| Hotline: 0983.970.780

Con sông cội nguồn của những loài thực vật quý hiếm

Giống bưởi quả đẹp như ánh trăng rằm

Thứ Tư 24/08/2022 , 08:46 (GMT+7)

“Không chỉ ăn ngon, bưởi đường Quế Dương còn đẹp như trăng rằm trên trời vậy. Nhà nào lễ Tết cũng để hai quả hai bên ban thờ và đem vào chùa để cúng”.

Thứ quả của ký ức tuổi thơ

Tiến sĩ Nguyễn Khắc Quỳnh thuộc Trung tâm Tài nguyên Thực vật là một người con của làng Quế Dương (xã Cát Quế, huyện Hoài Đức, TP Hà Nội) nhớ lại cây bưởi đường Quế Dương đã gắn bó với tuổi thơ của mình, đến giờ đã hơn 60 tuổi anh vẫn giữ 5 cây trong vườn. “Thích nhất vào dịp rằm tháng Tám bày bưởi ngắm cỗ trông trăng hay dịp 20 tháng 11, quà xưa chẳng có gì ngoài quả bưởi học trò dành tặng biếu thầy cô. Khi thu hoạch mà ăn ngay thì chưa ngon, bưởi đường Quế Dương phải để 10 - 15 hôm cho lượng đường bên trong ổn định, sẽ ngọt hơn.

Nhiều nhà giữ quả lại đến Tết bằng cách tỉ mẩn đan những cái túi để treo quả bưởi lên cành, đề phòng gió mưa làm rụng. Cuối năm quả bưởi ngả màu vàng, dáng tròn to rất đẹp, thương lái tới trả 200.000 - 300.000 đồng nhưng thường dân làng không bán mà để cúng, để biếu những chỗ ân tình. Bưởi đường Quế Dương lau bằng rượu Quế Dương thì để được lâu hơn, vỏ sáng, hương tỏa ra thơm ngan ngát mấy cả gian nhà...

Empty

Cây bưởi đường Quế Dương thu 1 tấn quả của bà Thu ở thôn Cát Nổi, xã Yên Sở, huyện Hoài Đức. Ảnh: Tư liệu.

Nó còn có đặc tính chịu úng tuyệt vời trong họ cây có múi. Tôi nhớ trận lụt lịch sử năm 1971 (hay còn được biết đến với tên gọi đại hồng thủy 1971 ở miền Bắc làm 594 người thiệt mạng, khoảng 100.000 người ngập nhà cửa, thiệt hại về tài sản cực lớn - PV) hồi đó nhà còn ở ngoài bãi sông Đáy, ngập đúng 15 ngày, cây ổi vốn toàn trồng ven bờ ao ưa nước là thế còn chết nhưng bưởi đường Quế Dương thì không. Quả nào ngập sâu dưới nước mới bị thối, còn không thì vẫn cho thu hoạch, kịp cúng rằm tháng Tám. Thấy nó ngon, nó quý nên mỗi nhà ở làng đều giữ vài gốc, xưa có những cây tán to che tới nửa sào đất…”.

Khi so sánh một số chỉ tiêu về hình thái và chất lượng của bưởi đường Hoài Đức gồm 2 nguồn gen, chín sớm là bưởi đường Quế Dương, chín muộn là bưởi đường La Tinh với bưởi đường Soi Hà (Tuyên Quang) và bưởi đường Khả Lĩnh (Yên Bái) đã được Cục Sở hữu Trí tuệ cấp văn bằng bảo hộ cho thấy có sự khác biệt rõ ràng. Bưởi Quế Dương có khối lượng quả cao hơn hẳn, đẹp nổi bật, còn bưởi La Tinh có độ ngọt (Brix) vượt trội hơn hẳn so với các giống còn lại.

Empty

Một gốc bưởi đường Quế Dương khổng lồ còn sót lại. Ảnh: Dương Đình Tường.

Bưởi Quế Dương có nguồn gốc từ một cây bưởi thực sinh trong vườn của cụ Trần Thảo có cách đây hơn 100 năm tại thôn Tháp Thượng (nay gọi là thôn 7) xã Cát Quế, huyện Hoài Đức. Các cây bưởi Quế Dương đang được trồng trong xã Cát Quế hiện nay đều được người dân xác nhận có nguồn gốc từ cây bưởi tổ này. Cây bưởi tổ tuy đã chết nhưng hiện vẫn còn cây bưởi hàng cháu ở vườn cụ Minh ở thôn 9 được trồng vào năm 1945 tới giờ hơn 70 tuổi hiện vẫn phát triển xanh tốt, cho năng suất từ 400 - 450kg quả/năm.

