| Hotline: 0983.970.780

Phát triển chăn nuôi quy mô công nghiệp gắn với an toàn dịch bệnh

Thứ Năm 07/12/2023 , 13:05 (GMT+7)

Ngành chăn nuôi Quảng Ninh đặt mục tiêu phát triển theo quy mô công nghiệp gắn với an toàn dịch bệnh, nâng cao chất lượng sản phẩm, giá trị kinh tế.

Mô hình chăn nuôi lợn Móng Cái theo hướng an toàn, hữu cơ của nông dân phường Hải Yên (TP Móng Cái). Ảnh: Viết Cường.

Mô hình chăn nuôi lợn Móng Cái theo hướng an toàn, hữu cơ của nông dân phường Hải Yên (TP Móng Cái). Ảnh: Viết Cường.

Theo Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, ngành chăn nuôi Quảng Ninh đặt mục tiêu phát triển theo quy mô công nghiệp gắn với an toàn dịch bệnh, nâng cao chất lượng sản phẩm, giá trị kinh tế. Trong đó, yếu tố vệ sinh môi trường phải được đặc biệt chú trọng để đảm bảo sản xuất bền vững.

Các địa phương đã tích cực chuyển dịch chăn nuôi từ nhỏ lẻ, phân tán sang chăn nuôi tập trung theo trang trại, gia trại, duy trì chăn nuôi nông hộ theo hình thức công nghiệp và ứng dụng công nghệ, kỹ thuật tiên tiến.

Trong đó, các yếu tố về môi trường, phòng ngừa dịch bệnh được quan tâm thực hiện chặt chẽ. Hiện một số doanh nghiệp chăn nuôi lớn trên địa bàn tỉnh đã có những bước đầu tư bài bản như Công ty TNHH Phú Lâm, Công ty TNHH MTV Phát triển Nông lâm ngư Quảng Ninh...

Công ty TNHH Phú Lâm (xã Quảng Nghĩa, TP Móng Cái) là đơn vị chăn nuôi bò quy mô lớn nhất tỉnh, với tổng đàn bò của doanh nghiệp mỗi năm lên đến 20.000-30.000 con. Hiện, trang trại bò Phú Lâm đã đạt tiêu chuẩn GlobalGAP.

Để đạt được tiêu chuẩn này, công ty đã đầu tư hạ tầng đồng bộ với các khu xử lý chất thải, khu nuôi nhốt, khu chế biến và kho trữ thức ăn tách biệt. Riêng khu xử lý chất thải được đầu tư các bể chứa và hệ thống xử lý chất thải đảm bảo không ảnh hưởng đến môi trường trong khu vực.

Kế hoạch phát triển chăn nuôi trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tỉnh đặt ra mục tiêu đến năm 2030, 100% các cơ sở chăn nuôi, giết mổ, cơ sở chế biến sản phẩm chăn nuôi phải có giải pháp kiểm soát môi trường phù hợp, đảm bảo không gây ô nhiễm môi trường và sử dụng có hiệu quả nguồn chất thải cho nhu cầu trồng trọt, nuôi trồng thủy sản, sản xuất năng lượng tái tạo...

Về lâu dài, tỉnh Quảng Ninh có cơ chế khuyến khích các nhà đầu tư xây dựng trang trại sản xuất với quy mô công nghiệp, tập trung, tạo ra sản phẩm chất lượng an toàn, có sản lượng sản phẩm lớn làm hàng hoá, đặc biệt là áp dụng đồng bộ các biện pháp đảm bảo môi trường, an toàn trong chăn nuôi.

11 tháng của năm 2023, hoạt động sản xuất chăn nuôi tỉnh Quảng Ninh nhìn chung thuận lợi, các dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm trên gia súc, gia cầm, như: Lở mồm long móng, tụ huyết trùng, viêm da nổi cục… được kiểm soát tốt, không phát sinh ổ dịch. Các bệnh cúm gia cầm, dịch tả lợn Châu Phi xuất hiện lẻ tẻ tại các địa phương Đầm Hà, Móng Cái, Uông Bí, Vân Đồn được khống chế kịp thời, không lây lan rộng.

