Công ty TNHH Phú Lâm (xã Quảng Nghĩa, TP Móng Cái) là doanh nghiệp chăn nuôi bò với trang trại rộng 1.000ha, tổng kinh phí đầu tư là 2.200 tỷ đồng. Đây là công ty phát triển dự án nông nghiệp lớn nhất tỉnh Quảng Ninh, chuyên chăn nuôi bò với tổng đàn mỗi năm khoảng 20.000 - 30.000 con.
Đồng thời, Phú Lâm là một trong những công ty hàng đầu trong lĩnh vực nhập khẩu, chăn nuôi, cung cấp thịt bò sạch, an toàn và có giá trị dinh dưỡng cao thông qua chuỗi giá trị 3F (Feed - Farm - Food). Trang trại của Phú Lâm đạt tiêu chuẩn GlobalGAP, tiêu chuẩn toàn cầu về thực hành nông nghiệp tốt, nhằm đảm bảo sản xuất nông nghiệp an toàn và bền vững.
Hiện nay, khu vực trồng nguyên liệu của công ty rất phù hợp về thổ nhưỡng và khí hậu để các loại nguyên liệu như cỏ voi, ngô và sắn phát triển tốt cả về chất lượng và năng suất. Công ty đã trồng được 200ha cỏ voi, 120ha trồng sắn và dự kiến sẽ mở rộng diện tích vùng trồng.
Được biết, để đạt hiệu quả kinh tế cao và mở rộng vùng trồng nguyên liệu cho chăn nuôi bò với các mô hình trồng ngô sinh khối, cỏ, sắn làm thức ăn phục vụ cho công ty chăn nuôi bò thịt và bò giống.
Công ty đã liên kết với người dân địa phương triển khai thực hiện mô hình trồng và cung cấp nguồn nguyên liệu phục vụ chăn nuôi bò. Bên cạnh đó, công ty sẽ cung ứng trước giống, phân bón, hướng dẫn kỹ thuật và bao tiêu toàn bộ sản phẩm đầu ra để người dân yên tâm phát triển sản xuất.
Ông Tăng Hữu Hướng, Phó giám đốc Công ty TNHH Phú Lâm, cho biết, nguồn nguyên liệu hiện nay công ty đã trồng và tiến hành thu mua tại các tỉnh khu vực phía Bắc mới đủ nguyên liệu phục vụ cho nuôi bò với quy mô lớn, bởi lượng thức ăn hàng ngày trung bình tiêu tốn khoảng 25kg/con bò/ngày.
Để mở rộng quy mô chăn nuôi cần lượng thức ăn rất lớn cũng như nguồn nhân lực nên Phú Lâm đang cùng với chính quyền địa phương và người dân triển khai mở rộng vùng nguyên liệu tại TP Móng Cái và các huyện lân cận như Tiên Yên, Đầm Hà, Hải Hà nhằm giảm chi phí nhân công, phương tiện và các chi phí phát sinh khác.
Cũng theo ông Hướng, hiện nay các nguồn hàng cung ứng như cám và ngô hạt đang khan hiếm. Để chăn nuôi và phát triển đàn bò thì công ty đang chú trọng đến vấn đề chủ động về nguồn thức ăn bằng cách tự trồng và phát triển các vùng nguyên liệu như cỏ voi, ngô sinh khối và sắn cho năng suất và chất lượng cao nhằm giảm chi phí đầu vào trong chăn nuôi khi thị trường hiện nay giá thịt bò đang có xu hướng giảm.
Bên cạnh đó, TP Móng Cái đã và đang vận động người dân trên địa bàn thực hiện chuyển đổi diện tích lúa, hoa màu kém hiệu quả sang trồng ngô sinh khối, sắn, cỏ voi có khả năng thích ứng với điều kiện thổ nhưỡng nơi đây. Với việc mở rộng diện tích trồng nguyên liệu phục vụ chăn nuôi bò sẽ tận dụng diện tích đất canh tác, nâng cao giá trị sử dụng đất, góp phần tạo việc làm và xóa đói giảm nghèo tại địa phương.
Việc triển khai mô hình trồng ngô sinh khối, trồng cỏ và trồng sắn để làm nguyên liệu phục vụ chăn nuôi của công ty TNHH Phú Lâm đang và sẽ mở ra hướng phát triển sản xuất mới cho bà con nông dân trên địa bàn TP Móng Cái.
Bà Nguyễn Thị Hải, Phó Phòng Kinh tế TP Móng Cái cho biết: “Để tạo điều kiện cho công ty TNHH Phú Lâm phát triển vùng nguyên liệu phục vụ chăn nuôi bò thì Phòng Kinh tế đã có nhiều giải pháp để đồng hành cũng doanh nghiệp.
Hiện nay, chúng tôi đang cùng với công ty vận động, tuyên truyền người dân khu vực dự án phối hợp triển khai mô hình trồng ngô, trồng sắn và cỏ voi cung cấp thức ăn cho bò, đây là mô hình liên kết giữa nhân dân với doanh nghiệp".
"Bên cạnh đó, việc phát triên vùng nguyên liệu cho công ty theo đúng mục tiêu phát triển sản phẩm an toàn và phát triển kinh tế xanh tuần hoàn đồng thời đẩy mạnh công tác chuyển đổi số ứng dụng hiệu quả trong quản lý sản xuất và phát triển vùng nguyên liệu cấp mã vùng để nâng cao chất lượng thịt bò và là đầu tàu trong phát triển vùng nguyên liệu phục vụ cho sản xuất bò thịt và lợn Móng Cái để đảm bảo chuỗi giá trị theo đề án đã được UBND TP Móng Cái phê duyệt”, bà Hải nhấn mạnh.
Hiện, Công ty TNHH Phú Lâm cũng đang triển khai tập huấn quy trình kỹ thuật, hỗ trợ 100% giống và 50% phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và bao tiêu toàn bộ sản phẩm nguyên liệu cung cấp cho chăn nuôi đối với các hộ dân tham gia mô hình nhằm khuyến khích nhân dân mở rộng diện tích trồng nguyên liệu để đáp ứng nhu cầu trong chăn nuôi và đem lại giá trị kinh tế cao cho người dân.