Hiện nay trong xã còn nhiều cây 40 - 50 tuổi vẫn cho quả đều. Hàng năm khi đến vụ, nhiều khách thường đặt mua hàng trăm quả để về ăn dần vì họ cho rằng đây là loại hoa quả sạch, an toàn. Người dân chỉ cần xếp quả dưới nền nhà cao ráo cũng có thể để được từ tháng 10 năm nay đến tháng 5, tháng 6 năm sau.

Kỷ lục nhất tại thôn Cát Nổi 1 cây bưởi Quế Dương của bà Thọ từng cho tới 900 quả (tính ra khoảng 1 tấn quả). Uớc tính, mỗi sào trồng giống bưởi này có thể cho năng suất từ 1,5 - 2 tấn quả/năm. Giống đặc sản này còn được các hộ đi xây dựng kinh tế mới ở các huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang và Nho Quan, tỉnh Ninh Bình mang theo để trồng và chúng phát triển rất tốt, cho năng suất, chất lượng cao và đặc biệt ít bị sâu bệnh.

Empty

Hình dạng đẹp tuyệt vời của bưởi Quế Dương. Ảnh: Tư liệu.

Có hai mặt của vấn đề, như bưởi Diễn thích ứng rộng rãi, có thể trồng được ở nhiều nơi thì dễ mất đi tính chất đặc sản, còn những giống bưởi khác như La Tinh, Quế Dương có thể thích ứng hẹp thì lại giữ được tính chất đặc sản.

Một vùng bưởi đặc sản danh tiếng

Thống kê khu vực trồng bưởi thuộc chỉ dẫn địa lý Hoài Đức gồm 6 xã Dương Liễu, Cát Quế, Yên Sở, Đắc Sở, Song Phương, Đông La với tổng diện tích 479ha. Ở xã Cát Quế có bưởi Quế Dương với diện tích vào khoảng khoảng 10 - 15ha, sản lượng khoảng 200 - 300 tấn mỗi năm. Ở xã Đông La có bưởi La Tinh với diện tích khoảng 5 - 6ha, ở Yên Sở và Đắc Sở mỗi xã có 1 - 2 giống bưởi đường nhưng được trồng với quy mô nhỏ dưới 0,5ha.

Hoài Đức mong muốn có sản phẩm riêng để góp phần vào sự kiện kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long nên từ đầu năm 2009 đã giao Hội Nông dân huyện xây dựng dự án “Xây dựng mô hình bảo tồn và phát triển đa dạng các giống bưởi địa phương ở vùng sông Đáy huyện Hoài đức, thành phố Hà Nội”. Sau một thời gian xem xét đến cuối năm 2009 dự án chính thức được Chương trình tài trợ các dự án nhỏ Quỹ môi trường toàn cầu tại Việt Nam (GEF SGP) chấp thuận như một dự án góp phần vào lễ kỷ niệm năm 2010.

Empty

Cận cảnh một chùm bưởi đường Quế Dương. Ảnh: Tư liệu.

Sau 2 năm triển khai với sự trợ giúp của nhóm chuyên gia và địa phương, dự án đã phát hiện, tuyển chọn được giống bưởi Quế Dương ở xã Cát Quế có năng suất cao, chất lượng tốt góp phần đa dạng hóa nguồn gen bưởi đặc sản của Hà Nội. Nhóm chuyên gia còn thường xuyên thăm, tư vấn kỹ thuật cho các gia đình có nguồn gen cây ưu tú, cây đầu dòng, đảm bảo không chỉ cho quả hàng năm mà có chất lượng tốt và đặc biệt duy trì khả năng sinh trưởng phục vụ việc nhân giống.

Qua các cuộc thăm viếng này, những gia đình có vườn cảm thấy tự hào rằng họ đang lưu giữ nguồn gen quý quốc gia và được động viên quan tâm đầu tư, duy trì. Thêm vào đó, Trung tâm Phát triển Nông nghiệp Hà Nội cũng đã giúp đỡ cho huyện Hoài Đức xây dựng nhãn hiệu tập thể, làm các mô hình VietGAP, hữu cơ, lập mã số vùng trồng theo chuẩn OTAS cho những giống bưởi đường đặc sản ở đây. Thực tế cho thấy, trong suốt thời gian qua, chưa có nguồn gen bưởi địa phương nào được xác định lại bị người dân bỏ đi cả...

