiếp tục nâng cao hiệu quả kinh tế cũng như gắn chặt quan hệ hợp tác, HTX sẽ sẽ tập trung đầu tư mở rộng hệ thống chuồng trại và hướng dẫn thành viên tuân thủ nghiêm ngặt các quy trình sản xuất bảo đảm an toàn dịch bệnh để đàn vật nuôi đạt chất lượng tốt nhất; tăng cường giới thiệu, quảng bá thương hiệu sản phẩm; phối hợp với các doanh nghiệp tổ chức bao tiêu toàn bộ sản phẩm để các thành viên yên tâm sản xuất.

Năm 2019 tỉnh Tuyên Quang xuất chuồng 18.705 con trâu, tăng 7,8% so với năm 2018; sản lượng thịt hơi là trên 5.706 tấn, tăng 4,8% so năm 2018.

Xem thêm
Bí kíp nuôi công an toàn dịch bệnh tại các khu du lịch sinh thái

Hải Phòng Công hiện được nuôi làm cảnh tại nhiều khu du lịch sinh thái, do hằng ngày công tiếp xúc nhiều với khách du lịch nên công tác phòng chống dịch bệnh vô cùng quan trọng.

Giảng viên IPHM là đầu tàu dẫn dắt nông dân sản xuất bền vững

Các giảng viên đã được trang bị kiến thức về IPHM sẽ giúp nông dân thấy được sức khỏe đất đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng, bảo vệ đất là việc cần phải làm ngay.

Đầu tư nhà màng cho Mộc Châu: Đã làm, phải lớn

Sơn La Nông dân Mộc Châu có đủ năng lực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Vì vậy việc hỗ trợ đầu tư hệ thống nhà lưới, nhà màng cần thực hiện ở quy mô lớn.