Chính quyền địa phương và các ngành chức năng đã tích cực vận động người dân khử trùng, tiêu độc chuồng trại, cơ sở giết mổ và đảm bảo môi trường chăn nuôi. Để ngăn ngừa dịch bệnh trên gia súc, gia cầm lây lan, các ngành chức năng đặc biệt chú ý đến công tác kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật.

Hầu hết các huyện, thị xã, thành phố đã mua sắm đủ loại vacxin năm 2023 và triển khai tiêm phòng cho gia súc, gia cầm; tăng cường vệ sinh tiêu trùng, khử độc... Qua đó, đã góp phần đưa chăn nuôi trên địa bàn Quảng Ninh ngày càng phát triển ổn định.

Tổng đàn gia súc, gia cầm đến nay tăng nhẹ so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, đàn trâu trên 25.800 con, đàn bò gần 30.300 con, đàn lợn gần 272.00 con, đàn gia cầm đạt 5,2 triệu con. Tổng sản lượng thịt hơi xuất chuồng các loại ước đạt trên 71.556 tấn.

Trang trại gà của ông Đoàn Văn Chiến (xã Thượng Yên Công, Uông Bí) được nuôi theo công nghệ nhà lạnh, tiên tiến nhất hiện nay nên đảm bảo vệ sinh môi trường, hạn chế được dịch bệnh. Ảnh: Viết Cường.

Trang trại gà của ông Đoàn Văn Chiến (xã Thượng Yên Công, Uông Bí) được nuôi theo công nghệ nhà lạnh, tiên tiến nhất hiện nay nên đảm bảo vệ sinh môi trường, hạn chế được dịch bệnh. Ảnh: Viết Cường.

Bà Chu Thị Thu Thủy, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y (Sở NN-PTNT), cho biết: Để đảm bảo đạt các chỉ tiêu chăn nuôi năm 2023, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tiếp tục tham mưu Sở NN-PTNT, UBND tỉnh Quảng Ninh xây dựng và thực hiện hiệu quả cơ chế chính sách ngành nông nghiệp.

Phối hợp với các địa phương thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước về chăn nuôi, thú y, quản lý giống vật nuôi, môi trường trong chăn nuôi; sử dụng thuốc thú y và thức ăn chăn nuôi. Cùng với đó, tổ chức thực hiện tốt công tác phòng chống dịch bệnh trên đàn vật nuôi vào các tháng cuối năm để bảo vệ đàn vật nuôi.

Chi cục tiếp tục chủ động theo dõi, nắm bắt biến động của thị trường, tình hình sản xuất chăn nuôi; hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc các địa phương thực hiện tốt các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, xử lý môi trường đảm bảo an toàn trong chăn nuôi trên địa bàn toàn tỉnh.

Đồng thời, tăng cường kiểm tra, giám sát dịch bệnh từ cơ sở; xây dựng cơ sở an toàn dịch bệnh; rà soát, đánh giá điều kiện vệ sinh thú y cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm quy mô nhỏ.

Xem thêm
Gà đồi Phú Bình nức tiếng nhờ chăn nuôi an toàn sinh học

THÁI NGUYÊN Nhắc đến gà đồi Phú Bình là nhắc đến thương hiệu gà đẹp mã, khỏe mạnh, thịt rắn chắc, thơm ngon, trứng có tỷ lệ lòng đỏ cao.

Khuyến nông cộng đồng kết nối phát triển chuỗi giá trị lúa gạo bền vững

HẬU GIANG Khuyến nông cộng đồng là lực lượng nòng cốt, đồng thời là cánh tay đặc lực kết nối doanh nghiệp với tổ chức nông dân phát triển chuỗi giá trị lúa gạo bền vững.

Giống cà chua ngoại hợp đất Mù Cang Chải, năng suất 100 tấn/ha

YÊN BÁI Giống cà chua Beef có nguồn gốc Israel được trồng bằng công nghệ cao, theo tiêu chuẩn VietGAP ở Mù Cang Chải cho năng suất lên tới 100 tấn/ha, chất lượng tốt, giá bán cao.

Bình luận mới nhất