Empty

Múi bưởi đường Quế Dương. Ảnh: Tư liệu.

Có những năm rét đậm kéo dài đúng vào thời điểm bưởi ra hoa, trời âm u nhiệt độ nhiều ngày xuống dưới 15oC làm cho không kết quả được và nhiều cây phải ra hoa đến 4 lần làm kiệt sức, bị chết. Hiện tượng này xuất hiện ở nhiều hộ, nhất là trên giống bưởi Diễn, tuy vậy giống bưởi Quế Dương khỏe hơn, hiếm khi bị mất mùa.

Đặc biệt, qua theo dõi cho thấy vào thời kỳ ra hoa, giống bưởi Quế Dương có khả năng giúp thụ phấn bổ sung tốt cho các giống bưởi khác trồng quanh nó. Thời gian gần đây giống bưởi Diễn ở Hà Nội thường cho quả cách năm, thậm chí nhiều vườn 9 - 10 năm không cho quả, trong khi nếu được trồng gần giống bưởi Quế Dương thì tỷ lệ đậu quả hơn nhiều và năng suất cao, ổn định.

Tuy nhiên hiện nay trên thị trường do cạnh tranh với nhiều loại bưởi chín sớm như bưởi Soi Hà, bưởi Thồ… nên giá bưởi Quế Dương thấp hơn nhiều so với cách đây 6 - 7 năm, vì thế đã ảnh hưởng đến thu nhập của người trồng cũng như tâm lý nửa muốn giữ, nửa muốn bỏ của họ. Trong một động thái mới đây, huyện và Trung tâm Phát triển Nông nghiệp Hà Nội đang xây dựng chỉ dẫn địa lý chung cho bưởi đường Hoài Đức gồm 2 nguồn gen chín sớm là Quế Dương, chín muộn là La Tinh nhằm khẳng định danh tiếng, giá trị và tính ưu việt của chúng.  

Empty

Bưởi đường Quế Dương tại một cuộc triển lãm. Ảnh: Tư liệu.

Theo các chuyên gia, bưởi được coi như một loại “thần dược”, nhất là đối với bệnh nhân mắc tiểu đường nên cần thường xuyên ăn. Hấp dẫn hơn, khoa học đã chứng minh bưởi có khả năng làm giảm nguy cơ ung thư tuyến tiền liệt do có chứa một lượng lớn lycopene. Còn theo đông y, lá bưởi có vị đắng, cay, mùi thơm, tính ẩm, có tác dụng trừ hàn, tán khí, thông kinh lạc, giải cảm, trừ đờm, tiêu thực, hoạt huyết, tiêu sưng. Tắm nước lá bưởi giúp cho cơ thể giảm mệt mỏi, tăng cường sức đề kháng, giúp giải cảm tốt.

Theo số liệu thống kê của FAO năm 2018, hàng năm thế giới sản xuất khoảng 14 triệu tấn bưởi bao gồm 2 loại bưởi chùm (Citrus paradisi) và bưởi (Citrus grandis) trong đó chủ yếu là bưởi chùm. Sản xuất bưởi chùm tập trung ở các nước châu Mỹ, châu Âu dùng cho chế biến nước quả. Bưởi chủ yếu được sản xuất ở các nước châu Á như Trung Quốc đứng đầu thế giới với 5,1 triệu tấn (gồm cả bưởi chùm), thứ 2 là Việt Nam với 658 ngàn tấn, thứ 3 là Mexico với 460 ngàn tấn. Tuy vậy, năng suất bưởi của Việt Nam thuộc diện thấp, khoảng 12 tấn/ha, trong khi trung bình thế giới là 31 tấn/ha, cao nhất là Israel đạt 64 tấn/ha.

Xem thêm
Thủ tướng chỉ đạo đẩy mạnh chính sách tín dụng đối với lâm sản, thủy sản

Thủ tướng yêu cầu Bộ NN-PTNT chủ động chỉ đạo các giải pháp linh hoạt tháo gỡ khó khăn, bảo đảm sản xuất, thúc đẩy, tiêu thụ, xuất khẩu nông, lâm, thủy sản.

Siết chặt khai thác nước ngầm, bảo vệ 'túi' nước ngọt ở ĐBSCL

Nước ngầm - nguồn nước ngọt dự trữ lớn cho ĐBSCL đang đứng trước nguy cơ bị nhiễm mặn. Giải pháp lâu dài kiểm soát, ngăn chặn khai thác nước ngầm cần được tính toán.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).